Dạy trẻ nhỏ là một niềm vinh dự, tự hào và là một trải nghiệm đầy ắp niềm vui.
Tôi cảm thấy may mắn vì có cơ hội được đi dạy trẻ nhỏ trước khi chính thức làm mẹ bởi tôi đã học được rất nhiều từ các con, không chỉ cách giao tiếp mà điều này còn giúp tôi hình dung tôi muốn trở thành một người mẹ như thế nào.
Từ kinh nghiệm của một giáo viên Montessori cũng như qua cách giao tiếp của các bậc phụ huynh với con cái, tôi đã rút ra được một số điều để làm "kim chỉ nam" khi dạy con.
1. Không áp đặt cho trẻ là "chán", "xấu hổ" hay "kén ăn"
Tôi muốn con trai mình học được càng nhiều từ càng sớm càng tốt, nhưng có một số từ mà tôi chẳng muốn con vội học, đó là "chán", "xấu hổ" và "kén chọn".
Tất nhiên rồi trẻ con cũng sẽ học được những từ ấy thôi, nhưng sao phải vội vã làm chi?
Tại sao lại dạy một đứa trẻ rằng khi không có việc gì làm thì nhất định phải thấy chán? Tôi dám cá bạn sẽ phát mệt khi con bạn luôn miệng than chán suốt ngày.
Nếu các con đã học được những từ này rồi thì cũng không sao, hãy thử nói với con như sau: "Con đang chán à?
Chán tức là không có gì để làm, vậy thì hãy làm giúp mẹ việc này nhé!".
Sau đó hãy để con giúp bạn gấp quần áo, quét nhà, hoặc bất cứ việc gì mà bạn đang làm. Các bé sẽ không than chán nữa mà sẽ tự nghĩ cách bày trò để chơi cho vui.
Ba mẹ nên tránh nói rằng con hay xấu hổ bởi càng như vậy con càng thu mình (Ảnh minh họa).
Tương tự như vậy, tại sao lại dạy con rằng bé hay xấu hổ?
Cảm thấy ngại ngùng, xấu hổ là một cảm giác rất bình thường, nhưng coi xấu hổ là một tính cách của con thì khác bởi như thế con sẽ bị giới hạn bởi cái mác mà mọi người dán lên mình và ngày càng thu mình.
Điều quan trọng là trẻ nhỏ hiểu và gọi tên được cảm xúc của mình, tuy nhiên khi con ngại ngùng trốn sau lưng mẹ, thay vì nói là con đang xấu hổ, hãy nói "Con à, hình như hôm nay con chưa muốn chơi nhỉ. Mẹ thấy bạn con ở đằng kia kìa!".
Có một số bé sẽ kén ăn hơn các bé khác, tuy nhiên bạn nên tránh nói rằng con kén ăn bởi khi đó, con càng nhận thức thói quen ăn uống của mình và không chịu thử thêm các món ăn mới.
2. Không nên tập trung vào những điều tiêu cực
Trẻ con nhận thức thế giới xung quanh rất nhạy bén. Trẻ luôn muốn được quan tâm chú ý, và khi trẻ biết làm cách nào để thu hút được sự chú ý của bạn rồi thì chúng sẽ lặp lại hành động ấy liên tục.
Khi đón con từ trường về, nếu bạn hỏi con đi học thế nào và con nhắc đến chi tiết nào đó khiến con buồn hay bị đau, đừng tập trung hỏi han quá lâu vào chi tiết ấy và dỗ dành.
Khi trẻ biết bạn tập trung vào những điều tiêu cực, chúng sẽ cố nói về những chuyện đó để được quan tâm dù có phải phóng đại hay bịa chuyện.
Ví dụ ở trường chỉ mâu thuẫn nhỏ với bạn thì về nhà bé sẽ lu loa đóng vai nạn nhân để được chú ý.
Cách bạn đón nhận thế giới cũng ảnh hưởng thế giới quan của con trẻ. Tất nhiên ba mẹ tập trung hỏi han cũng chỉ vì muốn đảm bảo con mình được chăm sóc tốt mà thôi.
Nhưng nếu bạn phản ứng thái quá mỗi lần con kể chuyện gì đó không hay xảy ra, con sẽ càng tập trung vào những điều tiêu cực khiến con buồn phiền.
