Giới khoa học cãi nhau nảy lửa chỉ vì một con ruồi xinh đẹp

Dink |

Câu thành ngữ "chuyện bé xé ra to" hoàn toàn đúng với trường hợp này: Các nhà khoa học cãi nhau ỏm tỏi chỉ vì con ruồi nhỏ bé (nhưng xinh đẹp) Marleyimyia xylocopae với dải màu vàng phần lưng, mắt to dễ thương...

Con ruồi là đầu câu chuyện

Câu thành ngữ "chuyện bé xé ra to" hoàn toàn đúng với trường hợp này: các nhà khoa học cãi nhau ỏm tỏi chỉ vì con ruồi nhỏ bé (nhưng xinh đẹp) Marleyimyia xylocopae với dải màu vàng phần lưng, mắt to dễ thương, cánh điểm ánh xanh dương – một sinh vật hoàn toàn đáng yêu mỗi tội thuộc giống loài ruồi khó ưa.

Khổ nỗi, bằng chứng cho sự đẹp đẽ kia chỉ là một tấm ảnh và tấm ảnh đó cũng là bằng chứng duy nhất chứng minh cho sự tồn tại của loài ruồi này.

Năm 2015, tại Công viên bảo tồn Ndumo ờ Nam Phi, nhà phân loại giống loài Stephen Marshall cố gắng thu thập mẫu vật của loài ruồi xinh đẹp này, bắt được chúng vào trong một chiếc lọ nhưng lại để xổng mất khi ông đóng nắp lọ không cẩn thận.

Giới khoa học cãi nhau nảy lửa chỉ vì một con ruồi xinh đẹp - Ảnh 1.

Hình ảnh duy nhất về con ruồi đó đây.

Vào ngày 5 tháng 10 cùng năm đó, ông Marshall và cộng sự của mình, nhà khoa học Neal Evenhuis đã có một giây phút "tặc lưỡi cho qua", phá bỏ luật bất thành văn của giới khoa học, sinh vật học: họ đặt tên cho con ruồi xinh đẹp kia mà chỉ sử dụng tấm ảnh chụp lại làm bằng chứng tồn tại của nó.

Trong ngành sinh học, tầm quan trọng của một loài có thể lên tới mức linh thiêng, đâu phải tự nhiên mà có được giới sinh vật như ngày hôm nay? Từ một mẫu sinh vật, ta có được hình thái học, ta có được ADN. Đó mới là cách hoạt động của ngành động vật học.

Các nhà khoa học đi tìm những cá thể mà họ cho là một loài sinh vật mới, bắt về, viết ra một bản cáo cáo, ghi chú lại cho các trường đại học, các bảo tàng lịch sử để cho các nhà nghiên cứu có cơ hội tìm hiểu và tìm ví dụ. 

Việc mà hai nhà khoa học Marshall và Evenhuis đặt tên mà không cần mẫu trên tay đã làm giới khoa học bất bình và họ lại càng bất bình hơn khi hai nhà khoa học cho rằng việc phân loại sinh vật dựa trên ảnh càng ngày phải càng rộng rãi hơn nữa, vì chúng ta đang sống trong thời đại của những bức ảnh tuyệt vời với độ phân giải cực cao.

Giới khoa học cãi nhau nảy lửa chỉ vì một con ruồi xinh đẹp - Ảnh 2.

Công nghệ ngày một hiện đại cho ta ảnh ngày một nét.

Không biết là cố tình hay chỉ viết theo đúng tính chất bản báo cáo, Marshall và Evenhuis đặt tên chủ đề cho nghiên cứu của mình là “Xác định loài mới nhưng không cần mẫu vật: Một phương pháp mô tả sinh vật chỉ dựa vào ảnh”.

Chúng tôi đã rất thận trọng trong việc đặt tiêu đề bản nghiên cứu trên”, ông Marshall nói. “Và chúng tôi biết rằng sẽ có những ý kiến trái chiều về việc này”.

Họ đúng ở khoản này. Các nhà phân loại học trên toàn thế giới đã có những cuộc tranh luận gay gắt, chủ yếu là chỉ trích phương pháp này. Một con ruồi đã mở ra một khe nứt không đáy chia cắt hai trường phái xác định và phân loại sinh vật.

Rất nhiều thành viên trong cộng đồng dậy sóng trước màn đặt tên trái khoáy kia, nhưng bên cạnh đó, vẫn có rất nhiều người ủng hộ. 

