"Ông hoàng" Đàm Vĩnh Hưng và phần đời cô độc chưa từng biết

Hoàng Nguyên Vũ |

Lần đầu tiên, Mr Đàm đối diện với từng vấn đề một cách rõ ràng: Từ quá khứ tủi nhục đến nỗi đau do chính người thân mang lại, tình cảm với Hoài Linh, tình yêu ngắn ngủi với Mỹ Tâm.

Tai họa do người nhà mang lại

- Dạo này thấy anh đầy “tâm trạng” trên mạng xã hội. Cuộc sống của anh đang bất ổn?

Bất ổn? Cũng đúng mà cũng không hẳn là đúng. Cuộc sống của tôi bao năm qua với vòng quay công việc không có sự dừng lại.

Còn đời thường thì rất nhiều biến cố, nhiều chuyện đã xảy ra. Trong đó có biến cố gia đình. Tôi đang phải đương đầu với những biến cố đó. Nhiều khi muốn bung hết, muốn làm gì cho đỡ tức.

Chắc là khó có trường hợp nào giống tôi, vì cùng một vụ án gia đình, mà tôi phải đảm đương cả 3 vị trí: người bị hại, quan tòa xử vụ án đó và cả luật sư bào chữa cho người gây ra nỗi đau cho mình.

- Anh tiết lộ về tình yêu của mẹ, và cái ngày anh được ra đời, dù không nói thẳng nhưng rất dễ cảm nhận được - anh sinh ra và lớn lên trong những tủi nhục?


Ca sĩ Đàm Vĩnh Hưng.

Ca sĩ Đàm Vĩnh Hưng.

Tôi đã 45 tuổi. Phải nói thật là thời gian để gần gũi cha mẹ không nhiều. 45 năm trước, mẹ tôi, một nữ sinh Y khoa 22 tuổi đã phải lòng một người đàn ông hào hoa.

Khi tình yêu đã bùng cháy đến giai đoạn đẹp nhất thì bà phát hiện ra người đàn ông đã có gia đình.

Nhưng rồi, bà cũng không thắng nổi cảm xúc, bất chấp mọi ngăn cản, bà vẫn sống với tình yêu của mình để rồi tôi được sinh ra. Đến giờ mẹ tôi vẫn chưa một lần được mặc chiếc áo cưới.

Tôi sống với một tuổi thơ không mấy êm đềm. Cuộc chiến kết thúc, ba tôi, một cảnh sát chế độ cũ, phải đi cải tạo.

Khi về, ông làm nghề đạp xích lô mưu sinh, và cũng về với người vợ trước chứ không phải mẹ tôi. Trong khốn khó, mẹ tôi cũng phải bỏ đi tha phương cầu thực.

Tôi và cô em gái tự sống, tự lo toan cho nhau, và trở thành hai đứa trẻ vô gia cư, phải nương nhờ nhà ông bà ngoại.

Ở nhờ thôi chứ tôi ở ngoài đường nhiều hơn ở nhà. Tối chỉ về ngủ nhờ chút rồi mai lại thức dậy sớm, theo vòng xoáy mưu sinh.

- Anh đã làm những việc gì khi đó?

Tôi làm tất cả mọi thứ để đẻ ra tiền, trừ những việc bán rẻ danh dự mình thì tôi không làm.

Tôi làm như trâu như bò. Làm tóc, make up, trang điểm cô dâu, bán trả góp… làm đủ. Giữa trưa nắng khi đang liu thiu ngủ, người ta gọi đến nhà xa cả gần 20 cây số, làm tóc make up cũng chạy.

Sáng sớm dậy ra chợ chọn những bông hoa đẹp nhất để cài lên đầu cho cô dâu và lo hoa cho toàn bộ đám cưới, cắm hoa để người ta rước dâu cho kịp.

Nhớ lại thời điểm đấy tôi thấy tự hào vì đã lao động hết mình để có thể kiếm tiền lo cho bản thân và người thân, giúp tôi đứng lên trong cái vũng lầy quá khứ mệt mỏi.

- Dùng từ “vũng lầy”, có nghĩa là trong quá khứ đó, anh cũng đã chịu nhiều ngược đãi?

