Gặp NSƯT Tống Toàn Thắng vào một buổi sáng thứ bảy, trưởng đoàn diễn viên ba thuộc Liên đoàn xiếc Việt Nam đang bận rộn tập tiết mục cho những thành viên trẻ trong đoàn. Nhìn thấy chúng tôi, người nghệ sĩ cười hiền: "Nghệ sĩ không có cuối tuần em ạ".
Và câu chuyện của chúng tôi cũng như thế, cũng ngắt quãng với sự bận rộn của anh.
8h sáng, nghệ sĩ Tống Toàn Thắng đã có mặt tại Liên đoàn xiếc.
Anh bắt đầu hướng dẫn những thành viên trong đoàn anh phụ trách tập tiết mục. Không chỉ là một diễn viên xiếc, nghệ sĩ Tống Toàn Thắng còn là một đạo diễn.
Thế nhưng, ngay cả khi đã mệt bở hơi tai vì thúc giục, truyền lửa cho mọi người, người nghệ sĩ ấy vẫn không hề tỏ ra hời hợt. Ngược lại, anh rất tận tình và thoải mái.
Anh muốn khán giả hiểu được những vất vả, khó nhọc của những người nghệ sĩ xiếc để có cái nhìn đúng đắn hơn về nghề nghiệp mà từ xưa đến nay, người ta vẫn gọi nó là "làm trò"...
Thạch Sanh bật khóc như đứa trẻ
NSƯT Tống Toàn Thắng là nghệ sĩ xiếc trăn đầu tiên ở Việt Nam, đó cũng là lý do khiến anh được người hâm mộ yêu mến gọi là chàng Thạch Sanh. Nhìn cơ bắp cuồn cuộn và nụ cười rạng rỡ của anh trên những tấm poster khổng lồ treo dọc phố, ít người biết rằng đằng sau sự thành công của người nghệ sĩ ấy là cả mồ hôi và nước mắt.
Để được như ngày hôm nay, anh đã phải khổ luyện và đánh đổi rất nhiều. Thế nhưng, nghệ sĩ Tống Toàn Thắng chưa bao giờ chùn bước. Đối với anh, xiếc là hơi thở, là sự sống, là con đường để anh theo đuổi suốt cả cuộc đời.
Là con một trong gia đình nên ngay từ nhỏ, Tống Toàn Thắng đã được bố mẹ cưng chiều, cơm bưng nước rót. Ai cũng nghĩ sau này lớn lên anh sẽ trở thành kỹ sư hay bác sĩ, chỉ có cậu bé nhỏ thó ngày ấy biết mình thích gì và muốn gì.
"Tôi là người Hà Nội, bố là thợ nguội, mẹ là giáo viên. Vì không phải là con nhà nòi nên để đến được như hôm nay, tôi không chối bỏ mình có đam mê quá lớn. Ngày xưa nhìn những diễn viên xiếc trên sân khấu, tôi thấy họ phi thường lắm. Thế là ấp ủ.
Anh họ tôi cũng là diễn viên xiếc. Trong một lần nhào lộn, anh không may gặp phải một tai nạn vỡ bả vai. Thế nên việc thuyết phục ba mẹ cho tôi theo nghề cũng không phải là điều dễ dàng. Nhưng may mắn, bố mẹ vẫn chấp nhận đưa con vào sống tập thể trong trường xiếc ở Mai Dịch khi vừa tròn 11 tuổi.
Chỉ có bà ngoại là không đồng ý. Bà hay trách bố mẹ tôi chỉ có một đứa con còn chọn cách đày đọa nó. Cứ thế, mỗi lần tôi ở trường về, bà lại sang nhà khóc vì thương cháu", anh nhớ lại.
Những ngày đầu khi vừa bước vào đoàn xiếc, bạn bè thường gọi anh là Thắng "con" vì chỉ cao 1m48 và nặng 34kg. Cũng chẳng ai nghĩ rằng anh có thể trở thành lực sĩ như bây giờ. Vậy mà, sau ba năm chăm chỉ luyện tập, cơ thể của chàng Thắng "con" phát triển nhanh chóng.
