Gian lận thi cử: Không chỉ công khai danh tính mà còn xem xét hình sự

Vương Trần |

Theo Luật sư, liên quan tới vụ án gian lận thi cử ở Sơn La, Hòa Bình, Hà Giang... đã có nhiều tình tiết quan trọng để xác định và thể hiện rõ dấu hiệu của hành vi đưa hối lộ, nhận hối lộ.

Cần công khai những thí sinh gian lận

Trao đổi với PV Lao Động, ThS.LS Đặng Văn Cường (Đoàn LS Hà Nội) nhìn nhận: Bảng điểm thật cho thấy các đối tượng đã đặt hàng để đủ điểm vào một trường đại học nào đó thuộc lực lượng vũ trang hoặc một số trường tốp đầu của Việt Nam.

Rất có khả năng xuất phát từ nguyện vọng muốn học trường này, trường kia mà các thí sinh đã cùng với phụ huynh thực hiện các hành vi đưa hối lộ để được nâng điểm, đủ điểm vào trường theo nguyện vọng.

Theo thông tin, diễn biến của vụ án thì có đối tượng đã thừa nhận mình được nhận 550.000.000 đồng để nâng điểm cho một số thí sinh. Nội dung này cho thấy, hành vi của đối tượng nhận tiền để sửa điểm, nâng điểm có dấu hiệu của tội nhận hối lộ theo quy định tại điều 354 Bộ luật Hình sự năm 2015.

Đồng thời đối tượng đưa số tiền này cho người có chức vụ quyền hạn để được sửa điểm, nâng điểm cho con, cháu mình có dấu hiệu của tội đưa hối lộ theo quy định tại điều 364 Bộ luật Hình sự năm 2015.

Bởi vậy, không chỉ công khai danh sách những người đã tác động đến nâng điểm, sửa điểm và những học sinh được nâng điểm mà còn phải xem xét để truy cứu trách nhiệm hình sự những người đã bàn bạc, xúi giục, giúp sức, chủ mưu và những người trực tiếp đã đưa tiền hoặc lợi ích vật chất, lợi ích phi vật chất cho người có chức vụ quyền hạn để sửa điểm, chạy trường.

Việc công khai danh tính những thí sinh gian lận thi cử không có gì là không nhân đạo, cũng không trái với các nguyên tắc của pháp luật. Việc công khai, minh bạch là cần thiết và hợp lý để làm rõ hành vi, động cơ và yếu tố lỗi của những học sinh này.

Phụ huynh có con được nâng điểm là người có chức quyền

Theo ThS.LS Đặng Văn Cường, danh sách thân thế của những học sinh được nâng điểm cho thấy họ đều là những người có chức vụ, quyền hạn, có tiền. Rất có thể họ đã tác động bằng vật chất hoặc bằng những lợi ích phi vật chất để những người có chức vụ, quyền hạn sửa điểm cho con mình?!

Nội dung này cần được cơ quan điều tra làm rõ, công khai và là căn cứ để xử lý về tội đưa hối lộ và tội nhận hối lộ thì mới đúng bản chất của vụ việc.

Việc công khai, minh bạch thông tin là cần thiết đồng thời không chỉ công khai danh sách của các học sinh, các phụ huynh mà còn phải làm rõ để xem xét trách nhiệm hình sự đối với những đối tượng này về hành vi đưa hối lộ.

Chính những học sinh, những phụ huynh có trình độ yếu kém, năng lực phẩm chất, đạo đức hạn chế mới là những người có nhu cầu và là động cơ để thực hiện hành vi chạy điểm, chạy trường, gây ra những tiêu cực, bức xúc trong dư luận.

Hành vi tác động tiêu cực để sửa điểm, bằng mọi cách để vào một trường đại học là khởi nguồn của một quá trình gian dối, tiêu cực và là mầm mống của những hệ lụy xã hội.

Đường dây nóng: 0943 113 999

Soha
Báo lỗi cho Soha

*Vui lòng nhập đủ thông tin email hoặc số điện thoại