Xung đột sẽ sớm xảy ra lần nữa
Tổng thống Mỹ Donald Trump và Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình đã tuyên bố một "lệnh ngừng bắn" trong cuộc chiến thương mại giữa 2 nước sau khi Washington đồng ý gia hạn thời gian áo thuế bổ sung lên 90 ngày và Bắc Kinh cam kết sẽ mua "một lượng đáng kể" hàng hóa của Mỹ để giảm mất cân bằng thương mại.
Lệnh ngừng bắn được đưa ra bên lề hội nghị thượng đỉnh G20 nơi 2 nhà lãnh đạo thảo luận cách thức hạ nhiệt căng thẳng thương mại giữa 2 nền kinh tế hàng đầu thế giới.
Theo Nhà Trắng, Tổng thống Trump đã đồng ý hoãn việc đánh thuế bổ sung 25% lên 200 tỷ USD hàng hóa Trung Quốc được lên kế hoạch vào 1/1/2019. Đổi lại, Bắc Kinh cam kết mua một lượng chưa xác định nhưng "đáng kể" các sản phẩm nông nghiệp, năng lượng, công nghiệp và một số sản phẩm khác và ngay lập tức mở rộng việc thu mua nông sản.
Các cuộc đàm phán cũng được lên kế hoạch bắt đầu ngay lập tức, tập trung vào 5 nội dung: thúc ép chuyển giao công nghệ, bảo hộ sở hữu trí tuệ, các hàng rào phi thuế quan, xâm nhập không gian mạng, lĩnh vực dịch vụ và nông nghiệp. Nếu trong vòng 90 ngày không có bất kỳ tiến bộ nào, Mỹ sẽ áp đặt thuế.
Ông Tập Cận Bình cũng cho biết, ông để ngỏ khả năng thông qua việc sáp nhập của công ty chất bán dẫn Qualcomm của Mỹ và công ty sản xuất chip NXP của Hà Lan, điều mà trước đây Bắc Kinh không đồng ý.
Nhưng chỉ có rất ít nhà quan sát hy vọng vào kết quả lâu dài.
Ông Tập đứng trước nguy cơ "bẽ mặt"
Trả lời Trí Thức Trẻ, ông Stephen Olson, nhà nghiên cứu thuộc Quỹ Hindrich tại Hồng Kông cho rằng, 90 ngày là một khoảng thời gian cực kỳ ngắn để giải quyết các vấn đề phức tạp như sở hữu trí tuệ, chuyển giao công nghệ, trộm cắp trên mạng và các rào cản phi thuế quan.
Trung Quốc có thể rất sẵn sàng để thực hiện một số nhượng bộ trong cuộc đàm phán sắp tới nhưng không rõ liệu Bắc Kinh có đưa ra nhượng bộ đủ để thỏa mãn Washington hay không, ông Olson dự đoán.
Ngoài ra, thời hạn cho một thỏa thuận mới, được lùi đến đầu tháng 3, là thời điểm nhạy cảm chính trị cho Bắc Kinh.
"Tháng 3 là thời điểm khai mạc phiên họp quốc hội tại Bắc Kinh và nếu cuộc chiến tranh thương mại lại tiếp tục thì đây quả là một cú bẽ mặt cho ông Tập Cận Bình", Scott Kennedy, Trung tâm nghiên cứu chiến lược và quốc tế nhận định.
Trong khi đó, Maxfield Brown - Chuyên gia nghiên cứu cấp cao của Tập đoàn tư vấn Dezan Shira & Associates cho rằng, không có một mối đe dọa rút lui cụ thể khỏi bàn đàm phán, các nhượng bộ của Trung Quốc cho phép Mỹ tuyên bố giành được chiến thắng về mặt chính trị.
Tổng thống Trump sẽ tuyên bố chiến thắng trong tuần tới và sau đó giảm mức độ chỉ trích đối với Trung Quốc.
"Tôi không cho rằng chúng ta sẽ nghe nhiều cuộc tranh cãi qua lại từ cả 2 bên về vấn đề này trong 2 tháng tiếp theo, trừ khi các cuộc đàm phán bế tắc và quyết định sử dụng áp lực bên ngoài. Đến cuối giai đoạn 90 ngày hoãn thuế, Tổng thống Trump hoặc sẽ tăng cường khen ngợi hoặc chỉ trích Trung Quốc để giành được thỏa thuận hoặc quyết định áp thuế", ông Brown trả lời Trí Thức Trẻ.
Kỳ họp thường niên của Đại hội đại biểu nhân dân toàn quốc (Nhân đại) Trung Quốc và Hội nghị hiệp thương chính trị nhân dân (Chính hiệp) Trung Quốc thường được tổ chức vào tháng 3 hàng năm, được gọi là sự kiện "Lưỡng hội". Trong năm 2019, đây là sự kiện chính trị lớn nhất trong năm của Trung Quốc.
Tại kỳ họp của Nhân đại, thủ tướng Lý Khắc Cường sẽ đọc báo cáo kinh tế năm 2018 trước các nhà lập pháp. Nền kinh tế Trung Quốc đã tăng trưởng chậm lại trong quý 3 dưới sức ép của chiến tranh thương mại với Mỹ, và hệ quả có thể tác động đến mục tiêu tăng trưởng 6.5% cả năm.
Nếu thỏa thuận "đình chiến thương mại" với Mỹ đổ vỡ sau thời hạn 90 ngày và các thuế quan tái áp đặt, trách nhiệm sẽ thuộc về ban lãnh đạo Trung Quốc, trong khi báo cáo của ông Lý sẽ đứng trước nhiều nhân tố bất ổn.
Như thế, việc đạt nhận thức chung và thỏa hiệp với Mỹ gần như trở thành lựa chọn bắt buộc đối với Bắc Kinh.