Những ngày đầu tháng 6, Hà Nội râm ran tiếng ve, hơi nóng tỏa ra từ những khối bê tông khiến ai cũng muốn tìm một nơi để trốn.
Cả thành phố như mỏi mệt trong những cơn nắng đổ dài. Mấy hôm nay, những cơn mưa lắc rắc giải nhiệt đến vội vã, tuy ngắn ngủi nhưng cũng đủ làm không khí mát mẻ hơn chút đỉnh.
Mà ngộ, cả ngày oi nóng đến khùng cả người, được vài cơn gió hiếm hoi luồn lách qua các dãy nhà, phả ra từng cụm khí nóng nực, thế mà cứ hễ mưa là lại thèm ăn ốc.
Dù ốc nóng không phải là món ăn phù hợp nhất để thưởng thức trong mùa hè, nhưng nhiều người, trong đó có tôi vẫn bất chấp thời tiết bởi đã trót nghiện cảm giác cay xè tê tê nơi đầu lưỡi hòa với thịt ốc ngọt dai thơm hương sả.
Hà Nội có hàng nghìn quán ốc ngon, kiểu Hà Nội, kiểu Thái Lan, kiểu Sài Gòn... đủ cả, nhưng quán vừa ngon lại có người bán hàng có chất như quán ốc Thái Hà thì không nhiều.
Chẳng thế mà lượn một vòng Instagram, Facebook, dễ dàng thấy quán được check-in rần rần. Nghe đồn, ngoài món ốc làm đúng kiểu Hà Nội, quán còn có đặc sản là ông chủ hay đàn violin cho khách nghe.
Quán ốc hút khách cả người lớn lẫn trẻ nhỏ, bất chấp thời tiết nóng nực.
Ở đây nổi tiếng với món ốc luộc cùng nước chấm độc đáo hấp dẫn, ăn kèm sung muối, rau thơm... đủ cho một bữa quà chiều mát dạ.
Ngoài menu ngao, ốc, nem, trứng cút... phong phú thì quán còn có "đặc sản" quát mắng của ông chủ vui tính.
Dù ốc nóng không phải tuyệt phẩm của mùa hè, nhưng nhiều người vẫn bất chấp để thưởng thức, nghiện cảm giác cay xè tê tê nơi đầu lưỡi hòa với thịt ốc ngọt dai thơm hương sả.
Tôi tìm vào trong ngõ 41 Thái Hà, không khí chợt dịu mát hẳn.
Đang ngó ngó tấm biển chỉ dẫn "Oanh ốc" màu vàng bắt mắt, tôi cứ đinh ninh mình nhầm thì mấy cụ ông cụ bà ngồi chơi hóng mát gần đó bảo, Oanh là tên bà chủ - vợ của ông Sỹ kéo đàn, cứ yên tâm mà vào.
Ngõ bé tí nên không có chỗ để xe, phải xuống xe tắt máy, dắt cẩn thận, gọn gàng, nhờ mấy hiên nhà xung quanh và mấy cái ngách cũng bé ở gần đó.
Đi ăn ốc lê la mà cảm giác như đặt chân đến một nơi nào đó vừa lắm quy tắc, vừa e dè, chỉ sợ nghe thấy tiếng than phiền của người dân xung quanh.
Ấy thế mà vẫn rất nhiều người rủ nhau đến, vì tò mò như tôi, vì quen thuộc, hoặc vì lý do nào đó riêng tư.
Chưa vào quán đã nghe tiếng chỉ dẫn "ầm ầm" của ông chủ.
Cả quán chỉ đủ kê 4 bộ bàn ghế nhựa con con, tường quét vôi cũ, dán đầy những nội quy hài hước do ông chủ quán tự nghĩ ra.
Thấy tôi ngó nghiêng, một người đàn ông tóc bạc trắng mặc sơmi kaki xuề xòa liền cất giọng oang oang: "Ăn ốc hả cháu, vào đây". Đoán chừng đây chính là ông chủ "trong truyền thuyết", tôi hí hửng bắt chuyện.
Tưởng ông khó tính lắm, ai ngờ ông xởi lởi vô cùng. Mới lan man được vài câu đã bị ông quát: "Ăn gì gọi nhanh người ta còn làm".
Tôi chưa gọi xong, ông chủ đã lại cười tươi "chém gió" tiếp làm tôi chưng hửng, chẳng biết nên mừng hay mếu. Quả nhiên, mọi người đồn ốc đây ngon nhưng kèm thêm... "đặc sản" quát của ông chủ "khùng" là có thật.
Rảnh rỗi hoặc có khách yêu cầu, ông Sỹ lui cui vào nhà ôm chiếc violin ra quán.
Dáng vẻ quen thuộc của ông "nghệ sĩ vườn" đã quen thuộc với biết bao thực khách suốt 24 năm.
Ông vẫn giữ những thói quen cẩn thận, nâng niu cây đàn như vật báu.
Khi những thanh âm mềm mại réo rắt vang lên, người dân trong ngõ lại ló đầu ra như một thói quen, bầu không khí ồn ào trong quán cũng trầm lắng đi.
