Phi Nhung tên đầy đủ là Phạm Phi Nhung. Cô là kết quả của mối tình vụng trộm giữa một thiếu nữ Pleiku và một lính Mỹ.
Mối lương duyên này ngày ấy là chuyện động trời. Khi biết chuyện, gia đình nhà ngoại nhiều lần bắt má cô phải bỏ cái thai, thậm chí còn đánh đập đến ngất xỉu nhưng bà một mực không chịu.
Thiếu thốn tình thương
Mặc kệ điều tiếng bủa vây và sự chối bỏ của những người trong gia đình, cô bé lai vẫn cất tiếng khóc chào đời ở Chùa với bao thiếu thốn.
Ở trong bụng mẹ chịu khổ, lọt lòng cô tiếp tục chịu cực. Dù sau đó được gia đình ngoại chấp nhận nhưng Phi Nhung lại phải chịu cảnh có má như không. Biết phận mình, khi má lên xe hoa với cha dượng, cô chẳng dám đòi theo cùng.
Cô bé ngoan ngoãn ở với ông bà ngoại, học cách chịu đựng tiếng xầm xì, cái chỉ trỏ của người đời. Mà Phi Nhung lạ lắm, bị người ta hắt hủi, dè bỉu, coi thường nhưng cô chẳng bao giờ phản kháng.
Ai ghét cô, cô không chơi với người đó, riết rồi lủi thủi một mình.
Giở hết cuốn lịch, chờ hết mùa đông, Phi Nhung lại ngóng xuân sang để được má gửi cho bộ đồ mặc Tết. Niềm vui chỉ có vậy mà đủ sức dìu dắt cô qua những ngày thiếu cha, vắng má.
Đứa trẻ khác ắt hẳn sẽ tủi thân nhưng Phi Nhung không có. Từ ngày biết gọi tiếng “Má”, Phi Nhung đã thần tượng bà.
Cũng vì vậy, những ngày bà về thăm, cô chẳng dám lại gần, chỉ đứng xa quan sát rồi giật bắn mình khi nghe má gọi tên.
Được má đón ra ở cùng nhà với dượng và năm đứa em, cô mừng lắm nhưng vẫn giữ khoảng cách. Dường như sự lạnh lùng của người đời đã khiến cô nhận ra, mình được sinh ra trên đời đã là một may mắn. Thế nên, đừng cố đòi hỏi gì cả, ngay cả tình thương mà một đứa trẻ đáng phải có.
Lần đầu tiên, Phi Nhung dám đưa tay rờ vào người má cũng là ngày bà ra đi mãi mãi vì tai nạn giao thông. 9 tuổi, cái động chạm ấy giúp cô cảm nhận rõ ràng sự ly tan và vị mặn chát của những giọt nước mắt.
Nỗi đau này chồng chất muộn phiền khác. Tang mẹ còn chưa hết, lũ trẻ đã phải chịu cảnh chia lìa. Cha dượng rước người khác về làm vợ, 6 chị em thương nhau là vậy mà phải chia ra, mỗi đứa ở với một người họ hàng.
Cô và hai đứa em khác may mắn được bà ngoại dắt về Pleiku nuôi nấng nhưng bà cũng chẳng sống được lâu.
Làm như những đứa trẻ có hoàn cảnh éo le khi sinh ra đều đã có ý thức về phận mình. Chẳng ai kịp dạy gì, cũng chưa ai kịp nói gì, Phi Nhung đã tự quàng lên vai trách nhiệm của người làm chị.
Đứa trẻ lùn xủn ấy nghỉ học, xin đi may cho người ta, rảnh tay lại dọn dẹp nhà cửa cho cô, chú, chẳng bao giờ ngơi nghỉ. Nhờ chăm chỉ, mùa xuân năm ấy, cô cũng may được cho mấy đứa em mấy cái quần đùi mặc Tết.
Kiếm được đồng nào, cô gửi cho các em đồng đó, chẳng dám mơ cho bản thân chiếc áo lành lặn. Được các cô cho manh áo cũ, Phi Nhung tự giở ra rồi may lại cho vừa, vậy là có áo mới, vậy là vui.
Xứ lạ quê người
Ngày đặt chân lên máy bay để sang Mỹ, cô gái nhỏ mang theo mấy bộ quần áo cũ mèm và gánh nặng cơm áo gạo tiền oằn trên lưng người chị cả. Phi Nhung chỉ mong kiếm được tiền, xây cái nhà nhỏ để các em về ở chung cho có chị, có em.
Nghĩ là vậy nên được mấy đồng tiền cầm đi, cô chẳng dám tiêu. Đến sân bay đói quá thì ngửa tay xin ăn chứ không dám động đến số tiền ít ỏi. Thấy thương!
