Nữ chủ quán cà phe Bibaba bị phát hiện bán hàng cho khách trong thời gian giãn cách đặc biệt
Vi phạm giãn cách, đánh cán bộ
Ban chỉ đạo Phòng chống dịch Covid-19 TP Đà Nẵng cho biết kể từ khi thực hiện "giãn cách đặc biệt", "ai ở đâu ở đó", người dân Đà Nẵng phần lớn chấp hành tốt các quy định để cùng chung tay chống dịch.
Tuy nhiên, vẫn có một số trường hợp lấy đủ các lý do không chính đáng để ra đường bất chấp các khuyến cáo. Theo ban chỉ đạo phòng chống dịch Covid-19 TP Đà Nẵng, mỗi ngày vẫn còn hàng chục trường hợp vi phạm.
Tại quận Liên Chiểu, cơ quan công an đã lập biên bản, xử phạt tổng số tiền 22,5 triệu đồng đối với chủ quán cà phê Hibaba do chị N.T.H (27 tuổi) làm chủ và vị khách đến mua hàng là anh L.C (33 tuổi, trú phường Hoà Minh). Tại cơ quan công an, anh C khai "vì thèm cà phê" nên gọi điện cho chị H để nhờ bán. Anh C sau đó chạy đến cửa hàng lấy cà phê và cả 2 cùng bị phạt.
Người đàn ông ở quận Sơn Trà bị lập biên bản vi phạm vì dắt chó đi dạo "trong thời gian giãn cách xã hội"
Trước đó, công an quận Liên Chiểu cũng xử phạt 2 nam thanh niên vì vi phạm về quy định giãn cách. Theo đó, 2 thanh niên khai ra đường để đi xét nghiệm Covid-19 theo yêu cầu của UBND phường Hoà Khánh Bắc. Tuy nhiên, sau khi hoàn thành thì cả 2 lại đi lang thang sang khu vực khác để vào nhà người quen "tám chuyện", hóng gió, xin thuốc hút.
Tại quận Thanh Khê, 2 thanh niên nghiện ma tuý gồm N.V.T (27 tuổi) và Đ.V.P (24 tuổi, cùng ngụ phường Xuân Hà, quận Thanh Khê) sau khi bị tổ tuần tra của lực lượng công an phát hiện ra đường đã nêu lý do "sợ tàu cá chìm nên đi kiểm tra". Tuy nhiên, cả 2 sau đó bị cơ quan xác định nói dối để hòng qua mặt cơ quan chức năng.
Người đàn ông ra đường không có lý do bị phát hiện
"Các trường hợp ra ngoài đường không có lý do trong trường hợp khẩn cấp, không thuộc đối tượng được cấp phép đều bị lập biên bản xử phạt. Họ nêu ra rất nhiều lý do như đi mua hàng, dắt chó đi dạo, đi mua cà phê, đi mua rượu, đi thăm tàu cá sợ bị chìm… nhưng đều không phải lý do chính đáng. Công an Đà Nẵng sẽ xử lý nghiêm và đề xuất phạt số tiền 7,5 triệu đồng", đại diện Công an Đà Nẵng cho hay.
Thậm chí, mới nhất tại quận Hải Châu, người đàn ông tên Huỳnh Duy Ph (SN 1988, trú đường Hoàng Diệu) sau khi uống rượu say chạy ra đường không đội mũ bảo hiểm, không đeo khẩu trang. Khi bị phát hiện, người này còn cắn, đấm, đạp vào cán bộ làm việc ở chốt kiểm soát.
Cần xử nghiêm hành vi coi thường dịch bệnh
Ban chỉ đạo phòng chống dịch Covid-19 TP Đà Nẵng cho biết chỉ trong ngày 19/8 có 24 trường hợp vi phạm đã bị cơ quan chức năng xử phạt với số tiền hơn 132 triệu đồng. Lũy kế từ ngày 18/6 đến nay, các cơ quan chức năng đã xử phạt 947 trường hợp với số tiền là 2,996 tỉ đồng.
Thiếu tướng Vũ Xuân Viên, Giám đốc Công an Đà Nẵng, cho biết toàn Đà Nẵng có hơn 200 tổ tuần tra do lực lượng công an đảm nhiệm. Mỗi tổ gồm 3 cán bộ, chiến sĩ Công an cùng các lực lượng phối hợp khác như dân quân, dân phòng, bảo vệ dân phố… tuần tra khép kín và trải rộng khắp toàn thành phố..
Các tổ tuần tra được giao nhiệm vụ cũng được yêu cầu chuẩn bị các mẫu biên bản xử lý, xử lý nghiêm người vi phạm. Hoạt động của các tổ tuần tra được thực hiện liên tục trong 7 ngày thực hiện giãn cách đặc biệt.
Hai thanh niên nghiện ma tuý lấy lý do giả "đi thăm tàu cá sợ bị chìm"
Luật sư Nguyễn Văn Tứ, Đoàn Luật sư TP Đà Nẵng, cho rằng, quy định trong thời gian giãn cách đặc biệt là mọi người dân tuyệt đối không ra khỏi nhà, nơi đang cư trú, "ai ở đâu thì ở đó", không được di chuyển đi lại ngoài đường trừ các trường hợp thực hiện nhiệm vụ phòng chống dịch bệnh, các hoạt động cấp bách khác.
Theo luật sư Tứ, hành vi không chấp hành các biện pháp phòng chống dịch bệnh truyền nhiễm theo yêu cầu của cơ quan, tổ chức có thẩm quyền, mức xử phạt đối với hành vi trên là từ 5 - 10 triệu đồng.
"Trong giai đoạn cả nước nói chung và Tp. Đà Nẵng nói riêng đang chung sức để đẩy lùi dịch bệnh Covid-19, các trường hợp ra ngoài với các lý do không chính đáng đều vi phạm và phải bị xử lý.
Riêng những lý do quá "hớ hênh" như dắt chó đi dạo, đi mua cà phê... theo tôi là các hành vi coi thường quy định về phòng chống dịch bệnh.
Các hành vi cần phải được xử lý với mức phạt cao nhất để đảm bảo tính răn đe, ngăn ngừa lây lan dịch bệnh.
Hành vi ra ngoài trong thời gian giãn cách xã hội không thuộc trường hợp được phép ra ngoài mà làm lây lan dịch bệnh cho người khác thì có thể bị truy cứu trách nhiệm hình sự theo quy định tại Bộ luật Hình sự", luật sư Tứ nêu quan điểm.