Nếu bạn muốn tiết kiệm được nhiều tiền dành cho việc nghỉ hưu, ngoài đầu tư sáng suốt để tăng giá trị tài sản, bên cạnh đó bạn cũng cần phải biết chi tiêu một cách tiết kiệm.
Tại sao thu nhập tương đương nhưng họ có tiền, còn bạn thì không?
JPMorgan Chase là một trong những hãng dịch vụ tài chính lâu đời nhất trên thế giới, có trụ sở tại New York, Mỹ. Công ty tài chính này từng tham gia một cuộc khảo sát, mục đích tìm hiểu về việc tại sao giữa những người có thu nhập tương đương thì một số lại có tiền tiết kiệm để dành, số còn lại thì không.
Ảnh minh họa
Cuộc khảo sát được công bố vào tháng 6 năm 2020 cho thấy rằng các đối tượng khảo sát có thể được chia thành 3 nhóm:
1. Nhóm tiết kiệm cao: Những người tiết kiệm được 9% tiền lương của họ hoặc thậm chí cao hơn. Khi đến tuổi nghỉ hưu, quỹ tiết kiệm của họ rất dồi dào.
2. Nhóm tiết kiệm trung bình: Những người tiết kiệm từ 5% - 6% tiền lương.
3. Nhóm tiết kiệm thấp: Những người tiết kiệm từ 2% - 3% tiền lương.
Nhiều người sẽ cho rằng những người tiết kiệm được ít hơn là do thu nhập của họ tương đối thấp. Katherine Roy, một chiến lược gia hưu trí tại JPMorgan cho biết, cuộc khảo sát cho thấy thu nhập của nhóm tiết kiệm trung bình và nhóm tiết kiệm thấp là "bằng nhau hoặc tương đương nhau".
“Đừng coi nhẹ khoảng chênh lệch 3% tiết kiệm giữa 2 nhóm này. Sự khác nhau ấy sẽ được phản ánh rõ nét nhất tại quỹ tiết kiệm dành cho nghỉ hưu. Số tiền nghỉ hưu của nhóm 2 so với nhóm 3 có thể nhiều hơn gấp đôi”, Roy nói.
Giảm 3 chi phí này, tiền nghỉ hưu của bạn có thể tăng gấp đôi
Theo báo cáo điều tra, 3 khoản chi dùng “ngốn” nhiều tiền lương của bạn nhất chính là:
1. Nhà ở: Bao gồm tiền vay mua nhà, tiền thuê nhà, thuế nhà đất, tiền điện, phí quản lý nhà ở và đồ nội thất cho căn hộ.
2. Thực phẩm và đồ uống: Bao gồm các chi phí mua đồ ăn và mua sắm tạp hóa.
3. Phương tiện di chuyển: Bao gồm chi phí mua xe, đổ xăng, đi lại.
Roy cho biết, có một điều đặc biệt là các khoản chi dùng phía trên không hề chịu ảnh hưởng trực tiếp bởi địa điểm sinh sống. Nói cách khác, những người sống ở các thành phố lớn như New York hoặc San Francisco không nhất thiết tiêu tốn nhiều tiền hơn những người sống ở các địa phương khác có mức giá rẻ hơn.
Đối với các khoản chi tiêu khác như vui chơi giải trí, quần áo, phụ kiện, các khóa học... thì mức chi dùng ở nhóm 2 và nhóm 3 không khác nhau nhiều.
Do đó, Roy cho rằng nếu bạn muốn tiết kiệm được nhiều tiền hơn, bạn nên bắt đầu từ 3 khía cạnh: nhà ở, đồ ăn thức uống và phương tiện đi lại. Nếu chúng được kiểm soát đúng cách, quỹ tiết kiệm nghỉ hưu của bạn sẽ dồi dào hơn rất nhiều.
Mẹo tâm lý để tiết kiệm tiền
Ảnh minh họa
Ngoài việc điều chỉnh chi tiêu, bạn cũng có thể sử dụng mẹo tâm lý để tăng tốc độ tiết kiệm tiền.
Hal Hershfield, trợ lý giáo sư tại Trường Kinh doanh UCLA Anderson và các nhà nghiên cứu đã hỏi những đối tượng khảo sát các câu hỏi khác nhau. Nhóm đầu tiên được hỏi: “Bạn có sẵn sàng tiết kiệm 150 đô la Mỹ một tháng không?”. Nhóm thứ hai được hỏi: “Bạn có thể tiết kiệm 35 đô la Mỹ một tuần chứ?”. Nhóm cuối cùng được hỏi: “Bạn có thể tiết kiệm 5 đô la Mỹ một ngày không?”
Trên thực tế, mục tiêu số tiền tiết kiệm của 3 nhóm người là như nhau trong cả tháng. Nhưng báo cáo nghiên cứu cho thấy rằng khi bạn sử dụng "ngày" làm đơn vị mục tiêu, số người sẵn sàng tiết kiệm tăng gấp 4 lần.
"Rõ ràng để từ bỏ không mua món đồ gì đó trị giá 5 đô la Mỹ sẽ khá dễ dàng”, Hershfield nói. Và lời khuyên cho bạn nếu muốn tiết kiệm tiền hiệu quả và dễ dàng hơn thì hãy tiết kiệm theo ngày, tiết kiệm từng món nhỏ, đó là một mẹo tâm lý khá hiệu quả đấy.