Nhiều, nhiều lắm chứ. Lao động vất vả tôi không lấy làm tủi nhục nhưng sự ngược đãi của người đời thì nhiều.

Những người chủ nợ của gia đình đã từng xé áo tôi, và đánh tôi ngay giữa đường. Còn chửi bới, nhục mạ là chuyện hết sức bình thường.

Họ đánh chửi tôi là vì đòi nợ người nhà tôi. Người thân của tôi thì đã bỏ đi, không đòi được, họ nắm được tôi thì họ đánh cho hả giận thôi.

- Khi anh bị thế thì ba mẹ, họ hàng lúc này đã làm gì để chia sẻ với anh?

Ba mẹ đi biệt, ai lo thân người đó. Chỉ có bạn bè ngoài đường chia sẻ. Mà tôi thì có duyên sống với người dưng, người ngoài đường, và nhận được sự an ủi từ họ hơn là chính bà con dòng họ của mình.

Thậm chí, có những người thân, những lúc tôi ở dưới bùn lầy, chịu bao biến cố tai ương đủ thứ chuyện thì không thấy họ đâu, dù chỉ là một lời thương hại, chưa nói đến là hỏi thăm hay động viên.

Lúc tôi mới ngoi lên được chút xíu thì họ nhào vào, họ đòi hỏi, họ kể lể, đến nỗi mà tôi không muốn nghe điện thoại. Tôi thậm chí còn lưu số điện thoại của họ trong danh bạ là “Dòng họ đáng ghét”.

Họ thường hỏi tôi những câu hỏi đại loại như “tại sao làm từ thiện giúp bao nhiêu người mà không chịu giúp gia đình, dòng họ?”.

Em gái tôi nhỏ hơn tôi 1 tuổi, tính tự lập cũng cao. Đói thì đầu gối phải bò. Cô ấy đi học may, rồi tự lo toan cho cuộc sống của cô và cô lập gia đình rất sớm.

Tôi là người đứng ra lo toan hôn lễ cho em gái, trong cái đám cưới của một đứa con gái nghèo không có cha hay mẹ ở bên cạnh lúc đó.

Khi em gái đi lấy chồng, tôi càng ý thức rõ hơn sự cô độc của mình. Và không biết từ bao giờ, tôi đã quen với điều đó.

- Lo làm lụng ngập đầu ngập cổ, thời gian nào để anh… cô độc?

Nếu ai đó nếm cái cảnh đi ăn một mình, đạp xe một mình lang thang sau những ngày dài mưu sinh, thì sẽ cảm nhận được sự tủi thân nó lớn đến mức nào.

Đặc biệt là những ngày Tết và sinh nhật. Người ta ấm cúng sum vầy, tôi ngồi riêng một góc.

Nhưng trách ai giờ. Có chăng là trách cuộc sống khốn khó quá, rất nhiều người họ cũng chẳng thể ý thức được có một cái ngày mà một người nào đó bên cạnh họ được ra đời.

Ai cũng phải đau đáu với điều cần nhớ là mai làm gì, có đủ tiền để sống không.

Hoài Linh vẫn còn giận hờn

- Có nên được hiểu tính cách và một số phản ứng của anh hiện tại, cũng do đời “ngược đãi” nhiều. Đặc biệt là bị ngược đãi những năm tháng làm một ca sĩ hát lót?


Hoài Linh là người đã giúp đỡ Đàm Vĩnh Hưng có được thành công như hiện tại.

Hoài Linh là người đã giúp đỡ Đàm Vĩnh Hưng có được thành công như hiện tại.

Cũng có thể. Tôi phải làm thân phận một ca sĩ hát lót trong suốt 4 năm trời, cho đủ các ca sĩ như Lam Trường, Trần Thu Hà, Thanh Lam… ở các quán bar từ năm 1997 đến 2000.

Tôi đã từng chờ đợi được hát và bị người ta đuổi về. Có lần tôi chờ từ rất lâu, thế rồi có một ngôi sao nữ nổi tiếng lắm, ngự trên sân khấu hát một lúc 6 bài, hơn nửa tiếng đồng hồ làm cho mọi người hát sau đều bị trễ show hết.

