*Vui lòng nhập đủ thông tin email hoặc số điện thoại
Dịch Covid-19 tiếp tục diễn biến phức tạp trên thế giới. Virus Sars-CoV-2 đã có thêm biến thể mới sau biến thể Delta.
Theo Bộ Y tế Israel, vaccine ngừa Covid-19 của Pfizer cung cấp lá chắn mạnh mẽ bảo vệ người tiêm trước khả năng mắc bệnh nặng và nhập viện do biến thể Delta, nhưng chỉ có hiệu quả 39% trong việc bảo vệ người tiêm trước nguy cơ nhiễm biến thể này.
Theo một báo cáo ngày 22/7 của Bộ Y tế Israel, vaccine ngừa Covid-19 do Pfizer/BioNTech phát triển có hiệu quả 88% ngăn ngừa nguy cơ nhập viện, hiệu quả 91,4% trước các trường hợp bệnh nặng ở một nhóm người được nghiên cứu trong thời gian từ 20/6 đến 17/7.
Những kết quả này trái ngược với một nghiên cứu trước đó trên Tạp chí Y học Anh cho rằng 2 liều vaccine Pfizer/BioNTech có hiệu quả bảo vệ 88% trước khả năng mắc bệnh có triệu chứng do biến thể Delta gây ra, thấp hơn không đáng kể so với 94% trước biến thể Alpha được phát hiện đầu tiên ở Anh.
Hiện Pfizer chưa bình luận về các kết quả nghiên cứu trên. Người phát ngôn của BioNTech cho biết, công ty này đang tiến hành đánh giá các dữ liệu nghiên cứu về vaccine.
Biến thể Delta được phát hiện đầu tiên ở Ấn Độ và hiện đã xuất hiện ở nhiều nước trên thế giới. Nhiều người đã tiêm chủng đầy đủ vaccine ngừa Covid-19 vẫn có thể nhiễm biến thể Delta. Nhiều nước đã phải trì hoãn hoặc cân nhắc lại kế hoạch nới lỏng các biện pháp hạn chế đối với các hoạt động kinh doanh và du lịch.
Mời độc giả theo dõi tin gốc tại đây
Theo Thời báo Hoàn Cầu, gần 8 triệu người Trung Quốc đã ký vào thỉnh nguyện thư kêu gọi WHO điều tra phòng thí nghiệm ở Fort Detrick của quân đội Mỹ về nguồn gốc Covid-19.
WHO hồi tuần trước đề xuất kế hoạch điều tra giai đoạn 2 tại Trung Quốc về nguồn gốc Covid-19 và đề nghị Bắc Kinh "minh bạch" hơn. Động thái đã vấp phải phản ứng gay gắt từ giới chức và các chuyên gia Trung Quốc.
Tổng giám đốc WHO Tedros Adhanom Ghebreyesus (Ảnh: Xinhua)
Bộ Ngoại giao Trung Quốc ngày 23/7 tuyên bố Trung Quốc nói "không" với những người ở Mỹ - những người đã sử dụng vấn đề COVID-19 để bôi nhọ Trung Quốc, vì "hành vi của họ cho thấy sự coi thường ý thức thông thường và kiêu ngạo đối với khoa học".
Đây là thông điệp đáp trả sau khi Washington bày tỏ thất vọng vì Trung Quốc bác bỏ kế hoạch điều tra nguồn gốc Covid-19 của WHO.
Phát ngôn viên Bộ Ngoại giao Trung Quốc Triệu Lập Kiên cáo buộc kế hoạch điều tra giai đoạn 2 của WHO là sự "phối hợp" với giả thuyết virus rò rỉ từ phòng thí nghiệm do Mỹ làm nóng lên.
"Thực tế là [kế hoạch của WHO] thiếu minh bạch trong quá trình soạn thảo làm dấy lên nghi ngờ của người dân rằng nó là sản phẩm của sự thao túng chính trị," ông Triệu nói.
Các chuyên gia dịch tễ trên toàn thế giới cảnh báo tốc độ và quy mô bùng phát dịch bệnh tại Indonesia đã tạo ra môi trường sinh sôi, nảy nở "hoàn hảo" cho một siêu biến thể tiềm tàng mới có khả năng lây nhiễm và chết chóc thậm chí còn vượt cả biến thể Delta.
Tuần trước, Indonesia đã vượt qua Ấn Độ và Brazil về số ca lây nhiễm mới trong ngày, trở thành tâm dịch của thế giới. Trong ngày 22/7, "đất nước vạn đảo" này ghi nhận 49.500 ca nhiễm và số ca tử vong kỉ lục là 1.449 ca.
Đây là một nguy cơ lớn, bởi theo Dicky Budiman, chuyên gia dịch tễ chuyên nghiên cứu về biến thể SARS-CoV-2 tại Đại học Griffith, Australia, các biến thể mới luôn xuất hiện tại các khu vực, quốc gia mà dịch bệnh lây lan vượt tầm kiểm soát.
