Những ai yêu chó, đừng bỏ qua hình ảnh người phụ nữ này!

Cẩm Giang, Ảnh: Thành Đạt |

Phải mất ít nhất là 6 tháng, một con chó mới có thể ra sân khấu và thể hiện được kỹ năng đã được luyện tập.

Đến với đoàn diễn viên 3 của Liên đoàn xiếc Việt Nam, bên cạnh những gương mặt trẻ tuổi đầy năng nổ, khán giả sẽ được gặp thêm một diễn viên xiếc kỳ cựu của ngành xiếc nước nhà. Đó là nghệ sĩ xiếc chó Mai Huệ.

Có thể nói cô là một trong những nghệ sĩ xiếc hiếm hoi vẫn còn đi biểu diễn ở tuổi 54. Hầu hết những đồng nghiệp của cô Mai Huệ hoặc đã chuyển sang làm bàn giấy, hoặc đã bỏ nghề vì cuộc sống mưu sinh.

Tôi sinh ra và lớn lên ở Nam Định. Đến năm 12 tuổi, đoàn xiếc bắt đầu đi về các trường học để tuyển sinh. Tôi cũng chẳng biết gì về xiếc đâu nhưng thấy đoàn nghệ thuật đi tuyển thì thích, thế là kéo nhau đi. Thời ấy mấy ngàn người đi tuyển nhưng chỉ có 6 người ở thành phố Nam Định được chọn.

Ngày nhận được tin trúng tuyển, tôi chỉ thấy oách với bạn bè chứ chẳng có suy nghĩ gì hơn. Trong gia đình, người bảo đi, người lại khuyên không nên nhưng bố tôi là người rất tiến bộ. Bố bảo: “Con cứ đi đi, làm nghệ thuật được đi đây đi đó, lại vui vẻ. Giờ con cứ lên đó học, nếu thấy không thể theo được thì lại về nhà học lại. Chẳng dang dở gì đâu mà sợ”.

Mấy tháng sau, các cô chú bắt đầu về đón đi, bố mẹ cũng đưa đến tận trường. Vì tất cả đều còn bé nên khi bố mẹ quay xe ra về, lũ trẻ con đã vội vàng chạy theo níu tay níu chân, khóc như mưa như gió. Học sinh khóc nhiều đến nỗi thầy giáo phải họp lớp quy định là từ nay không được khóc nữa”, cô nhớ lại.

Những ngày con trẻ, cô Mai Huệ thường diễn đu dây, đua ngựa.

Những ngày con trẻ, cô Mai Huệ thường diễn đu dây, đua ngựa.

Xiếc cừu tuy luyện tập vất vả nhưng không mang lại hiệu ứng sân khấu như người nghệ sĩ mong đợi.

Xiếc cừu tuy luyện tập vất vả nhưng không mang lại hiệu ứng sân khấu như người nghệ sĩ mong đợi.

Rồi cứ thế, cô bé mít ướt ngày ấy bắt đầu làm quen với xiếc bằng sự tò mò của một đứa trẻ. Ban đầu, cô Mai Huệ và các bạn phải học bẻ dẻo cơ thể. Dù trường học đã có chế độ tập luyện phù hợp nhưng đau đớn là điều không khó tránh khỏi.

Nhớ lại những ngày ấy, cô kể: “Trong khoảng thời gian hai năm đầu tiên, chúng tôi tập bốn môn cơ bản: thăng bằng, tung hứng, nhào lộn và thể thao. Sau hai năm đó, các thầy tự lọc ra để chuyển mình về bộ môn có năng khiếu nhất.

Tôi được chuyển vào môn nhào lộn trên không, đầu tiên tập có dây bảo hiểm nhưng sau đó bỏ dây dần, ra trường thì bỏ hẳn. Có lần tôi bị ngã, đập đầu xuống đất, máu chảy be bét, phải nghỉ tập cả tháng trời mới lành được.