Trong hai năm đầu học ở trường, nghệ sĩ Tống Toàn Thắng phải học bốn môn cơ bản thăng bằng, thể thao, tung hứng và nhào lộn. Sau hai năm đó, thầy giáo phát hiện khả năng thăng bằng và nhào lộn của anh rất tốt nên hướng dẫn anh thi vào cả hai tiết mục.
Cũng như các bạn học khác, chàng con một vốn được bố mẹ cưng chiều cũng thường xuyên gặp phải những sự cố nhỏ trong quá trình tập luyện. "Sái chân sái tay là chuyện bình thường. Xiếc vốn là nghề nguy hiểm nên sống và chết gần nhau lắm, tôi nói thế chắc hẳn mọi người cũng hiểu", anh khẳng định.
Chuyện anh mắng mỏ những diễn viên trong đoàn không phải là việc hiếm. Nhưng mắng không có nghĩa là ghét bỏ. Người nghệ sĩ ấy chỉ muốn truyền lửa cho những người trẻ để họ thêm yêu nghề.
Khi buổi tập sáng kết thúc cũng là lúc anh dành thời gian nhiều hơn cho tôi để chia sẻ về muôn vàn khó khăn đã trải qua trong nghiệp diễn...
Ra trường năm 1983, nghệ sĩ Tống Toàn Thắng bắt đầu về Liên đoàn xiếc cống hiến. Đây là mảnh đất mang đến cho anh sự vinh quang, nổi tiếng, thành công và cũng là nơi lấy đi của anh không ít nước mắt. Có những thời điểm, anh tưởng chừng như bị đẩy vào góc tối, phải chịu đựng áp lực từ nhiều phía để bám trụ với nghề.
Bản thân tôi không ngờ rằng người đàn ông vẫn được mọi người gọi là lực sĩ ấy lại có thể dễ dàng bật khóc khi tôi vô tình chạm đến chuyện xưa...
Anh xin lỗi tôi vài phút để lấy lại bình tĩnh rồi mới có thể tiếp tục nói chuyện: "Ngày xưa khổ lắm, chúng tôi phải ăn cả mỡ cừu cho qua ngày. Năm 1988, cuộc sống khó khăn, gánh nặng cơm áo gạo tiền làm nhụt cái tôi của người nghệ sĩ. Những người bạn diễn cùng tôi phải bỏ ra ngoài kiếm sống. Một tiết mục của đội có 4,5 người biểu diễn giờ chỉ còn một mình tôi bơ vơ, lạc lõng.
Suốt một năm trời, tôi đi về, lặng lẽ tập luyện để mong ngày lại được bước lên sân khấu. Bố mẹ nhìn thấy cũng xót con, khuyên tôi đi học một ngành khác để ấm vào thân nhưng tôi không chịu.
Nhờ giai đoạn kịch trần của sự khó khăn đó, tôi lấy lại được thăng bằng và trưởng thành. Năm 90, tôi tập tiết mục trăn và hai năm sau đó, tôi trở thành người nghệ sĩ xiếc trăn đầu tiên ở Việt Nam"...
Chết hụt và... trở thành "người hùng" ở Thái Lan!
Từ đó đến nay, người nghệ sĩ thường xuất hiện với 7 con trăn to khoảng 90kg. Mỗi con có đủ sức để quật chết một con bò khỏe mạnh. Nói vậy mới thấy để có thể mang lại một tiết mục hay cho khán giả, NSƯT Tống Toàn Thắng đã phải đánh đổi cả sự an toàn của bản thân.
"Trong nghề, tôi suýt chết bốn lần. Có lần nó quấn quanh người, bóp cổ, khiến tôi đổ gục xuống, mắt mờ, môi khô, cơ thể trạng thái chết lâm sàng, chỉ nghe thấy tiếng nói của những người chung quanh chứ chẳng có đủ sức để phản ứng. Mọi người phải phụ gỡ nó ra và đưa tôi vào bệnh viện. Khi cơ thể bình phục, tôi lại quay về diễn.