Tôi đập bàn tuyên bố thà chết đói cũng không hát ở đó nữa. Còn cả chuyện phải chờ từ 7 giờ tối đến khi nào không còn ca sĩ hát hoặc ca sĩ bị kẹt xe thì tôi mới được lên sân khấu. Ngày nào cũng phải ngồi chờ như thế.

- Và người đưa anh ra khỏi thân phận một ca sĩ hát lót để anh thành “hiện tượng” vào năm 2001 chính là Hoài Linh? Ngoài là một người nâng đỡ anh thì Hoài Linh cũng là một “chủ nợ” lớn trong cả cuộc đời lẫn trái tim anh?

Đúng vậy. Đó là người tôi nhớ ơn đời đời vì anh Linh là người đã cho tôi rất nhiều sự che chở, bảo vệ và những cơ hội lớn trong sự nghiệp.

Nếu không có bàn tay của Hoài Linh thì tôi sẽ không có những sản phẩm đầu tiên để khán giả biết đến tôi.

- Anh có nghĩ rằng, tình cảm và cả vật chất của một người đã từ đắng cay mà có, sẽ là món nợ lớn hơn những món nợ thông thường và ta không được phép làm họ tổn thương?

Lúc tôi nhận sự giúp đỡ của anh Linh, tôi cũng chưa biết được anh Linh đã đi qua những ngưỡng cửa cuộc đời nào, những đắng cay tủi nhục ra sao.

Dù người đó đã đi qua những ngày tháng gian khổ hay sung sướng từ trong trứng nước, thì tôi đều phải mang ơn, đều phải trân trọng.

- Một người giúp mình như thế, anh nghĩ đến chuyện trả ơn như thế nào? Và trả ơn bằng điều gì?

Với anh Linh, cho mà không đòi hỏi nhận, làm mà không bao giờ mong người khác trả ơn. Anh Linh chỉ cần cái người anh giúp cảm nhận được và hiểu được những gì anh cho là được rồi, anh ấy không đòi hỏi gì hơn đâu. Anh Linh là thế.

Tôi cũng chưa biết phải trả ơn cho anh Linh bằng cách nào. Tôi chỉ biết là với một tình cảm lớn thì mình sẽ tự rèn mình với những bài học, những phép tắc, những đạo lý cho - nhận ở đời để làm một người tử tế hơn nữa.

Tôi chỉ nói được, bất cứ những gì anh Linh cần đến tôi dù nhỏ hay lớn, tôi không cho mình được phép nói “không”.

- Ngoài việc giúp đỡ nhau trong đời sống, cả anh và anh Linh, hai con người cô độc ở một mặt nào đó, chắc chắn sẽ tìm đến với nhau chứ?

Tôi làm gì có cửa để tìm đến một ngôi sao lớn như thế lúc bấy giờ? Có chăng, tôi cô độc, anh cô độc, thì chung niềm đồng cảm nên tình cảm. Và tất cả nằm ở chữ “duyên” mà thôi.

- Vậy tình cảm giữa anh và Hoài Linh được hiểu là loại tình cảm gì?

Tình yêu thương.

- Hình như, bóng dáng Hoài Linh mờ dần theo nấc thang đỉnh cao anh chạm tới, nên anh mới cô độc trên chính đỉnh cao của mình?

Không hẳn thế đâu. Anh Linh đã che chở tôi từ những ngày khốn khó. Đi đâu anh cũng quan tâm. Đi quay hình không có quần áo mặc thì anh ấy sắm, không có tiền đi lại thì anh ấy cũng cho. Ở Mỹ anh cũng gọi về động viên hàng ngày.

Một người bị đời ăn hiếp, không cha không mẹ không có ai ở bên cạnh, mà có được một chỗ dựa lớn, xúc động lắm em ạ.

Một tình thương lớn như thế, một sự che chở lớn như thế, đó là hạnh phúc thực sự mà bao nhiêu năm tháng xô đẩy theo dòng đời tôi đã không may mắn có được.

Tôi sống những ngày bình yên dù có gặp giông bão gì. Thời gian đó tôi không cô độc đâu.

