Tuấn Hưng hát chế, phản ứng vụ chặt 6.700 cây xanh

Ngân An |

Tiếc nuối, đau lòng là những cảm xúc nam ca sĩ điển trai cảm nhận được khi nghe tin về đề án mới của thành phố.

Khi có thông tin về việc 6.700 cây xanh ở Hà Nội sẽ bị đốn hạ và thay thế, nhiều người dân đang sống ở mảnh đất Thủ đô cảm thấy rất tiếc nuối.

Thậm chí, có hai phụ nữ chọn cách trèo lên cây để phản đối việc đốn cây này. Trong khi đó, nam ca sĩ Tuấn Hưng vừa đăng lên trang cá nhân một đoạn clip phản đối chặt cây, chế lời từ ca khúc hit "Sẽ không còn nữa".

Ngay lập tức, đoạn clip ngắn “có một không hai” nhận được sự ủng hộ nhiệt tình từ bạn bè của anh. MC Nguyên Khang tán dương: “Bài hát hay và chắc sẽ có sức ảnh hưởng không nhỏ”.

Số khác lại cho rằng đây sẽ là một thông điệp tốt đẹp thể hiện tâm tư và nguyện vọng của những người dân với đề án mới của thành phố.

Tuấn Hưng đầy "day dứt" với Sẽ Không Còn Cây.

Xem toàn bộ VIDEO HOT trên SOHA

Chia sẻ nhiều hơn về ý tưởng này, nam ca sĩ Tuấn Hưng trầm ngâm: “Tất cả cây bị chặt đều gắn liền với kỷ niệm và tuổi thơ của những người cùng lứa như tôi.

Tôi nhớ ngày còn đi học, đó là nơi giúp cả bọn che nắng, trú mưa. Khi tôi vào thành phố Hồ Chí Minh sống và làm việc, mỗi lần trở về Hà Nội, tôi thấy mình được thỏa mãn với không gian rợp bóng cây như vậy trên một con đường dài.

Thế nhưng, điều tôi mong chờ nhất mỗi khi đi xa về đã bị người ta cắt bỏ đi rồi.

Những cái cây đó còn có ý nghĩa với một thằng trẻ ranh như tôi đến thế, huống gì là với những người có tuổi như bố mẹ, ông bà tôi. Thật sự, chúng có giá trị rất lớn về ký ức.

Hà Nội không chỉ với tôi mà với tất cả mọi người mang một nét gì đó rất cổ kính, rất sâu sắc, rất xưa. Thế mà thật tiếc, những cái cổ xưa lại không được giữ lại.

Cây to như vậy không tìm cách khắc phục để giữ an toàn cho dân mà lại chặt đi. Hoặc nếu có chặt thì chặt phần tán và phần thân bên trên, để lại phần thân dưới cao khoảng 1-2 mét.

Đoạn thân dưới có thể cho nghệ nhân đẽo đục thành tượng của những vị anh hùng, những người có công với Tổ Quốc. Như thế có phải ý nghĩa hơn không?

Hoặc, chặt sát hơn nữa để làm thành ghế nhỏ ở bến xe buýt. Đó cũng là một cách hay, tại sao phải chặt sát mặt đất để làm gì?”.

Là một người dân Hà Nội, sinh ra và lớn lên ở mảnh đất Thủ đô, Tuấn Hưng cảm thấy bản thân phải có trách nhiệm lên tiếng, dù việc làm của anh có thể không mang lại kết quả như ý muốn.

Tùy theo ý thức, mỗi người dân đều có cách riêng để thể hiện lòng yêu quý với những cái cây.

Người thì leo lên cây ngồi dù biết có ngồi như thế cũng chẳng giải quyết được vấn đề gì, người thì chế lời bài hát giống tôi mặc dù biết chế như thế cũng chẳng mấy ai nghe.

Nhưng quan trọng là tất cả mọi người đều cố gắng làm điều gì đó. Ai cũng tìm cách để cho thấy việc chặt đổ những cái cây ảnh hưởng rất lớn đến tinh thần của những người dân Hà Nội”, anh nói.

 

Đường dây nóng: 0943 113 999

Soha
Báo lỗi cho Soha

*Vui lòng nhập đủ thông tin email hoặc số điện thoại