Giám đốc IMF: Covid-19 không giống với bất kỳ cuộc khủng hoảng nào trong 75 năm qua và sẽ nghiêm trọng hơn khủng hoảng tài chính 2008

Hoàng An |

IMF sẽ ưu tiên nguồn lực cho các quốc gia dễ bị tổn thương. "Giống như cách virus tấn công những người dễ bị tổn thương với điều kiện tiền y tế khó khăn nhất, khủng hoảng kinh tế cũng sẽ đánh vào những nền kinh tế dễ bị tổn thương nhất" - Giám đốc điều hành tổ chức này cho hay.

Các biện pháp ngăn chặn sự lây lan của Covid-19 trên toàn cầu đã khiến các nền kinh tế trên toàn thế giới lâm vào tình trạng bế tắc. Đúng là các biện pháp này có hiệu quả làm chậm sự lây lan của virus, nhưng lại gây ra tổn thất kinh tế nặng nề.

"Đây là một cuộc khủng hoảng không giống ai", bà Kristalina Georgieva, Giám đốc điều hành Quỹ Tiền tệ Quốc tế (IMF) nói trong cuộc họp ngắn của Tổ chức Y tế Thế giới (WHO). Bà Georgieva lưu ý rằng cuộc khủng hoảng này không giống như bất kỳ cuộc khủng hoảng nào mà cơ quan này từng thấy trong 75 năm qua, và sẽ là một cuộc khủng hoảng sẽ nghiêm trọng hơn cuộc khủng hoảng tài chính toàn cầu năm 2008.

Tại cuộc họp vào ngày 3/4, các quan chức WHO và Giám đốc IMF đã thảo luận về các biện pháp tài chính toàn cầu cần thiết để giảm bớt tác động kinh tế của cuộc khủng hoảng coronavirus hiện tại, đảm bảo các biện pháp bảo vệ cho hệ thống y tế ở những nơi dễ bị tổn thương nhất thế giới.

Tăng cường tài chính cho các hệ thống y tế

Một hệ thống y tế được tài trợ đầy đủ là chìa khóa để chống lại cả cơn bão Covid-19 và tác động kinh tế của nó, như lời giải thích của Tiến sĩ Tedros Adhanom Ghebreyesus, Tổng Giám đốc WHO. Ông kêu gọi tất cả các nước cung cấp như sau :

1. Tài trợ đầy đủ cho các biện pháp y tế công cộng cốt lõi như: tìm kiếm trường hợp có nguy cơ, thử nghiệm, theo dõi liên lạc, thu thập dữ liệu và thực hiện các chiến dịch truyền thông và thông tin.

Giám đốc IMF: Covid-19 không giống với bất kỳ cuộc khủng hoảng nào trong 75 năm qua và sẽ nghiêm trọng hơn khủng hoảng tài chính 2008 - Ảnh 1.

2. Hỗ trợ tài chính mạnh mẽ cho các hệ thống y tế và đối tác, để đảm bảo rằng nhân viên y tế được trả lương và các cơ sở y tế có đủ kinh phí để mua vật tư y tế thiết yếu.

3. Loại bỏ các rào cản tài chính để chăm sóc cộng đồng. Tổng giám đốc WHO lưu ý rằng một số quốc gia đã và đang cung cấp xét nghiệm cũng như chăm sóc miễn phí cho bệnh nhân Covid-19 bất kể họ có bảo hiểm hay không, quyền công dân hoặc tình trạng cư trú của họ. "Chúng tôi khuyến khích các biện pháp này. Đây là một cuộc khủng hoảng chưa từng có, nên cũng đòi hỏi những phản ứng chưa từng có".

Tăng cường nền kinh tế thế giới

"Các biện pháp kinh tế cũng phải hữu ích cho những người dễ bị tổn thương nhất thế giới", bà Georgieva nói, "bao gồm các thị trường mới nổi và các nền kinh tế đang phát triển".

Chìa khóa cho hành động của IMF bao gồm :

1. Ưu tiên giúp đỡ cho các thị trường mới nổi và các nền kinh tế đang phát triển: các quốc gia này chịu ảnh hưởng nặng nề của cuộc khủng hoảng, với ít tài nguyên hơn. Các biện pháp cách ly gây thiệt hại lớn đến thị trường xuất khẩu hàng hóa, mất vốn và làm suy yếu hệ thống y tế ở các quốc gia này.

Do đó, IMF sẽ ưu tiên nguồn lực cho các quốc gia dễ bị tổn thương. "Giống như cách virus tấn công những người dễ bị tổn thương với điều kiện tiền y tế khó khăn nhất, khủng hoảng kinh tế cũng sẽ đánh vào những nền kinh tế dễ bị tổn thương nhất".

"Cứu người và bảo vệ sinh kế phải song hành," Georgieva nói thêm.

2. Với các biện pháp tài chính khẩn cấp, Georgieva cho biết IMF đang huy động nguồn tài trợ khẩn cấp và đã tăng gấp đôi khả năng của các khoản tài trợ đó từ 50 tỷ USD lên tới 100 tỷ USD, các quỹ cũng có thể giúp các thị trường mới nổi và các nền kinh tế đang phát triển.

85 quốc gia - một số lượng kỷ lục, đã liên hệ với cơ quan này xin tài trợ cùng một lúc. "Nhu cầu tài chính của chúng tôi đã tăng vọt" bà Georgieva thông tin.

"Chúng tôi có một khoản tài chính trị giá 1 nghìn tỷ USD và chúng tôi quyết tâm sử dụng nhiều nhất có thể trong việc bảo vệ nền kinh tế khỏi vết sẹo của cuộc khủng hoảng này".

3. Cuối cùng là việc giảm nghĩa vụ nợ cho các thành viên nghèo nhất của IMF. Bà Georgieva nói rằng IMF đã huy động sự hỗ trợ tài chính khẩn cấp cho các quốc gia và đã tăng khả năng giảm bớt nghĩa vụ dịch vụ nợ cho các thành viên này thông qua Ủy thác cứu trợ ngăn chặn thảm họa.

Với Ngân hàng Thế giới, bà cho biết, IMF đang ủng hộ việc ngừng việc thực hiện nghĩa vụ nợ với các nước nghèo nhất.

"Đây là thời điểm đen tối nhất của loài người", bà Georgieva nhận định. "Đó là một mối đe dọa cho toàn bộ thế giới, đòi hỏi chúng ta phải đứng lên và bảo vệ những người dễ bị tổn thương nhất trong số những công dân - những người có quyền bình đẳng - của hành tinh này".

Giám đốc IMF: Covid-19 không giống với bất kỳ cuộc khủng hoảng nào trong 75 năm qua và sẽ nghiêm trọng hơn khủng hoảng tài chính 2008 - Ảnh 2.

Đường dây nóng: 0943 113 999

Soha
Báo lỗi cho Soha

*Vui lòng nhập đủ thông tin email hoặc số điện thoại