Vụ gian lận thi cử: Thí sinh cố tình không điền đáp án để dễ nâng điểm?

Nguyễn Trang |

Theo TS Nguyễn Việt Cường, xác suất để được 2 điểm không bài thi trắc nghiệm là một phần 10 tỷ. Điều này cho thấy học sinh đã chủ động điền đáp án.

Sau khi danh sách các thí sinh được nâng điểm trong kỳ thi THPT quốc gia 2018 được hé lộ, nhiều phụ huynh cho biết, họ không hề biết việc con cái được nâng điểm.

Tuy nhiên, theo TS Nguyễn Việt Cường, người có nhiều năm liền có tên trong top 5% chuyên gia kinh tế hàng đầu thế giới, Phó Viện trưởng Viện phát triển Mekong lại cho rằng điều này là hết sức vô lý, vì việc nâng điểm đã được chuẩn bị trước khi học sinh đi thi.

Theo TS Cường, nhiều môn thi THPT là trắc nghiệm với 4 đáp án cho mỗi câu trả lời và chỉ cần chọn câu trả lời ngẫu nhiên cũng có thể đúng được 25% số câu hỏi.

Các bài thi có 40 câu, nếu thí sinh chọn ngẫu nhiên câu trả lời thì trung bình cũng được 2,5 điểm.

Tuy nhiên muốn được điểm dưới 1 không hề dễ chút nào. Với 40 câu hỏi và xác suất đúng là 0.25 thì số câu trả lời đúng nó sẽ phân phối theo quy luật nhị thức (binomial distribution).

“Muốn được dưới 1 điểm thì thí sinh chỉ được phép đúng tối đa 3 câu, và xác suất để đúng tối đa 3 câu này là 0.0047.

Xác suất để được điểm 0 thì bé hơn nhiều (bằng 0.00001006). Giả sử chúng ta xem xét xác suất được dưới 1 điểm thì với tổng số thí sinh là 900.0000 thì sẽ có 4230 thí sinh được dưới 1 điểm. Con số này vẫn khá nhiều nên vẫn có thể các thí sinh được nâng điểm thực sự bị dưới 1 điểm.

Tuy nhiên mấu chốt vấn đề là một số thí sinh được điểm cả 3 bài thi dưới 1 điểm (thậm chí bao gồm cả điểm 0). Được một điểm dưới 1 đã khó, mà được cả 3 điểm dưới 1 là vô cùng hy hữu. Xác suất được 3 bài thí đều dưới 1 điểm là 0.0047 mũ 3, tức là 1.035e-07, khoảng 1 phần 10 triệu.

Có thí sinh thậm chí còn được 2 điểm 0, mà xác suất được 2 điểm 0 là một phần 10 tỷ. Có nghĩa là bắt cả thế giới này đi thì trắc nghiệm và yêu cầu chọn ngẫu nhiên thì cũng chưa chắc tìm được ai có 2 điểm 0. Vậy mà ở mấy tỉnh với vài chục nghìn học sinh thôi mà tìm được mấy em như vậy”, TS Cường phân tích.

Từ những lập luận trên, chuyên gia này cho rằng, học sinh đã chủ động không điền đáp án, để cho việc điền đáp án sau khi thi được dễ dàng hơn.

“Như vậy trước khi thi, những học sinh này đã biết trước rằng họ sẽ được nâng điểm. Thí sinh biết được điều này thì không thể nói cha mẹ không biết được”, TS Cường nhấn mạnh./.

Đường dây nóng: 0943 113 999

Soha
Báo lỗi cho Soha

*Vui lòng nhập đủ thông tin email hoặc số điện thoại