Đổ vỡ vì… chồng quá tốt
Cô từng tâm sự rằng, cô luôn dựa lưng vào những thiệt thòi, khiếm khuyết của tuổi thơ để cố gắng đi về phía trước. Vậy, cô chính thức “dựa lưng” bắt đầu từ khi nào trong cuộc đời mình, thưa cô?
Ca sĩ Khánh Ly.
Từ rất bé, khoảng 10 tuổi. Nhà tôi nghèo, cả nhà sống trong ngôi nhà tạm trên kênh nước đen ở Sài Gòn.
13 tuổi đoạt Á quân giọng hát đài Pháp Á, tôi lại quay về xóm nghèo ấy, làm những công việc của một đứa trẻ nghèo, lòng vẫn nuôi mơ ước về một ngày đứng trên sân khấu.
Ba mất sớm, mẹ đi bước nữa, tôi thiếu sự quan tâm, thiếu tình thương nên từ đó tôi luôn khát khao được yêu thương.
Tuy nhiên càng trải nghiệm tôi càng nhận ra rằng, có những thứ khao khát trong tình cảm nhưng ta không chạm tới được trừ khi ta phải thỏa hiệp, phải an phận.
Phải chăng trong hành trình đầu đời của mình - 16 tuổi cô rời Sài Gòn lên Đà Lạt là để theo đuổi cái hành trình “khao khát được yêu” đó?
Tôi đi vì hai lẽ, muốn được yên phận vì lúc đó tôi đã lấy chồng, có con, phải trở về nhà chồng trên Đà Lạt để làm phép hôn phối ở nhà thờ theo nghi thức của người công giáo và đi cũng để kiếm tiền nuôi con.
Thu nhập của một người đi hát chưa có tên tuổi như tôi khi ấy ở Sài Gòn khá chật vật, rất bấp bênh. Tôi đã ở thành phố này suốt 5 năm, hát cho một night club.
5 năm trên thành phố cao nguyên, cuộc sống của cô có yên ả không?
Cũng không yên đâu. Đó là một cuộc hôn nhân không phải của tình yêu, mà là của sự lỡ lầm của tuổi trẻ nông nổi thiếu hiểu biết.
Tôi lại không phải là một người vợ tốt biết chăm lo, biết hy sinh cho gia đình mình, nên sợi dây hạnh phúc cứ lỏng dần thay vì thắt chặt lại.
Tôi đã từng ngộ nhận, rằng khi có gia đình thì tất cả sẽ yên ổn, nên thôi, cố mà cam chịu. Và rồi không phải sự cam chịu nào cũng mang lại kết quả như ý muốn.
Chúng tôi vỡ ra rằng tôi không yêu anh và anh cũng không yêu tôi. Cuộc sống không có tình yêu thật kinh khủng. Có những điều ngột ngạt được bọc trong sự im lặng đến đáng sợ.
Một cặp đôi không yêu nhau thì sống với nhau như thế nào trong suốt 5 năm đó, thưa cô?
Chẳng làm gì cho nhau và cũng chẳng nói gì với nhau cả. Tất cả mọi vấn đề đều không được giải quyết và khúc mắc cứ nằm ở đó mãi mãi.
Anh là người ít nói, lại là công chức sở Mỹ, đi làm xa nhà suốt. Xa không thấy nhớ, gần không thấy ấm... đáng sợ vô cùng.
Khoảng thời gian sống ở thành phố này tôi đã muốn chết mấy lần rồi. Tôi thất vọng trong đời sống lứa đôi. Mọi thứ không như những trang sách tôi đọc, không giống như giấc mơ của cô gái Sài Gòn 16 tuổi bước chân đi tìm một vùng đất mới.
Vậy, chân dung của người đàn ông đầu đời của cô trong cuộc hôn nhân kéo dài 5 năm ấy, là người như thế nào?
Một người rất đàn ông tính, kiệm lời, chưa từng vũ phu hay thô lỗ. Cũng là một người có ăn có học và tính tình rất tốt. Nói chung, đó là một người tốt, người hiền.
Người thì khát khao yêu thương từ nhỏ, người thì hiền và tốt thế mà không đem lại cho nhau hạnh phúc, có vô lý không cô?
Đó chính là vấn đề. Những người hiền lành, tử tế, rất tốt, chưa chắc đã đủ cho một cuộc hôn nhân. Rất nhiều đôi như thế ngoài đời, thế mới là trớ trêu.