Vậy chẳng lẽ họ lại đồng ý với một phương pháp phản khoa học? Thực ra là không, bởi lẽ theo các luật của ngành động vật học, ông Marshall và người đồng nghiệp Evenhuis chẳng làm gì sai cả.

Trận chiến giữa các nhà khoa học đầu to mắt cận

Cộng đồng phân loại học động vật lại dậy sóng một lần nữa, khi mà trang khoa học uy tín Nature đưa ra một bài báo về việc tựa game phá vỡ hàng loạt kỉ lục Pokemon Go có thể “làm thay đổi ngành phân loại học”. 

Lượng người chơi đông đảo, ai ai cũng tràn ra đường với một chiếc điện thoại trên tay, rất có thể họ sẽ chụp được bức ảnh nào đó của một loài sinh vật mới.

Giới khoa học cãi nhau nảy lửa chỉ vì một con ruồi xinh đẹp - Ảnh 3.

Ai còn nhớ? Hay ai ai cũng quên?

Nhưng dựa theo những gì mà cộng đồng này phản ứng với bản nghiên cứu của Marshall và Evenhuis, chắc hẳn bạn cũng có thể đoán ra được các nhà phân loại học nghĩ gì về ý tưởng “chụp ảnh động vật để xác định giống loài” này.

Ông Thomas Pape, người đứng đầu nhóm phát hành cuốn Luật Quốc tế trong Cách đặt danh pháp khoa học của Ngành động vật học - một cuốn cẩm nang hướng dẫn cách đặt tên loài, lại cung cấp một cái nhìn nữa. 

Ông cũng với 34 người khác đã ký kết và đứng ra bảo vệ cái ý tưởng mới mẻ của thời đại công nghệ kia: ông cho rằng việc đặt tên loài ruồi kia được dựa trên những yếu tố phù hợp, lời giải thích cho trường hợp đặt tên mà không có mẫu vật này hoàn toàn chấp nhận được.

Bên cạnh đó, cuốn cẩm nang hướng dẫn cách đặt tên của Thomas Pape cũng đưa ra những lời chỉ dẫn cho các nhà sinh vật học có thể đặt tên mà không cần tới một mẫu vật thực sự. 

Vì thế, theo ông Pape, những gì Marshall và Evenhuis làm là hoàn toàn hợp tình hợp lý, con ruồi kia cũng phải được xác nhận là có thực. Thực theo kiểu đã được xác minh bởi các nhà khoa học.

Giới khoa học cãi nhau nảy lửa chỉ vì một con ruồi xinh đẹp - Ảnh 4.

Danh pháp khoa học của các loài khác nhau.

Xuất bản sách về việc đặt tên mà không cần mẫu vật? Một chủ đề chắc chắn đã làm nóng máu rất rất nhiều nhà phân loại động vật. 

Một bài phàn nàn được đăng tải trên nhóm Facebook của Bộ sưu tập Lịch sử Tự nhiên đã thu hút được rất nhiều người ủng hộ cũng như những người phản đối phương pháp đặt tên thông qua ảnh.

Trên đó, hai nhà nghiên cứu Eliécer Gutiérrez và Christopher Mah đều tới từ Bảo tàng tự nhiên Quốc gia đã “tranh luận” rất sôi nổi về vấn đề này. 

Đây là một sự lựa chọn cho những người cần nhiều hơn là một cái xác động vật ở đâu đó”, anh Mah viết. “Nếu người khác không muốn sử dụng phương pháp này .. thì đừng có làm”.

Anh Gutiérrez phản pháo rằng nếu dựa trên những bức ảnh để xếp loại động vật như vậy, thì “khoa học” cũng sẽ chẳng khác gì cuộc đi săn sinh vật huyền bí như quái vật hồ Loch Ness.

Nếu như bạn nghĩ rằng cuộc tranh luận không khoan nhượng này chỉ diễn ra trên mạng xã hội (Facebook, Twitter, ...) thì bạn đã nhầm, bạn không hiểu các nhà khoa học làm việc như thế nào rồi (dù mấy ai hiểu được?).

Những người phản đối việc phân loại sinh vật qua ảnh trả lời cuốn cẩm nang hướng dẫn của giáo sư Pape rằng “Việc phân loại sinh vật dựa vào ảnh không là một hành động không thích đáng, không cần thiết và có nguy cơ gây hại tới toàn bộ ngành sinh vật học”. 