Hỏi ông vì sao lại nghĩ ra việc kéo đàn cho khách thưởng thức, biến cái quán ốc nho nhỏ của vợ chồng ông thành một quán cóc độc nhất vô nhị ở Hà Nội, ông xua tay lia lịa: "Gì mà cao siêu thế. Hồi xưa bán ốc ngoài mặt phố Thái Hà, tôi mang đàn ra ngoài đường đâu.
Chuyển vào trong nhà thì thỉnh thoảng tôi lôi đàn ra chơi, khách thấy hay hay liền yêu cầu bài này bài kia, hoặc họ thích bài nào thì tôi tập, lần sau họ tới tôi kéo cho họ nghe, dần dần thành quen. Người ta cứ đồn nhau vậy thôi chứ chẳng có ý tưởng quán ốc vi-ô-lin, vi-ô-lông gì cả".
Vừa trò chuyện, ông vừa tất bật đón khách vào quán, rồi rảo bước vào nhà ôm cái hộp đàn cũ kỹ quen thuộc ra cửa.
Ông khoe, nhà mình vốn gốc ở phố Khâm Thiên. Gia đình ông có 6 anh chị em, chẳng có ai theo nghiệp cầm ca, chỉ có mỗi mình ông, ngày nhỏ hay nghe bố hát chèo nên những làn điệu ấy ngấm vào máu từ lúc nào không biết.
Đến giờ 64 tuổi rồi, ông vẫn hay ngâm nga những giai điệu trong ký ức tuổi thơ, thậm chí biến tấu nó thành tác phẩm violin nghe là lạ.
Ông có cách xưng hô cậu - tớ với khách, nghe rất vui tai. Ông bảo: "Năm 17, 18 tuổi, tớ theo đoàn văn công học kéo đàn, đánh guitar, ban đầu để chào mừng các vị lãnh đạo, sau thì đi khắp nơi biểu diễn.
Được vài năm thì gặp gỡ rồi cưới bà nhà, chuyển về đây sinh sống. Năm 1993, vợ tớ mở quán ốc con con ngoài mặt đường Thái Hà, bán được chục năm không được ngồi vỉa hè nữa thì dọn về nhà bán.
Tuy hơi chật nhưng khách quen, khách quý vẫn ghé qua thường xuyên, từ hồi tớ hay kéo violin thì người ta rỉ tai nhau đến ăn càng nhiều. Quay đi quay lại cũng hơn 20 năm rồi".
Suốt bao năm qua, thực đơn của quán chẳng có mấy thay đổi. Vẫn là ốc quê thanh cảnh được vợ bác Sỹ lựa kỹ đều tay, ốc mít béo tròn hấp sả chanh thơm ngậy, trứng cút xào me cay ngọt đậm đà... giá chỉ từ 25.000 đồng/bát ốc, nem chua 5.000 đồng/cái.
Có chăng là món nem chua rán ở đây không giống những quán ăn vặt khác, phủ bột chiên xù tròn xoe, nêm gia vị rất đậm đà, do bác Oanh tự tay chế biến. Chỉ tốn vài chục cho đến 100.000 là đủ thỏa mãn cơn đói nhâm nhẩm buổi chiều.
Thực đơn của quán kèm theo cả tá "thông báo", nội quy do ông Sỹ tự đề ra, được thay mới không biết bao lần.
Vừa được ăn vừa được phục vụ "hòa nhạc" miễn phí, tiệm ốc bình dân bỗng biến thành nhà hàng Âu "xịn".
Tất cả mọi thứ đều được tính tiền, kể cả cốc trà đá cũng 3.000 đồng, nhưng thưởng thức nhạc thì free.
Từ trẻ con đến các chị các bà đều "nghiện" mấy món ăn vặt có tuổi đời 2 thập kỷ, và nghiện cả tài kéo vĩ cầm của ông chủ tóc bạc suốt ngày bị hàng xóm chọc là "khùng".
"Tớ vẫn nhớ ngày 20/2/2014, vừa Tết xong, trời vẫn lạnh, có đôi vợ chồng cùng con nhỏ đánh xe từ bên Long Biên sang ăn ốc buổi tối.
Họ bảo, đọc báo thấy bác trên đó, tò mò nên ghé qua, bác cho em nghe vài bản nhạc Trịnh Công Sơn. Anh chồng còn đứng lên hát theo mấy bài nữa cơ.
Xong xuôi ưng bụng anh liền dúi cho tôi 200 nghìn, bảo là em mừng tuổi bác, tôi không lấy, bởi vì đây không phải là biểu diễn xô chậu gì cả.
Nhưng cậu ấy cứ nằn nì mãi, tôi đành phải nhận, giờ vẫn còn giữ tờ 200 ấy, ghi cả ngày tháng bên trên.
Còn có một anh Việt kiều Đức nữa cơ, quê Hưng Yên, ở nước ngoài nhưng nghe đồn đại về quán ốc của tôi nên lặn lội một mình tới đây ăn.
Ăn xong, nghe nhạc xong, cậu rút ví ra bảo, em biếu bác 10 Euro. Sau này em còn gặp lại bác nữa. Gặp những vị khách như thế tôi thấy quý lắm rồi".