- Điển hình là anh Linh đã từng muốn đốt cả một sân khấu ngoài Nha Trang chỉ vì bầu show bắt nạt anh cơ mà…

Sao em biết chuyện đó? Thậm chí anh Linh còn thắp nhang bàn thờ tổ xin tổ tha lỗi là không bao giờ diễn cho bầu show đó nữa.

- Bây giờ, Hoài Linh là gì giữa bề bộn cuộc sống của anh?

Anh Linh vẫn mãi mãi là một người anh lớn, là một đại ân nhân. Anh muốn tôi tự bước đi, tự lo hết tất cả mọi thứ. Tôi cũng đã làm những gì đúng như anh ấy hy vọng.

Với anh Linh, tôi luôn ý thức rằng, tôi là một thành viên không thể thiếu trong gia đình, mặc dù anh vẫn còn chút giận hờn…

Chút tình nhỏ với Mỹ Tâm

- Anh có nghĩ anh đang sống nhanh đến mức mà không cảm nhận được thời gian và một số thứ quý báu của mình qua đi lúc nào hay không?

Có thể là thế. Và có những thứ khi mất rồi thì mình mới biết. Tôi chỉ biết khi đứng trên đỉnh cao của sự nghiệp, tôi gần như không có bạn bè.

Kể cả bạn “mày tao” bình thường. Tôi chỉ có vài người chị thân hiểu và chia sẻ được nhiều với tôi nhất. Có lẽ tôi hợp chơi với phụ nữ hơn.


Mỹ Tâm và Đàm Vĩnh Hưng từng có nhiều kỉ niệm thân thiết với nhau.

Mỹ Tâm và Đàm Vĩnh Hưng từng có nhiều kỉ niệm thân thiết với nhau.

- Tiện anh nhắc về phụ nữ, tôi nhớ ra đã có một khoảng thời gian anh làm thơ tình tặng một người phụ nữ rất đặc biệt là ca sĩ Mỹ Tâm và hai người đều làm thơ đi thơ lại như một cặp nhân tình đúng nghĩa, thì phải?

Em làm tôi giật mình đấy. Khoảng thời gian đó khá đẹp, kéo dài trong vài tháng.

- Những bài thơ đó nói lên điều gì? Là tự cho mình được sống ở một góc khác mà sự nổi tiếng đã đè hết lên tất cả và biến những điều đó thành xa xỉ? Hay là tình yêu - một chút tình nhỏ bé?

Tất cả những gì em hỏi đều có. Và từ trong tâm hồn hai người tự phát ra thôi. Và những bài thơ ấy chúng tôi viết ra chỉ hai người biết với nhau, không bao giờ công bố.

Ít ra, chúng tôi cũng biết được rằng, đã có, hay đúng hơn là đã từng có nhau trong lòng, dù là ngắn ngủi, ít ỏi, nhưng cảm xúc đó là thật.

- Và đó là người con gái đầu đời mà anh rung động? Và dù có rung động thật thì cũng “Chưa kịp hôn một người con gái/ Khi ngã vào lòng đất vẫn con trai”?

À, không tới mức độ như thế. Và tôi cũng không tiết hạnh với phụ nữ đến mức như em nghĩ đâu. Hay nói cách khác, tôi không xuẩn ngốc, không nghiêm túc đến như thế.

Và cũng không nhất thiết phải đàng hoàng như thế. Tình cảm của tôi và cô ấy trong trẻo nhưng không có nghĩa là phải trong sáng ở tất cả mọi thứ liên quan đến nó.

Không phải cái gì cũng có thể tha thứ

- Thôi, tạm xa chút tình nhỏ bé, quay lại khối tài sản đồ sộ và một cuộc sống không thiếu thốn gì mà anh đang có, anh đi hát bao năm thì mới gây dựng được?

Nói thế chứ tôi vẫn còn thiếu nhiều lắm. Vì còn thiếu nhiều nên mới phải đi hát hàng đêm đấy thôi.

Thời gian đầu, tôi mua được căn nhà nhỏ xíu bên đường Lê Văn Sĩ, xem như thỏa được ước mơ lớn bao năm của ba mẹ con không nhà không cửa, ở nhờ ở đậu cả một phần lớn cuộc đời hết nhà này qua nhà khác.