"Tổ chức Y tế Thế giới (WHO) định nghĩa dịch bệnh không kiểm soát được là khi xét nghiệm cho ra mức trên 5% dương tính với virus. Tại Indonesia, tỉ lệ này đã là 10% trong 16 tháng đầu diễn biến dịch bệnh và đã lên mức 30% ở thời điểm hiện nay. Vì thế, rất có thể Indonesia sẽ là nơi khởi phát của một biến thể mới, hoặc một siêu biến thể của COVID-19", ông Budiman nói.
Indonesia ghi nhận số ca tử vong ở mức kỉ lục trong ngày 22/7. Ảnh: EPA
Cùng chung quan điểm trên, Amin Soebandrio, Giám đốc tại Viện Eijkman Institute, một cơ quan thuộc chính phủ nghiên cứu bệnh nhiệt đới và bệnh truyền nhiễm ở Indonesia nhìn nhận tuy chưa xuất hiện biến thể mới nào, nhưng việc đề cao cảnh giác là rất quan trọng. Bởi số ca nhiễm tăng lên, không thể loại trừ khả năng sẽ phải quan sát kỹ để phát hiện ra biến thể mới ngay khi chúng xuất hiện.
Mời độc giả theo dõi tin gốc tại đây
Trung Quốc chuẩn bị xét nghiệm các mẫu máu trước đại dịch Covid-19 để tìm thêm bằng chứng về về những ca mắc đầu tiên, các nhà chức trách y tế cho biết ngày 22/7.
Nghiên cứu trên sẽ được tiến hành ở Vũ Hán, nơi những ca mắc Covid-19 đầu tiên được ghi nhận vào cuối năm 2019. Đây là nghiên cứu chỉ có thể diễn ra khi thời gian lưu trữ mẫu máu 2 năm theo quy định đã trôi qua - nhà khoa học Liang Wannian, người dẫn đầu nhóm chuyên gia Trung Quốc trong cuộc điều tra về nguồn gốc đại dịch Covid-19 do WHO tiến hành vào đầu năm nay, cho biết.
Hiện vẫn chưa rõ liệu những mẫu máu được lưu trữ ở các tỉnh lân cận và những khu vực khác của Trung Quốc có được xem xét và được lưu trữ cho mục đích nghiên cứu sau thời gian 2 năm hay không.
Ông Liang cho biết, việc xét nghiệm các mẫu máu được lưu trữ này có thể giúp xác định các ca mắc Covid-19 trước khi trường hợp đầu tiên mắc bệnh được ghi nhận ngày 8/12/2019. Ca mắc này không phải là "bệnh nhân số 0".
Các nhà nghiên cứu Trung Quốc đã nhiều lần chỉ ra rằng, các nghiên cứu huyết thanh cho thấy virus SARS-CoV-2 đã lây lan ở châu Âu vào mùa thu năm 2019 trước khi được phát hiện ở Trung Quốc. Tuy nhiên, những nghiên cứu tương tự từ các mẫu máu vào thời gian này ở Trung Quốc vẫn chưa được công khai./.
Mời độc giả theo dõi tin gốc tại đây
Nữ cung thủ người Nga Svetlana Gomboeva đã bị ngất xỉu vào sáng nay, 23/7, trong khi thi đấu tại Olympic Tokyo. Cô đột ngột gục ngã và phải cần đến sự hỗ trợ từ đội ngũ y tế cùng các đồng đội.
Vụ việc đã gây ra sự lo lắng từ người hâm mộ trong khi dịch Covid-19 được báo cáo đã xâm nhập làng vận động viên. Tuy nhiên, nguyên nhân nữ vận động viên ngất xỉu nhanh chóng được xác định chỉ là do cô không chịu được nhiệt độ nóng bức tại thủ đô Nhật Bản.
Với nhiệt độ cao nhất ước tính lên đến 33 độ C, nhiều vận động viên gặp khó khăn trong các môn thi đấu ngoài trời, giữa bối cảnh dịch Covid-19 diễn biến phức tạp.
Tổng giám đốc WHO Tedros Adhanom Ghebreyesus ngày 21/7 đưa ra cảnh báo có thể có thêm 100.000 người tử vong do Covid-19 đến thời điểm "ngọn đuốc Olympic tắt vào ngày 8/8". Ông gọi đại dịch là một "bài kiểm tra" mà thế giới "đang thất bại".
Nhật Bản đã gia hạn tình trạng khẩn cấp tới ngày 22/8 để phòng chống Covid-19, đồng nghĩa Olympic Tokyo sẽ là thế vận hội đầu tiên không có khán giả trực tiếp theo dõi các vận động viên tranh tài.
Theo số liệu của Reuters, Singapore cho đến nay đã tiêm phòng cho gần 75% trong số 5,7 triệu dân, tỷ lệ tiêm chủng cao thứ hai trên thế giới, sau Các tiểu vương quốc Arab Thống nhất (UAE). Một nửa dân số của Singapore đã được tiêm chủng đầy đủ.
Trong số 1.096 trường hợp dương tính với SARS-CoV-2 tại Singapore trong 28 ngày qua có 484 ca, tương đương với 44% là những người đã được tiêm chủng đầy đủ, 30% là những trường hợp đã được tiêm một mũi và 25% còn lại là những người chưa được tiêm chủng.