Nhiều vị khách quen gắn bó với món ốc ở quán ông Sỹ từ hồi bé tí hin.
Đến thế hệ con cháu họ lại tiếp tục "phải lòng" những thức quà vặt ngon lành ở đây.
Tiếng đàn và quán ốc của ông đã tiếp nối qua biết mấy thế hệ người Hà Nội.
Mỗi ngày quán mở từ 14 giờ đến 21 giờ, hàng trăm lượt khách đến rồi đi, có khách vãng lai nhưng cũng có người trân quý, khiến ông chủ cảm thấy tiệm ốc xoàng xĩnh của mình trở nên ý nghĩa biết bao.
"Khách toàn bảo khoái ăn ốc nhà tớ vì vừa được nghe đàn vừa được ăn ngon. Nó không giống như quán cafe, ngồi uống nước nghe nhạc rồi về, ở đây mọi người có thể yêu cầu bài nhạc họ thích, xong rồi tớ đưa đẩy đàm luận với họ vài ba câu, đọc thơ, kể chuyện, thú lắm".
"Cây violin cũ mà tớ được phát từ những năm 70 đã bị hỏng mất cách đây mấy năm rồi".
"Cây mới này tuy không mượt mà, không cổ bằng cây cũ, nhưng vẫn có thể thỏa mãn đam mê của mình là được rồi".
Bác Sỹ có một người con gái, không theo đuổi nghệ thuật, nhưng bác luôn tự hào vì cô có đôi tai thẩm âm rất tốt, lại học đàn rất nhanh, tài lẻ guitar không kém nghệ sĩ nào.
Ông chủ "khùng" thích nhất là nhạc Trịnh Công Sơn, bởi những triết lí sâu sắc, càng nghe càng thấy ngẫm ra nhiều điều về tình yêu, cuộc sống, thế gian xung quanh.
Bản thân ông cũng luôn tâm niệm rằng sống hiền hòa, không bon chen, an yên tự tại là cuộc đời chẳng còn gì hối tiếc.
Tôi bỗng bật cười, vặn vẹo lại rằng, tâm niệm vậy, sao miệng ông lại hay mắng khách thế. Ông vuốt lại mái tóc hói, bảo: "Ôi dào, tính tớ thế rồi.
Tớ nghệ sĩ thật, khùng khùng thật nhưng nguyên tắc rất rõ ràng, đến ăn uống là phải lịch sự, văn minh từ khoản gửi xe trở đi cơ. Ai vô ý thức thì tớ mới quát mắng, nhưng trong bụng mình đâu có ghét bỏ ai, nhiều người biết nên họ chỉ cười thôi, quen rồi.
Thêm nữa là lúc quán đông thì tớ phục vụ tối mắt tối mũi ra, lấy đâu thời gian mà cưa với kéo. Hoặc gặp phải khách không biết thưởng thức nhạc, thờ ơ thì tớ kéo đàn cho ai nghe? Thế nên là tùy lúc mới biểu diễn thôi.
Cây đàn cũ gắn bó với tớ mười mấy năm bị hỏng rồi. Mấy đứa trẻ con đến ăn, thấy cây đàn dựng ở tường nên nghịch ngợm làm gãy mất. Cây này là tớ được tặng. Tuy không nhiều kỉ niệm như trước nhưng với tớ được kéo đàn là mãn nguyện rồi".
Tớ chỉ mắng những người kém ý thức, và không biết thưởng thức âm nhạc thôi".
Người nghệ sĩ già đã đi quá nửa cuộc đời nhưng vẫn giữ nụ cười như thời trai trẻ.
Nhìn thấy vợ ông bưng khay ốc nóng hổi đầy đặn ra cho khách, tôi chợt tò mò: "Ngày xưa có phải nhờ mấy ngón đàn nên bác mới cưa đổ bác gái phải không ạ?".
Ông cười phá lên: "Quên đi, ngược lại nhé. Vì cái duyên mới thành vợ chồng thôi, chứ bà nhà tớ chả biết gì về nhạc lý, cũng không thích nghe nhạc.
Nhưng mà vợ tớ khéo lắm, đảm đang, tớ thương bà ấy vất vả nên mới bỏ việc ngoài để phụ giúp quán ốc".
Hàn huyên mê mải, quay ra trời đã sập tối. Quán chật kín khách từ bao giờ, lũ trẻ xinh xắn cười nói huyên náo cả con ngõ, những bà mẹ trẻ mặc quần đùi áo hoa ngồi vô tư khều ốc, chấm chấm mút mút, hoặc chăm chú đọc mấy tờ nội quy "tự chế" của ông Sỹ rồi bật cười.
Cảnh tượng thật gần gũi dễ thương.
Tôi dắt được cái xe ra thì ông đã đứng ở giữa ngõ từ bao giờ, tay cầm chiếc bánh ngô "chống đói" vì đang giờ cao điểm bận rộn. Cắn được miếng bánh, ông mỉm cười giơ tay chào tạm biệt tôi, gần gũi thân thiện như kiểu "ông bố quốc dân" vậy.