Tôi thấy hoa vàng trên cỏ xanh, bộ phim của Victor Vũ đang là đề tài được nhắc đến liên tục trong thời gian gần đây.
Xem xong, khen chê cũng nhiều, người thắc mắc chỗ nọ, kẻ lấy làm lạ chỗ kia nhưng càng ồn ào, phim lại càng “hot”…
Thấy người ta xem nhiều, bàn tán nhiều nên tôi cũng mua vé đi xem. Lúc tìm lịch phim thì thấy bất ngờ lắm, cái rạp sau nhà, nửa tiếng một bận.
Nghĩ chắc là cháy vé nên tôi đi sớm hẳn 25 phút để giành chỗ. Vào rạp không đông lắm, khoảng mười mấy người thôi. Lâu lắm rồi mới bước vào rạp chiếu với tâm trạng háo hức vậy, chắc có lẽ do tôi đã chờ đợi quá lâu.
Đi xem một mình, không ai nói chuyện nên ngoài những lúc giật mình vì tiếng hét của bạn gái bên cạnh, tôi tập trung dữ lắm.
Phim có đáng xem không? Có, khung hình đẹp quá. Xem xong mới thấy Việt Nam đẹp nức lòng. Mấy đứa trẻ con thì xinh, lúc nào cũng sạch sẽ, đẹp đẽ dù mới đánh nhau một trận... te tua xong.
Thằng Tường trong truyện sao lên phim dễ thương y vậy, từ cái cảnh đầu, lúc nó ngó nghiêng xem thằng anh hai trời đánh bị đá chọi trúng có bị làm sao không là đã phải lòng rồi.
Đọc truyện rồi có nên đi xem phim không? Có, nhưng mà chờ chừng nào quên hết đi rồi đi, không lại như tôi, vào rạp mất công so sánh.
Đang xem thỉnh thoảng lại nổi hứng: “Con Xin của tui đâu?”, “Sao tự nhiên lại như này?”, “Đoạn này để thoại như trong truyện có phải hay hơn không?”, “Sao không giống gì hết trơn vầy?”, “Ê, thằng Thiều mới là đứa nghĩ ra cái trò phơi tay chứ. Sao ngược xuôi tùm lum vầy?”…
Nhiều người lắc đầu, chê phim rời rạc. Ừ, truyện của Nguyễn Nhật Ánh cũng như chả băm vậy. Nhưng mà ngoài sự rời rạc một cách có chủ ý ra thì Nhật Ánh mãi là Nguyễn Nhật Ánh, Vũ mãi là Victor Vũ.
Bác Ánh viết truyện giọng tỉnh queo, không bắt người ta cười mà nhiều đoạn cười muốn xỉu. Tôi nhạt nhòa lắm, đọc truyện cười không cười cơ mà đọc truyện của bác Ánh thì cười sằng sặc luôn.
Cái đáng yêu đến từ lời thoại và cách dùng từ ngữ không lẫn vào đâu được. Thậm chí nhiều đoạn bác viết cho ra cái vẻ nặng nề cũng khiến người khác phải nhoẻn miệng cười.
Bởi vậy, đôi khi đọc truyện của Nguyễn Nhật Ánh, tôi thật sự không biết bác lấy cái đáng yêu đó ở đâu trong cuộc sống của một kẻ trưởng thành vốn dĩ lắm mệt mỏi và lo lắng.
Phim của Victor Vũ không có cái tinh thần đó. Có đoạn nặng nề muốn rớt nước mắt. Chắc anh muốn có điểm nhấn. Cũng đúng, truyện của bác Ánh vốn dĩ lúc nào cũng đều đều. Nhưng bởi vậy, không giống.
Thằng Thiều nó không phải là đứa ham đọc sách sao cứ bắt nó cầm sách hoài. Nó là đứa quậy như con quỷ mà xem phim, ngoài đoạn đầu ra thì không thấy cái đó.
Còn thằng Tường, nếu không có nhiều thời gian để chứng minh nó là đứa đọc sách đến ngộ chữ thì bớt bớt ba cái lời thoại sáo rỗng đi. Thằng bé ấy dễ thương quá.
Việc chọn lọc chi tiết để cho vào phim là lựa chọn thông minh nhưng sao tự nhiên con Xin lại biến mất kì vậy? Nó khác con Mận hoàn toàn mà.
Mà thôi, phim của Victor Vũ, anh làm gì anh làm. Nói nhiều mất công anh lại bảo: “Phim tôi làm vậy đủ rồi”.
Thật ra thì câu chuyện của ông Tám Tàng mổ lợn và bé Nhi vẫn là thứ để lại ấn tượng nhất, cả khi xem phim lẫn đọc truyện.
Dù Victor Vũ đã sửa chữa ít nhiều nhưng điều quan trọng là cái người bỏ 110 ngàn xem phim là tôi vẫn thấy duyệt được (à, vẫn bổn cũ, có tí nặng nề kiếm hiệp).
Giá như anh để nguyên cái đoạn đối thoại đáng yêu giữa ông Tám Tàng và thằng Thiều khi cả hai gặp nhau ở cửa nhà ông Tám Tàng thì tốt.
Nhưng không sao, nó vẫn đủ để khiến tôi nhớ ra câu nói đã đọc trong một bài báo cách đây không lâu: “Chúng ta gây dựng nên gia đình cho con cái chúng ta, chứ không phải cho cái tôi của mình”.
Chung quy lại, nói gì thì nói, đã là phim Việt Nam thì nên xem, xem để biết phim Việt tới đâu rồi và để những người làm phim còn có tiền, có hứng làm tiếp. Một khi người ta có làm tiếp thì mình còn có cái mà xem, mà chê. Vậy đi.
* Bài viết thể hiện quan điểm riêng của độc giả.