Ý kiến phản đối trên được gần 500 người lên tiếng ủng hộ (cũng như bài post được 500 likes trên Facebook vậy, có điều nó có giá trị hơn).

Giới khoa học cãi nhau nảy lửa chỉ vì một con ruồi xinh đẹp - Ảnh 5.

Loài Locherious Nessinary?

Họ cho rằng một hình ảnh hai chiều của một con vật sẽ không bao giờ có thể có được độ tin cậy của một mẫu vật thực mà người ta có thể cầm trên tay cả.

 “Một bức ảnh đẹp sẽ cho ta thấy những khía cạnh về hình ảnh của một con vật, nhưng ta sẽ không bao giờ xác định được đặc tính của nó một cách chính xác”, anh Gutiérrezm đồng tác giả (không ngạc nhiên lắm) của bản nghiên cứu phản pháo. 

Ta sẽ không biết được những đặc tính rất nhỏ trên cơ thể chúng, những tính chất bên trong cơ thể sinh vật và hiển nhiên, ta không biết được ADN của chúng”.

Trên ResearchGate, mạng xã hội của các nhà khoa học (vâng, các nhà khoa học cũng có mạng xã hội của riêng mình), phần bình luận bên dưới các bản nghiên cứu này đều khá ... hằn học. 

Nếu như ta chấp nhận việc phân loại sinh vật dựa trên hình ảnh, sao không chấp nhận cả việc phân loại bằng phương pháp vẽ truyền thần đi?”.

Trăm nghe không bằng một thấy - Nhưng liệu trăm thấy có bằng một sờ?

Gạt “cuộc chiến đẫm máu” này sang bên cạnh, những người phản đối việc phân loại động vật qua ảnh này không lo lắng lắm về một con ruồi xinh đẹp ở Nam Phi, họ đang lo sợ về việc ý tưởng này sẽ dần trở thành một mảng quan trọng trong ngành phân loại động vật.

Nó như một chiếc hộp Pandora vậy, những mối nguy vượt rất xa mọi lợi ích có thể mang về được”, Luis Ceríaco từ Bảo tàng Quốc gia về Lịch sử tự nhiên và khoa học nói. 

Bất cứ một nhà phân loại sinh học cẩu thả nào sẽ chỉnh sửa một bức ảnh và từ đó, ‘tạo’ ra một loài sinh vật hoàn toàn mới – thêm vảy, đổi màu, phóng đại kích cỡ thân thể sinh vật, v.v...”.

Điều đó đúng, xét tới việc ngành khoa học có không ít những nhà nghiên cứu non nớt hay cẩu thả và xét tới cả việc chỉnh sửa ảnh là một thao tác cực kì dễ dàng trong thời đại công nghệ cao này.

Giới khoa học cãi nhau nảy lửa chỉ vì một con ruồi xinh đẹp - Ảnh 6.

Tỉ lệ xảy ra điều màu nhiệm giảm mạnh vào cái ngày máy ảnh trở nên phổ biến nhưng lại tăng trở lại cái ngày photoshop lên ngôi.

Dù đúng là chưa có sự việc đáng tiếc như vậy xảy ra nhưng nó hoàn toàn CÓ THỂ xảy ra. Cộng đồng chống sử dụng ảnh để phân loại sinh vật khẳng định chắc nịch như vậy. Và không phải là cộng đồng đang sợ hãi hoảng loạn bởi một con ruồi đâu, họ cũng có ý đúng khi nghĩ vậy.

Thời đại này, một nhà phân loại sinh vật nghiệp dư có thể dễ dàng viết ra một bài báo cáo khoa học rồi đăng tải nó, tự đặt tên cho giống loài mới đó, chỉnh sửa ảnh làm tư liệu, ... Lý do duy nhất ngăn những kẻ phá hoại này lại là nếu như làm vậy, họ sẽ chỉ tự bêu riếu bản thân mà thôi.

Nhưng, trái với những gì nhiều người nghĩ, việc giải quyết những vấn đề còn tồn đọng không nằm ở việc cấm hoàn toàn việc sử dụng ảnh. 

Đó là những gì Doug Yanega, ủy viên của Ủy ban Danh pháp Sinh vật học Quốc tế cho hay. Việc cần làm là thay đổi quy chế xem xét và thẩm định các bản nghiên cứu được gửi lên, ta cần một hệ thống thẩm định mở thay thế cho hệ thống xét duyệt đã quá cũ hiện nay.