Người ta tới nơi ở mới phải có thời gian để tập làm quen, tập thích nghi nhưng Phi Nhung thì không. Nghĩ đến các em ở nhà, cô lao đầu vào công việc. Từ bồi bàn, công nhân sản xuất đèn cầy rồi đóng hộp thực phẩm… công việc nào Phi Nhung cũng đã kinh qua.
Nhìn Phi Nhung nhỏ xíu vậy chứ trong xưởng may, cô luôn là người giỏi nhất. Làm quần quật từ sáng tới tối, mỗi ngày cô chỉ có 3 tiếng để nghỉ.
Cũng trong khoảng thời gian ít ỏi ấy, có đôi lúc Phi Nhung cảm thấy sợ hãi khi nghĩ đến tương lai mông lung và mờ mịt. Cũng có khi cô bật khóc vì sự đơn độc, quạnh quẽ nơi xứ người rồi chìm vào giấc ngủ lúc nào không biết.
Mà Phi Nhung hay lắm, buồn thì buồn vậy chứ công việc vẫn làm đều. Cô kiếm tiền lo được cho bản thân ở nơi vật giá đắt đỏ và gửi về cho các em xây nhà, đi học.
Có lẽ cuộc sống của cô gái 18 tuổi cứ quay vòng với đồng tiền như thế nếu không gặp được Trizzie Phương Trinh, lúc ấy đã là một ca sĩ có tiếng.
Nghe Phi Nhung hát trong dàn đồng ca ở nhà thờ, Trizzie Phương Trinh đã lại gần trò chuyện, khen ngợi rồi đưa cô về nhà ở chung để theo nghiệp cầm ca.
Dù từ nhỏ đã mơ ước trở thành một ca sĩ nổi tiếng nhưng chính Phi Nhung cũng không ngờ rằng những bản dân ca giúp cô vơi đi nỗi buồn ở xứ lạ quê người như Cơn mưa nửa đêm, Ngẫu hứng lý qua cầu, Bông điên điển… lại có lúc đồng hành cùng cô trên con đường tìm kiếm danh vọng.
Không học qua nhạc lý, Phi Nhung đến với khán giả bằng âm nhạc từ tâm hồn của một người con xa xứ. May mắn là thứ cảm xúc từ trái tim ấy đã chạm được vào trái tim của những người đối diện.
Ngày ra được hai đĩa song ca đầu tiên, ảnh Phi Nhung còn chưa được dán ngoài bìa đĩa. Muốn biết ai hát, người ta phải giở vào trong mới xem được.
Cũng nhờ vậy mà cô ca sĩ kiêm người bán đĩa mới thoải mái giới thiệu cho người ta sản phẩm của mình dưới cái danh xưng: “Ca sĩ mới”.
Và cũng cái cô “ca sĩ mới” ấy đã phải bước qua không ít thử thách trước khi được khán giả yêu mến gọi là “Nữ hoàng băng đĩa”.
Là tay ngang, cảm xúc thì vô vàn nhưng kỹ thuật lại gặp không ít giới hạn. Chính vì vậy, dù đã được một nhà văn tận tình giới thiệu nhưng đĩa Phi Nhung gửi đi, các hãng từ chối hoài.
Hơn chục lần với lý do “Giọng còn non lắm” nhưng Phi Nhung đâu có ngại. Người ta từ chối một lần, cô gửi lần hai, từ chối lần hai, cô về thu lại gửi lần ba.
Bị từ chối riết đâm quen, thay vì ngượng ngùng, giấu dốt, Phi Nhung gọi thẳng cho hãng băng đĩa hỏi thẳng chỗ nào chưa được để luyện lại. Vậy mà cũng thành.
Từ chẳng là ai, Phi Nhung đã trở thành giọng ca ngọt ngào được nhiều người yêu mến. Sô diễn nào có cô khán giả cũng kéo đến nườm nượp.
Khi đã thành danh, chăm lo đầy đủ cho các em, Phi Nhung quay lại giúp đỡ những đứa trẻ mồ côi như mình ngày trước. Người ta nuôi một đứa còn vất vả, còn cô nuôi đến 19 đứa trẻ.
Để đủ tiền trang trải sinh hoạt và cho các con đến trường, nữ ca sĩ phải làm việc liên tục. Vất vả đó nhưng chỉ cần nhìn thấy nụ cười và tình yêu của các con dành cho, Phi Nhung đã thấy vui trong lòng. Thậm chí, vì các con, cô còn chấp nhận hy sinh cả hạnh phúc riêng.
Mỗi người sinh ra trên đời với một hoàn cảnh khác nhau, chẳng ai có được quyền lựa chọn. Vậy nên, cuộc đời và sự cố gắng của Phi Nhung cũng không thể là công thức sống cho bất kỳ ai.
Song, nó là minh chứng cho thấy rằng, chỉ cần biết vươn lên, thành công sẽ mỉm cười.