3. Hạn chế chỉ trích
Hãy ghi nhận nỗ lực của con thay vì chỉ trích (Ảnh minh họa).
Hãy tưởng tượng một cảnh như này: Bé San tự đi giày hết 20 phút. Cô bé ngồi và cố gắng xỏ giày vào chân dù bé thấy rất khó.
Mẹ bé đến trường đón bé và thấy cảnh này, vội nói: "Con đi giày trái rồi kìa. Đổi lại đi rồi mẹ con mình đi về".
Sau đó, mẹ đi giày hộ San cho nhanh để còn về. Khi đó, thông điệp mà con nhận ra đó là "Con làm sai, mẹ nghĩ con không tự mình làm được". Đây chắc hẳn không phải là điều mà mẹ muốn.
Nếu bạn lo con thấy không thoải mái, bạn có thể hỏi: "Con thấy giầy có khó chịu không?" Nếu con nói không thì hãy để con tự nhiên và chú ý lần sau hướng dẫn con đi giày đúng cách.
Hoặc không cần thiết cũng được, bởi thế nào rồi bé cũng biết.
4. Không nhắc lại những điều tiêu cực
Hãy để bé bắt đầu một ngày mới đầy hứng khởi khi đến trường (Ảnh minh họa).
Một cô bé tóc tết bím nhảy chân sáo đi học, miệng nở nụ cười, tay cầm hộp cơm trưa.
Bỗng mẹ cô bé nói chuyện với cô giáo: "Đêm qua con bé không ngủ được, sáng thì khóc vì mãi không đi được giày, rồi còn bị xước chân nữa.
Mong là ngày hôm nay nó không làm sao". Thế là thôi, cô bé chẳng còn cười nữa.
Trẻ con rất nhanh quên, trong khi bạn thấy lo lắng vì buổi sáng có bao nhiêu chuyện xảy ra thì con đã sớm không còn buồn nữa rồi.
Mà thậm chí nếu bé chưa quên thì bạn cũng không nên nhắc lại. Tại sao không chọn một khởi đầu mới khi đến trường chứ?
Thêm nữa, đừng nói về con như thể con không ở bên cạnh, con đang lắng nghe rất chăm chú đó. Nếu bạn muốn nói chuyện với cô giáo về con mình thì hãy trao đổi qua giấy.
Ở trường học, phụ huynh và giáo viên trao đổi tình hình của trẻ qua cuốn sổ liên lạc được ghi chép hàng ngày, như vậy ba mẹ vừa nắm được tình hình của con mà không làm con nhớ lại những chuyện khiến con buồn.
5. Hạn chế nói "không"
Có nhiều cách nói để không đáp ứng yêu cầu của trẻ mà không làm con tổn thương (Ảnh minh họa).
Tất nhiên điều này không có nghĩa là con muốn gì thì được nấy, chỉ là trẻ nhỏ rất nhạy cảm khi liên tục bị từ chối.
Có nhiều cách nói để không đáp ứng yêu cầu của trẻ mà không làm con tổn thương.
Ví dụ con hỏi: "Mẹ ơi, cho con ăn kẹo nhé?", thay vì nói không, bạn có thể trả lời: "Ừ tối ăn cơm xong thì ăn", hoặc "Mẹ cũng thích ăn kẹo lắm, ước gì ngày nào cũng được ăn kẹo nhỉ.
Nhưng mà mình chỉ nên thi thoảng mới ăn thôi, để cuối tuần thì ăn nhé!". Nếu con đòi đi chơi, mẹ có thể nói: "Ừ, dọn xong phòng rồi đi chơi con nhé!".
Tôi cố gắng bắt đầu thói quen này từ khi con tôi mới chỉ 8 tháng, dù có thể con chưa nhận thức được nhưng luyện tập giúp tôi hình thành thói quen để sau này tiếp tục áp dụng cho con.
Tôi cố gắng chỉ nói không trong những trường hợp thật sự cần thiết mà thôi.
Dù mong muốn và hiện thực cách nhau một khoảng rất xa, tôi tin tưởng nếu chúng ta có mục tiêu và phương pháp rõ ràng thì có thể thực hiện được, và những mẹo nhỏ này sẽ giúp bạn dạy con theo chuẩn Montessori.
Nguồn: Mother