Sự hiền lành và tử tế nhiều khi nó làm nguội đi cuộc sống thay vì em phải làm nóng nó lên để mọi thứ luôn mới mẻ.
Chẳng bù cho những cặp chồng vũ phu, vợ ghen lồng lộn, đằng này không. Chúng tôi không ghen, không bao giờ ăn tục nói bậy, chưa một tiếng càm ràm với nhau.
Như thế, tại sao cô lại muốn tự tử nhiều lần?
Tôi không làm vừa lòng chồng thì chồng tôi phải đi tìm người khác, đó là mấu chốt của câu chuyện. Rằng tôi không phải là người đàn bà hoàn hảo, thì chồng mới phải có người đàn bà khác.
Không chia sẻ được, không mang lại hạnh phúc cho nhau được thì đường ai nấy đi thôi. Tôi bế tắc. Tôi nghĩ rằng cuộc đời còn gì khác để sống nữa không? Còn những điều mới mẻ ấm áp ở phía trước nữa hay không, hay chỉ là thế thôi?
Nghi án người thứ 3 trong cuộc hôn nhân của Lệ Thu
Rời một cuộc hôn nhân cùng với cuộc gặp định mệnh với một người đàn ông - nhạc sĩ Trịnh Công Sơn, đã đưa cô từ Đà Lạt quay lại với Sài Gòn. Ngoài âm nhạc, vị nhạc sĩ này đã thay đổi đời cô như thế nào ở góc độ đàn ông - đàn bà?
Ông Trịnh Công Sơn không phải là người thay đổi đời sống của tôi. Hoàn toàn không. Những điều mà ông Sơn cho tôi, là làm những điều khiến cho cuộc sống của tôi đẹp đẽ hơn, tử tế hơn từ những nốt nhạc của ông.
Tôi vốn là người sống rất an phận, thậm chí cam chịu, không đòi hỏi gì nhiều, không ganh đua với ai cả. Ông Sơn không phải dạy dỗ tôi nhiều mà chỉ làm cho tôi thấy rõ hơn về cuộc sống.
Tôi học được ở ông, là sống phải có một tấm lòng, để tôi tự tại như một cây cỏ, không cần điều gì to tát như cổ thụ, mà cỏ cây dù nắng có đốt, thì sau một trận mưa vẫn cứ mọc lại.
Tôi và ông Sơn chỉ đơn giản là “người tình âm nhạc”, giao cảm với nhau trong từng nốt nhạc. Nếu ai đó nghĩ rằng tôi và ông có vượt qua hàng rào anh em thầy trò để đến một mối quan hệ “đàn ông-đàn bà” thì tội nghiệp cho ông Sơn.
Tôi nghĩ đến ông như nghĩ đến một người cha. Những nốt nhạc của ông đã nuôi sống tôi và cả các con tôi nữa.
Sài Gòn đã đón cô trở lại bằng một tên tuổi Khánh Ly lẫy lừng. Hẳn cuộc sống cũng kéo theo rất nhiều thay đổi, kể cả chuyện tình cảm?
Trở lại Sài Gòn, tôi có một cuộc sống tạm đủ, không đến nỗi phải lo lắng nhiều, nhưng lại một mình tôi gánh vác mọi thứ. Tôi đến với một cuộc tình khác, nhưng rồi bom đạn gọi tên anh. Người yêu của tôi cũng tử trận.
Thời gian trôi, lại thêm một người khác đến, tưởng để bù đắp cho mình. Nhưng rồi tôi cũng thêm một lần nữa không may, khi cuộc hôn nhân ấy kết thúc sau 5 năm như cuộc hôn nhân đầu, người ấy cũng đi theo tiếng gọi của người đàn bà khác.
Và kết thúc ấy, cũng lại như vết xe cũ. Người ấy không yêu tôi như tôi vẫn tưởng. Tôi cũng không cho họ được đầy đủ và lúc đó tôi đã hoài nghi, đã không thể hiểu nổi đàn ông họ muốn cái gì ở người đàn bà, người vợ của họ.
Tôi không hiểu được mình thiếu sót chỗ nào. Tôi chỉ biết, thôi, dừng lại đi, hiểu người khó lắm và mệt mỏi lắm.
Trong 2 cuộc hôn nhân đó giờ nhìn lại, cô có nghĩ tại sao cả hai đã không thử “vì nhau” để đi đường dài?