Trong một lần diễn ở Thái Lan, tôi bị trăn cắn. Lúc ấy ở sân vận động có khoảng một vạn người. Vì có quá nhiều ánh đèn flash nên con trăn bị thay đổi trạng thái. Nó cắn đúng vào tay phải, máu me phun đầy người tôi còn khán giả thì hét lên kinh hãi.
Lúc ấy tôi nghĩ rằng, nếu tôi quay trở lại hậu đài thì sẽ thất bại nên vẫn quyết diễn hết tiết mục dù chỉ còn một tay có thể điều khiển được. Sau khi diễn xong, tôi quay vào hậu đài và cho hai con trăn vào hòm, nhưng còn con đang cắn kiên quyết không nhả ra.
Lúc ấy, cảnh sát Thái Lan cầm dùi cui định dí vào con trăn nhưng tôi xua tay vì nếu họ dí vào nó, tôi sẽ là người bị giật đầu tiên vì mồ hôi đầm đìa.
Tôi đếm từ 1 đến 7, con trăn nhả tay tôi ra và máu cứ theo đó phun tứ tung. Khi gục xuống, tôi còn nghe thấy tiếng cô giám đốc khóc la: “Thắng ơi, đừng chết, cháu ơi, đừng chết”.
Tỉnh lại, tôi thấy đang nằm ở bệnh viện. Sau khi được tiêm, tôi tỉnh dậy và xin về lại sân khấu. Bản thân tôi không thích mọi người nghĩ chương trình có rủi ro nên về lại phòng, lấy áo sơ mi dài tay để che vết thương và ra chào khán giả như không có chuyện gì xảy ra. Mọi người thấy tôi thì hú hét, phấn khích lắm.
Tối hôm ấy, Bộ trưởng văn phòng Thủ tướng Thái Lan đã ra gửi lời cảm ơn tôi. Ông ấy nói rằng, tôi đã giúp cho buổi biểu diễn thành công hơn. Về sau, ở bên Thái, nhiều người gọi tôi là người hùng đến từ Việt Nam", anh tự hào.
Gương mặt nhăn nhó vì mệt của người nghệ sĩ sau khi biểu diễn xong tiết mục.
Anh hồ hởi khoe hình ảnh của Quýt trên sân khấu rồi dường như sợ chúng tôi không tin, anh lặp đi lặp lại: "Đáng yêu lắm. Nó là một diễn viên đấy, không phải là một con lợn bình thường đâu".
Chú lợn nặng ký chủ động làm dáng trước ống kính mà không đợi nghệ sĩ Tống Toàn Thắng yêu cầu.
Sau khi trò chuyện với người bạn diễn yêu quý và cho nó ăn, anh mới bắt đầu quay về nhà dùng bữa vào lúc 1h chiều. Đúng 2h, anh cùng các thành viên trong đoàn quay lại rạp xiếc. Tối hôm đó, họ có một buổi biểu diễn ở thành phố Nam Định.
Đoàn xiếc lên đường biểu diễn ở thành phố Nam Định.
Cuộc nói chuyện của chúng tôi lại tiếp tục trên chuyến xe ồn ào với những tiếng nói cười không ngớt. Nghệ sĩ Tống Toàn Thắng chia sẻ, những chuyến đi như thế này không chỉ tạo cơ hội cho anh chị em trong đoàn biểu diễn mà còn giúp họ tăng thêm thu nhập bên cạnh đồng lương cơ bản.
"Nghề của chúng tôi như con đom đóm..."
Khoảng 4h, chúng tôi đặt chân xuống nhà thi đầu ở thành phố Nam Định. Các thành viên trong đoàn phải chờ thêm bốn tiếng nữa mới được lên sân khấu. Trong khoảng thời gian rảnh rỗi, nghệ sĩ Tống Toàn Thắng tranh thủ trò chuyện và chia sẻ với đội diễn viên trẻ.
Họ nói nhiều về chuyện nghề, chuyện đời và cả về những trăn trở trong cuộc sống. Chàng Thạch Sanh cũng chia sẻ, đối với từng người, anh luôn có cách để họ phát huy hết khả năng của bản thân. Đó có lẽ là lý do khiến những diễn viên trẻ thân thương gọi anh là chú.