Ngày xưa còn trẻ thì thế, chứ bây giờ ngã như vậy thì không chịu được. Lúc đầu sau khi ngã, nghĩ đến cầu bật thấy sợ lắm nhưng vết thương lành lại tiếp tục tập luyện. Hình như mình tập từ bé nên máu xiếc ngấm vào người rồi, không bỏ được.

Tôi còn nhớ tiết mục của tôi ngày ấy có 6 chị em. Vì là con gái lại còn nhỏ nên chúng tôi hay cãi nhau lắm. Chỉ cần người này tập lệch một chút, làm người kia đau là cãi nhau ỏm tỏi. Nhưng tính ra chúng tôi cũng rất thương yêu nhau.

Ra trường, cả tốp 6 chị em được đi tập huấn ở Nga 8 tháng. Khi về Việt Nam, tôi diễn với mọi người thêm mấy năm nữa rồi chia ra, mỗi người tập một tiết mục khác nhau. Đến bây giờ còn mỗi mình tôi theo nghề”.

Sau 5 năm miệt mài tập luyện, cô ra trường và chuyển về công tác ở Liên đoàn xiếc Việt Nam cho đến giờ. Ngày còn trẻ, còn có sức khỏe, nghệ sĩ xiếc Mai Huệ thường diễn đu dây, nhào lộn, đua ngựa… Nhưng hết tuổi thanh niên, cô bắt đầu chuyển sang dạy thú nhỏ.

Nghệ sĩ Mai Huệ đang huấn luyện cho hai chú chó ngay tại nhà.

Xem toàn bộ VIDEO HOT trên SOHA

Ban đầu, nghệ sĩ Mai Huệ chọn dạy dê, cừu nhưng sau đó, cô nhận ra những con vật trầm tính này không phù hợp với thị hiếu của người Việt, nhất là các em nhỏ, và bắt đầu chuyển sang dạy chó.

Nói về sự chuyển đổi này, cô tâm sự: “Tính đến nay cũng hơn hai chục năm tôi dạy chó rồi. Kinh nghiệm tôi có được là nhờ quan sát các đàn anh, đành chị đi trước và học hỏi qua video trên mạng. Chính những con chó cũng giúp tôi có thêm kinh nghiệm trong quá trình huấn luyện.

Làm nghề dạy thú phải chăm chỉ, ngại khó, ngại khổ, không kiên trì thì chẳng thể nào làm được. Để một con thú hiểu được động tác, mình phải bắt nó làm đi làm lại hàng trăm, hàng ngàn lần, từ ngày này sang ngày khác, tháng này sang tháng khác. Nhiều khi dạy xong, chúng bị mất cảm giác, thế là phải tập lại từ đầu.

Thường thường tôi hay dạy chó Nhật, chó Tây Ban Nha và Phốc lai. Mỗi một đàn tôi đưa đi biểu diễn có khoảng 4, 5 con và khoảng 5 con khác sơ cua. Đi đường chỉ cần thấy nhà nào có đàn chó đẹp thì tôi lại hỏi mua ngay rồi mang về nhốt chung ở chuồng chờ tập luyện. Chó vào tay tôi chẳng bao giờ thừa cả”.

Thông thường, nghệ sĩ Mai Huệ sẽ mua chó đưa khi nó khoảng 2,3 tháng tuổi và đưa nó về ở cho quen đàn. Khi chó con được 6, 7 tháng tuổi, cô mới bắt đầu dạy.

Để vỡ hoang một con chó chưa biết gì, cô thường dắt nó đi chơi để gắn bó hơn, sau đó mới đến bước chỉ cho nó ngồi lên ghế. Việc này tưởng chừng như đơn giản nhưng cũng phải tập ít nhất hàng tháng trời.

Tập đến độ khi mình không có ở đó nữa, nó vẫn chịu ngồi im, không di chuyển thì mới gọi là thành công”, cô chia sẻ.

Sau bước ngồi yên trên ghế, mỗi một chú chó sẽ tập một kỹ năng riêng, có con làm toán, con khác lại nhảy qua vòng lửa.

Công đoạn tập luyện này kéo dài khoảng ba tháng nữa. Như vậy, để một con chó có thể biểu diễn được, người nghệ sĩ sẽ mất khoảng thời gian ít nhất là 6 tháng.