Theo Bộ Y tế Singapore, chỉ có 7 trường hợp bệnh diễn tiến nặng cần trợ thở, 6 ca trong số đó chưa được tiêm phòng và 1 trường hợp mới được tiêm 1 mũi.
"Vẫn có bằng chứng cho thấy việc tiêm chủng giúp ngăn ngừa tình trạng bệnh chuyển biến nặng nếu không may bị nhiễm virus", Bộ Y tế Singapore cho biết. Những người đã được tiêm chủng đầy đủ khi nhiễm bệnh chỉ có triệu chứng nhẹ hoặc thậm chí không có triệu chứng.
Các chuyên gia cho rằng việc có nhiều người đã tiêm vaccine vẫn mắc bệnh không có nghĩa là vaccine kém hiệu quả.
Singapore đã ghi nhận 162 ca Covid-19 mới lây truyền trong nước vào ngày hôm qua (22/7). Sự gia tăng các ca bệnh khiến nhà chức trách Singapore phải thắt chặt các biện pháp phòng, chống dịch, bao gồm việc hạn chế hoạt động tụ tập đông người./.
Mời độc giả theo dõi tin gốc tại đây
Khoảng cách giữa 2 mũi tiêm vaccine phòng COVID-19 của hãng Pfizer lâu hơn sẽ giúp nâng cao mức độ kháng thể trong cơ thể hơn là tiêm 2 mũi gần nhau. Đây là kết luận được đưa ra trong một nghiên cứu do Đại học Oxford (Anh) thực hiện và công bố ngày 23/7.
Nghiên cứu này có thể hỗ trợ cho các chiến lược tiêm vaccine chống lại biến thể Delta, vốn giảm tính hiệu quả của mũi vaccine đầu tiên. Nghiên cứu có sự tham gia của 503 nhân viên y tế.
Vaccine ngừa COVID-19 của Pfizer/BioNTech. Ảnh: AFP/TTXVN
Các nhà khoa học cho biết đối với việc tiêm mũi 2 mũi ở khoảng cách lâu hơn, mức độ kháng thể trung hòa chống lại biến thể Delta được tạo ra ở mức thấp sau mũi đầu tiên và không được duy trì trong khoảng thời gian cho đến mũi thứ hai. Tuy nhiên, sau khi hoàn thành 2 mũi tiêm, các nhà nghiên cứu nhận thấy ở những người trì hoãn 2 mũi vaccine lâu hơn, mức độ kháng thể trung hòa trong cơ thể cao hơn so với những người thực hiện 2 mũi gần nhau hơn.
Kháng thể trung hòa được xem là có vai trò quan trọng trong việc chống lại virus SARS-CoV-2, và các nhà khoa học cũng phát hiện vai trò của các tế bào T trong việc ngăn chặn virus chết người này.
Những phát hiện trên ủng hộ quan điểm rằng mặc dù mũi thứ hai là cần thiết để bảo vệ con người trước biến thể Delta, song việc trì hoãn mũi tiêm này có thể cung cấp khả năng miễn dịch lâu bền hơn.
Hồi tháng 12/2020, Anh đã áp dụng việc trì hoãn hai mũi tiêm vaccine lên tới 12 tuần, mặc dù hãng Pfizer cho rằng không có bằng chứng ủng hộ việc kéo dài khoảng cách 2 mũi tiêm hơn 3 tuần theo khuyến nghị. Hiện tại, giới chức y tế Anh khuyến cáo khoảng cách 2 mũi tiêm vaccine là 8 tuần để giúp nhiều người được tiêm chủng và bảo vệ trước biến thể Delta.
Bà Susanna Dunachie, người đứng đầu nhóm giám sát công trình nghiên cứu trên, nhận định khoảng cách 8 tuần giữa hai mũi tiêm là thời gian "tuyệt vời".
Cùng ngày, Bộ Y tế Israel cho biết dựa trên dữ liệu ghi nhận từ ngày 20/6 - 17/7 vừa qua, tỷ lệ hiệu quả của vaccine Pfizer ngừa COVID-19 đã giảm xuống còn 39%. Bộ Y tế Israel lý giải nguyên nhân của sự sụt giảm này là do tình trạng phổ biến của biến thể Delta ở Israel trong giai đoạn này.
Dữ liệu hiệu quả vaccine mới nhất lần này so với hai dữ liệu trước đó do Israel công bố đã giảm đáng kể. Cụ thể trong giai đoạn từ ngày 6/6 - 3/7 là 64% và trước đó là 94,3% trong thời gian từ ngày 2/5 - 5/6. Tuy nhiên, trong dữ liệu công bố lần này, tỷ lệ hiệu quả ngăn ngừa bệnh nặng của vaccine Pfizer ước tính là 91% và giảm các ca phải nhập viện do COVID-19 là 88%.
Đọc toàn bộ bài viết tại đây
Trong nỗ lực đạt miễn dịch cộng đồng, Indonesia đã tiêm chủng cho hơn 500.000 trẻ em từ 12 - 17 tuổi.
Trong cuộc họp báo ngày 22/7, người phát ngôn về Tiêm chủng Covid-19 của Bộ Y tế Indonesia, bà Siti Nadia Tarmizi cho biết, Indonesia nhắm mục tiêu hoàn thành tiêm chủng cho 26.705.490 trẻ em từ 12 - 17 tuổi vào tháng 12/2021.
