Một bài báo trên NBC News gần đây đã giật tít "Giờ cao điểm ăn trưa đã chết". Nguyên nhân có thể do xu hướng làm việc tại nhà, ngân sách eo hẹp hơn, lạm phát, hoặc tất cả những điều trên.
Theo dữ liệu từ ứng dụng thanh toán kỹ thuật số Square, chi tiêu cho bữa trưa trên toàn nước Mỹ trong năm 2023 đã giảm 3,3% so với năm 2019. Mức giảm thậm chí còn cao hơn ở một số thành phố như Boston, Atlanta và Dallas.
Mặc dù để nói rằng giờ nghỉ trưa đã hoàn toàn biến mất là quá sớm, nhưng một báo cáo gần đây từ Đại học Toronto (Canada) đã củng cố thêm giả thuyết rằng người Mỹ muốn chi tiêu nhiều hơn cho những thú vui vào cuối tuần hơn là cho bữa trưa. Nghiên cứu cho thấy lượng người qua lại ở các thành phố lớn của Mỹ vẫn ở mức thấp vào các ngày làm việc, nhưng lại cao hơn vào cuối tuần.
Điều này đặt ra câu hỏi: Liệu văn hóa giờ nghỉ trưa – vốn đã tồn tại từ thời kỳ cách mạng công nghiệp – có còn ý nghĩa như trước? Giờ ăn trưa không chỉ đơn thuần là thời gian để ăn uống mà còn là một trong số ít khoảnh khắc trong ngày mà người lao động có thời gian cho riêng mình, đặc biệt là trong bối cảnh những ngày làm việc kéo dài 12-16 tiếng phổ biến lúc bấy giờ. Nó là khoảng thời gian nghỉ ngơi cần thiết, giúp người lao động nạp năng lượng cho phần còn lại của ngày.
Theo thời gian, giờ nghỉ trưa cũng trở thành "thước đo" địa vị xã hội. Công nhân nhà máy thường có thời gian nghỉ ngắn nhất, trong khi nhân viên văn phòng có nhiều tự do hơn để đến quán cà phê, căng tin hoặc quán ăn tự động. Giới quản lý cấp cao thể hiện quyền lực của họ bằng cách "nghỉ trưa linh hoạt" – bao gồm những bữa trưa làm việc kéo dài để bàn bạc hợp đồng. Tuy nhiên, hiệu quả công việc thực tế của những bữa trưa "ba ly martini" khét tiếng này vẫn còn gây nhiều tranh cãi.
Trên diễn đàn Reddit, nhiều người dùng cho biết họ thường phải tự mang thức ăn từ nhà đến ăn tại bàn làm việc hoặc bất cứ đâu có thể ăn nhanh. Một người dùng chia sẻ: "Tôi có một tiếng để ăn trưa, nhưng một chiếc bánh mì kẹp ở Subway có giá 10 USD sau thuế, còn các nhà hàng khác thì 20-30 USD. Tôi sẽ tự mang đồ ăn đến công ty".
Một người dùng khác làm trong ngành xây dựng cho biết, với thời gian nghỉ trưa eo hẹp, anh buộc phải mang cơm hộp vì không đủ thời gian di chuyển đến các địa điểm ăn uống bên ngoài.
Adrian Einspanier – tác giả của vở kịch “Lunch Bunch” (tạm dịch: Nhóm ăn trưa) được công diễn tại nhà hát 122CC (New York, Mỹ) vào năm ngoái – nhận định giờ ăn trưa cũng là cách để gắn kết tình đồng nghiệp. Vở kịch được lấy cảm hứng từ chính người bạn của Einspanier – một luật sư bào chữa công tại Bronx (Mỹ) – người đã tổ chức chương trình chia sẻ bữa trưa với đồng nghiệp để xoa dịu áp lực công việc.
Einspanier chia sẻ: "Bữa trưa trở thành cách để họ quan tâm lẫn nhau. Đó là cách để chia sẻ gánh nặng của hệ thống khắc nghiệt mà họ đang làm việc".
Tuy nhiên, đây không phải là lần đầu tiên xuất hiện lo ngại về sự biến mất của bữa trưa. Theo Megan Elias, Phó Giáo sư tại Đại học Boston (Mỹ) và là tác giả của cuốn sách “Lunch: The History of a Meal” (tạm dịch: Bữa trưa: Lịch sử của một bữa ăn), vào những năm 1990, bữa trưa đã từng "biến mất" trong một khoảng thời gian.
Elias cho biết: "Lúc đó, người ta cho rằng việc dừng lại để ăn trưa là một biểu hiện của sự yếu đuối".
Văn hóa làm việc của thế hệ millennial (những người sinh ra trong khoảng thời gian từ đầu thập niên 1980 đến giữa thập niên 1990) lại đề cao sự hối hả và cống hiến hết mình. Điều này đã dẫn đến sự xuất hiện của khái niệm “bữa trưa tại bàn làm việc buồn bã” - một biểu tượng của chủ nghĩa tư bản, nơi nhân viên văn phòng tự chế giễu những bữa ăn đơn độc trước màn hình máy tính.
Elias cho biết thêm: "Khái niệm "bữa trưa tại bàn làm việc buồn bã" bị chế giễu có nghĩa là chúng ta vẫn thích kết nối với những người khác qua bữa ăn. Tôi không biết chính xác mọi người sẽ ăn gì vào bữa trưa trong tương lai, nhưng tôi nghĩ rằng mọi người sẽ tiếp tục ăn cùng nhau".
Ara Kharazian, trưởng nhóm nghiên cứu tại Square, cho biết: "Thói quen của nhân viên văn phòng là sự chuyển đổi lớn nhất trong 4-5 năm qua... Số tiền tiết kiệm được từ việc không ăn trưa đã được chi tiêu vào những dịp khác. Chúng tôi nhận thấy người tiêu dùng thay vào đó lại chi tiêu vào cuối tuần".
Còn với bạn, hiện tại, bữa trưa của bạn thế nào?
Theo The Guardian