Khoảng lặng trong ngày bận rộn của người nghệ sĩ, nhâm nhi cốc trà đá và hy vọng tối nay sẽ đông khán giả đến xem.
Cũng chính lúc này, chúng tôi lại được nghe anh kể chuyện. Đó là những chia sẻ chân thành, bộc bạch từ tấm lòng của người nghệ sĩ chứ không phải là những nước cờ đầy tính toán, ồn ào vẫn diễn ra trong giới showbiz.
Anh chia sẻ, là người làm trong nghề, hơn ai hết, anh hiểu rằng có những đánh đổi là quá đắt, nhưng "Xiếc là nghề đặc thù, nghề lấy sự nguy hiểm để mang đến những trải nghiệm cho khán giả. Nói đến xiếc là nói đến những gì người thường không làm được, chỉ có người nghệ sĩ mới có khả năng. Thế nên, giới nghệ sĩ xiếc trên thế giới thường hay nói rằng chúng tôi có chung dòng máu xiếc trong cơ thể và rạp bạt chính là ngôi nhà thương yêu.
Khi diễn ở Mỹ, tôi từng chứng kiến một người bạn người Anh bị hổ ngoặm chẳng khác gì một con chuột. Sau sự cố hai tháng, cậu ấy xuất viện và phải ngồi xe lăn suốt cả đời.
Đó là sự đánh đổi quá đắt nhưng đam mê đã giúp con người ta vượt qua những thứ không tưởng. Nghề của chúng tôi như con đom đóm, cố gắng lóe sáng trong đêm để mọi người thưởng thức nhưng khi tắt đi, chẳng ai biết nó là ai. Người ta chỉ nhớ rằng có một con đom đóm đã sáng. Đó là sự nghiệt ngã của nghề".
6h tối cũng là lúc các thành viên trong đoàn cùng nhau đi tìm quán cơm. Chúng tôi đã đi qua tất cả ba con phố trong thời điểm trời nhập nhoạng tối. Vậy nhưng, chỉ cần thoáng thấy anh, người dân Nam Định đã gọi đúng tên. Khi chúng tôi cùng bước vào hàng ăn, cô chủ quán cơm cũng tỏ ra đon đả vì chẳng mấy khi được nghệ sĩ lại nhà.
Là nghệ sĩ, cơm hàng cháo chợ là chuyện bình thường nhưng chỉ cần ở bên nhau, bữa cơm của họ cũng trở nên ấm cúng. Nghệ sĩ Tống Toàn Thắng nói, các thành viên trong đoàn anh là một gia đình. Mọi người sống với nhau rất hòa nhã, quan tâm và nhường nhịn.
7h30, chúng tôi quay trở lại sân khấu. Trong khi chàng Thạch Sanh cẩn thận viết ra thứ tự biểu diễn của từng tiết mục thì ở bên ngoài, khán giả bắt đầu quây kín sân vận động.
Trong chương trình, anh vừa là một nghệ sĩ xiếc, vừa đóng vai trò là một MC.
Bộ vest lịch sự giúp người nghệ sĩ tự tin hơn trong vai trò người dẫn.
Chất giọng hào sảng và rất nhiệt của người nghệ sĩ khiến nhà thi đấu như vỡ tung vì tiếng reo hò của khán giả.
Khi đến tiết mục của mình, anh lẳng lặng vào một góc để thay đổi trang phục.
Gương mặt sợ sệt của một cô bé khi được anh mời lên sân khấu diễn chung.
Mỗi con trăn của nghệ sĩ Tống Toàn Thắng nặng khoảng 90 kg. Thế nhưng, anh vẫn quàng nó lên vai một cách rất nhẹ nhàng.
Khoảnh khắc đầy thăng hoa của người nghệ sĩ. Tiết mục của anh đòi hỏi phải có sức khỏe và kỹ năng mới có thể làm được.
Gương mặt nhăn nhó vì mệt của người nghệ sĩ sau khi biểu diễn xong tiết mục.
