Giông tố lại bủa vây tập đoàn Samsung: 'Thái tử' Lee Jae Yong có nguy cơ phải ngồi tù lần 2

Vân Đàm |

Nếu 'thái tử" Lee lại phải vào tù, với Samsung, "không chỉ việc tái cấu trúc hệ thống quản lý mà những quyết định kinh doanh chủ chốt cũng sẽ bị ngừng lại".

Theo tờ Bloomberg, Tòa án tối cao Hàn Quốc ngày hôm nay đã yêu cầu xét xử lại vụ án của Phó chủ tịch tập đoàn Samsung Lee Jae Yong vì các cáo buộc hối lộ. Thông tin này khiến đế chế lớn nhất xứ Kim Chi một lần nữa rơi vào khủng hoảng.

Cụ thể, ngày hôm nay Tòa án tối cao Hàn Quốc đã ban hành quyết định hủy bỏ việc cho hoãn thi hành án tù 2,5 năm đối với "thái tử" Lee và chuyển hồ sơ vụ án xuống cho tòa cấp thấp hơn. Như vậy, nhiều khả năng ông Lee có thể một lần nữa ngồi tù, trước đó ông này cũng phải ngồi tù 1 năm sau khi bị bắt vào tháng 1/2017 và được thả vào năm 2018.

Ông Lee hiện 51 tuổi là sếp cấp cao nhất tại tập đoàn Samsung bị cáo buộc có liên quan tới cựu tổng thống bị phế truất Park Geun-hye khi đưa hối lộ 10 triệu USD để đổi lại chính quyền bà Park khi ấy đồng ý cho thương vụ sáp nhập giữa 2 chi nhánh trong tập đoàn giúp ông tăng quyền kiểm soát tại Samsung Electronics.

"Điều này có nghĩa là khả năng ông Lee lại phải vào tù tăng lên", theo Park Ju-gun – Chủ tịch công ty nghiên cứu CEOScore tại Seoul. Với Samsung, "không chỉ việc tái cấu trúc hệ thống quản lý mà những quyết định kinh doanh chủ chốt cũng sẽ bị ngừng lại".

"Thái tử" Lee đã lãnh đạo Samsung kể từ khi người cha đổ bệnh vào năm 2014. Với yêu cầu mới từ phía tòa án, ông Lee sẽ phải đối mặt với việc xét xử lại trong nhiều tháng trong bối cảnh Trung Quốc và Mỹ đang chứng kiến căng thẳng thương mại leo thang và Nhật Bản thì đang thắt chặt xuất khẩu những nguyên liệu chính cho Hàn Quốc. Chưa kể đến việc, thời điểm này Samsung cũng đang đối mặt với thực trạng lợi nhuận mảng chip nhớ và nhu cầu smartphone giảm mạnh.

"Samsung thực sự lấy làm tiếc vì đề này đã gây hoang mang lo lắng cho xã hội. Chúng tôi cam kết sẽ tiếp tục thực hiện đầy đủ trách nhiệm của một công dân và tránh xảy ra những lỗi lầm tương tự".

Cổ phiếu Samsung Electronics giảm 2,5% sau tuyên bố của phía tòa án.

Ông Lee hiện là người thừa kế sáng giá của tập đoàn Samsung – biểu tượng của xứ Kim Chi. Được thành lập năm 1938 bởi ông Lee Byung-chull, Samsung đã trở thành gã khổng lồ toàn cầu, nhà cung cấp chip nhớ lớn nhất thế giới và hãng điện thoại thông minh hàng đầu dưới thời Chủ tịch Lee Kun-hee. Ngôi sao của tập đoàn chính là Samsung Electronics – đơn vị chiếm hơn 80% trong tổng giá trị thị trường của toàn tập đoàn.

Trong lần bị tống giam đầu tiên, tội trạng của ông Lee liên quan tới thương vụ sáp nhập diễn ra vào năm 2015 giữa 2 chi nhánh Samsung nhằm cho ông Lee có lượng cổ phần lớn hơn ở Samsung Electronics. Các công tố cho rằng ông Lee đã đạt được thỏa thuận bằng cách hối lộ cho bà Park.

Đến lần này, Thẩm phán Kim Myeong-su đã nói rằng tòa án cấp thấp hơn sẽ xem xét thêm khả năng ông Lee có thể đã hối lộ 3 con ngựa và những hỗ trợ về tài chính khác cho trung tâm giáo dục thể thao được kiểm soát bởi người bạn thân của bà Park là Choi Soon-sil. Quyết định đó có thể làm làm tăng tội trạng cho ông Lee.

Samsung thì nói rằng thương vụ sáp nhập năm 2015 là nhằm tăng tính cạnh tranh cho tập đoàn và ông Lee đã một mực khẳng định thỏa thuận không giúp ông tăng quyền kiểm soát ở công ty.

Sau bê bối của bà Park, chính quyền tổng tống Moon Jae-in đã thắt chặt hơn việc loại bỏ quyền lực của các chaebol lớn trong nước. Tuy nhiên, nền kinh tế Hàn Quốc rơi vào khó khăn đã khiến chính phủ vẫn có những ưu ái nhất định giành cho Samsung. Bằng chứng là ông Lee đã liên tục tham gia cùng ông Moon trong những chuyến thăm đến Ấn Độ và Bình Nhưỡng ngay sau khi ra tù vào năm ngoái.

Dẫu vậy, Samsung vẫn còn phải giải quyết nhiều vấn đề pháp lý khác. Các công tố viên chưa đưa ra kết luận về việc điều tra gian lận kế toán tại Samsung Biologics, liên quan tới thương vụ sáp nhập năm 2015. Ông Lee cũng cần phải lên kế hoạch thừa kế khối tài sản của cha mình bao gồm 20,8% cổ phần tại Samsung Life Insurance – hoạt động có thể sẽ phải mất của ông khoản thuế thừa kế tới 7 tỷ USD.

"Trong những năm qua, Samsung đã liên tục đối mặt với những khó khăn cả trong lẫn ngoài và chúng tôi vẫn luôn dùng tất cả nỗ lực của mình để tập trung dẫn dắt những mảng kinh doanh mới trong tương lai. Trong một môi trường kinh tế đầy bất ổn và khó khăn như hiện nay, chúng tôi cần sự ủng hộ và khuyến khích để có thể vượt qua khó khăn và tiếp tục đóng góp cho nền kinh tế", tuyên bố của phía Samsung có đoạn.

Đường dây nóng: 0943 113 999

Soha
Báo lỗi cho Soha

*Vui lòng nhập đủ thông tin email hoặc số điện thoại