Theo bà Nadia, trẻ em chiếm 12% tổng số ca mắc Covid-19 ở Indonesia. Do đó, việc tiêm chủng cho trẻ em là rất quan trọng trong việc đạt miễn dịch cộng đồng. Chương trình tiêm chủng cho trẻ em được triển khai tại các cơ sở y tế hoặc các trường học.
Hiện nay, vaccine Covid-19 dành cho trẻ em đã được phân phối đến 34 tỉnh thành trong cả nước. Trong đó một nửa dành cho đảo Java và Bali do tỷ lệ lây truyền tăng vọt trong thời gian qua, phần còn lại được phân phối đồng đều cho các khu vực khác.
Kể từ khi bắt đầu chương trình tiêm chủng cho trẻ em vào đầu tháng 7, có 548.000 trẻ em Indonesia đã tham gia tiêm vaccine Covid-19 trên toàn quốc. Indonesia đã nâng mục tiêu tiêm chủng cho 208 triệu dân bao gồm cả trẻ em để đạt miễn dịch cộng đồng. Như vậy, nước này cần có khoảng 420 triệu liều vaccine Covid-19. Tuy nhiên, bà Nadia cho biết, hiện nay Indonesia mới có khoảng 151 triệu liều vaccine.
Tính đến thời điểm hiện tại, có 43,3 triệu người Indonesia đã tiêm một mũi vaccine Covid-19, trong đó có 16,9 triệu người đã tiêm chủng đủ hai liều, tương đương với 7% tổng mục tiêu. Nước này đang cố gắng tăng tốc tiêm chủng để đạt được mục tiêu đề ra vào đầu năm 2022./.
Đọc toàn bộ bài viết tại đây
Người đứng đầu chính phủ Thái Lan, ông Prayut Chan-o-cha đã bày tỏ lo ngại về số lượng người chết do Covid-19 tăng chóng mặt tại nước này trong thời gian qua và ra lệnh cho cơ quan chức năng phải khắc phục sự cố.
Đã có ít nhất 3 thi thể được tìm thấy trên đường phố ngay tại thủ đô Bangkok trong tuần qua. Qua xác nghiệm cho thấy, cả ba người này đều chết vì mắc Covid-19 do không được kịp thời điều trị. Cả ba người này đều nằm trên đường phố tại thủ đô Bangkok nhiều giờ trước khi qua đời. Sự việc trên đã khiến chính phủ Thái Lan bị chỉ trích nặng nề và cáo buộc hệ thống y tế của nước này rơi vào tình trạng sụp đổ.
Để trấn an dư luận, Thủ tướng Prayut Chan-o-cha yêu cầu ngành y tế phải tìm cách giảm số người mắc bệnh phải tự điều trị ở nhà. Thủ tướng Thái Lan khẳng định, những hình ảnh người chết trên đường phố là không thể chấp nhận được và đó là trách nhiệm của tất cả các cơ quan chứ không riêng ngành y tế.
Các trạm xăng đóng cửa, việc thu gom rác thải phải tạm dừng và các kệ hàng siêu thị cạn kiệt thực phẩm, nước uống và các mặt hàng thiết yếu khác.
Chỉ một tuần sau khi Thủ tướng Boris Johnson tuyên bố nước Anh sẽ trở lại bình thường sau và chấm dứt các biện pháp chống dịch, quốc gia này lại chìm trong một cuộc khủng hoảng mới được gọi là "pingdemic".
Ảnh minh họ: Reuters
Khi số ca mắc COVID-19 tăng trở lại, hàng trăm ngàn người đã nhận thông báo trên ứng dụng điện thoại do chính phủ tài trợ - yêu cầu họ tự cách cách ly trong 10 ngày vì tiếp xúc với người có kết quả xét nghiệm dương tính với virus SARS-CoV-2.
Trong tuần từ ngày 8 đến ngày 15 tháng 7, hơn 600.000 cảnh báo đã được ứng dụng đưa ra, gây căng thẳng nghiêm trọng cho nhiều doanh nghiệp và dịch vụ công.
Tình trạng thiếu nhân viên tại các siêu thị, công ty vận tải đường bộ rất đáng báo động. Hiệp hội các nhà chế biến thịt của Anh cho biết rằng 5 đến 10% lực lượng lao động của một số công ty của họ đã bị cắt giảm. Nếu tình hình tồi tệ hơn nữa, một số công ty sẽ buộc phải bắt đầu đóng cửa các dây chuyền sản xuất.
Nhiều người lao động phải cách ly đến mức một số doanh nghiệp phải đóng cửa hoặc bắt đầu tìm kiếm nhân viên mới trong tuyệt vọng, và một cuộc chiến chính trị đã nổ ra với cảnh báo của Đảng Lao động đối lập về "một mùa hè hỗn loạn" sau những tuyên bố trái ngược từ chính phủ về cách người dân nên phản hồi nếu nhận được thông báo.
Đây rõ ràng không phải là điều mà chính phủ Anh hy vọng khi họ dỡ bỏ hầu hết các hạn chế ở Anh vào đầu tuần này - thời điểm được báo chí gọi là "Ngày Tự do".
