Ảnh hưởng của dịch Covid-19 khiến nhiều doanh nghiệp (DN) trên địa bàn tỉnh Bình Dương gặp khó khăn phải thu hẹp sản xuất hoặc tạm ngưng hoạt động. Thu nhập của người lao động (NLĐ) vì thế cũng bị giảm, nhiều người bị mất việc làm. Nhưng cũng trong mùa dịch, có DN coi khó khăn này là một thử thách để vượt qua, khẳng định mình.
Thắt lưng buộc bụng
Anh Phan Văn Thắng, công nhân (CN) một công ty may tại KCN Việt Nam - Singapore 1 (VSIP1; TP Thuận An), cho biết nhiều tháng nay, do DN khan hiếm đơn hàng nên anh chỉ làm việc 4-5 ngày/tuần, tiền lương chỉ hơn 5 triệu đồng/tháng.
Thu nhập chính giảm sút buộc anh phải tiết kiệm chi tiêu sinh hoạt hằng ngày. "Ở trọ 1 mình thì tốn kém nên tôi quyết định dọn về ở cùng một vài người bạn thân và cùng chia sẻ tiền nhà, điện nước. Phòng nhỏ thôi nhưng 5 anh em ở vẫn được. Ở đông góp tiền nấu ăn chung, vừa vui lại tiết kiệm" - anh Thắng cho biết.
Mất việc đột ngột và chưa tìm được việc làm mới nên anh Huỳnh Văn Chung (quê Cà Mau) phải chạy xe ôm để đắp đổi qua ngày. Do khách ít nên thu nhập bấp bênh, chi tiêu sinh hoạt trong gia đình phụ thuộc vào đồng lương CN của vợ (hơn 6 triệu đồng).
"Hạn chế ra ngoài và tiết kiệm tối đa chi tiêu thì gia đình tôi mới có thể trụ lại được trong lúc khó khăn. Chỉ mong dịch bệnh sớm được chấm dứt để tôi kiếm được việc làm" - anh Chung chia sẻ.
Công nhân Công ty TNHH Esquel Garment Manufacturing Việt Nam trong giờ làm việc
Những năm trước, thời gian này là cao điểm sản xuất nên các DN có nhu cầu tuyển lao động rất lớn. Năm nay, do ảnh hưởng dịch bệnh nên nhu cầu tuyển dụng của DN rất nhỏ giọt. Hiện mỗi ngày, Trung tâm Dịch vụ Việc làm tỉnh Bình Dương tiếp nhận bình quân trên 2.000 lượt người đến nộp hồ sơ đề nghị hưởng trợ cấp thất nghiệp và tư vấn giới thiệu việc làm.
Theo ông Nguyễn Thanh Phương, Phó Giám đốc Trung tâm Dịch vụ Việc làm Bình Dương, tình hình tuyển dụng lao động sẽ khởi sắc hơn khi các DN thâm dụng lao động tái khởi động sản xuất. Từ 27-4 đến nay, có 69 DN đến trung tâm đăng ký tuyển dụng 1.218 lao động, trong đó chủ yếu là lao động phổ thông.
An tâm làm việc
Bên cạnh tinh thần vượt khó của NLĐ, nhiều DN cũng tìm mọi cách để duy trì sản xuất nhằm ổn định việc làm và đời sống NLĐ.
Tại Công ty TNHH Esquel Garment Manufacturing Việt Nam (chuyên sản xuất hàng may mặc xuất khẩu; VSIP1), hoạt động sản xuất vẫn diễn ra bình thường như những ngày chưa có dịch. Hơn 6.000 CN vẫn được bảo đảm việc làm với thu nhập bình quân hơn 7 triệu đồng/người/tháng.
Ông Nguyễn Văn Lương, Tổng Giám đốc các nhà máy Esquel tại Bình Dương và Đồng Nai, cho biết: Thị trường xuất khẩu hàng hóa của công ty chủ yếu là Mỹ và các nước châu Âu. Những tháng qua, đại dịch Covid-19 xảy ra ở nhiều quốc gia trên thế giới đã làm ảnh hưởng đến hoạt động sản xuất kinh doanh của DN.
