Mối tình sâu sắc của nhà văn Tô Hoài với hai người đàn bà

Khi được hỏi về chuyện tình thời trai trẻ của mình, nhà văn Tô Hoài cười hiền: “Chuyện đó lâu lắm rồi”. Ánh mắt ông vừa vui, vừa đượm buồn.

Nhà văn Tô Hoài vốn rất duyên, đã từng hớp hồn biết bao cô gái (thậm chí cả chàng trai), thế nhưng có thể nói, cuộc đời ông chỉ gắn bó sâu sắc nhất với hai người đàn bà.

Một chiều cuối đông 2012, theo lời hẹn của nhà báo Phương Vũ, con trai nhà văn Tô Hoài, tôi gõ cửa nhà ông. Người ra mở cửa chính là nhà văn Tô Hoài. Ông nở nụ cười hồn hậu: “Mời cô vào nhà”. Phu nhân nhà văn - bà Nguyễn Thị Cúc, cũng đon đả ra mời khách và không quên dặn: “Cô thông cảm. Ông không được khỏe lắm đâu. Có gì cô hỏi nhanh nhé, sắp đến giờ ông phải tiêm rồi”.

Có lẽ, hiếm có cặp vợ chồng văn nghệ sỹ nào ríu rít như vợ chồng nhà văn Tô Hoài. Các cuộc gặp mặt bên Hội nhà văn hay lễ ra mắt sách, hội thảo về các tác phẩm của nhà văn Tô Hoài, bà luôn có mặt bên ông. Con trai nhà văn Tô Hoài cho biết: “Hai cụ quấn quít nhau lắm, chả rời nhau nửa bước”.

Không chỉ là người nâng khăn sửa túi cho nhà văn gần hết cuộc đời, giờ đây, ở tuổi 90, bà vẫn hàng ngày đều đặn tiêm cho ông ngày hai lần (nhà văn bị bệnh tiểu đường khá nặng, cách đây hai năm gia đình tưởng ông không trụ lại được), nhắc ông uống thuốc và nghỉ ngơi.

Đêm tân hôn, cô dâu ngủ với...mẹ chồng

Bà Cúc vẫn nhớ như in cái ngày về làm dâu, dù cách đây đã gần 70 năm: “Ngày cưới chỉ có đúng một mâm cơm do anh trai tôi đứng ra lo bởi bố mẹ tôi không còn.

Khách mời chỉ có vợ chồng ông Phạm Văn Đồng và vợ chồng ông Tố Hữu. Hồi ấy ở rừng Đại Phạm, Thái Nguyên. Cỗ bàn xong, cô dâu lên giường ngủ với... mẹ chồng, vì lúc đó đang đi sơ tán, lệ làng không cho vợ chồng ngủ với nhau”.

Kể đến đây, bà không khỏi chạnh lòng: “Tôi vẫn nói đùa với ông ấy: Đời tôi, chưa một lần lên xe hoa, chưa có một đêm tân hôn.”

Nhà văn Tô Hoài và phu nhân vẫn luôn bên nhau. Ảnh: Nguyễn Đình Toán.
Nhà văn Tô Hoài và phu nhân vẫn luôn bên nhau. Ảnh: Nguyễn Đình Toán.

Thời đó, cô thiếu nữ Hà thành Nguyễn Thị Cúc cũng có nhiều vệ tinh vây quanh, thế nhưng cô lại trót đem lòng si mê anh nghệ sỹ Nguyễn Sen (nhà văn Tô Hoài).

Lúc đó, Tô Hoài tham gia nhóm làm đề cương văn hóa cứu quốc cùng với Nguyễn Đình Thi, Lê Quang Đạo… Nhóm này được một số gia đình tư sản ở Hà Nội giúp đỡ về mặt tài chính.

Hồi đó, gia đình bà Cúc ở phố Huế, thường giúp đỡ nhóm. Nhà văn Tô Hoài hay qua lại và có cảm tình với hai cô con gái xinh xắn của nhà này.

