Đã 8 năm kể từ khi rời Đài Loan với chút ít kinh nghiệm, Bevin Su đã đảm nhiệm vị trí quản lý một đội ngũ đảm bảo chất lượng của hơn 700 người tại nhà máy sản xuất của Nike tại Thành phố Hồ Chí Minh.
Su, 31 tuổi, cho biết: "Tôi sẽ không bao giờ có được cơ hội như vậy nếu còn ở Đài Loan, Trung Quốc". Gần đây, anh đã quay trở lại Đài Loan để thăm gia đình nhưng chia sẻ rằng, anh thích cuộc sống ở Việt Nam hơn.
Zoe Wu, trước đây từng làm việc với Su tại Dean Shoes, cho biết, cô chuyển đến làm việc tại nhà máy sản xuất giày dép ở Việt Nam sau khi thấy rằng mình không thể tiết kiệm được chút tiền nào với công việc trợ lý giao dịch tại một cửa hàng lưu niệm ở Đài Bắc.
Công ty hiện tại của cô không chỉ cung cấp các bữa ăn, nơi ở, dịch vụ dọn dẹp và giặt ủi, mà còn chu cấp 7 chuyến đi khứ hồi đến Đài Loan một năm và 55 ngày nghỉ có lương. Cô nói thật dễ dàng để có một khoản tiết kiệm lên đến hơn một nửa số tiền kiếm được, bởi chi phí sinh hoạt ở Việt Nam không hề cao.
Wu nói: "Tôi kiếm được gấp đôi so với những gì ở Đài Loan". Wu hiện là leader của nhóm hỗ trợ phát triển sản phẩm mới của Nike, Asics và New Balance.
"Thật dễ dàng để có thể tiết kiệm được 30.000 USD trong vòng 2 hoặc 3 năm. Đó là thứ mà tôi không bao giờ mơ đến nếu còn sống ở Đài Bắc."
Cũng như Su và Wu, hơn 110.000 người Đài Loan, Trung Quốc làm việc tại các quốc gia Đông Nam Á nói rằng họ nhận được mức lương cùng khả năng thăng tiến cao hơn nhiều so với khi làm việc quê nhà.
Trước đây, họ có thể đi làm ở đất nước của mình nhưng chi phí lao động tăng cao. Và hiện tại căng thẳng thương mại đang khiến các công ty của Đài Loan phải chuyển dây chuyền sản xuất sang nơi khác ví dụ như Việt Nam và Ấn Độ.
Su nói rằng mức lương khởi điểm của một cử nhân của Đài Loan làm việc tại Việt Nam là khoảng 1.140 USD mỗi tháng, và có thể tăng lên 1.500 và 1.600 sau thời gian thử việc. Trong khi ở quê nhà, họ chỉ nhận được 927 USD.
Hơn nữa, tình hình việc làm ở Đài Loan đang trở nên ngày một tệ hơn. Số lượng người trẻ thất nghiệp đã vượt quá mức 10% trong 9 năm liên tiếp, với tỷ lệ người từ 20-24 tuổi ở mức 12,8% trong tháng 8.
Những nền kinh tế như Việt Nam và Ấn Độ đạt mức tăng trưởng khoảng 7% mỗi năm và có thể ngày càng trở thành địa điểm hấp dẫn đối với người Đài Loan.
Theo số liệu từ Job Bank, cơ quan tuyển dụng trực tuyến hàng đầu Đài Loan, số người Đài Loan từ 25 đến 29 tuổi đến làm việc tại các nước Đông Nam Á đã tăng 62% trong 3 năm tính đến năm 2017. Số người nộp đơn tuyển dụng cũng tăng 33%, tương đương với 53.137 người.
Cuộc chiến thương mại đang leo thang giữa Washington và Bắc Kinh cũng là nguyên nhân khiến các công ty Đài Loan rời dây chuyền sản xuất khỏi Trung Quốc.
Karen Ma, một nhà nghiên cứu tại Viện nghiên cứu Công nghệ công nghiệp, cho biết: "Chúng tôi thấy một xu hướng rõ ràng của cả các công ty và công nhân, đó là họ đang đổ dồn đến khu vực Đông Nam Á. Môi trường kinh doanh ở Trung Quốc đang xấu dần và các công ty nhanh chóng mở rộng các địa điểm mới ra ngoài lãnh thổ nước này".
Michael Hsieh, giám đốc chiến lược của công ty thực phẩm Vedan International Holding, một trong những nhà đầu tư Đài Loan đầu tiên của Việt Nam, cho hay: "Chúng tôi nhận thấy ngày càng có nhiều công ty và người trẻ Đài Loan đến Việt Nam vào những năm gần đây. Đây thực sự là một thị trường khổng lồ."
Trở lại với Wu, cô chia sẻ, ngay từ ngày đầu tiên làm việc tại công ty sản xuất giày dép, cô đã "chìm sâu" vào công việc nhưng cho dù có căng thẳng thì công việc cũng giúp cô trưởng thành hơn và phát triển tính cạnh tranh.