Những con chó khi đã lành nghề, chúng có thể lên sân khấu cho đến lúc mắt mờ, chân chậm. Khi già quá, không thể diễn nữa, chúng vẫn được nuôi ở chuồng thú của Liên đoàn xiếc.

Ban ngày chúng được thả ra để đi chơi, tối đến dù không thể nhìn thấy nhưng nhờ đánh hơi, chúng vẫn tìm được đường về nhà. Ngày qua ngày như thế cho đến lúc không còn sức lực nữa.

Có thể nói đối với người huấn luyện, mỗi một con chó ra đi là một sự mất mát lớn không chỉ về vật chất mà còn cả tinh thần.

Na (tên con chó đen) và Tun là hai con chó vừa bước vào những tháng huấn luyện đầu tiên.

Na (tên con chó đen) và Tun là hai con chó vừa bước vào những tháng huấn luyện đầu tiên.

Chúng đã có thể tự ngồi lên ghế và di chuyển bằng hai chân với sự trợ giúp của cô Mai Huệ.

Chúng đã có thể tự ngồi lên ghế và di chuyển bằng hai chân với sự trợ giúp của cô Mai Huệ.

Thông thường, cô sẽ để các diễn viên bốn chân này tại đoàn, chỉ có con nào cần luyện tập thêm mới được đưa về nhà.

Thông thường, cô sẽ để các diễn viên bốn chân này tại đoàn, chỉ có con nào cần luyện tập thêm mới được đưa về nhà.

Tun vẫn còn rất nhạy cảm với người lạ. Nó không ngừng sủa, đánh hơi và quên mất cả lời hướng dẫn của người huấn luyện.

Tun vẫn còn rất nhạy cảm với người lạ. Nó không ngừng sủa, đánh hơi và quên mất cả lời hướng dẫn của người huấn luyện.

Tun được hướng dẫn kỹ năng nhảy qua vòng.

Tun được hướng dẫn kỹ năng nhảy qua vòng.

Na chậm hơn nên hiện tại chỉ có thể đi bằng hai chân.

Na chậm hơn nên hiện tại chỉ có thể đi bằng hai chân.

Nối đuôi nhau di chuyển cũng là một trong những kỹ năng các chú chó bắt buộc phải có.

Nối đuôi nhau di chuyển cũng là một trong những kỹ năng các chú chó bắt buộc phải có.

Chúng còn phải chắp tay vào nhau.

Chúng còn phải chắp tay vào nhau.

Gắn bó, miệt mài là thế nhưng dường như những gì người nữ nghệ sĩ được nhận lại chưa thật sự xứng đáng. Gần cả cuộc đời theo đuổi niềm đam mê, cô vẫn phải ngậm ngùi thừa nhận nghề không thể nuôi sống được bản thân: “Những lúc đoàn không có chương trình biểu diễn, tôi cũng nhận sô bên ngoài và kinh doanh buôn bán. Tôi phải lấy cái ngắn ấy mới đủ sức để nuôi tiếp niềm đam mê dài hạn này. Là nghệ sĩ xiếc, ai cũng vậy. Nghề không đủ nuôi sống mình đâu ”.

Và cũng chỉ hai năm nữa thôi, người nghệ sĩ ấy sẽ về hưu. Cô cũng chỉ như con đom đóm tàn, hết sáng đèn thì người ta sẽ không còn nhớ nữa.

Cũng chẳng ai biết việc cô phải khổ sở chống chọi lại những cơn đau ảnh hưởng từ nghề nghiệp. Hiện tại, cô Mai Huệ đã bị thái hóa hết đốt sống cổ.

Những cơn đau cứ thế buốt lên tận đầu để rồi người nghệ sĩ ấy những ngày trở trời không biết mình nên nằm sấp hay nằm ngửa.

 

 

Đường dây nóng: 0943 113 999

Soha
Báo lỗi cho Soha

*Vui lòng nhập đủ thông tin email hoặc số điện thoại