Israel ngày 22-7 thông báo kế hoạch chỉ cho phép những người đã tiêm phòng đầy đủ hoặc vừa có kết quả xét nghiệm âm tính với Covid-19 vào một số không gian công cộng, như nhà hàng, phòng tập thể dục và giáo đường.
Trước đó, chính phủ Israel đã gỡ bỏ phần lớn biện pháp hạn chế sau thành công của chương trình tiêm chủng. Các biện pháp này bao gồm chương trình được gọi là "Green Pass" chỉ cho phép những người đã tiêm phòng đầy đủ hoặc vừa được chữa khỏi Covid-19 vào một số địa điểm công cộng.
Trong bối cảnh biến thể Delta (được phát hiện lần đầu tiên ở Ấn Độ) khiến số ca nhiễm gia tăng trở lại, chính phủ Israel đã tái ban bố một số biện pháp hạn chế, như quy định đeo khẩu trang tại không gian kín trong nhà.
Chính phủ Israel đã gỡ bỏ phần lớn biện pháp hạn chế sau thành công của chương trình tiêm chủng. Ảnh: Reuters
Mới đây, văn phòng Thủ tướng Israel Naftali Bennett tiếp tục thông báo kế hoạch tái áp dụng chương trình Green Pass từ ngày 29-7. Kế hoạch này đang chờ chính phủ phê chuẩn.
Tại Mỹ, Giám đốc Trung tâm Kiểm soát và Phòng ngừa Dịch bệnh (CDC) Rochelle Walensky ngày 22-7 cảnh báo quốc gia của bà vẫn chưa thoát khỏi mối đe dọa Covid-19.
Giám đốc Trung tâm Kiểm soát và Phòng ngừa Dịch bệnh (CDC) Rochelle Walensky. Ảnh: Reuters
Khẳng định Delta là "một trong những virus hô hấp lây lan nhanh nhất", bà Walensky nói rằng Mỹ một lần nữa đứng trước "khoảnh khắc quan trọng" giữa lúc biến thể này đang hoành hành tại các cộng đồng chưa được tiêm vắc-xin.
Cảnh báo trên được đưa ra trong bối cảnh số ca nhiễm mới tại Mỹ tăng thêm gần 250% kể từ đầu tháng này, với số ca nhiễm trung bình hằng ngày trong 7 ngày qua vượt ngưỡng 41.000 ca.
Bấm link để đọc bài viết nguồn tại đây https://nld.com.vn/thoi-su-quo...
Nhân viên y tế tiêm vaccine ngừa COVID-19 cho người dân tại Seoul, Hàn Quốc ngày 30/6/2021. Ảnh: Yonhap/TTXVN
Cơ quan Kiểm soát và Phòng ngừa Dịch bệnh Hàn Quốc (KDCA) ngày 22/7 đã ghi nhận thêm 1.842 trường hợp mắc COVID-19, trong đó có 1.533 ca lây nhiễm trong cộng đồng, nâng tổng số ca nhiễm ở Hàn Quốc lên 184.153 người. Đây cũng là số ca nhiễm mới theo ngày cao nhất ở Hàn Quốc kể từ đầu năm 2020. Dù đang áp dụng giãn cách xã hội Cấp độ 4 (mức cao nhất), song khu vực thủ đô Seoul vẫn ghi nhận trên 70% số ca nhiễm trên cả nước. Tỷ lệ số ca nhiễm mới ở các địa phương còn lại cũng đã ở mức trên 35%, mức cao kỷ lục kể từ khi làn sóng lây nhiễm lần thứ 4 bùng phát ở Hàn Quốc.
Ở thời điểm hiện tại Hàn Quốc vẫn chưa phải đối mặt với tình trạng thiếu giường bệnh tại đơn vị chăm sóc đặc biệt (ICU) dành cho bệnh nhân nặng, tuy nhiên các trung tâm điều trị tạm thời cho bệnh nhân COVID-19 có triệu chứng nhẹ ở một số khu vực hầu như đã bị quá tải trong bối cảnh làn sóng lây nhiễm thứ 4 đang có xu hướng lan rộng ra cả nước. Các chuyên gia đã đưa ra cảnh báo về khả năng thiếu giường bệnh và nhân viên y tế. Cheon Eun-mi, bác sĩ chuyên khoa phổi tại Bệnh viện Mokdong thuộc Đại học Nữ Ewha (Hàn Quốc) nhận định rằng: "Nếu làn sóng lây nhiễm thứ tư kéo dài, số lượng bệnh nhân COVID-19 nặng và tử vong sẽ tăng lên".
Theo KDCA, tỷ lệ sử dụng giường tại các bệnh viện được chỉ định đặc biệt để điều trị cho bệnh nhân COVID-19 trên toàn quốc tính đến ngày 20/7 vừa qua ở mức 66,3%, với 2.582 giường còn trống. Hiện vẫn còn khoảng 500 trong số 806 giường ICU giành cho bệnh nhân nặng trên cả nước. Tỷ lệ sử dụng thuốc tại các trung tâm điều trị do chính quyền trung ương và địa phương điều hành là 64%. Tuy nhiên, các trung tâm điều trị ở một số tỉnh thành phố gần như đã hết chỗ, với tỷ lệ trung bình ở các tỉnh Nam và Bắc Chungcheong là 89,3%. Ở Busan và tỉnh Gangwon, tỷ lệ lần lượt là 84,3% và 72%.
