Thanh Tuyền: Người chồng bội bạc và chuyến lạc thuyền định mệnh

Hoàng Nguyên Vũ |

“Tôi sang Mỹ là để tìm cha cho các con, nhưng các con tôi bị cha đẻ đối xử bội bạc. Nhưng số phận đã tặng chúng một người cha, từ chuyến lạc thuyền định mệnh”, Thanh Tuyền kể.

Thanh Tuyền ví mình như rượu. Lúc buồn nhất thì tự mình uống nó để mà say, nhưng càng uống lại càng tỉnh để nhận rõ mồn một những uẩn khúc của cuộc đời mình.

Chị nói, chị đã đi qua một chặng đường đời với đủ vị của nỗi đau. Đôi khi, chị thấy việc gặm nhấm hết những buồn đau của mình, như một cảm giác thân thuộc.

Cả một cuộc đời ca hát trải qua nhiều thế hệ người nghe, đã không ít lần chị hát bằng cảm giác đó, hát như tự hóa giải cho mình.

Giọng hát nuôi 14 đứa em

Sinh ra và lớn lên ở Đà Lạt, trong một gia đình nghèo và 15 người con, Thanh Tuyền là chị cả. Chị đã từng cãi mẹ để được đi học, khi mẹ nói với chị rằng, là con gái học cho biết cái chữ là đủ, rồi bỏ học mà đi buôn.

“Lúc đó tôi nghĩ, để thoát nghèo là phải học. 14 tuổi, tôi lên Sài Gòn để thực hiện giấc mơ học hành chứ đâu nghĩ mình lên để ca hát rồi trôi một đời theo giọng hát của mình đâu.”

Thanh Tuyền trong một chuyến biểu diễn từ thiện
Thanh Tuyền trong một chuyến biểu diễn từ thiện

Cũng không hẳn là thuận lợi cho bắt đầu một đam mê khi ba của Thanh Tuyền cực kỳ ghét ca hát. Ông cho rằng nghề đó rất bạc bẽo, nay là ngôi sao, mai có khi thất thểu ngoài đường.

Nhưng điều ông không chấp nhận là từ cái nhìn định kiến: làm nghệ sĩ tình duyên lận đận, nay lấy người này mai lấy người khác. Với ông, điều đó “chẳng ra thể thống gì”.

Không ít lần nhận những trận đòn thập tử nhất sinh từ ba vì tội “trốn ba đi hát”. Vốn bướng bỉnh, Thanh Tuyền không khóc, nhìn thẳng vào cha mình nói: “Con sẽ chứng minh cho ba biết con của ba không phải như thế”.

Sau này khi đi hát lo cho cả gia đình, có lần chị hỏi ba: “Ba thấy con đi hát đã mấy năm như thế, con có hỏng không?” .

“Con là đứa con gái làm ba thay đổi nhiều suy nghĩ”- người cha nói.

Bắt đầu từ năm 1964, làng nhạc Sài Gòn xuất hiện một giọng hát trong vắt, lảnh lót, lên cao rất êm mà xuống trầm rất nhẹ. Giọng hát ấy đã đốt nóng các phòng trà, băng đĩa và thành một cái tên không thể thiếu trong các chương trình.

Giọng hát ấy đã lo lần lượt cho 14 người em ăn học nên người, có một cuộc sống ổn định, trong đó có những người thành danh; lo cho cha mẹ được tịnh dưỡng tuổi già.

“Tôi không thấy nặng nề. Mà ngược lại cảm ơn ông trời đã cho mình giọng hát để lo được cho những người thân. Mình có danh có phận không lo được cho người thân thì danh cũng vô nghĩa”, Thanh Tuyền nói.

Năm 1965 – 1966 là gia đoạn đỉnh cao nhất của giọng hát Thanh Tuyền. Mỗi đêm hát tầm 5 cây vàng, Thanh Tuyền trở thành một trong những cái tên sáng giá nhất Sài Gòn thời ấy.

Thanh Tuyền biểu diễn tại một phòng trà ở TP Hồ Chí Minh
Thanh Tuyền biểu diễn tại một phòng trà ở TP Hồ Chí Minh

Những ngày cô độc và người khán giả đặc biệt

Có một thời, mặt báo Sài Gòn xôn xao về một vụ tự tử của một ngôi sao ca nhạc hàng đầu. Người đó là Thanh Tuyền.