Hai chị em bà Cúc đều mê nhà văn Tô Hoài, nhưng chỉ có bà Cúc quyết tâm theo ông đi làm cách mạng dù biết chắc nhiều khó khăn gian khổ.

Bà bảo: “Vì thích lãng mạn mà, yêu văn nghệ sỹ nên phải chịu khổ. Tôi đã xác định thế rồi”.

Lấy nhau, nhưng trong mấy năm đầu, ông bà không hề được ở gần nhau. Cưới xong, ông lại đi luôn, lên chiến khu Việt Bắc, còn bà ở lại Phú Thọ.

Trong suốt thời gian đó, họ chỉ thư từ qua lại để biết tin tức về nhau. Bà kể: “Hồi đó tôi mới đôi mươi. Tôi ở lại Phú Thọ làm công tác phụ nữ và dạy học. Lúc ông ấy về thăm tôi lần đầu tiên, chúng tôi mới có con Đan Hà, sinh năm 1948. Thậm chí, lúc tôi sinh, ông ấy cũng không có mặt ở bên. Lúc đó, ông ấy còn đi công tác với ông Tố Hữu. Lúc về đến bến Phú Thọ, ông chỉ kịp lên bờ, vào hỏi tôi đẻ con trai hay con gái, rồi lại phải đi tiếp luôn. Mấy đứa sau cũng thế, một mình tôi gánh vác và chăm nom đằng đẵng bao năm trời ở nơi tản cư kháng chiến”.

Trong suốt thời gian ông đi vắng, mà thường ít khi ông ở nhà, một tay bà chăm sóc đàn con. Người phụ nữ nhỏ nhắn, mảnh mai, đài các ngày nào đã chẳng nề hà công việc gì để nuôi con.

Hồi ở Phú Thọ, cứ ngày đi làm, đêm về bà lại cuốc nương trồng sắn. Sau này khi trở về Hà Nội, cuộc sống còn nhiều khó khăn, bà vừa đi học y học dân tộc vừa bươn chải nhiều công việc để kiếm sống.

Bà nhớ lại, có thời, còn nhận hàng may quần áo quân đội, nhiều hôm đến 2 giờ sáng mới được ăn cơm tối.

Hòa bình lập lại, công việc ở Hội nhà văn, việc Quốc hội, Mặt trận Tổ quốc, Ủy ban đoàn kết Á Phi… (Nhà văn Tô Hoài tham gia làm việc ở rất nhiều cơ quan, đoàn thể) khiến nhà văn thường xuyên phải đi công tác xa, nhất là đi nước ngoài liên tục, bà lại vò võ ở nhà nuôi con. Bà bảo, gần 80 tuổi, ông ấy nghỉ hưu mới có nhiều thời gian dành cho vợ con.

Ông đi công tác liên miên, bà không chỉ thiếu hụt người đàn ông làm trụ cột trong gia đình, mà còn mệt mỏi bởi những lời bàn ra tán vào. Thế nhưng, bà vẫn một lòng tin tưởng chồng mình.

Bà kể: “Tự hào mà nói, bây giờ khó mà kiếm được người thứ hai chịu đựng được như tôi. Có người còn đến tận nhà mách: Này, chị biết không, ông Tô Hoài có con với người khác đấy. Tôi bảo: Càng tốt, càng có người đẻ hộ”.

Cái sướng của bà Cúc thật giản dị. Bà có thú sưu tầm những bức ảnh của chính mình và gia đình.

Bà khoe: “Ngay từ lúc lên 10, tôi đã có ý thức lưu giữ những bức ảnh của mình. Năm nào tôi cũng chụp ảnh và cất giữ cẩn thận đến giờ. Tôi nghĩ, cuộc đời cái làm cho người ta sướng không phải là tiền”.

