Giết anh cướp ngôi, khử em đoạt vợ và những vết nhơ ngàn năm không phai của vua nhà Đường

Trần Quỳnh |

Sau hàng loạt những việc làm trái với luân thường đạo lý, vua Đường còn dùng quyền lực của mình để thay đổi cả quốc sử hòng bao biện, che giấu những vết đen khó có thể gột sạch.

Đường Thái Tông Lý Thế Dân là con trai thứ hai của Đường Cao Tổ Lý Uyên, cũng là vị Hoàng đế thứ hai trong lịch sử vương triều nhà Đường.

Trong thời gian trị vì, ông có công mở ra thời kỳ thịnh trị "Trinh Quán chi trị" của Đường triều, được hậu thế đánh giá là vị minh quân hiếm có trong lịch sử Trung Quốc.

Nhưng ít ai biết rằng, đằng sau cuộc đời của vị minh quân ấy lại có không ít tỳ vết. Cho tới ngày nay, việc Lý Thế Dân sửa quốc sử để xóa đi những vết đen trong đời mình vẫn là một trong những nghi án lớn gây nhiều tranh cãi.

Những vết đen trong cuộc đời minh quân Đường triều

Để bước lên ngai vàng, Lý Thế Dân từng gây nên cuộc binh biến Huyền Vũ môn, tắm máu anh trai và em trai ruột, cũng là "chủ mưu" của cuộc thảm sát hàng loạt và giết tù binh đầu hàng. Không chỉ vậy, chuyện hậu cung dưới thời kỳ trị vì của ông cũng có nhiều điểm thiếu sót.

"Sát huynh ép phụ"

Trong số những người con của Lý Uyên, Lý Thế Dân thông minh và xuất sắc hơn cả. Ông từng lập được vô số công trạng từ khi giang sơn chưa về tay họ Lý.

Vậy nhưng, do quy định "lập trưởng không lập thứ" của phong kiến Trung Hoa, người kế thừa ngai vàng của Đường Cao Tổ lại chỉ có thể là người con trưởng Lý Kiến Thành, cũng là anh ruột Lý Thế Dân.

Giết anh cướp ngôi, khử em đoạt vợ và những vết nhơ ngàn năm không phai của vua nhà Đường - Ảnh 1.

Sự biến Huyền Vũ môn diễn ra vào ngày 2 tháng 7 năm 626, do Tần vương Lý Thế Dân tổ chức một cuộc phục kích trước cửa Huyền Vũ, trên con đường tới cung Đường Cao Tổ Lý Uyên để giết chết hai anh em ruột là Lý Kiến Thành và Lý Nguyên Cát. (Tranh minh họa).

Để có được ngai vàng đồng thời tránh khỏi việc bị anh trai trừ khử, Lý Thế Dân đã "tiên hạ thủ vi cường" (ra tay trước để chiếm lợi thế), phát động cuộc chính biến ở Huyền Vũ môn, thanh trừng hai anh em ruột là Thái tử Lý Kiến Thành và Hoàng tử Lý Nguyên Cát vào năm 626.

Một ngày sau cuộc binh biến Huyền Vũ môn, Lý Uyên ban chiếu lập Lý Thế Dân làm Thái tử, hai tháng sau buộc phải nhường ngôi, lùi về làm Thái thượng hoàng.

Chiếm đoạt em dâu

Sau khi tắm máu Huyền Vũ môn, Lý Thế Dân quy Lý Kiến Thành và Lý Nguyên Cát vào tội làm phản, ra lệnh giết sạch gia đình để trừ hậu họa.

Trong cuộc huynh đệ tương tàn ấy, chỉ còn một người phụ nữ duy nhất sống sót. Đó chính là Dương Khuê My – vợ của Lý Nguyên Cát, em dâu Lý Thế Dân.

Giết anh cướp ngôi, khử em đoạt vợ và những vết nhơ ngàn năm không phai của vua nhà Đường - Ảnh 2.

Không chỉ tranh giang sơn, Đường Thái Tông Lý Thế Dân còn tranh cả mỹ nhân với anh em ruột của mình. (Ảnh minh họa).

