Cơ quan quản lý ngành công nghệ thông tin Trung Quốc đang cân nhắc về án phạt cao kỷ lục với công ty sở hữu ứng dụng gọi xe Didi Global sau khi công ty này tiến hành đợt chào bán cổ phiếu lần đầu ra công chúng (IPO) gây tranh cãi vào tháng trước, theo những người có nguồn tin thân cận với vụ việc mà Bloomberg tiếp cận được.
Cơ quan quản lý cho rằng việc công ty ứng dụng gọi xe này vẫn tiến hành IPO mà không nhận được sự ủng hộ của Cơ quan quản lý công nghệ Trung Quốc (CAC) có thể coi như đang “thách thức” Bắc Kinh. Quan chức thuộc CAC, Bộ An ninh Trung Quốc, Bộ Tài nguyên Trung Quốc cũng các cơ quan thuế, chống độc quyền đã bắt đầu cuộc điều tra tại các văn phòng của Didi Global.
Cơ quan quản lý Trung Quốc đang cân nhắc đến nhiều khả năng trừng phạt, trong đó có việc trì hoãn một số hoạt động của công ty, không chấp nhận cho nhà đầu tư nhà nước tham gia vào đợt IPO, hoặc phạt công ty này. Một khả năng có thể được tính đến là buộc Didi Global phải hủy niêm yết cổ phiếu tại Mỹ dù rằng hiện chưa rõ nếu kịch bản đó xảy ra, mọi chuyện sẽ ra sao.
Hiện nay, các cuộc điều tra mới chỉ ở giai đoạn ban đầu, kết quả còn chưa chắc chắn. Bắc Kinh nhiều khả năng sẽ phạt Didi Global mạnh tay hơn rất nhiều so với Alibaba Group Holding, công ty hiện đang nhận án phạt kỷ lục 2,8 tỷ USD sau cuộc điều tra chống độc quyền kéo dài nhiều tháng, công tyt cũng đã phải chấp nhận đưa ra các biện pháp nhằm bảo vệ nhà kinh doanh và khách hàng.
Sau loạt thông tin bất lợi, cổ phiếu Didi Global giảm 11% và đóng cửa ở mức 10,20USD/cổ phiếu trên thị trường New York. Giá IPO của cổ phiếu Didi Global là 14USD/cổ phiếu.
Đợt IPO của Didi Global dường như đã có thành công lớn ban đầu khi mà công ty này huy động về 4,4 tỷ USD sau nhiều năm gặp khó khăn. Nhà sáng lập của Didi Global, ông Cheng Wei trở thành tỷ phú. Đồng thời, với đợt IPO này, sự kiên nhẫn của nhiều nhà đầu tư lâu năm ví như tập đoàn SoftBank của Nhật, Tiger Global Management và Temasek Holdings của Singapore cũng đã được đền đáp.
Tuy nhiên chỉ vài ngày sau khi Didi Global IPO thành công, CAC Trung Quốc bắt đầu can thiệp, họ thông báo mở cuộc điều tra về vấn đề an ninh mạng bởi lo ngại về hành vi chia sẻ dữ liệu của công ty. CAC còn cấm ứng dụng của công ty được xuất hiện trên các kho ứng dụng tại Trung Quốc. Giá cổ phiếu của công ty tại Mỹ nhanh chóng rớt xuống dưới mức giá chào bán.
Theo quan điểm của nhiều chuyên gia, họ tin rằng Didi có thể đã cố gắng tiến hành IPO gấp rút trước khi Trung Quốc công bố luật an ninh mới, điều này sẽ có thể ảnh hưởng đến giá cổ phiếu của công ty. Chỉ vài ngày sau khi Didi tiến hành IPO, Trung Quốc đã đề xuất về luật yêu cầu tất cả các công ty muốn niêm yết cổ phiếu tại nước ngoài sẽ cần phải trải qua quá trình rà soát an ninh của CAC.
Chính phủ của Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình đang cố gắng cân bằng giữa mục tiêu kiềm chế sức ảnh hưởng quá lớn của các doanh nghiệp công nghệ Trung Quốc mà không gây tổn hại đến ngành vốn có vai trò vô cùng quan trọng trong tăng trưởng kinh tế. Giới chức Trung Quốc đã thể hiện rõ quan điểm siết chặt chính sách với ngành công nghệ từ năm ngoái khi mà Bắc Kinh buộc tập đoàn tài chính của Jack Ma hủy đợt IPO được kỳ vọng lớn nhất thế giới.