TT Trump hủy hẹn với Nga, "ỡm ờ" với Trung Quốc ngay trước G20: Trong cái khó ló cú đòn gió

Đại sứ Trần Đức Mậu |

Đối với Nga, việc ông Trump huỷ cuộc gặp với ông Putin tại Argentina chỉ là hành động vớt vát...

Tình thế "khó xử" của ông Trump

Chuyện vừa mới xảy ra giữa Nga và Ukraine làm cho hội nghị cấp cao của nhóm G20 diễn ra tại Argentina có thêm nội dung trên chương trình nghị sự và đẩy Tổng thống Mỹ Donald Trump vào tình thế khó xử.

Cái khó xử của ông Trump hiện hữu trên hai phương diện:

Thứ nhất, ông Trump muốn chơi cuộc chơi riêng ở khuôn khổ diễn đàn lớn này, trở thành tâm điểm của sự kiện và dẫn dắt chiều hướng diễn biến của hội nghị.

Nhưng bây giờ ở hội nghị này, vấn đề Ukraine nói chung, và mối quan hệ giữa Nga và Ukraine nói riêng trở nên rất thời sự. Mà ở đây quan điểm và thái độ của ông Trump lại không kiên định nhất quán, và bản thân một mình ông Trump không thể xử lý nổi hay tạo bước chuyển cơ bản hướng tới giải pháp, mà phải dựa cậy vào Tổng thống Nga Vladimir Putin.

Chuyện liên quan đến Ukraine và quan hệ giữa Ukraine với Nga cho thấy khả năng hạn chế của Mỹ.

Thứ hai, đối với ông Trump, hội nghị cấp cao này của nhóm G20 thành công hay thất bại không được quan tâm để ý và ưu tiên bằng các cuộc gặp song phương đã được dự kiến, đặc biệt với chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình và với ông Putin.

Hai cuộc gặp này có ý nghĩa quyết định đối với việc ông Trump có được thế giới bên ngoài xác nhận và công nhận vai trò, tầm vóc và uy danh chính trị trên thế giới hay không.

Ông Putin và ông Tập Cận Bình không thể không thấy điều ấy, và sẽ không dễ dàng để cho ông Trump toại nguyện, chừng nào chưa nhận về những nhượng bộ và thoả hiệp xứng đáng từ phía ông Trump.

Trong cái khó ló cú đòn gió

Trong thế khó xử ấy, ông Trump hiện mới ló ra được cái chiêu huỷ bỏ cuộc gặp với ông Putin và ỡm ờ rằng bản thân thích duy trì tình trạng hiện tại trong mối quan hệ giữa Mỹ và Trung Quốc, hơn là đạt thoả thuận mới với ông Tập Cận Bình.

Với cú đòn gió này, ông Trump xem ra đã tính đến và đang chuẩn bị dư luận cho kịch bản nhiều khả năng sẽ xảy ra ở Argentina là cả hội nghị cấp cao này của nhóm G20 không thành công lẫn cuộc gặp với ông Tập Cận Bình không đem lại kết quả đáng kể gì.

Thực chất mắc mớ của Mỹ với Trung Quốc không chỉ đơn thuần là xung khắc hay chiến tranh thương mại hoặc những gì liên quan đến chúng, mà là cuộc cạnh tranh chiến lược không khoan nhượng. Nó là chuyện lâu dài và liên tục với nhiều tầng nấc mức độ khác nhau.

Vì thế, Mỹ và Trung Quốc gần như sẽ không thể có được quan hệ hợp tác ổn định và yên bình lâu dài, sẽ không thể có được khuôn khổ quan hệ nào đảm bảo cho sự ổn định và tính bền vững ấy.

Cái ông Trump muốn có ở cuộc gặp ông Tập Cận Bình tại Argentina không phải là giải pháp cho các vấn đề đang đặt ra trong mối quan hệ song phương giữa hai nước, mà là hình ảnh đã làm cho Trung Quốc phải chịu khuất phục Mỹ.

TT Trump hủy hẹn với Nga, ỡm ờ với Trung Quốc ngay trước G20: Trong cái khó ló cú đòn gió - Ảnh 3.

Hai ông Trump-Tập sẽ có cuộc gặp gỡ bên lề hội nghị thượng đỉnh G20. Ảnh (minh họa): Reuters.

"Hành động vớt vát"

Còn đối với Nga, việc ông Trump huỷ cuộc gặp với ông Putin ở Argentina lại chỉ là hành động vớt vát.

Lý do được ông Trump đưa ra không phải là do Nga đã nổ súng và bắt giữ tàu chiến của Ukraine, mà là chưa thả người của Ukraine. Có thể hiểu nôm na là quyết định này được đưa ra không vì chính phủ Ukraine, mà vì số phận của những lính thuỷ Ukraine bị bắt, không vì bản chất của vụ đụng độ, mà vì một hậu quả cụ thể của vụ đụng độ.

Như người tiền nhiệm, ông Trump trừng phạt Nga và cung cấp vũ khí để tăng cường vũ trang cho chính phủ Ukraine, nhưng cho tới nay Mỹ đâu có đóng nổi vai trò gì trong việc giải quyết vấn đề Ukraine, phần vì Mỹ không muốn can dự sâu, phần vì Mỹ không thể, bởi nếu muốn gây dựng vai trò lớn thì Mỹ không thể không buộc phải hợp tác với Nga, thoả hiệp và trả giá đắt cho Nga.

Mỹ cần Nga vì lợi ích chiến lược khác trong chuyện khác, chứ không phải ở Ukraine. Ai trị vì nước Mỹ thì có thể, chứ ông Trump không hy sinh quan hệ của Mỹ với Nga vì Ukraine hay EU.

Cái khó xử của ông Trump trong chuyện này không phải hiềm khích giữa Ukraine và Nga, mà là Nga đã nổ súng, tức là mạnh tay và không khoan nhượng. Vì thế, ông Trump mới buộc phải thể thiện thái độ và phản ứng khác trước. Để trấn an các đồng minh và đối tác của Mỹ ở châu Âu. Để tỏ ra đang "làm găng" với Nga. Và để dịu bớt áp lực trong nội bộ Mỹ.

Trong bối cảnh tình hình ấy, việc ông Trump huỷ bỏ cuộc gặp với ông Putin ở Argentina hoàn toàn không có nghĩa là mối quan hệ giữa Mỹ và Nga xấu đi. Có hay không có cuộc gặp này thì ông Trump cũng đâu có thể làm được gì nhiều hơn với Nga, cả hiện tại lẫn trong thời gian tới.

TT Trump hủy hẹn với Nga, ỡm ờ với Trung Quốc ngay trước G20: Trong cái khó ló cú đòn gió - Ảnh 5.

Cứ theo tính khí của ông Trump và đặc thù trong quan hệ hiện tại giữa Mỹ và Nga thì hai người ấy trong thời gian tới sẽ có thể bất ngờ gặp nhau như cuộc gặp đã được dự định bất ngờ bị huỷ bỏ.

Cũng vì chuyện huỷ bỏ cuộc gặp này, mà ông Trump đã huỷ luôn một vài cuộc gặp song phương khác ở Argentina.

Chẳng phải như thế sẽ giúp làm giảm mức độ trầm trọng mà bên ngoài có thể cảm nhận thấy ở việc cuộc gặp Trump - Putin bị huỷ bỏ hay sao?

* Tiêu đề bài viết do tòa soạn đặt lại.

Đường dây nóng: 0943 113 999

Soha
Báo lỗi cho Soha

*Vui lòng nhập đủ thông tin email hoặc số điện thoại