Giới chuyên gia y tế nhận định tình hình dịch bệnh ở Hàn Quốc đang có diễn biến khác so với trước đây bởi làn sóng lây nhiễm thứ tư chủ yếu ảnh hưởng nhóm những người trẻ tuổi và chưa được tiêm chủng. Những người trên 60 tuổi, đối tượng chiếm số đông và dễ bị nhiễm virus hơn, đã được tiêm phòng trong chương trình tiêm chủng quốc gia triển khai từ cuối tháng 2 vừa qua. Tuy nhiên, số lượng bệnh nhân COVID-19 nặng vẫn có thể gia tăng ở những người trẻ tuổi nếu xu hướng lây lan như hiện nay tiếp tục kéo dài.
Bài viết được tham khảo từ https://baotintuc.vn/the-gioi/...
Trung Quốc từ chối điều tra giai đoạn 2 nguồn gốc của Covid-19 là vô trách nhiệm và nguy hiểm.
Ngày 22/7, Thư ký báo chí Nhà Trắng Jen Psaki cho biết, Mỹ rất thất vọng về việc Trung Quốc từ chối cuộc điều tra về khả năng virus thoát ra từ một phòng thí nghiệm.
Nhà Trắng cho rằng, động thái của Trung Quốc là vô trách nhiệm và nguy hiểm. Bà Jen Psaki nhấn mạnh, cùng với các nước khác trên thế giới, Mỹ tiếp tục kêu gọi Trung Quốc cung cấp dữ liệu và các mẫu bệnh phẩm cần thiết vì điều này sẽ giúp phòng tránh các đại dịch trong tương lai.
Bà Psaki cũng nhắc lại rằng chính quyền Tổng thống Joe Biden ủng hộ giai đoạn hai của cuộc điều tra dựa trên khoa học, minh bạch, có sự tham gia của các chuyên gia và không bị can thiệp nhằm tìm hiểu nguồn gốc Covid-19./.
Giám đốc CDC Mỹ tại Việt Nam Eric Dziuban cho rằng Việt Nam đã “khôn ngoan” khi lựa chọn chiến lược Covid-19 của riêng mình khi tính đến các điều kiện cụ thể trong từng giai đoạn khác nhau.
Theo Giám đốc CDC Mỹ tại Việt Nam, Tiến sĩ Eric Dziuban, đối với tình trạng y tế khẩn cấp, sẽ có những biện pháp khác nhau được thực hiện trong các giai đoạn khác nhau. Cụ thể, đối với đại dịch Covid-19, khi những ca mắc mới xuất hiện, biện pháp đầu tiên là ngăn chặn, được hiểu đơn giản là ngăn chặn sự xuất hiện của các ca mắc mới. Tuy nhiên, khi số ca mắc tăng lên mạnh mẽ từ những ổ dịch nhỏ thì biện pháp cần thực hiện ở giai đoạn này chính là kiểm soát số ca mắc và xác định được vị trí của chúng để ngăn chặn sự lây nhiễm. Đây chính là chiến lược “không Covid”, theo đó đưa số ca mắc mới tiến về con số 0.
Trên thực tế, chiến lược được áp dụng rất hiệu quả đối với Việt Nam trong hơn 1 năm qua. Việt Nam cũng nhận được nhiều sự khen ngợi trên thế giới về chiến lược này và xứng đáng với sự khen ngợi đó. Việt Nam đã kiểm soát số ca mắc Covid-19 vô cùng hiệu quả qua việc xác định nhanh chóng các ca mắc để tiến hành xét nghiệm trên diện rộng cũng như theo dõi tiếp xúc chặt chẽ để ngăn chặn các ca mắc mới, trong khi nhiều quốc gia khác phải trải qua những làn sóng bùng phát dịch bệnh rất lớn. Cho tới cuối tháng 4, những đợt bùng phát dịch bệnh ở Việt Nam đều rất nhỏ.
Tuy nhiên, khi virus lây lan ở mức không thể kiểm soát, khi mà chúng ta ghi nhận nhiều ca mắc đến mức không thể truy vết tiếp xúc tất cả những ca mắc này thì một chiến lược khác cần được áp dụng. Theo ông Eric Dziuban, đến đây, chúng ta cần nói về việc ngăn chặn tỷ lệ lây nhiễm và làm giảm sự tổn thất trong đại dịch. Làm giảm tổn thất tức là làm giảm sự phá hủy mà virus gây ra bằng cách tập trung vào việc đảm bảo hệ thống y tế có đủ khả năng để các bệnh viện không bị quá tải.
Bài viết được tham khảo từ https://vov.vn. Bấm link để đọc bài viết nguồn tại đây
Ngày 22/7, Indonesia đã tiếp nhận lô vaccine ngừa COVID-19 thứ 29 gồm 8 triệu liều do hãng Sinovac của Trung Quốc sản xuất.