Để một người đàn bà vì một người đàn ông và một người đàn ông vì một người đàn bà, có những thứ không thể lắp ghép theo công thức cuộc đời. Hoàn cảnh thường có những đưa đẩy để quyết định đến số phận của từng cuộc hôn nhân.
Một quãng đời tìm kiếm yêu thương, tôi là người đi ăn mày tình thương ở những người đàn ông của những chặng đời mình.
Tôi sống chỉ mong mình được thương thôi. Chỉ có như thế thôi, từ nhỏ cho đến lớn, nên tôi trở thành một người chịu đựng, nhịn nhục.
Và nếu được ai thương thì tôi hết lòng, đánh đổi tất cả mọi thứ cho người đó được nếu người đó thương tôi. Tôi thỏa hiệp bằng mọi giá chỉ để có được tình thương.
Khánh Ly và ca sĩ Lệ Thu.
Trên con đường đi tìm tình thương đó, có phải cô đã “thương” luôn chồng của một đồng nghiệp nổi tiếng cùng thời, là chồng của nữ danh ca Lệ Thu và làm cho tình cảnh của ba bên gặp không ít rắc rối một quãng thời gian?
Điều đó không có. Vì thực tế lúc nào tôi cũng có chồng và khi có chồng thì tôi không có lèm nhèm với những đàn ông khác. Tôi không có ý định cặp bồ, không léng phéng.
Dù có những giai đoạn tôi có những tình cảm đặc biệt với một người nào đó thì mọi thứ cũng có giới hạn của nó. Còn nếu vượt qua giới hạn, thì người đó sẽ là chồng tôi, lấy và sống đàng hoàng.
Chồng của cô Lệ Thu là bạn học của ông chồng đầu tiên của tôi. Phụ nữ mà, chuyện ghen nhau là bình thường, và hay làm to chuyện để thỏa cái sự ghen tuông.
Thậm chí có những thứ thấy đi với nhau nhưng chẳng có gì với nhau. Vấn đề này về sau tôi có nói chuyện với cô Lệ Thu trước mặt chồng tôi.
Tôi không giấu giếm gì, tôi đặt thẳng vấn đề. Tôi muốn cô Lệ Thu nói rõ trước mặt chồng tôi và cô Thu cũng đã khẳng định mọi thứ là không có.
Thêm một người đàn ông là... thêm nỗi nhục
Khi sang Mỹ, một người đàn bà, trên tay 3 đứa con ở một nơi xa, cô bắt đầu như thế nào ở đất khách quê người?
Tôi bắt đầu như mọi người bắt đầu. Chủ trương của người Mỹ rải người tị nạn khắp nơi, ở các trang trại hẻo lánh. Tôi làm công việc lau chùi nhà vệ sinh ở trong một trường mẫu giáo, được ít tháng, RMCA tìm ra tôi và mời tôi đi hát lại.
Trong lần trở lại sân khấu nơi đất khách quê người, tôi gặp lại người chồng cuối cùng của tôi, anh Nguyễn Hoàng Đoan.
Anh là người tôi gặp từ hồi còn ở Việt Nam nhưng chỉ là bạn bè bình thường. Lần gặp lại, chúng tôi cũng chỉ như hai người đồng hương, đồng ngữ mà thôi.
Một thời gian sau, anh đề nghị với tôi: “Ở đây anh không có gia đình, em cũng không có gia đình. Em nghĩ sao nếu chúng mình kết hợp với nhau thành một gia đình?”.
Thế thôi, không hề tỏ tình, không hề có một lời yêu nào cả. Cho đến khi anh lìa xa cuộc đời, anh cũng chưa từng nói với tôi rằng anh yêu tôi.
Tình cảm của hai con người từng mất mát, từng đổ vỡ, được hiểu là một thứ tình cảm như thế nào: sự cần nhau, tình thương hay đã là tình yêu, ở thời điểm đó, thưa cô?
Yêu thì chưa. Mà thương cũng chưa. Chỉ biết rằng, trước khi anh có lời đề nghị định mệnh ấy, anh có nhờ tôi lên gấu quần, và nhờ tôi nấu cho anh một bữa ăn, để xem tôi là người đàn bà như thế nào.
Lúc tôi gặp anh Đoan lần đầu, anh hỏi tôi cần gì. Tôi nói tôi cần mấy bộ chén, mấy đôi đũa ăn cơm. Anh là người đi mua, 6 cái chén, 6 đôi đũa.
