Có người từng đặt ra một câu hỏi: Tại sao nhà người khác luôn tràn ngập tiếng cười còn nhà mình lại luôn đầy tiếng la mắng? Trước khi trả lời câu hỏi này, hãy để tôi kể cho bạn ba câu chuyện.
01
Câu chuyện đầu tiên là từ người hàng xóm của tôi. Cạnh nhà tôi có một đôi vợ chồng trẻ. Người chồng làm công việc giao đồ ăn, người vợ bán quần áo. Thu nhập của họ không cao nhưng cuộc sống khá hòa thuận.
Khi mới kết hôn, cả hai thường xuyên làm mọi việc cùng nhau, cùng nhau mua đồ, cùng nhau nấu ăn. Tình cảm của họ khiến mọi người xung quanh phải ghen tị. Tuy nhiên, không lâu sau, tiếng cãi vã bắt đầu xảy ra thường xuyên hơn.
Hầu như ngày nào tôi cũng nghe thấy những cuộc trò chuyện tương tự như vậy: " Anh không thể vứt rác được à?"; "Cả nhà anh đều không ra gì!"; "Tại sao tôi lại cưới một kẻ vô dụng như anh? Sao số tôi xui xẻo như vậy!"; "Em có thể ngừng mua sắm suốt ngày được không? Sao em lãng phí thế?"; "Có mỗi chăm con cũng không làm tốt được, đồ vô dụng!"; "Đàn bà còn giỏi hơn anh!"
Thời gian đầu, họ luôn nói chuyện với nhau với giọng điệu hết sức nhẹ nhàng. Nhưng về sau, mỗi lần mở miệng đều giống như ăn phải thuốc súng, lời nói đều tràn đầy oán hận.
Một ngày nọ vào khoảng 2 giờ sáng, tôi thức dậy. Có tiếng la hét và xô đẩy từ nhà bên cạnh, đồ vật kêu răng rắc rơi xuống sàn. Không lâu sau, tôi được biết đôi vợ chồng trẻ sắp ly hôn.
02
Câu chuyện thứ hai lấy từ bộ phim nước ngoài có tên "Chúng ta của sau này".
Thanh, một chàng trai trẻ đến từ một thị trấn nhỏ, ở bên ngoài nhiều năm, và cuối cùng anh đã mua được một căn nhà ở Bắc Kinh khi gần đến tuổi trung niên. Ngày nhận được giấy chứng nhận bất động sản, anh vui vẻ xin bố đóng cửa quán ăn nhỏ ở quê và chuyển lên thành phố lớn để cùng ông tận hưởng tuổi già.
Những tưởng bố sẽ rất vui nhưng không ngờ ông lại từ chối anh. Ông nói rằng ông đã quen với một nơi nhỏ bé và sẽ không thể thích nghi với cuộc sống ở một thành phố lớn, và ông cũng không nỡ bỏ quán ăn ở nhà.
Thanh ngay lập tức trở nên không vui sau khi nghe điều này, anh nóng nảy mắng cha mình: "Bây giờ con có tiền rồi, con có thể cho bố ở một ngôi nhà lớn, bố lại không biết hưởng thụ cái phúc này, nhà hàng tồi tàn có gì đáng giá!"
Anh vừa dứt lời, người cha cảm thấy chua xót, mắng ngược trở lại anh: "Nhà hàng nhỏ này nuôi con lớn bằng ngần này, cho con ăn cho con học đấy. Trong mắt con nó chỉ là một nhà hàng tồi tàn?"
Càng nói chuyện, cuộc trò chuyện giữa hai người càng trở nên căng thẳng hơn. Thanh không hiểu, anh vốn muốn bày tỏ lòng hiếu thảo, nhưng tại sao ba lại không hiểu cho anh.
Cha anh lại không hiểu tại sao con trai ông lại trở nên vô lý như vậy. Trong lúc cãi vã căng thẳng, Thanh lao ra khỏi cửa với tiếng rầm. Mối quan hệ giữa cha con trong phút chốc rơi vào bế tắc.
03
Câu chuyện thứ ba đến từ một diễn giả. Anh từng gặp phụ huynh của một học sinh. Người mẹ vừa nhìn thấy anh liền bật khóc: "Thầy ơi, con không muốn sống nữa." Sau khi tìm hiểu, anh liền hiểu ra toàn bộ câu chuyện. Thì ra một hôm người mẹ đang dọn dẹp nhà cửa, thấy con trai ra ngoài rót nước nên hỏi: "Con đã làm xong bài tập về nhà chưa?". Không ngờ cậu con trai nghe xong liền tức giận: "Hỏi hỏi hỏi, suốt ngày hỏi, cả ngày chỉ biết hỏi, mẹ còn hỏi nữa là con không làm bài nữa đâu."
Nói xong, cậu con trai lập tức đóng sầm cửa phòng lại. Người mẹ không biết nên làm sao.
Sau khi gặp cậu con trai, anh biết thêm một điều. Với giọng nói đầy bất bình, cậu con trai nói với anh rằng câu hỏi yêu thích của mẹ luôn là "Con đã làm xong bài tập về nhà chưa?". Bất kể cậu con trai có trả lời "Con làm xong rồi" hay "Con chưa làm xong", cậu đều sẽ bị mẹ nói: "Xong rồi còn ngồi trên sô pha làm gì? Tại sao không dành thời gian đi luyện chữ đi?"; "Chưa xong? Thế tại sao không làm đi?"; " Suốt ngày không nghiêm túc học hành, bố mẹ vất vả kiếm tiền cho con ăn học, con học hành như thế có xứng đáng với bố mẹ hay không?"