Tương truyền rằng, Dương Khuê My vốn là ca nữ nức tiếng thành Trường An, sở hữu dung mạo khuynh thành, lại đàn hay, hát giỏi, am hiểu sách thánh hiền, có tài xuất khẩu thành văn.

Không chỉ thoát được cuộc tàn sát của anh rể, ít lâu sau khi Lý Thế Dân lên ngôi, Dương Khuê My được nạp vào hậu cung.

Cho tới ngày nay, nhiều người vẫn cho rằng sự biến Huyền Vũ Môn thực chất là mũi tên trúng hai đích của Lý Thế Dân: vừa giết được anh trai để đoạt ngai vàng, lại vừa trừ khử em trai để có được mỹ nữ.

Tắm máu Hạ huyện

Theo "Tư trị thông giám", vào tháng 5 năm 620, "Tần vương Lý Thế Dân dẫn quân tấn công Hạ huyện, tiến hành tàn sát".

Sự việc bắt nguồn từ việc một hào kiệt có tên Lữ Sùng Mậu khởi binh ở Hạ huyện, công khai ủng hộ Lưu Vũ Chu – thế lực chống lại triều đình nhà Tùy.

Khi ấy, cha con Lý Thế Dân đều đang làm quan cho triều Tùy, từng thất bại trong việc thảo phạt Hạ huyện.

Giết anh cướp ngôi, khử em đoạt vợ và những vết nhơ ngàn năm không phai của vua nhà Đường - Ảnh 3.

Khi còn chưa lên ngôi, chính Lý Thế Dân là người đã hạ lệnh "tắm máu" Hạ huyện, giết chết nhiều bách tính vô tội trong thành. (Tranh minh họa).

Sau khi diệt được Lưu Vũ Chu và bình định vùng Sơn Tây, Lý Thế Dân vẫn nhớ mối tư thù này, liền "ăn miếng trả miếng", điều quân thảm sát Hạ huyện, giết chết vô số bách tính vô tội tại nơi đây.

Tới lúc đăng cơ, Đường Thái Tông tìm mọi cách bưng bít cho hành vi "tắm máu" trên, thậm chí còn "đổi trắng thay đen", khẳng định mình chỉ "phụng chỉ hành sự" và đổ mọi tội lỗi cho cha ruột Lý Uyên.

Nạn nhân của hành động này chính là Đan Hùng Tín – một viên tướng phản Đường nổi tiếng trong lịch sử.

Giết anh cướp ngôi, khử em đoạt vợ và những vết nhơ ngàn năm không phai của vua nhà Đường - Ảnh 4.

Vào thời điểm lúc bấy giờ, cái chết của Đan Hùng Tín đã khiến nhiều thủ lĩnh của các nghĩa quân vốn có ý định quy hàng, nay lại liều chết nổi dậy chống phá triều đình. (Ảnh minh họa).

Vào năm 621, thế lực cát cứ của Vương Thế Sung ở Lạc Dương quy hàng nhà đường, trong đó có cả Đan Hùng Tín.

Nhưng vì viên tướng họ Đan ấy năm xưa từng hai lần suýt lấy mạng Lý Thế Dân khi giao chiến, nên vị Hoàng đế này bất chấp mọi hậu quả và quyết tâm trừ khử tù phạm đã quy hàng.

Sau khi lên ngôi, Đường Thái Tông lại một lần nữa để dư luận chĩa mũi nhọn vào Cao Tổ Lý Uyên. Theo đó, Lý Thế Dân tiếp tục viện cớ, khẳng định việc xử tử Đan Hùng Tín là do vâng lệnh vua cha.

Nghi vấn Đường Thái Tông sửa sử

Theo "Tư trị thông giám" cuốn 196 và 197, Đường Thái Tông Lý Thế Dân nhiều lần yêu cầu xem và sửa quốc sử.

Bởi vậy, các nhà nghiên cứu lịch sử hiện đại không khỏi đặt ra nghi vấn về tính trung thực của các tài liệu sử học được viết dưới thời gian này, đặc biệt là những đoạn sử có liên quan tới các "tỳ vết" trong cuộc đời nhà vua.