Lường trước khó khăn này và nắm bắt được nhu cầu thị trường, công ty đã mạnh dạn chuyển từ may mặc xuất khẩu sang may khẩu trang y tế để xuất khẩu và bán cho thị trường trong nước. Do vậy, hoạt động sản xuất kinh doanh của công ty vẫn diễn ra bình thường, việc làm và thu nhập của NLĐ luôn được bảo đảm.
Anh Nguyễn Ngọc Bảy, một CN gắn bó lâu năm tại DN bày tỏ: "Trong khi bạn bè ở cùng khu nhà trọ sống lay lắt do mất việc hoặc thiếu việc làm thì tôi may mắn vẫn có việc để làm với thu nhập ổn định. Đó là nỗ lực của ban giám đốc công ty và chúng tôi ghi nhận điều đó.
Sát cánh cùng DN, Công đoàn (CĐ) cơ sở đã có nhiều hoạt động chăm lo và bảo vệ sức khỏe cho NLĐ. Ngoài chủ động triển khai nhiều biện pháp phòng chống dịch, CĐ cơ sở còn phối hợp cùng ban giám đốc tặng hơn 6.000 phần quà (4 kg gạo/phần) cho CN.
"Siêu thị CĐ tại công ty bày bán các mặt hàng nhu yếu phẩm với giá thấp hơn thị trường để phục vụ CN… Đặc biệt, đối với CN có hoàn cảnh khó khăn, CĐ cơ sở tặng thêm một thùng mì gói và một phiếu mua hàng giảm giá tại siêu thị" - ông Tạ Kim Đoan, Chủ tịch CĐ Công ty TNHH Esquel Garment Mannufacturing Việt Nam, cho biết.
Lường trước những tác động tiêu cực từ dịch bệnh, ban giám đốc Công ty TNHH Điện tử Foster Việt Nam (VSIP2), đã chủ động được nguồn cung cấp nguyên liệu nhằm ổn định sản xuất. Nhờ vậy, hơn 900 CN có việc làm thường xuyên với thu nhập bình quân 7 triệu đồng/người/tháng (chưa tính tiền tăng ca).
Ông Nguyễn Trung Tính, Chủ tịch Công ty TNHH Điện tử Foster Việt Nam, cho biết CN làm việc từ thứ hai đến thứ bảy, chia làm 2 ca ngày và đêm.
Do đơn hàng dồi dào nên công ty vẫn duy trì hoạt động tăng ca để kịp hoàn thành. Dù tình hình dịch bệnh có chuyển biến tốt nhưng ban giám đốc và CĐ cũng không chủ quan, lơ là trong công tác phòng chống. Các hoạt động đo thân nhiệt, rửa tay sát khuẩn, phát khẩu trang y tế, bố trí ăn giãn cách… tiếp tục được duy trì và giám sát.
Bà TRƯƠNG THỊ BÍCH HẠNH, Chủ tịch LĐLĐ tỉnh Bình Dương:
Luôn nỗ lực chăm lo cho công nhân
Theo thống kê, tính đến ngày 11-5, đã có 270 DN có CĐ cơ sở bị ảnh hưởng trực tiếp bởi dịch Covid-19, khiến 140.650 đoàn viên, NLĐ phải ngừng việc, mất việc. Chủ động tìm kiếm nguồn nguyên liệu thay thế hoặc sản xuất thêm các mặt hàng mới nhằm ổn định việc làm, thu nhập cho NLĐ, nỗ lực ấy của các DN rất đáng ghi nhận. Đồng hành với DN, các cấp CĐ cơ sở cũng đã triển khai nhiều hoạt động chăm lo thiết thực như: tổ chức phiên chợ 0 đồng, bán hàng giảm giá, tặng quà… nhằm san sẻ khó khăn với đoàn viên - lao động.
Mới đây, LĐLĐ tỉnh đã được Tổng LĐLĐ Việt Nam chấp thuận cho sử dụng tài chính tích lũy cho đoàn viên, NLĐ vay ưu đãi thông qua hoạt động của 2 chi nhánh của Tổ chức Tài chính vi mô CEP tại Bình Dương. Gói vay hỗ trợ là 50 tỉ đồng. Đoàn viên, NLĐ có thể vay vốn giải quyết khó khăn đột xuất thông qua xác nhận của CĐ cơ sở và được nhân viên tín dụng CEP hướng dẫn cách sử dụng sao cho hiệu quả.