Vì vậy mỗi khi bị mẹ hỏi câu này, cậu lại vô thức tức giận. Những cuộc trò chuyện hàng ngày giữa hai mẹ con khiến mối quan hệ của họ ngày càng trở nên lạnh lùng và xa cách.
04
Hãy quay lại câu hỏi lúc đầu: Tại sao một gia đình lại không hạnh phúc? Nhiều người tin rằng nghèo đói là nguồn gốc của mọi bất hạnh. Nhưng thực chất, hạnh phúc xuất phát từ nội tâm của mỗi người. Vật chất chỉ là nền tảng của hạnh phúc chứ không phải là yếu tố quyết định toàn bộ hạnh phúc.
Một mối quan hệ gia đình thực sự tốt đẹp nằm ở sự giao tiếp bình đẳng. Những gia đình không may mắn thường chọn cách giao tiếp tồi tệ nhất.
Giáo sư tâm lý học người Mỹ Michel Luxemburg từng nói: " Phương pháp giao tiếp sai lầm gây ra những hiểu lầm và xung đột trực tiếp giữa con người với nhau, khiến cả hai bên cảm thấy bạo lực và áp lực bằng ngôn ngữ thay vì tình yêu. Không phải đói nghèo, nguồn gốc của bất hạnh tới từ xung đột trong giao tiếp, từ sự nóng vội, thiếu kiên nhẫn".
Trong tâm lý học, một số học giả đã tiến hành một thí nghiệm: Họ sử dụng máy quét não để quan sát hình ảnh MRI do não người tạo ra và phân tích những thay đổi thần kinh trong não.
Người ta phát hiện ra rằng khi một người thường xuyên nghe thấy những lời mắng mỏ, sỉ nhục hoặc tiêu cực từ các thành viên trong gia đình, não sẽ ngay lập tức tiết ra một lượng lớn cortisol.
Cortisol là một loại hormone trong cơ thể thường được giải phóng khi căng thẳng. Nếu cortisol duy trì ở mức cao trong thời gian dài có thể dẫn đến hàng loạt hậu quả nghiêm trọng như trầm cảm tâm lý.
Trong thực tế cuộc sống, cách giao tiếp kém hiệu quả giữa các thành viên trong gia đình thường khiến mỗi thành viên trong gia đình phải chịu thiệt thòi.
Nhiều khi, chúng ta để lại sự dễ tính, dễ gần của mình cho người ngoài nhưng lại vô cùng gay gắt với những người thân thiết nhất.
Lời nói, nó đôi khi có thể sắc hơn cả một con dao. Nếu các thành viên trong gia đình không thể giao tiếp tốt, vậy thì những mâu thuẫn sẽ trở thành chuyện thường ngày. Theo thời gian, ngay cả những người thân nhất cũng sẽ trở nên xa cách, và ngay cả những mối quan hệ tốt đẹp nhất cũng sẽ tan vỡ.
05
Ở nước ngoài, đoạn video về hai cha con được lan truyền rộng rãi. Cô con gái tức giận vô cớ và không chịu nghe lời ai. Lúc này, thay vì tức giận, bố cô lại kiên nhẫn an ủi cô bé và nói: "Tức giận cũng được. Con có thể giận tôi, giận mẹ, giận chị, giận chính mình. Đôi khi con có thể dừng lại và thoải mái trút giận, thể hiện cảm xúc của mình. Điều quan trọng là con không nên tập trung vào sự tức giận của mình và để nó chi phối con quá lâu, vì điều đó có thể dẫn đến nhiều vấn đề. "
Sau khi kiên nhẫn trò chuyện với bố, cô con gái cuối cùng cũng bày tỏ cảm xúc của mình: "Con không thích bố mắng con".
Một gia đình thực sự hạnh phúc phải cần có sự giao tiếp tốt giữa các thành viên. Khi chúng ta có thể đặt mình vào vị trí của đối phương và giao tiếp một cách bình tĩnh, không có vấn đề gì là không thể giải quyết được.
Tiến sĩ Lin Wencai đã đưa ra quan điểm trong cuốn sách "Dinh dưỡng tâm lý" của mình: Ngoài dinh dưỡng thể chất, mỗi chúng ta đều cần được cung cấp dinh dưỡng về mặt tâm lý.
Loại dinh dưỡng tâm lý này chủ yếu đến từ sự khẳng định, thừa nhận của người thân. Nếu các thành viên trong gia đình luôn giao tiếp với nhau một cách thô lỗ và tiêu cực thì không khí gia đình sẽ không được hòa thuận. Ngược lại, chỉ cần kiên nhẫn và giao tiếp tốt thì ngôi nhà của bạn mới tràn ngập tình yêu thương và sự ấm áp.
Có người từng hỏi: "Bí quyết để có một gia đình hạnh phúc là gì?" Một câu trả lời được đánh giá cao chỉ có vỏn vẹn vài chữ: "Bình tĩnh nói chuyện với nhau".
Mức độ hòa thuận trong một gia đình thực ra không phụ thuộc vào việc giàu hay nghèo mà phụ thuộc vào việc các thành viên có đủ kiên nhẫn để bày tỏ tình cảm của mình với nhau hay không.
Suy cho cùng, mối quan hệ dù sâu đậm đến đâu cũng không thể chịu đựng được những lời la mắng, thiếu kiên nhẫn lặp đi lặp lại.
Bắt đầu từ hôm nay, hãy nói những lời hay ý đẹp nhất tới người bạn yêu thương nhất. Tôi hy vọng tất cả chúng ta có thể nâng cao khả năng và tinh thần giao tiếp, hãy để gia đình là chỗ dựa vững chắc nhất cho chúng ta.