Theo phóng viên TTXVN tại Jakarta, phát biểu tại cuộc họp báo, Bộ trưởng Tôn giáo Indonesia Yaqut Cholil Qoumas nhấn mạnh việc tiếp nhận lô vaccine này thể hiện cam kết của chính phủ đối với toàn bộ người dân Indonesia. Bộ trưởng Yaqut cho biết chính phủ nước này đã đặt mục tiêu tiêm chủng cho 2 triệu người/ngày trong tháng 8 tới và do vậy cần có đủ vaccine để cung cấp cho người dân.
Ông Yaqut cũng kêu gọi các nhà lãnh đạo tôn giáo, các tổ chức tôn giáo và các thành phần xã hội đóng góp sức mình vào thành công của chương trình tiêm chủng quốc gia. Ngoài ra, Bộ trưởng Yaqut cũng kêu gọi các tín đồ tôn giáo cầu nguyện tại nhà trong thời gian thực hiện lệnh hạn chế các hoạt động cộng đồng (PPKM) khẩn cấp.
Với việc tiếp nhận lô vaccine nói trên, hiện Indonesia đã có hơn 180 triệu liều vaccine ngừa COVID-19, trong đó 126 triệu liều vaccine của Sinovac, 14 triệu liều vaccine của AstraZeneca, 6 triệu liều vaccine của Sinopharm và 4,5 triệu liều vaccine của Moderna.
Indonesia đã phê duyệt 5 loại vaccine cho chương trình tiêm chủng quốc gia, bao gồm Sinovac, AstraZeneca, Pfizer, Moderna và Novavax. Ngoài ra, quốc gia này cũng phê duyệt 4 loại vaccine khác cho chương trình tiêm chủng tư nhân Gotong Royong (Hợp tác Cùng nhau), gồm Sinopharm, CanSino, Sputnik V và Anhui Zhifei Longcom.
Quốc gia Đông Nam Á này đã khỏi động chương trình tiêm chủng quốc gia miễn phí vào ngày 13/1 và chương trình tiêm chủng Gotong Royong vào ngày 19/5 với mục tiêu cung cấp vaccine ngừa COVID-19 cho ít nhất 181,5 triệu người nhằm đạt được khả năng miễn dịch cộng đồng vào cuối năm nay.
Bài viết được tham khảo từ https://baotintuc.vn. Bấm link để đọc bài viết nguồn tại đây
Bộ Y tế Lào ngày 22/7 cho biết trong 24 giờ qua, nước này ghi nhận 256 ca mắc COVID-19 mới. Đây là ngày Lào ghi nhận số ca mắc mới trong 1 ngày cao nhất từ trước tới nay.
Theo Bộ Y tế Lào, trong số các ca nhiễm mới có tới 254 trường hợp là người nhập cảnh được cách ly ngay chủ yếu tại tỉnh Savannakhet với 128 ca và 2 trường hợp lây nhiễm trong cộng đồng tại tỉnh Champasak.
Được biết, hai ngày gần đây, tỉnh Savannakhet ghi nhận gần 200 ca mắc COVID-19 là người nhập cảnh. Hiện tại, tỉnh này tiếp nhận chủ yếu là lao động từ Thái Lan trở về.
Trước tình hình số ca bệnh là người nhập cảnh tiếp tục tăng cao, Savannakhet đã đặt giờ giới nghiêm, phạt nặng trường hợp vi phạm quy định phòng dịch.
Đến nay, Lào đã ghi nhận tổng cộng 4.119 ca nhiễm COVID-19 và 5 người tử vong.
Campuchia vẫn đang nỗ lực ứng phó với tác động của đại dịch COVID-19 khi số ca mắc mới không ngừng tăng, nâng tổng số ca mắc COVID-19 tại nước này vượt con số 70.000 ca trong ngày 22/7.
Bộ Y tế Campuchia ra thông cáo xác nhận có thêm 811 ca mắc COVID-19 mới trong 24 giờ qua, trong đó có 300 ca nhập cảnh và 511 ca lây nhiễm trong cộng đồng. Số ca nhập cảnh mắc COVID-19 ở mức cao làm tăng đáng kể số ca mắc bệnh được công bố mỗi ngày tại các tỉnh giáp biên giới Thái Lan, cùng với đó là nỗi lo biến thể Delta xâm nhập cộng đồng từ những người nhập cảnh trốn cách ly.
Bộ trên cũng công bố có thêm 20 người tử vong, nâng tổng số ca tử vong vì COVID-19 tại Campuchia lên 1.118 ca.
Truyền thông Nhật Bản ngày 22/7 đưa tin Thủ tướng nước này Suga Yoshihide đang chuẩn bị đàm phán trực tiếp với ông Albert Bourla - Giám đốc điều hành của hãng dược phẩm Pfizer- sớm nhất là trong tuần này, về việc giao sớm 20 triệu liều vaccine ngừa COVID-19.
Báo chí Nhật Bản dẫn các nguồn tin từ chính phủ nước này tiết lộ Thủ tướng Suga dự định sẽ gặp trực tiếp ông Bourla ở thủ đô Tokyo.
Theo trang mạng worldometer.info, trong vòng 24 giờ qua, thế giới ghi nhận trên 528.000 ca bệnh COVID-19 và trên 8.200 ca tử vong. Tổng số ca bệnh từ đầu dịch tới nay đã vượt 193 triệu ca, trong đó trên 4,15 triệu ca tử vong.
