Ngày 16/10, Hội đồng An ninh Quốc gia Thổ Nhĩ Kỳ (MGK) đề xuất gia hạn tình trạng khẩn cấp lần thứ 5, vốn được áp dụng lần đầu sau vụ đảo chính bất thành hồi tháng 7/2016.
MGK cho biết việc gia hạn tình trạng khẩn cấp là nhằm bảo vệ dân chủ, pháp quyền, quyền và tự do của công dân Thổ Nhĩ Kỳ.
Đề xuất của MGK được đưa ra sau một cuộc họp tại Phủ Tổng thống Thổ Nhĩ Kỳ ở thủ đô Ankara do Tổng thống Recep Tayyip Erdogan chủ trì.
Tiếp theo, đề xuất này sẽ chuyển cho nội các xem xét thông qua ngay trong ngày 16/10 theo đúng thủ tục.
Với việc áp đặt tình trạng khẩn cấp, giới chức Thổ Nhĩ Kỳ có thể điều hành đất nước chỉ bằng các sắc lệnh.
Lệnh tình trạng khẩn cấp đầu tiên được ban bố ngày 15/7/2016, chưa đầy 1 tuần sau một vụ đảo chính bất thành, nhằm trừng trị những người bị tình nghi có liên quan đến lực lượng tổ chức vụ đảo chính cũng như lực lượng người Kurd.
Sau đó, lệnh tình trạng khẩn cấp này liên tục được gia hạn sau mỗi 3 tháng.
Tính đến nay, ít nhất 150.000 người bao gồm giáo viên, thẩm phán và công chức đã bị sa thải hoặc đình chỉ công tác theo các sắc lệnh khẩn cấp.
Trong khi đó, hơn 50.000 người đã bị bắt giữ do bị nghi ngờ có liên quan đến mạng lưới ủng hộ Giáo sỹ Fethullah Gulen đang sống lưu vong tại Mỹ, người bị Ankara cho là đứng sau âm mưu đảo chính quân sự bất thành.
Các nhóm nhân quyền và Liên minh châu Âu (EU) cho rằng Tổng thống Thổ Nhĩ Kỳ đã lợi dụng hành động trấn áp để đàn áp các lực lượng chống đối ở nước này, cáo buộc mà Ankara luôn bác bỏ./.