"Tôi diễn xiếc trăn này 23 năm rồi. 23 năm biểu diễn một tiết mục, đó là điều ít người làm được. 23 năm qua đã có rất nhiều thay đổi, tôi đã đặt chân tới rất nhiều mảnh đất khác nhau trên thế giới và vẫn chọn quay trở về Việt Nam. Tôi đi Mỹ biểu diễn hai lần, lần đầu 1 năm, lần thứ hai hai năm rưỡi. Tôi đã đi hai vòng Mỹ, diễn ở 41 tiểu bang. Đó là may mắn không phải nghệ sĩ nào không có.
Rất nhiều người đã hỏi tôi tại sao lại quyết định quay trở về Việt Nam và cũng chính họ cho rằng tôi không được bình thường khi nghe câu trả lời. Tôi là nghệ sĩ xiếc Việt Nam đầu tiên được sang Bắc Âu năm 1993. Khi nghe tôi đi, có rất nhiều lá đơn khiếu nại đã được gửi vì nhiều người nghĩ rằng tôi đi kiểu gì cũng sẽ trốn ở lại. Và tôi thật sự cũng đã có cơ hội ở lại thật. Nhưng tôi đã quay về vì không có nơi nào có thể giữ chân tôi, ngoài Việt Nam.
Khi tôi quay về, ai cũng bất ngờ. Có thể ở lại vật chất sẽ đầy đủ nhưng tôi nghĩ rồi, con người ta chẳng biết bao nhiêu là đủ. Tôi là người tự biết hài lòng với bản thân".
10h, Khi chương trình kết thúc cũng là lúc anh đưa những con trăn trở lại thùng. Trong đoàn, ngoài anh ra, hầu như không có ai dám đụng vào những con trăn này vì chúng rất nguy hiểm và nặng nề.
NSƯT Toàn Thắng ngồi tính toán lại thù lao cho các anh em trong đoàn trước khi lên xe về lại Hà Nội.
11h 30, sau khi các thành viên trong đoàn dọn dẹp và thu gọn đồ diễn, chiếc xe bắt đầu lăn bánh. Mệt mỏi, vất vả là thế nhưng khi tôi chưa kịp hỏi, anh đã nở nụ cười thân thiện: "Em có mệt không? Nghệ sĩ tụi anh là vậy đó, quen rồi nên không thấy mệt, chỉ cần được diễn là vui rồi".
Xe ghé vào một quán phở để các diễn viên ăn vội buổi khuya.
2h sáng, chúng tôi về đến Hà Nội. Nghệ sĩ Tống Toàn Thắng lấy phần cơm thừa anh mang về từ Nam Định để làm quà cho Quýt. Rồi chợt nhớ ra, anh quay sang chúng tôi hối thúc: "Hai em về nghỉ ngơi đi, muộn rồi". Và chúng tôi ra về, khi cả đoàn vẫn hì hục vận chuyển đồ diễn từ trên xe vào kho chứa đồ. Chẳng ai bảo ai, mỗi người một tay để còn được về nhà nghỉ ngơi sau một ngày dài mệt nhọc.
Đời nghệ sĩ xiếc là vậy đó. Dù có vất vả, nguy hiểm nhưng họ vẫn kiên trì bám trụ lấy nghề, bám lấy niềm đam mê đang chảy trong huyết quản. "Tôi tự hào là ngôi sao ở các sân khấu xiếc ở địa phương, thế nên thỉnh thoảng vẫn bị treo "đầu dê bán thịt chó". Tôi yêu nghề lắm và chưa bao giờ nghĩ đến một ngày không ra sân khấu nữa. Buồn lắm. Khi sân khấu không còn để chỗ cho mình, khi mình không còn cơ hội để thể hiện với khán giả nữa, đó là điều đáng sợ.
Thế nên, tôi muốn trẻ lâu, sung sức, được trổ tài, được bay bổng thăng hoa. Khi nào khán giả thấy không còn muốn nhìn thấy mình nữa, mình quá xấu thì sẽ rút lui nhưng họ còn mong muốn, tôi vẫn sẽ cố gắng", anh trải lòng.