Động thái của bà Pelosi được coi là một mối đe dọa trực tiếp đối với Trung Quốc. Bắc Kinh đã nhiều lần cảnh báo Mỹ rằng quân đội Trung Quốc sẽ không “ngồi yên” và “sẽ thực hiện các biện pháp đáp trả mạnh mẽ”.
Khi cộng đồng quốc tế đang dõi theo phản ứng của Trung Quốc, thì trong giới kinh doanh, các nhà sản xuất chip đã bắt đầu hứng chịu ảnh hưởng từ cuộc xung đột Mỹ - Trung về vấn đề Đài Loan.
Ngay từ khi thông tin về chuyến thăm của bà Pelosi mới chỉ là tin đồn, cổ phiếu của các công ty chất bán dẫn đã bắt đầu lao dốc.
Trong đó, cổ phiếu của công ty sản xuất chất bán dẫn Đài Loan (Trung Quốc) viết tắt là TSMC đã giảm 2,4% vào thứ Ba. Đây là nhà sản xuất chất bán dẫn lớn nhất và có giá trị nhất thế giới, trị giá 440 tỷ đô la. Cổ phiếu của các công ty cùng ngành ở Đài Loan (Trung Quốc) là United Microelectronics và MediaTek lần lượt giảm 3% và 1,6%. Trong khi đó, cổ phiếu của nhà sản xuất chip Intel của Mỹ giảm 1,5% trong cùng ngày.
Bà Pelosi đã gặp lãnh đạo Đài Loan (Trung Quốc) – bà Thái Anh Văn trong ngày 3/8 và các nhà đầu tư công nghệ đã theo dõi chặt chẽ động thái của bà cũng như bất kỳ dấu hiệu trả đũa nào từ Trung Quốc. Các nhà sản xuất chip - đặc biệt là các nhà sản xuất ở Đài Loan - có nguy cơ bị thiệt hại nếu quan hệ Mỹ và Trung Quốc chia rẽ hơn nữa.
Đài Loan (Trung Quốc) đóng một vai trò quan trọng trong chuỗi cung ứng chip toàn cầu, vì các nhà sản xuất của hòn đảo này là những nhà cung cấp chip tiên tiến. Các tập đoàn lớn từ Apple đến Intel và Tesla đều phụ thuộc vào Đài Loan (Trung Quốc) để sản xuất điện thoại thông minh, bộ vi xử lý máy tính và chip trí thông minh nhân tạo để lái xe tự động. Và sự thống trị của Đài Loan (Trung Quốc) trong lĩnh vực sản xuất chip đang ngày càng trở nên mạnh mẽ hơn, khi các nhà sản xuất ở hòn đảo này dự kiến tăng thị phần toàn cầu của họ lên 66% trong năm nay. Điều đó có nghĩa là bất kỳ động thái trả đũa nào của Trung Quốc cũng sẽ làm gián đoạn nghiêm trọng chuỗi cung ứng chip toàn cầu.
Mark Liu, Chủ tịch TSMC, cho biết trong một cuộc phỏng vấn với CNN rằng các hoạt động sản xuất phức tạp của công ty dựa trên các liên kết toàn cầu theo thời gian thực. Vì vậy, bất kỳ động thái nào làm ảnh hưởng đến TSMC cũng sẽ khiến các nhà máy của công ty rơi vào tình trạng tê liệt, tạo ra “tình trạng hỗn loạn kinh tế”, và hầu hết các thành phần chip tiên tiến trên thế giới sẽ biến mất.
Ngoài ra, Mark Williams, chuyên gia kinh tế từ công ty nghiên cứu Capital Economics nhận định Bắc Kinh cũng có thể trả đũa Mỹ và Đài Loan (Trung Quốc) bằng cách bao vây hòn đảo này và kiểm soát những loại hàng hóa, những đối tượng được phép ra vào, bao gồm cả nguồn cung cấp chip.
“Viễn cảnh nguồn cung chip bị gián đoạn hoặc cắt đứt trong tương lai gần sẽ kích động hoạt động mua sắm và tích trữ một cách hoảng loạn”, ông Williams nói.