Khối tài sản khổng lồ của Rockefeller - Người giàu gấp đôi Jeff Bezos
John David Rockefeller sinh ra ở New York vào năm 1839 trong một gia đình nghèo. Hồi nhỏ, khi đi học ở trường, ông bị đánh giá là học sinh yếu kém, chậm tiến và nhạt nhòa nhất trong lớp. Khả năng mạnh mẽ của ông là rất giỏi về các con số. Vì thế, Rockefeller đã quyết định bỏ học cấp 3 để tìm hiểu sâu hơn về cách quản lý con số. Ông đăng ký khóa học kinh doanh kéo dài 3 tháng tại một trường thương mại để tìm hiểu những kiến thức căn bản nhất về ngành kế toán và ngân hàng.
Sau khi ra trường với rất nhiều lần đi xin việc bất thành, cuối cùng vào ngày 26/9/1855 (khi vừa tròn 16 tuổi), ông tìm được công việc kế toán ở một công ty nhỏ. Sự kiện ấy đánh dấu bước ngoặt quan trọng trong cuộc đời vị tỷ phú sau này, được ông kỉ niệm long trọng hơn cả ngày sinh ra trên đời.
Chân dung ông trùm dầu mỏ John D. Rockefeller.
Khởi nghiệp từ sớm, năm 25 tuổi, John D. Rockefeller đã điều hành một trong những nhà máy lọc dầu lớn nhất nước Mỹ. 31 tuổi, ông trở thành nhà kinh doanh dầu mỏ lớn nhất thế giới. 7 năm sau đó, vị tỷ phú này đã chi phối 90% lượng dầu mỏ ở Mỹ và khi nghỉ hưu ở tuổi 58, Rockefeller đã là người giàu nhất xứ sở cờ hoa.
Lịch sử kinh tế toàn cầu cũng từng ghi nhận ông là người giàu nhất hành tinh. Theo số liệu Forbers, vào năm 1913, Rockefeller trở thành người giàu nhất trong lịch sử thế giới hiện đại. Tài sản mà ông nắm giữ chiếm 1,5% đến 2% nền kinh tế Hoa Kỳ, tương đương với tỷ lệ 1/65-1/50 GDP của toàn nước Mỹ.
Giá trị của nó ước chừng khoảng hơn 1 tỷ USD (năm 1913), tương ứng với khoảng 400 tỷ USD ngày nay. Có nghĩa là, nếu Bezos (người giàu nhất hành tinh hiện tại) muốn giàu có tương đương ông thì phải tăng gấp đôi giá trị tài sản ròng của mình lên khoảng 399,2 tỷ USD (hiện Bezos mới chỉ có khoảng 145,6 tỷ USD). Như thế, bạn có thể tưởng tượng được mức độ khổng lồ của khối tài sản từng có trong tay Rockefeller?
Bạn có biết 1 tỷ USD "khủng khiếp" cỡ nào?
Với mệnh giá 1 USD = 22.500đ, 1 tỷ USD sẽ tương ứng với 22.500 tỷ VNĐ, tức 45 triệu tờ tiền 500.000đ. Khi chúng ta dùng tiền 500.000đ chồng 1 tỷ USD lên, nó sẽ cao tới 4.500m, tức là 4.5km, gấp 1,5 lần đỉnh Fanxipan (3.143m).
Với gần 400 tỷ USD đã có, Rockefeller sở hữu khối tài sản tương ứng với khoảng 9.000.000 tỷ VNĐ. Điều này cũng đồng nghĩa, nếu dùng tờ tiền 500.000đ xếp chồng lên nhau, nó sẽ cao tới 1.800.000m (1.800km), gấp khoảng 573 lần đỉnh Fanxipan.
Tuy nhiên, khi qua đời ở tuổi 98, tổng tài sản của tỷ phú giàu nhất mọi thời đại chỉ còn lại hơn 26 triệu USD sau khi đã đóng góp rất nhiều cho quỹ từ thiện và chia cho các người thừa kế.
Trong suốt cuộc đời mình, bằng tài năng vượt trội, Rockefeller đã lãnh đạo công ty tăng tốc thần kỳ, vượt qua tất cả những giai đoạn khủng hoảng kinh tế toàn cầu, giúp ổn định được một ngành công nghiệp bất ổn, tạo công ăn việc làm, hạ giá dầu và là nhà từ thiện vĩ đại nhất trong lịch sử nhân loại.
