Nhiều bậc cha mẹ nghĩ yêu con thì nên cho con tất cả những gì mình có mà không cần tính toán. Thậm chí có cha mẹ còn tự mình làm mọi việc mà con nên làm, khiến con lười biếng, buông thả ngay từ khi còn nhỏ.
Giáo sư Lý Mai Cẩn, một chuyên gia tâm lý nổi tiếng của Trung Quốc từng nói: "Hãy giáo dục con cái càng sớm càng tốt, nếu không sau này xã hội sẽ giáo dục chúng giúp bạn". Trong chuyện nuôi dạy con, có những vấn đề cha mẹ nhất định phải cứng rắn, thậm chí có chút "tàn nhẫn", nếu không sẽ rất khó để con trưởng thành đúng hướng trong tương lai.
Giáo sư Lý Mai Cẩn
1. "Nhẫn tâm" giao việc cho con
Nếu cha mẹ không muốn nuôi dạy con thành những đứa trẻ lười biếng, chỉ biết mở miệng sai khiến thì phải cứng rắn giao việc trong khả năng cho con. Nhiều bậc cha mẹ không nhẫn tâm để con mình chịu cực, thường làm mọi việc vì con, khiến con thiếu khả năng tự chăm sóc bản thân. Những đứa trẻ như vậy sẽ không thể sống một mình, ra xã hội khó làm nên chuyện.
2. Cứng rắn khi đối mặt với việc trẻ tiêu tiền bừa bãi
Một chuyên gia tâm lý chia sẻ: "Cách đây một thời gian, có một bà mẹ đã nói với tôi rằng: "Con tôi có thể tiêu hết số tiền được cho ở trường tiểu học mà không để lại gì cả. Cháu đòi tiền liên tục và muốn mua đủ thứ dù không dùng đến". Thực tế, nhiều khi nguyên nhân trẻ tiêu tiền nhiều như vậy là do thói quen của cha mẹ. Như bà mẹ này, chị thường cho con ăn tiền tiêu vặt gấp đôi những đứa trẻ khác. Với trẻ em chưa có đủ nhận thức đúng đắn về tiền bạc, chúng cảm thấy chỉ cần hết tiền thì mẹ sẽ lại cho, nên sẽ chi tiêu một cách tùy tiện không hề quan tâm còn hay hết.
Theo khảo sát của công ty T Rowe Price có trụ sở tại Baltimore, Maryland, Mỹ 51% trẻ sẽ tiêu ngay tiền trợ cấp sau khi nhận được tiền. Vì thế, cha mẹ cần cho trẻ học giá trị của việc trì hoãn ham muốn, hãy dạy trẻ cách tiết kiệm tiền cho một mục tiêu nào đó.
Cha mẹ có thể yêu cầu trẻ tiết kiệm một tỷ lệ nhất định trong khoản tiền trợ cấp hoặc khoản tiền trẻ được cho tặng. Nhiều ngân hàng có các chương trình tiết kiệm dành cho trẻ em. Dù có thể gửi trực tuyến nhưng cha mẹ nên đưa trẻ đến tận ngân hàng và lập một sổ tiết kiệm với số tiền mặt của trẻ.
Cha mẹ hãy khuyến khích trẻ tiết kiệm bằng cách đưa ra các hỗ trợ, ví dụ cho phép trẻ lựa chọn hoặc là tiêu tiền luôn hoặc là tiết kiệm tiền để làm một việc gì đó. Nếu trẻ chọn tiết kiệm, cha mẹ có thể hỗ trợ một phần để trẻ dễ đạt được mục tiêu hơn. Đây chính là cách khiến trẻ có ý thức về việc đóng góp và thấy được lợi ích của tiền nhàn rỗi.
3. "Nhẫn tâm" khi dạy con cư xử
Nhiều bậc cha mẹ chỉ quan tâm đến kết quả học tập của con mà bỏ qua việc giáo dục đạo đức. Phải biết rằng điều quan trọng nhất của một người là đạo đức. Khi con có những hành vi không đúng mực như hỗn láo với người lớn, hành hạ động vật, ngang ngược, đe dọa, đánh mắng người khác... cha mẹ phải "nhẫn tâm" xử phạt.
Hãy cố gắng giao tiếp với con nhiều nhất có thể, giải thích cho con điều gì có thể xảy ra nếu con cư xử sai cách và tại sao không nên làm một số việc nhất định. Cha mẹ hãy để trẻ nhận thức được những hậu quả tự nhiên mà hành động của mình có thể gây ra, để chúng học hỏi dần và đưa ra quyết định tốt hơn cho bản thân về sau.
Bài học đầu tiên của một đứa trẻ bắt đầu từ gia đình. Hơn nữa, trẻ em học bằng cách xem những điều cha mẹ làm. Do đó, để dạy trẻ cư xử tốt, cha mẹ cũng phải có những hành vi và cách ứng xử tốt trước mặt con.
4. Đừng bỏ qua khi con không tuân theo nội quy
Có quá nhiều trẻ em không chấp hành luật lệ, chen lấn khi ra ngoài mua vé, la hét khi ăn uống, qua đường không nhìn đèn báo hiệu... Khi cha mẹ phát hiện con mình không có quy tắc thì cha mẹ phải ngăn chặn kịp thời và kỷ luật con thật nghiêm khắc.
Một chuyên gia tâm lý đã từng nói: "Gieo hành vi, gặt thói quen; gieo thói quen, gặt tính cách; gieo tính cách, gặt số phận". Nội quy ảnh hưởng vô hình đến số phận của mỗi chúng ta, một gia đình muốn có một tương lai tốt đẹp thì không thể tách rời các quy tắc. Quy tắc không phải là thứ có thể bỏ qua một cách tùy tiện, chúng thậm chí còn liên quan đến sự an toàn của trẻ.
Nhiều bậc cha mẹ nghĩ rằng: "Con cái không tuân thủ nội quy khi còn nhỏ lớn lên sẽ thay đổi, không sao cả". Thực ra tính cách, thói quen của trẻ định hình từ nhỏ sẽ theo trẻ suốt cuộc đời.