Kể từ tháng 3/2018, quan hệ Mỹ - Trung luôn làm giới quan sát đi hết từ bất ngờ này sang đến bất ngờ khác, đặc biệt là trong thời gian gần đây.
Động thái bất ngờ!
Cuộc gặp giữa hai nhà lãnh đạo Trump - Tập bên lề Hội nghị Thượng đỉnh G20 tại Buernos Aires (Argentina) tháng trước làm lóe lên những hy vọng việc hai nước sẽ sớm chấm dứt chiến tranh thương mại.
Thế nhưng, những tia hy vọng mong manh này đã bị dập tắt không thương tiếc khi Washington can thiệp, nhờ Ottawa bắt giữ bà Mạnh Vãn Châu - Giám đốc tài chính Tập đoàn Huawei do những cáo buộc Tập đoàn Trung Quốc này vi phạm những lệnh trừng phạt của Mỹ đối với Iran.
Tưởng chừng động thái này của Washington sẽ lại thổi bùng lên ngọn lửa căng thẳng giữa hai cường quốc, thế nhưng ngày 11/12 (theo giờ Mỹ), Bắc Kinh đột ngột tuyên bố sẽ giảm thuế suất áp dụng cho xe hơi và phụ tùng xe hơi nhập khẩu từ Mỹ từ mức 40% xuống chỉ còn mức 15%.
Hành động này mở đường cho hai bên mở các vòng đàm phán mới nhằm để hạ nhiệt cuộc chiến thương mại căng thẳng giữa hai nước. Kế hoạch này của Trung Quốc được thông báo qua một cuộc điện thoại ngày 11/12 giữa Phó Thủ tướng Trung Quốc, Lưu Hà với Đại diện Thương mại Mỹ Robert Lighthizer và Bộ trưởng Tài chính Mỹ Steven Mnuchin.
Tổng thống Trump và Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình hôm 1/12 đã đồng ý "đình chiến" thương mại trong 90 ngày. Nhưng đến nay vẫn có ít chi tiết về kế hoạch đình chiến này được công bố.
Hai nước dự kiến sẽ đàm phán về yêu sách của Mỹ muốn Trung Quốc bảo vệ sở hữu trí tuệ cho các công ty Mỹ một cách quyết liệt hơn, chấm dứt việc yêu cầu các công ty nước ngoài chuyển giao công nghệ và mở cửa thị trường Trung Quốc hơn nữa cho hàng hóa Mỹ.
Ông Lighthizer đã cảnh báo rằng ngày 1/3/2019 là thời hạn cứng không thể lùi thêm được nữa. Nếu hai phía không đạt được thỏa thuận trước ngày đó thì ông Trump sẽ tăng thuế từ 10 lên 25% đối với 200 tỷ đô la hàng hóa Mỹ như ông đã đe dọa.
Trong một thông cáo được phát đi từ Bộ Thương mại Trung Quốc cho biết: “Cả hai nước đã trao đổi quan điểm về việc thực thi sự đồng thuận mà các nhà lãnh đạo hai nước đã đạt được tại cuộc gặp thượng đỉnh và thúc đẩy thời gian biểu cũng như lộ trình cho giai đoạn tham vấn kinh tế và thương mại tiếp theo.”
Bắc Kinh đã cắt giảm thuế quan lên các sản phẩm xe hơi toàn cầu từ 25% xuống còn 15% hồi tháng Năm. Nhưng cho đến tháng Bảy họ đã tăng thêm 25% thuế trừng phạt đối với xe hơi sản xuất ở Mỹ để đáp trả lại vòng đánh thuế đầu tiên của Mỹ vào 50 tỷ đô la giá trị hàng hóa Trung Quốc.
Trung Quốc bắt đầu thấm đòn thương chiến?
Trung Quốc hiện là thị trường quan trọng và lớn nhất đối với ngành công nghiệp ôtô Mỹ. Thế nhưng, đối với Trung Quốc, câu chuyện lại không phải như vậy. Việc sản xuất ôtô tại Đại lục để phục vụ người dân nước này rẻ hơn nhiều so với việc sản xuất tại Mỹ rồi xuất khẩu ra nước ngoài.
Vì vậy, nếu Trung Quốc gỡ bỏ và giảm thuế quan đối với ôtô sản xuất tại Mỹ, các hãng xe có thể cũng chẳng xuất khẩu nhiều hơn vào Trung Quốc.
Giới phân tích nhận động thái này của Trung Quốc cũng sẽ không cứu được các nhà máy sắp bị đóng cửa của General Motor (GM) ở Lordstown, Ohio, hay Detroit, và cũng không tạo động lực thúc đẩy lớn đối những nhà máy đang hoạt động của các hãng khác.
Khi được hỏi về tác động từ việc gỡ thuế nhập khẩu ôtô của Trung Quốc, người phát ngôn Jeannine Ginivan của GM cho biết hãng này hoạt động theo triết lý "sản xuất ở nơi bán hàng". Tuy nhiên, theo giới phân tích, dù không cứu được các nhà máy đang "ngoắc ngoải", việc Trung Quốc gỡ và giảm thuế nhập khẩu là tin vui đối với các hãng xe đang có nhà máy tại Mỹ.
Việc Trung Quốc giảm thuế nhập khẩu ô tô được cho là sẽ thu hút những hãng còn chưa có nhà máy tính chuyện sản xuất ở Trung Quốc, hoặc các hãng còn nhập một số dòng xe sẽ thay đổi chiến lược.
Như vậy, đây có thể coi là nước cờ khôn ngoan của Trung Quốc; bởi một mặt, thuế nhập khẩu linh kiện hấp dẫn sẽ khuyến khích các hãng lắp ráp xe tại Trung Quốc, thay vì nhập khẩu; mặt khác việc giảm thuế sẽ giúp xoa dịu căng thẳng trong quan hệ thương mại với Mỹ, giúp hàng hóa xuất khẩu của Trung Quốc không phải chịu mức thuế trả đũa của Mỹ.