Đó là một vụ tự tử vì tình. Người đàn ông ấy cũng là một nhân vật đình đám. Tự tử là một cái kết cho những chuỗi ngày bế tắc của người đàn bà trong một cuộc tình vô vọng.

Điều đáng nói, trong sự kiện đó, có một người đàn ông khác, thầm lặng tìm hiểu những thông tin về cô ca sĩ. Ông ấy luôn đặt câu hỏi: “Tại sao một người đẹp, lại có danh tiếng lớn vậy, lại chọn giải pháp huỷ hoại đời mình?”

Người đàn ông đó tìm các băng đĩa của Thanh Tuyền về nghe và từ lúc nào, ông ta đã mê đắm giọng hát ấy.

Nhưng, người đàn ông ấy không phải là người nên duyên để trở thành cha của những đứa con Thanh Tuyền. Ông ấy đơn giản chỉ là một khán giả - vào lúc đó.

Năm 1968, Thanh Tuyền lên xe hoa. Người chồng cũng có vai vế trong xã hội Sài Gòn ngày ấy. Họ có 3 người con.

Khi Sài Gòn thay đổi, người chồng vượt biên trước, để lại Thanh Tuyền với 3 đứa con thơ (đứa 6 tuổi, đứa 3 tuổi và đứa mới 1 tháng tuổi) cùng lời hẹn sang ổn định trước thì đón 3 mẹ con sang Mỹ.

Nhưng suốt 3 năm, người đi biệt xứ không tin tức. Thanh Tuyền sống trong hoang mang rằng có thể chồng mình đã không vượt qua được những cơn bão trên đại dương hay lũ cướp biển ác ôn.

Nhưng thực tế, nhiều người thân, bạn bè cho chị biết, ông ấy vẫn còn sống và có một cuộc sống rất ổn ở trời Mỹ.

Ở Việt Nam, như bao người dân của một đất nước kiệt quệ vì chiến tranh, Thanh Tuyền sống một cuộc sống thiếu thốn, bên nách 3 con thơ, vừa phải làm mẹ, vừa phải làm cha.

Thời điểm này, Thanh Tuyền là ca sĩ của đoàn Kim Cương. Chị nói, nếu không có ca hát, không biết chị sẽ đối diện như thế nào với cuộc sống của chị.

Nhưng đó là lúc lên sân khấu. Còn mỗi tối, khi xa ánh đèn, người mẹ 25 tuổi về với 3 đứa con nhỏ. Ngày qua ngày, chị tự nuốt nước mắt vào trong khi thấy căn nhà của mình tự nhiên nó rỗng một cách đáng sợ.

Và sự đợi chờ người đi thì ngày càng vô vọng.

Thời điểm đó, người “khán giả đặc biệt” như đề cập ở trên xuất hiện. Đúng hơn, ông vẫn đi tìm kiếm cô ca sĩ xinh đẹp tự tử năm xưa xem cô ấy giờ ra sao sau mọi biến cố của thời cuộc.

Hồi đó, ông có nhiều xe đạp và thường mang xe qua nhà Thanh Tuyền gửi. Họ vẫn giữ khoảng cách nên chỉ…gửi xe và không quyền được biết cuộc sống bên trong gia đình của người phụ nữ ấy.

“Rồi một lần đi nhậu, ông chở tôi về. Vào thăm nhà ông nhìn thấy tôi và ba đứa con nheo nhóc, ông đã động lòng thương và chúng tôi gần gũi nhau hơn. Lúc này, ông có vợ con và một cuộc sống hạnh phúc.”

“Tôi thì dù chồng bỏ đi nhưng vẫn là người đang có chồng, các con vẫn đang chờ cha. Nên, tôi và ông hãy là những người bạn tốt để tốt với nhau, không làm gì vượt quá giới hạn”- Thanh Tuyền nói về lý do mà hai người không đến với nhau lúc ấy.

Thanh Tuyền gặp người hâm mộ tại sân bayThanh Tuyền
Thanh Tuyền gặp người hâm mộ tại sân bayThanh Tuyền

Tìm cha cho con

Nhưng số phận cũng có những lý lẽ riêng để rồi những người đi qua mọi cay đắng đều nhận ra, khó có thể cãi lại được nó. Chị quyết đi Mỹ để tìm cha cho các con.

