Giới trẻ Trung Quốc bất mãn trước nỗi ám ảnh "con nhà người ta" của bố mẹ: Bị kiểm soát, chăm sóc thái quá, không thể tự quyết định bất kỳ điều gì

HUỆ ANH |

Bố mẹ những đứa trẻ này được ví von như những "tay luyện gà" - luôn săn sóc và chăm lo con cái theo một cách rất "áp đặt".

Sau khi giành huy chương vàng Olympic Bắc Kinh 2022 ở bộ môn trượt tuyết tự do, Eileen Gu trở thành "con nhà người ta" trong mắt các bậc phụ huynh Trung Quốc. Tuy nhiên, mọi việc dường như đang đi quá xa và giới trẻ tại quốc gia đông dân nhất thế giới này đang phải kêu than trước những kỳ vọng thái quá của bố mẹ. Kỳ vọng đến nỗi phụ huynh Trung Quốc được ví von như những "tay luyện gà" – săn sóc và chăm lo con từng chút một.

Trước đây, Trung Quốc nổi tiếng với kiểu phụ huynh "cha mẹ hổ" - những người cực kỳ nghiêm khắc trong chuyện nuôi dạy con cái. Tuy nhiên, thế thời thay đổi, người dân giờ đây chuyển sang kiểu giáo dục mới mang tên "cha mẹ gà" (jiwa) – những người ôm tham vọng giúp con mình được phát triển toàn diện, hoàn hảo về mọi mặt. Họ được so sánh với bộ phận những "helicopter parents" (cha mẹ trực thăng) tại Mỹ - những bậc phụ huynh luôn "lơ lửng như máy bay trực thăng" để kiểm soát, theo dõi con cả ngày.

Thuật ngữ "bố mẹ gà" bắt nguồn từ một phương pháp điều trị dân gian tại Trung Quốc vào thập niên 1950: bơm tiết gà vào cơ thể. Họ tin rằng điều này có thể kích thích năng lượng và giúp cơ thể thêm khoẻ mạnh.

Vốn đã ôm kỳ vọng, các "bố mẹ gà" này giờ đây còn đặt ra nhiều tiêu chuẩn hơn sau hiệu ứng "Eileen Gu". Họ thề rằng sẽ thúc ép con mình học hành chăm chỉ để thành công được như cô gái vận động viên nọ.

Tuy nhiên, nhiều người đặt ra câu hỏi rằng liệu nỗ lực đó có thực sự ý nghĩa khi Eileen Gu thành công không chỉ nhờ tài năng mà còn bởi đặc quyền của tầng lớp giàu có.

"Thành công của Gu được tạo ra từ những gì tốt đẹp nhất giữa hai đất nước Mỹ-Trung. Điều đó không có sẵn cho hầu hết các gia đình thành thị", Ye Liu, nhà xã hội học tại King's College London cho biết.

Giới trẻ Trung Quốc bất mãn trước nỗi ám ảnh con nhà người ta của bố mẹ: Bị kiểm soát, chăm sóc thái quá, không thể tự quyết định bất kỳ điều gì - Ảnh 1.

Eileen Gu là một hình mẫu trong mắt "bố mẹ gà" tại Trung Quốc

Cha mẹ Trung Quốc từ lâu đã bị ám ảnh bởi việc định hướng con cái theo một hình mẫu cụ thể. Liu Yiting, người nổi tiếng toàn quốc nhờ suất học bổng tại đại học Harvard danh giá vào khoảng năm 2000 từng là một hình mẫu như vậy.

Cuốn sách được viết bởi cha mẹ Liu, ghi lại hành trình đưa nữ sinh này đến Ivy League, đã trở thành "kim chỉ nam" đối với các "cha mẹ gà".

"Có lẽ Liu đã bắt đầu cho phong trào jiwa. Sau khi cuốn sách được xuất bản, nhiều bậc cha mẹ thành thị đã áp dụng phong cách nuôi dạy này và hướng con đến những mục tiêu lớn lao trong sự nghiệp học tập", nhà xã hội học Ye Liu cho biết.

Tương tự như Liu Yiting, Eileen Gu cũng là một hình mẫu trong mắt "bố mẹ gà", song ở một tầm cao mới. Đơn giản là bởi Gu không chỉ học tập xuất sắc mà còn là người mẫu nổi tiếng, là vận động viên giành huy chương vàng.

Theo lời kể của mẹ Gu, cô gái này kết hợp rất khoa học giữa việc đến trường và tập luyện thể thao cuối tuần, song vẫn đảm bảo có thể ngủ hơn 10 tiếng/ngày. Điều này được cho là xa xỉ đối với nhiều trẻ em Trung Quốc, nơi việc học chính khóa và học thêm có thể bắt đầu lúc 7h sáng và kết thúc lúc 9h tối.

"Đằng sau một đứa trẻ hạnh phúc và người mẹ bao dung là những đặc ân và sự giàu có", nhà báo Feng Sheng nhận định.

Giới trẻ Trung Quốc bất mãn trước nỗi ám ảnh con nhà người ta của bố mẹ: Bị kiểm soát, chăm sóc thái quá, không thể tự quyết định bất kỳ điều gì - Ảnh 3.

Rất nhiều bài viết được chia sẻ trên khắp các trang mạng xã hội Trung Quốc với tiêu đề "Làm thế nào để trở thành Eileen Gu" hoặc "Làm thế nào để trở thành một người phụ nữ như mẹ của Gu". Đây đều là những mong muốn được các "cha mẹ gà" hướng tới, song không dễ để thực hiện.

"Thành công của Gu có có tác động lên tâm lý chúng ta hay không, tất cả phụ thuộc vào quan điểm giáo dục mỗi nhà. Không phải gia đình nào cũng có thể cho con một xuất phát điểm và điều kiện tuyệt vời như Gu được", một bà mẹ ở Thượng Hải cho biết. "Vậy nên, chúng tôi khá bình tĩnh khi nhìn vào thành công của Gu. Chúng tôi biết cô ấy có xuất phát điểm và con đường hoàn toàn khác so với con của mình".

Nguồn: Quartz

Đường dây nóng: 0943 113 999

Soha
Báo lỗi cho Soha

*Vui lòng nhập đủ thông tin email hoặc số điện thoại