Anh không bao giờ cưa kéo hay tán tỉnh tôi và anh cho tôi cảm giác có thể tin cậy. Tôi lúc đó chưa dám nghĩ là anh có cho tôi tình thương hay không. Tôi chỉ nghĩ, đó là người mình có thể nương tựa.
Rồi hai mảnh đời cô đơn muốn có một mái ấm, muốn có những bữa cơm gia đình kết hợp, ở với nhau, sống với nhau thì dần thương nhau.
Lúc đó, anh có công ăn việc làm, có thu nhập, trong khi tôi đang tay trắng, một nách ba con nhỏ, mà ở đất Mỹ thì còn ai biết, ai nhớ Khánh Ly nữa?
Tôi hiểu, đó là người hy sinh cho mình, bởi anh thiếu gì người mà phải đi lấy một mẹ nạ dòng có 3 đứa con?
Bắt đầu từ những lo toan ấm áp, giản dị, kẻ “ăn mày tình thương” đã gặp đúng “nhà hảo tâm”? Người ta nói, phụ nữ khao khát yêu thương quá thường hay đi từ sai lầm này đến sai lầm khác. Cô có sợ điều đó trong cuộc hôn nhân này?
Chẳng ai đi vỗ ngực khoe khoang mình có 3 ông chồng. Thêm một người đàn ông là thêm một nỗi nhục, chứ không phải thêm một niềm hãnh diện.
Tôi đã nghĩ như vậy với hai cuộc hôn nhân trước, chỉ vì lỗi của mình là mình sống chưa trọn vẹn nên người ta mới phụ mình thôi.
Cho đến khi gặp anh Đoan, tôi tự nhủ, phải cắn răng mà chịu đựng, không thể để chuyện tan vỡ xảy ra nữa. Một đời người đi qua ba lần đò như vậy là quá đáng lắm rồi, không ai khen đâu.
Để tan vỡ xảy ra, các con, con anh con tôi con chúng ta sẽ nghĩ gì? Tôi rất sợ điều đó. Cho nên, tôi ép mình sống và làm những gì chồng tôi muốn. Tôi không làm gì trái ý anh cả.
Dẫu là, không có tình yêu lúc đầu, ở với nhau cũng nhiều khi căng thẳng lắm, cũng năm bảy lần tính dứt áo, vì anh phải chịu đựng một người như tôi, một người có thể dễ với tất cả mọi người nhưng lại rất khó tính với chồng.
Tôi thường yêu cầu bổn phận trong mối quan hệ vợ chồng, còn người dưng chẳng có gì để đòi hỏi bổn phận. Và vợ chồng thì phải có những quy tắc ứng xử riêng.
Nhưng anh lại là người ít quan tâm, lại hay sống bằng những thói quen rất đàn ông từ xưa của anh.
Thói quen vô cùng quan trọng với đàn ông. Chắc cô hiểu rất rõ rằng, một người phụ nữ muốn giữ được người đàn ông của mình thì hãy quên bớt cảm xúc cá nhân và tạo cho anh ta nhiều thói quen trong cuộc sống chung?
Chắc chắn là vậy. Chúng tôi đã sống với nhau bằng thói quen. Có những điều lúc đầu khó có thể quen nhưng lâu dài, thành thói quen bởi sự tôn trọng.
Anh Đoan chẳng bao giờ săn sóc tôi đâu. Cũng chưa bao giờ hỏi “Em cần ăn gì để anh mua?”.
Ngay khi tôi sinh con cũng thế. 4 đứa, tôi đều đến nhà thương sinh một mình. Tôi có những ngày tháng rất tủi thân, những ngày tháng khóc một mình mà anh Đoan không biết đâu. Nhưng tôi luôn luôn nghĩ rằng, đừng thay đổi những gì không thể.
Và thế là thành thói quen. Kể cả những thói quen như sáng tôi mở mắt dậy là anh đi mất tiêu rồi. Nhiều khi anh chỉ đi ăn một tô phở mà đi từ sáng đến chiều.
Tôi hiểu anh còn bạn bè và tôi trân trọng điều đó. Anh đi, tôi ở nhà riết cũng thành thói quen, không cảm thấy mình bị gò bó hay bị bỏ rơi.
Tôi cứ ở nhà đến chiều chờ chồng về. Khi anh mở cửa vào cũng chẳng hỏi “Em ở nhà có khỏe không? Em ăn trưa thế nào?” Anh là một người rất lạnh lùng.
Những quan tâm nhỏ nhặt mà phụ nữ cần thì anh không đáp ứng. Kể cả tôi có đau ốm cũng tự đi lấy thuốc uống.
