Giáo sư tâm lý nổi tiếng chỉ rõ trẻ có EQ thấp thường có 3 thói quen này trên bàn ăn

Ánh Lê |

Lúc ngồi ăn cơm, nếu con trẻ có 3 thói quen xấu này thì cha mẹ cần uốn nắn ngay trước khi con lớn kẻo không kịp.

Nghiên cứu của Đại học Harvard Hoa Kỳ chỉ ra rằng, EQ chính là chìa khóa quyết định thành công của một người. Để trở thành một người thành công thực sự, chúng ta cần đến 80% EQ và 20% của IQ. Từ đó có thể thấy, IQ lẫn EQ rất quan trọng đối với sự phát triển của trẻ, ảnh hưởng đến tương lai sau này.

Theo đó, bố mẹ có thể nhìn thấy chỉ số IQ của trẻ bằng mắt thường thông qua việc quan sát trẻ tiếp thu các kiến thức hay kết quả học tập. Còn chỉ số EQ của trẻ em có thể được nhìn thấy từ hoạt động đơn giản hàng ngày, chẳng hạn như khi trẻ ngồi vào bàn ăn hay vui chơi.

Giáo sư tâm lý nổi tiếng chỉ rõ trẻ có EQ thấp thường có 3 thói quen này trên bàn ăn - Ảnh 1.

Giáo sư Lý Mai Cẩn. Ảnh: Internet

Giáo sư Lý Mai Cẩn - giáo sư tâm lý về tội phạm nổi tiếng ở Trung Quốc cũng đã từng thẳng thắn chỉ rõ trẻ có EQ thấp sẽ có 3 hành vi trên bàn ăn. Cha mẹ nào thấy con mình có những biểu hiện dưới đây thì cần uốn nắn kịp thời để không ảnh hưởng đến tương lai sau này của trẻ

1. Trẻ không tập trung, gây ồn ào khi ăn

Thông thường, trẻ còn nhỏ sẽ không ngồi ăn uống nghiêm túc như người lớn. Có nhiều trẻ không tự giác ngồi vào bàn ăn mà chạy quanh phòng, gây ồn ào, trêu đùa, lấy thìa đũa chọc ngoáy, bày trò nghịch ngợm. Nhiều cha mẹ sẽ nghĩ các con còn nhỏ nên những hành vi này là chuyện bình thường.

Giáo sư tâm lý nổi tiếng chỉ rõ trẻ có EQ thấp thường có 3 thói quen này trên bàn ăn - Ảnh 2.

Trẻ còn nhỏ sẽ không ngồi ăn uống nghiêm túc như người lớn. Ảnh: Internet

Tuy nhiên trên thực tế, trẻ em từ 8 tháng tuổi là đã tiến vào giai đoạn vàng của ăn uống và đã bắt đầu hứng thú với các bữa ăn. Khi trẻ khoảng 2 tuổi, con còn có thể tự ăn bằng đũa hoặc thìa mà không cần bố mẹ tập cho trẻ làm quen. Do đó, ở giai đoạn này, nếu trẻ vẫn có những hành vi quấy phá, không tập trung ăn uống thì đó là biểu hiện của EQ thấp. Nguyên nhân là do trẻ không thích ăn uống hoặc không ý thức được việc cần giữ lịch sự khi ăn uống.

Vậy nên, nếu cha mẹ phát hiện con mình có biểu hiện này thì cần phải liên tục nhắc nhở, sửa chữa càng sớm càng tốt để trẻ nhanh chóng cải thiện. Nếu không trong tương lai, những đứa trẻ có thói quen xấu như vậy sẽ chỉ quan tâm đến bản thân mà không để ý đến cảm xúc của người khác.

2. Thường giành ăn món mình thích mà không có ý thức chia sẻ

Một số trẻ khi ăn luôn thích ăn đồ ăn yêu thích của mình và có thái độ sở hữu, không muốn san sẻ đồ ăn cho người khác, dù đó là bố mẹ hay anh chị trong gia đình. Bất kể cha mẹ và người lớn trên bàn thích ăn món gì, chỉ cần là món trẻ thích, người khác sẽ không được động vào. Nếu con bạn cũng có hành vi tương tự, hãy nhanh chóng giúp trẻ thay đổi thói quen này. Bởi đây là biểu hiện của EQ kém ở trẻ.

Giáo sư tâm lý nổi tiếng chỉ rõ trẻ có EQ thấp thường có 3 thói quen này trên bàn ăn - Ảnh 3.

Thói quen giữ "khư khư" đồ ăn của mình ở trẻ là hành vi ích kỷ. Ảnh: Internet

Thói quen giữ "khư khư" đồ ăn của mình ở trẻ là hành vi ích kỷ. Những đứa trẻ có thói quen này từ nhỏ đã không có ý thức chia sẻ. Nếu không sớm thay đổi lớn lên sẽ hình thành ý thức độc chiếm trong mọi việc, không muốn chia sẻ, hợp tác với mọi người. Người như vậy sẽ khó thành công trong tương lai, thường xuyên gặp khó khăn trong công việc cũng như chuyện tình cảm. Vì vậy, bố mẹ đừng nên quá nuông chiều con mà dung túng cho trẻ. Thay vào đó hãy giúp con cái sửa đổi càng sớm càng tốt.

3. Muốn được "phục vụ" trong bữa ăn

Giáo sư tâm lý nổi tiếng chỉ rõ trẻ có EQ thấp thường có 3 thói quen này trên bàn ăn - Ảnh 4.

Trẻ tuy đã lớn nhưng vẫn được bố mẹ chăm sóc, phục vụ tận miệng khi ăn. Ảnh: Internet

Hiện nay có rất nhiều trường hợp trẻ em tuy đã lớn nhưng vẫn được bố mẹ chăm sóc, phục vụ tận miệng khi ăn. Thậm chí, nhiều trẻ phải có người đút cơm mới chịu ăn, cứ thế giờ cơm mỗi ngày đều kéo dài đến cả tiếng. Nhiều bố mẹ vì bận rộn, muốn con ăn nhanh nên cũng đút cơm hộ vì nghĩ làm vậy cho đỡ tốn thời gian. Thế nhưng, chính việc làm này của bố mẹ lại đang vô tình hình thành nên thói quen ỷ lại vào sự chăm sóc của bố mẹ ở trẻ. Nếu không sớm thay đổi, trẻ khó học được cách sống tự lập sau này, sẽ khó có tương lai sáng lạn.

Lưu ý để sớm cải thiện EQ cho trẻ

Trong một bài phát biểu, giáo sư Lý Mai Cẩn đã chia quỹ đạo cuộc đời của trẻ em thành nhiều giai đoạn chính và nhóm tuổi từ 3-6 tuổi là giai đoạn vàng cho sự phát triển nhân cách của trẻ. Theo giáo sư nổi tiếng này, việc giáo dục ở tuổi lên 3 là rất quan trọng. Ở giai đoạn này, cha mẹ nên đồng hành và dạy con cách thể hiện cảm xúc khi giao tiếp với người khác .

Cha mẹ nên sớm trau dồi khả năng kiểm soát cảm xúc của con mình. Bởi đây là một trong những yếu tố quan trọng góp phần tạo nên sự thành công của con cái trong tương lai. Nếu muốn con mình lớn lên thành rồng thành phượng, hãy nhớ "dạy con từ thuở còn thơ".

Đường dây nóng: 0943 113 999

Soha
Báo lỗi cho Soha

*Vui lòng nhập đủ thông tin email hoặc số điện thoại