Gió đã đổi chiều: Mỹ, Châu Âu đang xem lại quan điểm về Ukraine?

Anh Tuấn |

Hãng tin Sputnik cho biết, chuyên gia kinh tế Igor Kovalev nói rằng phương Tây và các tổ chức quốc tế đang thay đổi quan điểm của mình về Ukraine.

Trong một cuộc phỏng vấn, ông Kovalev khẳng định rằng phương Tây và các tổ chức quốc tế bắt đầu có suy nghĩ khác về Ukraine.

Cuộc phỏng vấn này diễn ra sau khi ủy viên phụ trách vấn đề Ukraine của Quỹ Tiền tệ Quốc tế Ron Van Rooden nói rằng khoản nợ 3 tỉ USD của Ukraine đối với Nga sẽ được xem xét khi IMF sẽ ra quyết định cuối cùng nhằm viện trợ kinh tế cho Ukraine.

Thỏa thuận vay 3 tỉ USD này đã được chính phủ cựu Tổng thống Ukraine Viktor Yanukovych và Nga ký kết vào cuối năm 2013. Moscow đã nhiều lần tuyên bố rằng việc Kiev không thể trả được khoản nợ này đồng nghĩa với việc Ukraine đã vỡ nợ và không được nhận viện trợ của IMF.

Về phần mình, IMF đã thay đổi chính sách của mình đối với những quốc gia vỡ nợ vào năm 2015, qua đó cho phép những quốc gia không thể chi trả một phần nợ công vẫn nhận được sự trợ giúp.

Ông Kovalev gọi phát biểu của ông Ron Van Rooden là tín hiệu cho thấy phương Tây đang xem lại lập trường của mình đối với Ukraine.

“Tôi nghĩ rằng phát biểu của IMF cho thấy phương Tây, trong đó có Mỹ và các nước Châu Âu đang xem lại quan điểm của mình dối với Ukraine.

Họ thấy rằng những bước đi cải cách của chính quyền Ukraine hiện tại không phát huy hiệu quả như mong muốn, và không ai muốn tiếp tục cấp tiền cho Ukraine để rồi nhìn khoản ngân sách đó bị biển thủ ngay lập tức”, ông nói.

Cũng theo chuyên gia người Nga, Ukraine sẽ phải thay đổi quan điểm của mình đối với khoản nợ với Nga bởi “IMF nhiều khả năng sẽ đặt điều kiện rằng họ sẽ không cấp ngân sách cho những quốc gia đang có nợ phải trả mà lại không công nhận chúng như Ukraine đang làm”.

Ông Kovalev cũng nói thêm: “IMF sẽ không hoàn trả hoàn toàn khoản ngân sách mà Ukraine đang nợ Nga. Tôi tin Kiev sẽ phải tự mình chi trả nó mà không có sự trợ giúp của IMF”.

Trong khi đó, ông Van Rooden khẳng định rằng Ukraine sẽ phải mất một khoảng thời gian rất dài trước khi có thể bắt kịp nền kinh tế Trung Âu cho dù tỉ lệ tăng trưởng GDP của nước này là hơn 5% mỗi năm. Ông nói thêm rằng IMF muốn thấy những hiệu quả của chính sách cải cách mà Ukraine đang áp dụng để có thể hỗ trợ tài chính.

Vào giữa tháng 9 vừa qua, lãnh đạo IMF đã đồng ý cung cấp hỗ trợ tài chính 1 tỉ USD cho Ukraine, mặc dù nước này không thể giải quyết khối nợ với Nga.

Trước đó, vào ngày 11/03/2015, IMF đã chấp thuận một chương trình cứu trợ đối với Ukraine, qua đó một khoản ngân sách 17,5 tỉ USD sẽ được chi dần thành nhiều đợt trong vòng 4 năm và tiến trình cải cách ở Ukraine được đánh giá theo từng quý.

Cho đến nay, Ukraine vẫn tiếp tục phụ thuộc vào sự hỗ trợ từ bên ngoài để cứu vớt nền kinh tế và trả nợ, trong khi cuộc xung đột ở miền Đông đất nước vẫn chưa chấm dứt hoàn toàn.

Đường dây nóng: 0943 113 999

Soha
Báo lỗi cho Soha

*Vui lòng nhập đủ thông tin email hoặc số điện thoại