Nhưng anh là người tốt. Dù không có những lời hỏi thăm ân cần, những giao đãi lãng mạn, thế mà tôi chịu đựng được. Trong suốt cuộc hôn nhân đó, trong đầu tôi chỉ có hình ảnh anh, chỉ có nghĩ về anh thôi.
Khánh Ly và người chồng quá cố Nguyễn Hoàng Đoan.
Dù người đàn ông đó không quan tâm đến cô ở những điều nhỏ nhặt, hay lãng mạn nịnh tai nịnh mắt phụ nữ, nhưng thực sự, qua từng sản phẩm âm nhạc của cô, ông là người luôn đứng sau?
Đúng vậy. Những băng đĩa của tôi, anh là người đi tìm nhạc sĩ, đi thâu âm, nghe hòa âm, chụp hình và phát hành. Anh không để ý đến tiểu tiết của cuộc sống nhưng lại quan tâm đến những điều lớn lao hơn - sự nghiệp của vợ.
Khi tôi hát, anh lo cho tôi tất cả để tôi chỉ có cất tiếng hát mà thôi. Anh lo cho tôi từ cái áo, đến đôi giày, đến mái tóc, đến chế độ ăn uống… Tôi chưa từng dám nói ra điều này, nhưng tôi được như ngày hôm nay, là nhờ có anh.
Anh cho tôi một đời sống bình an. Anh muốn tôi ngồi yên đấy, trong căn nhà ấy, không đi tán gẫu tứ xứ, cờ bạc nhảy nhót gì. Đời một người đàn bà cần gì hơn ngoài sự bình yên mà mình cảm nhận được nó đến từ trong chính trái tim mình?
Khi anh còn sống, tôi cũng không muốn nói rằng anh đã làm cho tôi được những điều mà không phải ai cũng làm được.
Hồi tôi lấy anh, gia đình tôi cũng chẳng ai ủng hộ cả. Kể cả ông Trịnh Công Sơn cũng không ủng hộ. Ông Sơn viết thư cho tôi còn bảo:
"Bộ Mai hết người để lấy rồi hay sao mà lấy Nguyễn Hoàng Đoan? Và khi gặp nhau bên Canada, anh Đoan có nhắc lại với ông Trịnh Công Sơn, ông Sơn chỉ cười:
“Đến bây giờ tôi mới hiểu có những điều chỉ có Đoan mới làm được cho Mai thôi. Trước đây, tôi không muốn nhìn thấy nó khổ, vì nó khổ nhiều lắm rồi. Nhưng giờ thì tôi yên tâm”
Anh Đoan giữ cho tôi hát được đến tuổi này cũng là viên mãn lắm rồi. Giữ cho tôi để trong mắt mọi người, tôi là người xứng đáng được tôn trọng.
Có nhiều người nói tôi lớn tuổi rồi còn hơi sức nào nữa, thều thào. Đó, cô Nguyễn Cao Kỳ Duyên nói thế. Rồi ở bên này cũng có nhiều người nói ai mà dại đi mời một bà già 70 tuổi thều thào như vậy về hát?
Những lời người ta nói, tôi phải nghe nhưng tôi không buồn, tôi còn phải cảm ơn họ. Nhưng thều thào hay không thì hãy để người nghe cảm nhận. Hãy tin rằng, khi mà thều thào, chắc tôi không đủ can đảm để lên sân khấu nữa đâu.
Đến bây giờ, cô vẫn sống bằng những thói quen cũ với chồng dù ông đã ra đi? Và giờ đây, cô thế nào khi đối diện với một “thói quen” mới, là đợi một người mà người đó không bao giờ về nữa?
Anh đi rồi để cho tôi cái gánh nặng là không còn ai để chia sẻ những điều có thể nói với một người.
Nhưng sự mất mát không phải là vết thương mà là sự đi trước của một người và để chờ đón một người trên cái hành trình định mệnh mà rồi cuộc đời nào cũng phải đi đến đó.
Tôi vẫn sống với những thói quen như khi anh có ở nhà. Tôi vẫn vuốt ve bình tro cốt và vẫn nói chuyện với anh - anh vẫn ở với tôi.
Anh có xa tôi đâu và cuộc hạnh ngộ ở đâu đó, gần hay xa, do số phận quyết định. Vì, có những cuộc tình, cái chết cũng không thể chia lìa được!
Cảm ơn cô về cuộc trò chuyện!