Trong phiên thảo luận về dự thảo sửa đổi Hiến pháp 1992 của Quốc hội sáng ngày 4.6, đại biểu Huỳnh Thành đưa ra đề xuất sửa lời Quốc ca. Ý kiến này ngay lập tức trở thành chủ đề "hot" trên các trang mạng bởi nó không chỉ là vấn đề của riêng một ai mà là sự thay đổi liên quan đến cả dân tộc.
Phần lớn phản hồi đều cho rằng đề xuất này chưa thật sự đúng đắn bởi dù đất nước đã ở trong thời bình nhưng Quốc ca là một sáng tác gắn liền với lịch sử của dân tộc. Thay đổi nó đồng nghĩa với thay đổi lịch sử.
Cùng quan điểm đó, nhạc sĩ Huy Thục - người sáng tác ca khúc Bác vẫn cùng chúng cháu hành quân - tỏ ra bức xúc. Ông nói: "Sao lại thay đổi làm cái gì? Bài ca lịch sử đánh dấu một giai đoạn thì làm sao có thể thay đổi được. Người đưa ra đề xuất sửa lời quốc ca là lẩm cẩm. Dù đã thống nhất đất nước nhưng sao lại thay đổi lời tuyên ngôn độc lập, di chúc của Cụ Hồ? Bài Diệt phát xít của ông Nguyễn Đình Thi bây giờ lại thay đổi à? Ý kiến đó quá sai lầm".
Lý do được ông Huỳnh Thành đưa ra khi đề xuất việc thay đổi Quốc ca là: "Giai điệu quốc ca hào hùng rất phù hợp và đi vào lòng người, nhưng nên thay lời cho phù hợp với thời kỳ phát triển mới của đất nước".
Bác bỏ nhận định trên, vị nhạc sĩ 78 tuổi nêu ý kiến phản đối: "Thế giới đã thay đổi thì lại yêu cầu thay đổi bài Quốc Tế Ca à? Bài Bác đang cùng chúng cháu hành quân của Huy Thục bây giờ cũng phải thay đổi à. Dù gì đi nữa cũng không được thay đổi lịch sử, làm như thế là phi lý. Nếu muốn thay đổi Quốc ca thì trước hết, hãy đề nghị thế giới thay đổi bài Quốc tế ca đi."
Trong khi đó, với vai trò là một nhạc sĩ đi sau, Lê Minh Sơn cũng đưa ra chính kiến của mình. Anh quan niệm, cái gì là lịch sử thì mãi mãi là lịch sử và không có lý do gì để thay đổi nó.
"Tôi nghĩ dất nước mình còn nhiều điều phải làm hơn. Bản thân sáng tác đó của nhạc sĩ Văn Cao là một ca khúc hoàn thiện, tuyệt vời. Bài Quốc ca đã bộc lộ được một giai đoạn lịch sử từ khi lập nước đến lúc giữ nước. Bây giờ là thời bình thì hãy lắng nghe nó với một chí khí, khát khao hào hùng của dân tộc và nhớ về khoảng thời gian mà ông cha ta đã phải trải qua những phút giây chiến đâu để bảo vệ tổ quốc.
Đây là một bài hát tuyệt vời của dân tộc và tôi chẳng hiểu tại sao lại có người nghĩ đến việc thay đổi nó. Đứng ở góc độ nhạc sĩ để nhận xét về góc độ âm nhạc, tôi thấy dù bài Quốc ca vẫn còn có một số điểm chưa hoàn chỉnh nhưng xét về tinh thần, nó hoàn hảo để trở thành bài quốc ca cho một dân tộc. Mỗi người quan điểm về âm nhạc, về nhận thức nhưng với cá nhân tôi, tôi thấy đây là một việc làm không nên bởi mỗi cái đều có một dấu ấn lịch sử của nó", nhạc sĩ Lê Minh Sơn chia sẻ.
Khi nhắc đến những hệ lụy kéo theo nếu sự thay đổi xảy ra, nhạc sĩ Ôi quê tôi vẫn quả quyết: "Tôi nghĩ là việc thay đổi sẽ không diễn ra đâu".