Khi nói về vị tỷ phú đáng nể này, trong cuốn Đắc Nhân Tâm, tác giả Dale Carnegie đã đặc biệt phân tích 2 bí mật rất đáng học tập của ông về phép đối nhân xử thế.
Vượt qua cuộc biểu tĩnh đẫm máu của công nhân bằng thái độ thân thiện
Năm 1915, Rockefeller là người bị oán ghét nhất ở Colorado. Những người thợ mỏ thuộc công ty Sắt và Nhiên liệu ở Colorado do Rockefeller phụ trách đã phát động một cuộc đình công đòi tăng lương. Đó là một trong những cuộc đình công đẫm máu nhất trong lịch sử công nghiệp Mỹ, gây chấn động toàn liên bang. Suốt hai năm, tài sản và nhà máy bị phá hủy, những người tham gia đình công bị quân đội trấn áp, nhiều người đã ngã xuống, máu đổ rất nhiều.
Trong lúc bầu không khí căm thù đang ngùn ngụt như thế, Rockefeller vẫn có thể hòa giải thành công với những người đình công. Ông đã có bài phát biểu rất chân thành với đại diện những người đình công. Bài nói này xứng đáng là một kiệt tác vì đã thu được một kết quả thật đáng kinh ngạc. Nó làm cho làn sóng căm thù và sự hung hăng đe dọa lắng dịu, đồng thời mở đường cho nhiều người đứng về phía ông.
Rockefeller đã trình bày một cách khiêm tốn và chân thành đến mức những người đình công quay trở lại làm việc mà không nói một lời về việc tăng lương – lý do khiến họ đấu tranh quyết liệt bấy lâu nay.
Rockefeller được xem là ví dụ điển hình trong việc áp dụng nguyên tắc số 2 và nguyên tắc số 13 của cuốn sách Đắc Nhân Tâm.
Rockefeller nói chuyện với những người vừa mới đòi treo cổ mình mà lại ân cần, thân mật hơn bao giờ hết. Bài nói chuyện của ông xuất hiện nhiều câu như: Tôi tự hào được ở đây, sau khi đã đi thăm nhà của các bạn, sau khi đã gặp vợ con của các bạn. Chúng ta gặp nhau không phải như những người xa lạ mà như những người bạn… trong tinh thần thân ái, vì quyền lợi chung của chúng ta. Chính nhờ lòng tử tế của các bạn mà tôi được ở đây…
"Người ta thường nói, nếu bạn muốn đi nhanh thì hãy đi một mình nhưng nếu muốn đi xa thì hãy đi cùng nhau. Đắc Nhân Tâm chính là cuốn sách quý dạy bạn cách thu phục lòng người mà ai cũng cần phải đọc, phải hiểu và chiêm nghiệm" - Hoa hậu Đỗ Mỹ Linh.
Bài diễn văn lịch sử được Rockefeller bắt đầu như sau: "Đây là một ngày vui trong đời tôi. Lần đầu tiên tôi được may mắn gặp toàn bộ đại biểu của những người đang làm việc trong công ty lớn này, nhân viên, quản lý và các vị lãnh đạo. Tôi thật sự rất xúc động khi được ở đây, tôi sẽ ghi nhớ cuộc gặp gỡ này suốt đời. Ví thử cuộc gặp này xảy ra cách đây hai tuần thì tôi đã đứng ở đây như một người xa lạ đối với hầu hết các bạn, tôi chỉ có thể nhận ra một vài gương mặt. Nhưng tuần trước, tôi may mắn được đi thăm tất cả các trại trong vùng than phía Nam, thăm gia đình và nói chuyện riêng với mọi người, gặp nhiều người thân, vợ con các bạn, nên giờ chúng ta gặp nhau trong tình thân hữu.
Và chính nhờ sự thân ái đó mà tôi vui mừng được thảo luận với các bạn về quyền lợi chung của cả đôi bên. Tôi hiện diện nơi đây, trong cuộc họp của các thành viên công ty và đại diện công nhân, chính là nhờ lòng tử tế của các bạn. Tôi không có cái may mắn được thuộc vào nhóm nào kể trên, nhưng tôi muốn được liên kết mật thiết cùng các bạn, bởi theo một nghĩa nào đó, tôi vừa đại diện cho ban lãnh đạo vừa đại diện cho những lợi ích của tất cả các bạn…".
