Tại hội thảo "Chính sách ứng phó với dịch bệnh của Chính phủ", TS. Vũ Thành Tự Anh đã có những phân tích về cách xây dựng và đưa ra chính sách trong bối cảnh nền kinh tế Việt Nam đang chịu nhiều tác động vì dịch Covid. Dưới đây là tóm lược những ý chính của ông Tự Anh.
Mục tiêu can thiệp bằng chính sách của Nhà nước là gì?
-Thứ nhất, làm thế nào để hạ thấp đường cong nhiễm dịch
-Thứ hai, bảo vệ sức khoẻ của doanh nghiệp
-Thứ ba, củng cố niềm tin của xã hội
-Thứ tư, bồi đắp nền tảng phục hồi
-Thứ năm, hạn chế di hại tương lai
Với 2 mục tiêu cuối cùng, ông Tự Anh có một số lưu ý.
Với mục tiêu thứ tư, ông cho biết: Cuộc khủng hoảng nào rồi cũng sẽ qua đi. Vấn đề là ra khỏi khủng hoảng là trạng thái là điêu tàn hay với tâm thế là mình đã có một số nền tảng để từ đó hồi phục nền kinh tế, như con đại bàng hồi sinh trong đống tro tàn.
Cho nên nếu những chính sách chỉ nhìn vào những vấn đề trước mắt thì sẽ không tạo dựng những nền tảng này.
Hay nói cách khác, mặc dù chính sách để đáp ứng yêu cầu của khủng hoảng nhưng cũng phải có tầm nhìn để hướng tới tương lai chứ không chỉ nghĩ đến hiện tại.
Còn hạn chế di hại tương lai nghĩa là sao? Có một số chính sách nếu như làm quá ở thời điểm này hoặc không tính tới hệ luỵ tiêu cực như rủi ro đạo đức hay lựa chọn ngược chẳng hạn - vốn rất dễ xảy ra trong một thời kỳ khủng hoảng thì có thể tạo ra những nhóm lợi ích, hay tạo ra những hệ luỵ. Ví dụ tạo ra những thể chế mà khi khủng hoảng đi qua thì nó lại cản trở sự phát triển của nền kinh tế, cản trở năng lực phục hồi.
Nói tóm tắt lại những mục tiêu này là mục tiêu để đảm bảo cuộc khủng hoảng y tế không dẫn đến khủng hoảng kinh tế và tài chính. Đồng thời những biện pháp trước mắt để đối diện với khủng hoảng không tạo ra những hệ luỵ lâu dài trong tương lai nhưng đồng thời chuẩn bị được nền tảng để chúng ta phục hồi sau này.
3 nguyên tắc quan trọng của can thiệp bằng chính sách
-Các can thiệp này phải có mục tiêu bởi có rất nhiều lĩnh vực chịu tác động trong khi nguồn lực của Nhà nước là hữu hạn.
Nguồn lực ở đây không chỉ là tài chính còn là tổ chức, thực thi, về hành chính... Nền kinh tế có rất nhiều nhu cầu nhưng nguồn lực hữu hạn nên không thể can thiệp đại trà mà phải xác định ưu tiên, can thiệp hết sức chọn lọc.
-Khi khủng hoảng xảy ra thì tính kịp thời, tốc độ hết sức quan trọng. Như vậy, trong một chừng mực nhất định phải chấp nhận đánh đổi tốc độ với hiệu quả công bằng. Chẳng hạn như có thể hạn chế trục lợi nhưng vẫn chấp nhận ở mức nào đó, duy trì mức độ công bằng chấp nhận được nhưng thấy một số đối tượng phải chịu thiệt thòi.
-Khi can thiệp vào thị trường, có thể sử dụng một số biện pháp hành chính nhưng vẫn phải dựa theo, thuận theo quy luật của thị trường bất cứ khi nào có thể.
Một lưu ý quan trọng khác là khi đưa ra chính sách trong "thời chiến", ở trạng thái khẩn cấp thì cũng phải có thời hiệu. Chẳng hạn quy định dịch sẽ kéo dài trong 2 quý thì thời hiệu phải đặt rõ là 2 quý, sau đó có thể kéo dài nếu như dịch kéo dài hơn. Nhưng nếu không có thời hiệu thì sẽ bị quá đà.
Về hệ thống tổng thể chính sách, có 5 hệ thống:
-Chính sách vĩ mô: có tài khoá, tiền tệ, đầu tư và thương mại. Đây là chính sách có tính bao quát, tát động một cách rộng khắp đến nền kinh tế
4 chính sách còn lại có mục tiêu:
-Mục tiêu đến người dân, gồm người tiêu dùng và người lao động
-Đến các ngành chịu ảnh hưởng nhiều nhất của đại dịch
-Hướng đến loại hình quy mô doanh nghiệp chịu nhiều nhất. Ở đây vừa phải đảm bảo các DNVVN đảm bảo tiếp cận được vốn tín dụng, hỗ trợ cần thiết để không bị sụp đổ nhưng cũng tránh sự cố là các doanh nghiệp, tập đoàn quá lớn thất bại kéo theo sự thất bại của rất nhiều các doanh nghiệp khác. Đây là những lĩnh vực như nói lúc trước có thể tạo ra những rủi ro đạo đức.
-Hướng đến các địa phương. Ví dụ như TP. HCM, Hà Nội, những địa phương phải gồng mình lên chống dịch thì cũng phải có những chính sách thích hợp từ chính quyền trung ương liên quan đến phân bổ ngân sách hay đến hỗ trợ.