Ba quốc gia có số ca mắc trong 24 giờ qua cao nhất thế giới là Mỹ (trên 51.700 ca), Indonesia (49.509 ca) và Brazil (49.222 ca).
Ba quốc gia có số ca tử vong trong 24 giờ qua cao nhất thế giới là Indonesia (1.449 ca), Brazil (1.326 ca) và Nga (796 ca).
Như vậy, sau một thời gian giảm, số ca mắc mới ở Mỹ lại tăng và đứng đầu thế giới. Trong khi đó, với 1.449 ca tử vong, số ca tử vong ở Indonesia trong 24 giờ qua cao nhất từ trước tới nay.
Trong bối cảnh số ca mắc mới bệnh COVID-19 đang tiếp tục tăng lên trên toàn cầu, Tổ chức Y tế Thế giới (WHO) thừa nhận rằng làn sóng lây nhiễm và tử vong mới đã bắt đầu, đồng thời cho rằng thế giới đang sử dụng vaccine chưa hợp lý.
Tổng Giám đốc Tổ chức Y tế thế giới (WHO) Tedros Adhanom Ghebreyesus nhấn mạnh lẽ ra đại dịch COVID-19 có thể đã được kiểm soát nếu vaccine được phân bổ công bằng hơn. Tiến sĩ Ghebreyesus cho rằng vaccine là công cụ mạnh mẽ và thiết yếu trong cuộc chiến chống lại đại dịch nhưng thế giới đang "phung phí" nguồn lực này khi các nước giàu và các công ty chưa phân phối vaccine một cách công bằng và hợp lý.
Theo ông Ghebreyesus, các chiến dịch tiêm chủng vaccine được triển khai nhằm bảo vệ người dân trên toàn thế giới nhưng hiện mới có 1% dân số ở những quốc gia có thu nhập thấp được tiêm ít nhất 1 mũi vaccine ngừa COVID-19.
Do đó, để đảm bảo quyền tiếp cận công bằng vaccine ngừa COVID-19, Tiến sĩ Ghebreyesus kêu gọi các chính phủ nên chia sẻ vaccine trên toàn cầu và các công ty cần thực hiện đầy đủ những cam kết đã đưa ra về phân phối vaccine. Ông cũng chỉ ra các cách thức để tăng cường sản xuất vaccine, trong đó có việc chia sẻ bí quyết và công nghệ với các công ty khác có khả năng sản xuất hoặc miễn áp dụng quyền sở hữu trí tuệ đối với một số sản phẩm nhất định trong một khoảng thời gian nhất định.
Sau hơn 1 năm chống chọi với đại dịch, ngày 22/7, số ca mắc Covid-19 tại Indonesia đã vượt mốc 3 triệu ca.
Trong vòng 24h qua, Indonesia ghi nhận thêm 49.509 ca mắc Covid-19 mới, nâng tổng số ca mắc của quốc gia vạn đảo lên thành hơn 3 triệu ca. Cùng ngày, số người tử vong cũng đạt mức kỷ lục cao nhất kể từ đầu đại dịch với 1.499 trường hợp. Tổng cộng đã có 79.032 người Indonesia tử vong do Covid-19.
Ba ngày qua, số ca mắc Covid-19 tại Indonesia có xu hướng giảm sau nhiều ngày liên tục tăng kỷ lục. Tuy nhiên, ông Wiku Adisasmito, người phát ngôn của Lực lượng đặc nhiệm Covid-19 Indonesia thừa nhận, số ca mắc Covid-19 giảm là do việc giảm số lượng xét nghiệm vào cuối tuần và do sự chậm trễ trong việc nhập số liệu từ phòng thí nghiệm vào hệ thống.
Chính phủ Indonesia đã quyết định gia hạn giới hạn hoạt động cộng đồng khẩn cấp hay còn gọi là giới hạn hoạt động cộng đồng cấp 4 (cấp cao nhất) thêm 5 ngày. Theo chính sách cấm vận một phần của Indonesia, các hạn chế xã hội như làm việc tại nhà và đóng cửa các trung tâm mua sắm chỉ giới hạn ở các đảo Java và Bali cùng một số khu vực nhỏ khác đất nước. Các lĩnh vực thiết yếu được miễn trừ áp dụng giới hạn.
Tổng thống Joko Widodo cho biết, nếu các ca mắc Covid-19 có xu hướng giảm thì ngày 26/7 tới đây, chính phủ sẽ nới lỏng dần dần các hạn chế. Theo Tổ chức Y tế Thế giới (WHO), tỷ lệ dương tính với những người xét nghiệm trên 20% được coi là tỷ lệ lây truyền cao, trong khi tỷ lệ này ở Indonesia là trên 30%.
Tổ chức WHO kêu gọi Indonesia lập tức thực hiện các biện pháp thắt chặt nghiêm ngặt hơn và trên diện rộng để giải quyết để giải quyết sự gia tăng đột biến các ca mắc Covid-19 do biến thể Delta từ Ấn Độ./.
Đọc toàn bộ bài viết tại đây