Ngày đầu tiên, bước vào căn nhà 3x15m, cười mà khóc, tự hỏi “mình có nhà thật rồi sao?”

Lúc đó, tôi mua nhà cũng không đủ tiền. Bầu show nói cứ mua đi, rồi hát trả nợ. Tôi hát liên tục ngày đêm và trả rất nhanh, trong vòng 6 tháng. Và cứ thế, sau nhà nhỏ là nhà to. Nhưng chắc nhà thì chỉ thế thôi…

- Có phải vì nhà càng to thì sự cô đơn càng lớn? Và đã đến lúc anh không còn chịu đựng được nhiều hơn nữa sự cô độc của mình?

Cái miệng tôi bất chấp thế thôi nhưng bản chất tôi vẫn là một con người mềm yếu và sống từng ngày với sự cô đơn. Ban ngày là tiếng cười, ban đêm là cô độc. Thậm chí, cô độc ngay cả trong tiếng cười của mình.

Đó là cái giá tôi phải trả cho cái hào quang mà tôi đã có, tôi làm mọi cách để có. Giữ nó, cũng là cách tôi tri ân những ân tình mà khán giả, mà cuộc đời tặng tôi.

- Khi một người ngấm sự cô độc, người ta sẽ dễ hận thù hơn, nhưng ở một số người lại dễ tha thứ cho cuộc đời hơn. Xin lỗi anh vì một câu hỏi hơi thẳng thắn: Anh đón mẹ về lại với ngôi nhà của mình, cũng là để tha thứ với những gì cay đắng trong quá khứ?

Nói gì thì nói, người ngoài mình đối xử tốt được sao lại không đối xử tốt với người thân được? Người ngoài mình còn tha thứ được huống chi là máu mủ ruột thịt?

Những con người đặc biệt ngoài đời đã tặng tôi bao yêu thương như thế, không lẽ tôi không học được cách cho mà lại đi thù hận chính người thân của mình?

- Nhưng vết thương mà người thân để lại thường làm cho mình cảm thấy đau hơn là vết thương mà người dưng để lại. Vì người thân là để ta thương-thương ta-chứ đâu phải để làm khổ ta?

Đúng thế. Nhìn rõ để mà tha thứ. Nhưng nói thật, quay lại với cái tuổi thơ cay đắng của mình, chẳng bao giờ tôi trách người thân máu mủ ruột thịt của. Vì mỗi người có một phận số, ông trời đã sắp đặt sẵn rồi.

Để đi qua những ngày tháng đó, tôi phải cảm ơn cuộc đời, cảm ơn số phận đã sắp đặt thế để tôi biết hết tất cả mọi thứ. Như là sự miễn dịch với mọi khổ đau trên cuộc đời vậy và cho mình một bản lĩnh lớn để không gục ngã.

Và đi qua những ngày tháng đó, để tôi biết được một chén cơm nếu chỉ ăn một mình sẽ không vui đâu, hay một cái bánh dù ngon ăn một mình cũng buồn lắm.

Tức là, cho tôi biết ý nghĩa của sự cảm thông và chia sẻ. Nhiều khi người khác có lỗi với mình không phải do họ cố ý làm mình tổn thương mà dòng đời nó mang đến như thế. Nói chung, có nhiều thứ để suy nghĩ lắm.

Nhưng tôi chỉ nói, khi mình trải đời, thì phải bao dung hơn chứ không phải cay nghiệt với cuộc đời.

- Anh đang tự thắng lợi tinh thần mình phải không? Và có phải là anh không – một người từng tự thú là mấy mươi năm chưa từng ngon giấc?

Không, chẳng thắng bại gì đây cả. Đúng, bao nhiêu năm nay tôi ngủ cũng chưa tròn giấc đâu. Có nhiều đợt tôi mất ngủ triền miên.

Có những đợt tôi trằn trọc đến 4-5 giờ sáng. Có những ngày tôi ngủ chỉ vài tiếng. Chuyện ngủ ngon quanh năm suốt tháng là không có.

Vì, ngay cả trong giấc mơ vẫn là những lo toan.

- Sâu sắc thế này, độ lượng thế này, thế tại sao lúc nào anh cũng kháng cự cuộc đời để nhận những xách mé, những mỉa mai của người đời như thế?

