Tự trói tay mình, ông Tập Cận Bình lâm vào thế tiến thoái lưỡng nan trong thương chiến

Minh Khôi |

Nếu áp dụng trở lại chính sách "ẩn mình chờ thời", Bắc Kinh sẽ dễ dàng đưa ra nhượng bộ với Mỹ. Nhưng điều này có nghĩa là phủ nhận "kỷ nguyên mới" của ông Tập Cận Bình.

Thế khó của ông Tập 

Khi thế giới theo dõi cuộc gặp giữa Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình và Tổng thống Mỹ Donald Trump tại Buenos Aires hôm thứ Bảy tuần trước, tin tức đã đưa đến từ một nguồn bất ngờ.

"Hai nhà lãnh đạo đã nhất trí rằng sẽ không có thêm mức thuế nào được áp dụng sau ngày 1/1/2018", kênh truyền hình toàn cầu Trung Quốc (CGTN), kênh tin tức tiếng Anh 24 giờ của đài truyền hình Trung ương Trung Quốc đưa tin.

Sau đó, Bộ trưởng Ngoại giao Trung Quốc Vương Nghị đã xuất hiện trước các phóng viên và tuyên bố, hai nhà lãnh đạo đã đạt tới "một sự đồng thuận quan trọng".

Nhưng ông Vương Nghị đã "quên" một yếu tố quan trọng nhất: thời hạn 90 ngày để Bắc Kinh và Washington đàm phán, sau đó mức thuế sẽ tăng lên 25% nếu không có tiến triển.

Tất cả các phương tiện truyền thông Trung Quốc đều đưa tin phát biểu của ông Vương Nghị và không hề thông tin về thời hạn 90 ngày. 

Lý do rất rõ ràng: sự lựa chọn khung thời gian của Tổng thống Trump khiến Trung Quốc đau đầu. Ngay sau khi giai đoạn 90 ngày đàm phán hết hạn, Trung Quốc sẽ tổ chức sự kiện chính trị quan trọng nhất trong năm: phiên họp Quốc hội kéo dài 2 tuần.

Tân Hoa Xã còn đưa thêm một thông tin. Đó là, theo yêu cầu của Đại hội 19 Đảng Cộng sản Trung Quốc, Bắc Kinh cam kết tăng cường cải cách và mở cửa. "Trong quá trình này, một số vấn đề kinh tế và thương mại là mối quan tâm của Washington sẽ được giải quyết", bản tin của Tân Hoa xã viết.

Nói một cách đơn giản, ông Tập chỉ có thể nhượng bộ trong khuôn khổ các chính sách được thông qua tại đại hội đảng diễn ra vào tháng 10 năm ngoái, tờ Nikkei Aisan Review của Nhật bình luận.

Nhượng bộ hay từ bỏ "kỷ nguyên mới"?

Tại Đại hội Đảng Cộng sản năm ngoái, ông Tập Cập Bình phát biểu, Đảng Cộng sản Trung Quốc sẽ đưa đất nước cơ bản hiện đại hóa vào năm 2035. Mặc dù lời nói ôn hòa, nhưng ngầm trong đó là kế hoạch hoành tráng đưa nền kinh tế Trung Quốc vượt Mỹ vào năm 2035, khoảng 15 năm sớm hơn so với kế hoạch trước đó.

Để làm như vậy, nước này kêu gọi các công ty nhà nước "mạnh hơn và lớn hơn". Và Trung Quốc sẽ tiến gần hơn để đạt được mục tiêu nếu họ mua lại các công ty ở nước ngoài với công nghệ tiên tiến phù hợp với "Made in China 2025". Điều này đã kiến Washington quan ngại.

Thời hạn 90 ngày đàm phán gọi nhớ lại một thỏa thuận trước đó giữa 2 nước khi ông Trump và ông Tập Cận Bình gặp nhau hồi tháng 4/2017, khi ông Trump mới nhậm chức Tổng thống. 

Vào thời điểm đó, hai nhà lãnh đạo đã nhất trí về một kế hoạch 100 ngày để giảm thâm hụt thương mại của Mỹ với Trung Quốc. Giống như lần này, ban đầu Bắc Kinh "giấu nhẹm" sự tồn tại của kế hoạch. Hạn chót vào mùa hè năm 2017 qua đi mà không có kết quả cụ thể nào đạt được.

Nhưng lần này, ông Tập chỉ có một lựa chọn để hạ nhiệt căng thẳng chiến tranh kinh tế và thương mại Mỹ - Trung. Đó là sửa đổi chính sách "quyền lực nước lớn" - tìm cách vượt Mỹ vào phiên họp toàn thể lần thứ 4 sắp tới của Ủy ban Trung ương Đảng lần thứ 19.

Việc tổ chức phiên họp toàn thể lần thứ 4 nhằm đề ra định hướng quản lý kinh tế cho năm tới - đã bị trì hoãn một phần do vấn đề khó khăn trong việc đối phó với căng thẳng thương mại Trung-Mỹ.

Để từ bỏ chính sách "quyền lực nước lớn" của mình, ông Tập sẽ phải cân nhắc chính sách đối ngoại "ẩn mình chờ thời", từ chối việc tuyên bố dẫn đầu nhằm giảm thiểu xung đột do nhà lãnh đạo Đặng Tiểu Bình đề ra.

Khi áp dụng trở lại chính sách "ẩn mình chờ thời", Trung Quốc sẽ dễ dàng hơn để đưa ra những nhượng bộ đáng kể cho Mỹ.

Nhưng như vậy sẽ mang lại rủi ro về mặt chính trị, bởi vì về cơ bản điều này sẽ dẫn đến việc phủ nhận "kỷ nguyên mới" của ông Tập Cận Bình và dấy lên nghi ngờ về một loạt các quyết định chính trị mà lãnh đạo Trung Quốc đã đưa ra.

Vòng đàm phán thương mại tiếp theo sẽ do Đại diện Thương mại Mỹ Robert Lighthizer, một "diều hâu" chống Trung Quốc nhiều năm, thay vì Bộ trưởng Tài chính Mỹ Mnuchin có xu hướng ôn hòa hơn. 

Hãy bắt đầu đếm ngược đến thời hạn cuối tháng Hai cho vòng đàm phán cuối cùng giữa Bắc Kinh và Washington.

Đường dây nóng: 0943 113 999

Soha
Báo lỗi cho Soha

*Vui lòng nhập đủ thông tin email hoặc số điện thoại