Theo đài RT của Nga và trang Hungary Today, Thủ tướng Hungary Viktor Orban hôm 1/8 vừa đăng một bài viết trên Facebook với hàm ý rằng Liên minh châu Âu (EU) không thể ra lệnh cho các thành viên trong các vấn đề của châu lục này.
Ông Orban cho hay, sự đoàn kết ở châu Âu không phải là điều mà các quốc gia thành viên phải tuân theo, mà đây chính là thứ có được nhờ đóng góp của họ.
"Brussels không phải là ông chủ của chúng tôi (Hungary)", ông Orban nói rằng Hungary là "một quốc gia Hungary độc lập, có chủ quyền. Chúng tôi đưa ra quyết định cùng nhau."
Ông Orban nói thêm: "Nếu chúng tôi gặp bất lợi vì quyết định của EU, thì chúng tôi sẽ có ý kiến với họ. Nhưng nếu chúng tôi phải đối mặt với tình huống bất lợi mà vẫn có thể ngăn cản được, thì chúng tôi sẽ ngăn khối này đạt được đồng thuận."
Nhà lãnh đạo Hungary khẳng định: "EU không chỉ tồn tại ở Brussels, mà liên minh này phụ thuộc vào Vienna, Budapest và Warsaw, Berlin và Madrid."
Thủ tướng Orban là nhân vật rất được chú ý trong thời gian gần đây, do ông thường xuyên có những tuyên bố trái chiều với các chính sách của phương Tây.
Tuyên bố của ông Orban có vẻ như đang ám chỉ đến kế hoạch "tự nguyện cắt giảm" 15% lượng khí đốt tiêu thụ vừa được các nước thành viên EU thông qua hôm 26/7 với đa số phiếu thuận, ngoại trừ một số ngoại lệ bao gồm Hungary.
Hungary nhất quyết phản đối kế hoạch cắt giảm của EU do quốc gia này phụ thuộc nhiều vào Nga về nguồn cung dầu mỏ (65%) và khí đốt (80%).
Thủ tướng Orban hôm 28/7 cho biết Hungary có chính sách năng lượng riêng, và bất kỳ nỗ lực can thiệp nào của Brussels đều có thể gây bất lợi cho người dân nước này: "Nếu Brussels lên tiếng can thiệp vào chính sách năng lượng của Hungary, thì bất kể ý định của họ là tốt hay xấu, họ cũng không làm điều đó vì lợi ích của người Hungary".
Ngoại trưởng Hungary Peter Szijjarto mới đây đã tới Moskva để thảo luận về hợp đồng mua thêm 700 triệu mét khối khí đốt - tương đương 6,7% tổng lượng khí đốt Hungary tiêu thụ trong năm 2020.
Thủ tướng Hungary nhấn mạnh rằng việc mua bổ sung khí đốt là điều cần thiết để đảm bảo an ninh năng lượng của nước này, và "sẽ tốt hơn nếu Hungary có thể dựa vào chính mình" thay vì dựa vào Brussels.
Kế hoạch chưa từng có tiền lệ của EU
Hôm 26/7, các bộ trưởng năng lượng của EU đã nhất trí về một kế hoạch "tự nguyện cắt giảm lượng khí đốt tiêu thụ" chưa từng có tiền lệ trong lịch sử.
Kế hoạch tự nguyện cắt giảm này sẽ được áp dụng từ tháng 8/2022 đến mùa xuân năm 2023, kèm theo một số điều khoản miễn trừ dành cho một số quốc gia.
The Guardian cho biết hầu hết các bộ trưởng năng lượng của 27 quốc gia thành viên EU đều ủng hộ kế hoạch tự nguyện cắt giảm 15% lượng khí đốt sử dụng trong mùa đông.
Tuy nhiên, RT dẫn nguồn đài truyền hình Tây Ban Nha La Sexta cho hay Tây Ban Nha và Bồ Đào Nha không hài lòng về thỏa thuận này và đã đàm phán cắt giảm 7% thay vì 15%. Ngoài Cyprus, Ireland và Malta (3 quốc gia không kết nối với mạng lưới khí đốt của EU), và các quốc gia vùng Baltic cũng được miễn trừ.
Reuters cho biết Hungary cũng phản đối kế hoạch này do phụ thuộc rất nhiều vào khí đốt của Nga.
Nguồn tổng hợp: RT, Hungary Today