Tác giả cuốn sách Đắc Nhân Tâm nhận định, bài diễn văn của ông vua dầu mỏ chính là một minh chứng tuyệt vời cho nghệ thuật biến thù thành bạn. Giả sử Rockefeller tìm cách tranh luận gay gắt với các thợ mỏ, chỉ rõ việc làm sai trái của họ, hẳn là lòng căm thù và xung đột sẽ càng tăng thêm nữa.
Nhưng chính mật ngọt trong giao tiếp đã giúp Rockefeller xoa dịu những trái tim đang nhức nhối vì bất bình. Dale Carnegie tin rằng, khi một người đã và đang có ác cảm với bạn thì dù lời nói của chúng ta có đúng đắn, thuyết phục lý trí đến đâu cũng không lọt tai họ. Vậy thì phải dùng đến một thứ mật ngọt làm xoa dịu những ác cảm. Giống như Lincoln từng nói: "Có một câu châm ngôn cổ viết rằng: "Một giọt mật ngọt bắt được nhiều ruồi hơn một thùng nước đắng". Nếu muốn người nào đó thuận theo ý mình thì trước hết bạn phải chứng tỏ rằng bạn là người bạn chân thành của anh ta. Mật ngọt trong tình cảm sẽ chiếm được trái tim và là con đường thênh thang dẫn đến lý trí con người".
Thứ mật ngọt trong giao tiếp này là việc bắt đầu bằng thái độ thân thiện. Giống như nhà thơ lừng danh R. Tagore từng nói: "Lòng nhân ái và lối ứng xử nhẹ nhàng là biểu hiện của một tâm hồn cao thượng".
Khi bạn bắt đầu biết hạ cái tôi thấp xuống một chút, chân thành quan tâm, tôn trọng người khác để luôn ứng xử nhẹ nhàng với họ, sẵn sàng tinh thần cởi mở giao lưu, coi sự bất đồng chỉ như một khởi đầu cho điều tốt đẹp thì chắc chắn, bạn sẽ luôn chiến thắng trong mọi cuộc giao tiếp, với bất cứ ai, ở bất cứ hoàn cảnh nào. Chỉ cần kiên nhẫn và chân thành một chút, chúng ta sẽ dễ dàng đi đến chỗ hòa hợp với mọi người.
Bí mật thứ 2 của Vua dầu mỏ: Xác lập tầm quan trọng
Rockefeller hiểu sâu sắc rằng, làm cho người khác thấy được tầm quan trọng của họ chính là chìa khóa giúp bạn đi tới thành công. Bí mật ở đây là nghệ thuật sử dụng lời khen ngợi, sự cảm kích thành thực.
Trong công ty của Rockefeller, nhân viên của ông là Edward Bedford đã từng gây thiệt hại 1 triệu đô-la (số tiền rất lớn thời đó khi mà tiền lương nhiều người chỉ là 4-5 xu/ ngày công) trong một thương vụ mua bán ở Nam Mỹ. Tuy nhiên, thay vì chỉ trích, John D. Rockefeller lại tán thưởng Bedford vì đã cứu được 60% số tiền Rockefeller đã đầu tư. Rockerfeller làm như vậy vì biết rằng Edward đã cố gắng hết sức. Ông nói: "Điều đó thật tuyệt. Chúng ta không phải lúc nào cũng làm tốt được như vậy".
Là một người ý thức rất rõ về việc các cá nhân đều muốn được công nhận tầm quan trọng của mình, Rockefeller khẳng định, biết khen ngợi và cám ơn những người xung quanh một cách chân thành chính là chiếc đũa thần tạo nên tình thân ái và nguồn động viên tinh thần to lớn.
Mỗi người được khen ngợi chân thành sẽ tự nhiên sửa đổi những tính xấu để trở nên hoàn thiện hơn. Lời khen ngợi xuất phát từ trái tim không giống như lời nịnh nọt (thuốc độc tàn phá con người). Trái lại, càng khi được khen ngợi chân thành, con người càng có thêm động lực để nhìn nhận hạn chế, tu sửa sai lầm và phát triển hoàn thiện hơn.
Ảnh chụp Rockefeller năm 1874.