Giết anh cướp ngôi, khử em đoạt vợ và những vết nhơ ngàn năm không phai của vua nhà Đường - Ảnh 5.

Có không ít giả thuyết xoay quanh việc Đường Thái Tông dành sự chú ý đặc biệt cho công tác tu sửa quốc sử. (Ảnh minh họa).

Những tài liệu lịch sử trong các triều đại sau đó cũng có đề cập tới việc Đường Thái Tông rất coi trọng việc tu sửa quốc sử. Ông cũng là người có công thành lập các cơ quan chuyên môn lo việc tu sửa quốc sử, gọi là "Quốc sử quán".

Từ đó về sau, sử quán trở thành cơ quan do Hoàng đế trực tiếp khống chế, được giám sát bởi những thuộc hạ thân tín của nhà vua. Ngoài việc biên soạn sử cũ, nơi đây còn phụ trách ghi chép những sự kiện đương thời.

Tuy nhiên, Đường Thái Tông có được ngai vàng vốn không phải kế thừa "hợp pháp" mà là kết quả của cuộc binh biến "giết anh", "ép cha". Chuyện này không hề phù hợp với luân lý của thời phong kiến.

Khi lên ngôi, vị Hoàng đế này hiển nhiên không muốn lưu lại chân tướng sự việc, càng không muốn bị miệng lưỡi thế gian chê cười. Động cơ sửa sử cũng từ đó mà thành.

Có thể nhận thấy rõ, những tài liệu quốc sử được ghi chép dưới thời Lý Thế Dân thường xuyên "biện hộ" cho các hành động của nhà vua.

Bằng chứng là việc sử quan trong những năm Trinh Quán khi viết "Cao Tổ thực lục" và "Thái Tông thực lục" đã thiên vị công lao của Lý Thế Dân, né tránh nhắc tới việc Thái tử Lý Kiến Thành bị sát hại, thậm chí còn hạ thấp vai trò của Đường Cao Tổ Lý Uyên trong quá trình gây dựng Đường triều.

Từ đó, sử quan đưa Đường Thái Tông trở thành vị Hoàng đế có công lao khai quốc, sánh ngang với Hán Cao Tổ năm xưa, đồng thời hợp pháp hóa việc kế thừa ngôi vị của Lý Thế Dân, nhà vua tôn Cao Tổ Lý Uyên làm Thái Thượng Hoàng cũng là "hợp tình hợp lý".

Giết anh cướp ngôi, khử em đoạt vợ và những vết nhơ ngàn năm không phai của vua nhà Đường - Ảnh 6.

Những tài liệu chính sử được ghi chép dưới thời Lý Thế Dân có không ít những điểm đáng ngờ về mức độ chân thực và khách quan. (Ảnh minh họa).

Đó là chưa kể tới việc khi ra lệnh tắm máu Hạ huyện và giết Đan Hùng Tín, Đường Thái Tông đều tìm cách đổ tội cho cha mình.

Về hành động bóp méo sự thật của Thái Tông Lý Thế Dân, sử gia Hồ Tam Tỉnh thời Nam Tống từng bình luận:

"Khi quan chép sử ghi chép các sự kiện này ở thời Cao Tổ (chỉ Lý Uyên – cha của Lý Thế Dân), Thái Tông vì sợ đánh mất lòng người, ép họ phải ghi thành ‘phụng mệnh của Cao Tổ’ để che đậy các sai lầm của mình."

Cho tới ngày nay, việc Đường Thái Tông Lý Thế Dân có sửa đổi chính sử hay không vẫn còn là một "nghi án" đang chờ hậu thế làm sáng tỏ.

Nhưng dù là minh quân hay hôn quân, dù chính sử có cố ý "bóc mẽ" hay "che đậy", chân tướng sự việc vẫn sẽ được thời gian làm rõ và được đánh giá lại một cách công bằng.

Bởi vậy, việc bóp méo ngòi bút quan chép sử để hạ thấp người khác hay tự tôn vinh mình, ngược lại chỉ làm cho người đời càng thêm cười chê!

Đường dây nóng: 0943 113 999

Soha
Báo lỗi cho Soha

*Vui lòng nhập đủ thông tin email hoặc số điện thoại