“Mấy đứa nhỏ cần cha và được sống với cha. Người ta mang vợ đi, tôi thì phải vượt biển tìm chồng”.

Lúc đó, vị “khán giả đặc biệt” cùng gia đình cũng chuẩn bị vượt biên sang Mỹ. Ông giúp Thanh Tuyền có được mối đi. Đúng ngày đúng giờ, hai gia đình lên ghe sang Mỹ.

Vợ con ông lên ghe trước, đến lượt ông thì ghe đầy. Ông đi ghe sau đó, cùng với mẹ con Thanh Tuyền. Họ đi trong đêm tối. Hai ghe vẫn song hành một chặng đường trên biển.

Những ngày lênh đênh, sóng, bão, mỗi ghe trôi theo một hướng. Ghe của vợ con ông trôi dạt về hướng nào không ai biết. Không tin tức. Ông và mẹ con Thanh Tuyền cập bến Mỹ an toàn. Sang đến nơi, nhờ Hồng Thập Tự, Thanh Tuyền đã tìm được cha của mấy đứa nhỏ.

Nhưng ngày gặp lại cũng là ngày kết thúc. Người ấy đã có bến đỗ khác, có một cuộc sống khác. Gặp lại vợ con, thờ ơ và bẽ bàng.

“Tôi chỉ thương người nào thương tôi chứ không bao giờ thương những người bỏ tôi. Nhất là bỏ luôn cả các con tôi nữa. Chồng có thể bỏ vợ, nhưng cha bỏ con, trong cảnh con bơ vơ thế không tha thứ được”, Thanh Tuyền nhớ lại.

Lúc này, “khán giả đặc biệt”, người đàn ông cùng ghe ngày ấy như thành một người tri kỷ. Ông rất thương Thanh Tuyền và các con chị.

Gác lại mọi buồn khổ trên đất người, Thanh Tuyền bắt đầu nơi đất người bằng công việc nặng nhọc của một công nhân xưởng in để lo cho con. Chị làm việc đó trong 2 năm trước khi trở lại với ca hát.

Với người đồng hành đặc biệt, chuyến lạc ghe ấy, vợ con ông cập bến…Pháp. Và người vợ của ông đã đi bước nữa. Khi mọi riêng tư không còn vướng bận, ông trở thành một thành viên đặc biệt trong cuộc sống của Thanh Tuyền và các con chị.

Thanh Tuyền vẫn nhớ ngày ông gặp lại vợ ông trên đất Mỹ. Mọi người nhìn nhau nhẹ nhõm vì họ hiểu, có những thứ không cãi lại được số mệnh.

“Tình cảm chân thành đã đến và chúng tôi đã có nhau trong cuộc đời từ ngày đó cho đến tận bây giờ. Ông là một người chồng, một người bạn, một người cha tốt của các con tôi và cũng như một người thầy trong cuộc sống của tôi.”

Họ có một cuộc sống hạnh phúc từ ngày đó cho đến bây giờ. Sự quan tâm, lo lắng của ông với các con của Thanh Tuyền, theo chị, còn trên cả một người cha tuyệt vời.

Về người chồng bội bạc, Thanh Tuyền ngắn gọn: “Đất Mỹ rộng nhưng người Việt ít. Muốn gặp nhau không khó nhưng tôi và các con chọn cách quên. Ai cũng khó có thể quên những tủi buồn. Nhưng đã quên được thì có nghĩa là không còn gì”.

“Cuối cùng thì định mệnh đã cho các con tôi một người cha đúng nghĩa. Cảm ơn định mệnh”.

Nhìn lại đời mình, có đủ vị cay đắng, hạnh phúc, chị thấy mình là người may mắn. Thế nên, suốt gần 40 năm qua, Thanh Tuyền dốc tâm sức cho công tác từ thiện, như một trong những sự cảm ơn với những ưu ái mà cuộc đời dành cho mình.

Và chị vẫn hát, bằng cái cảm giác vẫn như xưa dù cuộc sống của chị đã hạnh phúc viên mãn. Có những điều trong quá khứ, người ta nói quên là quên vậy thôi, nhưng vẫn còn ám ảnh đâu đó.

Phải chăng, điều đó làm nên vị mặn của một giọng hát vượt thời gian, như Thanh Tuyền?

 

Đường dây nóng: 0943 113 999

Soha
Báo lỗi cho Soha

*Vui lòng nhập đủ thông tin email hoặc số điện thoại