Cho tới khi cộng đồng phân loại sinh vật có thể tìm ra một cách thức giải quyết vấn đề êm đẹp, thì việc xác định giống loài động vật thông qua ảnh vẫn là một phương pháp rất cần thiết ngoài thực địa. 

Ta đều muốn có những mẫu vật xinh đẹp và được bảo toàn nguyên vẹn trong lòng bàn tay, để có thể nghiên cứu kĩ càng”, giáo sư Pape nói. Nhưng đây không phải là thế giới hoàn hảo.

Giới khoa học cãi nhau nảy lửa chỉ vì một con ruồi xinh đẹp - Ảnh 7.

Trong môi trường thực địa, công việc khá phức tạo và lằng nhằng. Như trong trường hợp của hai nhà nghiên cứu Marshall và Evenhuis với con ruồi xinh đẹp kia, đối tượng nghiên cứu của họ là một con vật có cánh và vô cùng nhanh nhẹn. 

Ví dụ như ở vùng biển sâu, có thể hình ảnh của một giống loài mới chỉ hiện hình thoảng qua trong một cú lướt camera. Nếu bạn định bắt một con sứa hay một số động vật giáp xác nhỏ về để nghiên cứu thì chúc may mắn, những con vật đó gần như là tan ra thành nước khi được vớt lên bằng lưới.

Những nhà sinh học làm việc ngoài thực địa sẽ phải làm việc với bất kì những gì họ có thể có được và bên cạnh đó, việc xác định giống loài dựa trên chỉ một bức ảnh cũng không phải là chuyện thường xuyên diễn ra để mà cấm đoán. 

Nếu như tấm ảnh có chất lượng đủ cao, chúng ta hoàn toàn có thể đưa ra quyết định và ta cũng có thể sử dụng hình ảnh ấy như một ví dụ cụ thể về loài vật được xác định”, ông Pape nói.

Đây là một cuộc tranh cãi nảy lửa nhưng đặc biệt cần thiết, ta đang nhìn thấy quá nhiều giống loài ra đi “chỉ trong một nốt nhạc”. Việc đặt tên cho chúng là rất quan trọng, làm sao có thể tiến hành bảo tồn một loài không có tên được? 

Không tiến hành nhanh thì chắc ta cũng chẳng còn cả loài để mà bảo tồn, chứ đừng nói tới mang mẫu vật về nghiên cứu. Điều đó có nghĩa là, ta cần phải sử dụng bất kì bằng chứng chứng minh sinh vật tồn tại mà ta có thể có được.

Có một ví dụ rất điển hình là vào năm 2013, đó là khi các nhà khoa học tại Oman chụp được một số hình ảnh và ghi lại được một số âm thanh mà họ cho là thuộc về một loài cú mới. 

Họ không thể có được mẫu vật loài chim này vì hai lý do, những lý do được xếp hẳn vào một hạng mục trong báo cáo nghiên cứu của họ.

Rằng những loài chim này sống trên vách núi rất hiểm trở và chúng chỉ ra ngoài vào ban đêm, và rằng họ ước tính chỉ có 6 hoặc 7 cá thể cú này trên thế giới, việc bắt về một mẫu sinh vật sẽ gây nguy hại cho giống loài cú hiếm này.

Bên cạnh đó, luật pháp nhiều nơi cấm hoàn toàn việc thu thập mẫu sinh vật, bất kể đó là các nhà nghiên cứu hay bọn thợ săn thú quý hiếm. Tất cả những gì các nhà khoa học có thể mang về chỉ là những tấm ảnh chụp.

Cuộc chiến này có vẻ vẫn còn dài và đầy gian truân, nhưng thế mới thấy, con người chúng ta cũng làm mọi cách để bảo tồn các loài sinh vật đấy chứ? 

Chúng ta rất coi trọng những sản phẩm mà tự nhiên đã nhào nặn ra, đến mức việc đặt tên ruồi không cần mẫu vật cũng khiến toàn bộ giới khoa học nhảy dựng lên.

Cuối cùng thì, con người cũng không xấu xa như chúng ta tưởng.

Tham khảo Wired

Đường dây nóng: 0943 113 999

Soha
Báo lỗi cho Soha

*Vui lòng nhập đủ thông tin email hoặc số điện thoại