Trong khi đó, Chi Cục Hải quan Cửa khẩu Hữu Nghị (Lạng Sơn) vừa bắt giữ lô cá tầm Trung Quốc do Công ty TNHH Đầu tư và XNK An Hưng (Hà Nội) nhập về Việt Nam dưới hình thức nhập chính ngạch nhưng được phù phép không khác gì buôn lậu.
Nhập chính ngạch cũng không khác gì luôn lậu
Gọi là nhập khẩu cá tầm chính ngạch nhưng được biến tấu không khác gì buôn lậu là vì theo các cơ quan chức năng, giấy phép cấp số lượng nhập 1, các công ty XNK cá tầm phù phép nhập về số lượng gấp 2, 3 lần.
Trong khi đó, theo phản ánh của Hiệp hội cá nước lạnh tỉnh Lâm Đồng, lượng cá tầm nhập khẩu từ Trung Quốc quá nhiều, giá bán thấp chỉ bằng 2/3 giá bán của cá tầm trong nước và khi vào thị trường Việt Nam thì có sự mập mờ về nguồn gốc do thương lái trộn lẫn cá tầm từ Trung Quốc và cá tầm nuôi tại Việt Nam dẫn đến người tiêu dùng không phân biệt được cá tầm Việt Nam và cá tầm Trung Quốc, tạo hiện tượng lừa dối khách hàng và sự cạnh tranh không công bằng trên thị trường cá tầm.
Còn theo phản ánh của Hội Cá nước lạnh tỉnh Lào Cai, trong thời gian gần đây có tình trạng cá tầm được nhập khẩu vào Việt Nam không nằm trong danh mục được phép kinh doanh (Nghị định 26/2019/NĐ-CP ngày 08/3/2019 quy định chi tiết một số điều và biện pháp thi hành Luật Thủy sản). Bên cạnh đó, tình trạng nhập lậu cá tầm qua đường mòn, lối mở dùng làm thực phẩm gây ảnh hưởng lớn đến sản xuất thủy sản nước lạnh trong nước nói chung và tỉnh Lào Cai nói riêng.
Cá tầm nhập lậu bán đầy các chợ mà không rõ việc phòng chống dịch bệnh được kiểm soát như thế nào
Có hay không việc buông lỏng quản lý nhập khẩu cá tầm?
Theo quy định hiện hành thì nhập khẩu cá sống làm thực phẩm không có trong danh mục được sản xuất thông thường phải có giấy phép của cơ quan quản lý chuyên ngành.
Tổng cục Thủy sản khẳng định, nước ta hiện chưa cấp phép nhập khẩu cá tầm sống làm thực phẩm ngoài danh mục được sản xuất thông thường, gồm 5 loài: Cá tầm Xibêri (Acipenser baerii), cá tầm Beluga (Huso huso), cá tầm Nga (Acipenser gueldenstaedtii), cá tầm Sterlet (Acipenser ruthenus) và cá tầm Trung Hoa (Acipenser sinensis).
Để đối phó với tình trạng cá tầm Trung Quốc giá rẻ chất lượng thấp đang làm khó cho cá tầm Việt ngay trên sân nhà, Hiệp hội Phát triển cá nước lạnh Lâm Đồng cùng nhiều doanh nghiệp, hợp tác xã, hộ nuôi cá tầm nhỏ lẻ trên cả nước đã có thư kiến nghị gửi các bộ ngành liên quan đề nghị làm rõ có hay không việc quản lý lỏng lẻo, lợi dụng khe hở pháp luật để nhập khẩu cá tầm từ Trung Quốc không nằm trong danh mục loài được cấp phép theo quy định.
Nhiều ý kiến đang nghi ngờ có sự bao che, dung túng, lách luật của các cơ quan chức năng đối với việc cho phép nhập khẩu cá tầm từ Trung Quốc vào thị trường Việt Nam |
Các Hiệp hội đề nghị Bộ NN&PTNT, Bộ Công thương, Tổng cục Hải quan thực hiện sát sao công tác quản lý thị trường nhằm tránh việc trà trộn nguồn gốc hoặc tiêu thụ cá tầm nhập khẩu từ Trung Quốc không rõ nguồn gốc xuất xứ, vi phạm Công ước CITES.
Đồng thời, tăng cường công tác kiểm tra an toàn vệ sinh thực phẩm các lô cá tầm nhập khẩu theo quy định để kiểm soát các chất cấm tồn dư trong sản phẩm cá tầm nhập khẩu từ Trung Quốc với mục đích để bảo vệ sức khỏe của người tiêu dùng, cạnh tranh công bằng với cá tầm nuôi trong nước… Nhưng dường như, đang có sự thờ ơ hoặc cố tình bao che từ chính các cơ quan chức năng.
Ai đã cấp phép cho một số doanh nghiệp nhập khẩu cá tầm Trung Quốc vào thị trường Việt Nam? Liệu việc cho phép một số Công ty được nhập khẩu cá tầm vào thị trường Việt Nam có vi phạm các quy định của pháp luật, vi phạm Chỉ thị số 05/CT-TTg của Thủ tướng Chính phủ về phòng, chống dịch bệnh viêm đường hô hấp cấp do chủng mới của Virut Corona gây ra? Báo Pháp luật Việt Nam sẽ tiếp tục thông tin.