Là nhân vật được sáng tạo riêng cho nghệ sĩ Văn Hiệp, sức sống của nhân vật trưởng thôn mạnh tới mức uy quyền của trưởng thôn không chỉ ở trên phim, mà ở ngoài đời nó cũng phát huy tác dụng.
Chuyện kể rằng trong một lần đi diễn, đến con đê làng nọ gặp một đám cưới, trai làng hai họ xích mích dẫn đến xung đột, hai bên hùng hổ đang chuẩn bị xông vào nhau. Sẵn đạo cụ trong tay, bác trưởng thôn Văn Hiệp nhảy vào tuýt còi, đề nghị tất cả dừng lại. Mọi người ngỡ ngàng đến quên cả chuyện gây sự khi nhận ra bác trưởng thôn, vội xúm quanh thăm hỏi và chụp ảnh kỷ niệm.
Đi đến đâu, bác trưởng thôn Văn Hiệp cũng được ưu tiên đặc biệt, đi diễn không mất tiền nghỉ trọ, đến đâu cũng được mời ăn uống, qua cầu phà không phải chờ đợi…
Thậm chí đôi khi bác còn trở thành “thượng khách” được mời theo cách rất độc đáo. Có lần đi diễn ở huyện Tiên Lãng (Hải Phòng), Văn Hiệp đang nghỉ trưa thì bỗng có chiếc xe công an đến mời bác về trụ sở công an huyện. Bác trưởng thôn ngơ ngác, không hiểu mình phạm tội gì.
Đến nơi mới biết thì ra các đồng chí lãnh đạo công an huyện nghe tin nghệ sĩ Văn Hiệp về địa phương diễn, muốn gặp gỡ mà không biết làm thế nào, đành phải dùng đến cách này. Khi về, Văn Hiệp còn được tặng một cân thuốc lào Tiên Lãng loại đặc biệt “thơm say” để bác hút cho kêu.
Tuy đã về hưu nhiều năm qua nhưng nghệ sĩ Văn Hiệp vẫn “chạy sô” đều đều. Có người bảo ông sao không nghỉ cho khỏe, ông than, nghỉ lại thấy buồn chân buồn tay. Tiền thì cũng chẳng thiếu vì nhu cầu không nhiều nhưng cứ có “bầu sô” mời là ông lại đi diễn cho vui. Thú vui của ông là mỗi lúc rảnh rỗi ngồi la cà quán xá uống trà lá, hút thuốc lào, nói dăm ba câu chuyện tào lao.
Những lúc ấy, có ai gợi lại chuyện ngày xưa bác vào nghề ra sao, thế nào Văn Hiệp cũng cười khà khà: “Hồi ấy khối người bảo tớ ngồi nhầm chỗ, diễn viên gì mà cao chưa được 1m60, nặng chưa đến 50 cân, mắt thì híp tịt. Bắt đầu về Nhà hát kịch là tớ đã thấy mình thua thiệt rồi. Vì hình thể xấu nên chẳng bao giờ được giao vai nam chính, cứ chung thân vai phụ mà diễn”.
Ấy thế nhưng bạn bè cùng trang lứa với ông như NSND Doãn Châu thì luôn nhắc đến một Văn Hiệp mê diễn như điếu đổ, có giọng nói đặc biệt hấp dẫn khi diễn trong chương trình Thiếu niên tiền phong trên Đài Tiếng nói Việt Nam.
Rồi những vai diễn trên sàn diễn của Nhà hát kịch VN như y tá Háp (vở Đôi mắt ), cậu bé Sacca (vở Nila ), Phi Vân (vở Hoa pháo ) và đặc biệt là vai Ốc trong Nghêu sò ốc hến , Vinh trong Bài ca Điện Biên được đồng nghiệp đánh giá là những vai đặc biệt xuất sắc mang dấu ấn rất riêng của Văn Hiệp.
Sau này, có lẽ ý thức về hình thể, lại thêm cái duyên hài được giọng nói “thuốc lào” phụ trợ nên Văn Hiệp chuyển sang diễn hài. Ngờ đâu một diễn viên luôn tự nhận là thua thiệt về hình thức như ông lại trở thành một trong những danh hài đất Bắc nhờ cái duyên trời phú.
Văn Hiệp đóng khá nhiều phim truyền hình và các tiểu phẩm, hầu hết đều là các vai phụ nhưng nhân vật của ông luôn được người xem nhớ mãi bởi chỉ bằng vài hành động, lời nói, ông đã tìm được một nét riêng khó trộn lẫn cho nhân vật của mình. Và dù ở hoàn cảnh nào, những nhân vật ấy luôn mang lại tiếng cười cho khán giả.
Khi là tiếng cười từ sự tốt bụng đến thật thà của nhân vật, khi lại từ tư tưởng tư hữu tiểu nông vốn thâm căn cố đế trong cách nghĩ của người nông dân, lúc lại từ ngoại hình phản diện gây cười…
20 năm nay ông sống cảnh “gà trống nuôi con” khi bà vợ đi Đức xuất khẩu lao động rồi “nhất định không chịu về”. Nhiều người (kể cả bố vợ ông) cũng khuyên ông đi lấy vợ khác. Nhưng sự đời nhiều khi trớ trêu vậy, dù là một diễn viên được nhiều người hâm mộ, trong đó không ít fan là phụ nữ, ông vẫn chỉ chung thủy với vợ. Ông bảo đó là cách ông tôn trọng vợ mình, nhưng khi có người khen, ông lại gạt đi: “Vợ bỏ đi 20 năm mà không bỏ vợ thì cũng chẳng có gì đáng tự hào”.