Nhiều khi sự không theo công thức nào lại ra chính con người tôi – Đàm Vĩnh Hưng. Còn nếu tôi cứ phải ngoan hiền quá thì không còn là tôi nữa.

Mà tôi sinh ra, dù lúc đắng cay dưới bùn hay trên đỉnh cao thì tôi cũng không bao giờ để làm một hoa hậu thân thiện.

Người ta tấn công tôi mà tôi cứ giả vờ hiền lành ngoan ngoãn thì tôi không làm được rồi đấy. Tôi luôn tốt và sẵn sàng tốt. Tôi cũng rất rất dễ thương, hiền lành, đàng hoàng và biết sống. Nhưng đừng có đụng vào tôi.

Dù có nhiều lúc tôi ứng xử quá đà, nhưng tôi không phải là người bấp chấp mọi thứ. Có những lúc mình có lỗi, tôi cũng nhận lỗi rất chân thành. Tôi là người biết điều, biết sống và biết chơi đẹp.

- Nhìn lại chuyện lùm xùm liên quan đến mình một chặng đường, anh nghĩ gì?

Tôi tốt với nhiều người, nhưng phường phản tôi không phải là ít. Tôi rõ ràng hai điều: ai không tử tế với tôi thì tôi sẽ chiến đến cùng; và thứ hai - không phải vì điều đó mà tôi dừng lòng tốt của mình lại.

Đừng có tốt nửa vời bởi vì không phải tất cả loài người đều là phường phản phúc. Cái gì mà em cho nửa vời, em sẽ nhận lại sự nửa vời. Cái gì tận cùng, tận tâm, thì cuộc đời cũng trả cho em sự tận cùng tận tâm.

Tôi sẽ làm tất cả để bảo vệ chữ tín của mình dù tôi có bị mất tất cả mọi thứ.

- Thế chữ tín với mình - cho mình bình yên, anh làm được chưa?

Nghiệt ngã nhỉ? Tôi không nghĩ có kiếp sau. Tôi chỉ có một cuộc đời và đã nói là phải làm cho đời mình vui. Ừ, tôi nói thì hay lắm nhưng điều đó tôi chưa làm được. Nhưng tôi sẽ làm, cho mình.

Tôi thực ra, đã làm được những điều mình thích, đã được là mình, như thế cũng nên được hiểu là đã sống cho tôi rồi, hơn là ngồi tự bi kịch hóa đời mình.

Dù ai nói gì, tôi được sống là tôi, tôi thấy hạnh phúc lắm rồi. Những gì diễn ra cứ để nó diễn ra thôi. Nhưng, tôi biết mình phải làm gì để đối diện với tất cả mọi thứ của đời mình.

- Vậy anh sẽ làm gì?

Không nhả vinh quang ra khi mình vẫn còn cơ hội để sở hữu nó. Lo cho mình để về sau không cần phải sống bằng sự quyên góp của tình thương người đời.

Và chủ động toàn bộ cuộc sống của mình. Và những năm gần đây, tôi bình yên lại dần. Dù đời phải diễn nhiều vai nhưng tôi cũng chỉ một. Tôi tự thấy mình khác nhiều lắm dù hồi xưa tôi từng nghĩ tôi sẽ không thay đổi được như ngày hôm nay đâu.

Tôi đè cơn giận xuống một cách dễ dàng và đối diện với những gì kinh khủng và bình tĩnh hơn để vượt qua nó.

- Câu hỏi cuối: Anh có bị nhiều áp lực hơn ở giai đoạn nước rút bảo vệ ngôi vị của mình?

Cũng có. Nhưng chỉ một chút thôi, không có gì phải lo sợ cả. Tôi mê hát, nên ngày đó còn xa lắm. Giờ tôi vẫn đang chơi với cuộc đời mình: hát sướng họng, rồi được quần quần áo áo ra sân khấu, được khán giả tung hê!

Cảm ơn anh về cuộc trò chuyện!

Đường dây nóng: 0943 113 999

Soha
Báo lỗi cho Soha

*Vui lòng nhập đủ thông tin email hoặc số điện thoại