Đền đáp cho chuỗi ngày vất vả chăm con, chờ chồng, giờ các con của ông bà đều đã trưởng thành. Chị Đan Hà, dược sĩ cao cấp năm nay đã 66 tuổi còn cậu con trai út - nhà báo Phương Vũ đã 54 tuổi.

Những đận ông bị ốm, mấy người con xúm vào chăm ông, thuốc thang và luân phiên nhau bên ông.

Bà Cúc bước sang tuổi 90 nhưng trí nhớ vẫn tốt và có thể đi bộ hàng chục cây số để đi lễ chùa hay làm từ thiện.

Có hôm, tôi tình cờ gặp bà lững thững đi bộ ngoài phố, tay lỉnh kỉnh gói bánh, cân đường. Bà bảo: “Đi thăm người bạn già, đang bị ốm”.

Tôi giúp bà xách cái túi, nhưng bà cứ từ chối vì sợ làm phiền. Tính bà là thế. Ngay cả thời tuổi trẻ vất vả như vậy, bà cũng chẳng kể với ai.

Bà nói: “Khi tôi khổ, bạn bè, con cái và kể cả ông ấy, đi quanh năm, làm sao biết được cái khổ của mình. Tôi cũng chả kể làm gì”.

Mối tình cách trở sau bốn thập niên

Trước khi đến với bà Cúc, nhà văn Tô Hoài có mối tình sâu đậm với một cô gái ở Dầu Tiếng, Thủ Dầu Một (nay là tỉnh Bình Dương) tên là Nguyễn Kim Phượng.

Hồi đó, ông viết xong Dế Mèn phiêu lưu ký cho báo Tân Dân, lĩnh được 30 đồng nhuận bút và quyết phiêu lưu miền Nam một chuyến.

Đó là khoảng năm 1941. Trong chuyến đi này, ông gặp cô Nguyễn Kim Phượng và trúng tiếng sét ái tình. Hai người yêu nhau say đắm và đã có ý định cưới xin.

Ngày nhà văn trở ra Bắc, cả ông và bà Phượng không thể ngờ đó chính là ngày biệt ly kéo dài… hơn 40 năm. Những năm đầu, họ còn liên lạc được với nhau qua thư từ. Mặc dù, một bức thư phải hàng tháng trời mới nhận được, thậm chí có khi tới 5 tháng vì phải đi đường vòng.

Nhà văn Tô Hoài bồi hồi nhớ lại: “Hồi đấy, bà Phượng gửi thư cho tôi, thường phải gửi sang Pháp, rồi từ Pháp sang Liên Xô, rồi mới về Hà Nội. Còn thư của tôi gửi cho bà Phượng phải gửi qua đường Campuchia, rồi từ đó quay về Sài Gòn. Do chiến tranh loạn lạc, hai miền ngăn cách, thư từ lúc nhận được, lúc không. Năm 1975, bà Phượng theo gia đình sang Pháp, rồi mới lập gia đình. Bà kết hôn với một người Pháp, rồi người chồng mất sớm”.

Không hiểu sao, sau bao năm bặt vô âm tín, bà Phượng vẫn luôn có niềm tin mạnh mẽ rằng sẽ có ngày được gặp lại người yêu đầu đời của mình.

Về phía nhà văn Tô Hoài, ông cũng vẫn viết thư đều đặn cho bà Phượng, dù hy vọng rất mong manh. Lần nào đi nước ngoài, ông cũng nhờ người này, người kia tìm kiếm bà.

Sau khi Việt Nam thống nhất, từ Pháp, bà Phượng thông qua hội Việt kiều hỏi han tin tức của ông.

Có lần, hú họa, bà gửi cho ông một bức thư mà bên ngoài chỉ đề vỏn vẹn hai dòng chữ: Người nhận: Nhà văn Tô Hoài/ Địa chỉ: Hội Văn nghệ Hà Nội. Rất may, cả Hà Nội rộng mênh mông, nhưng Hội Văn nghệ Hà Nội dù không đề địa chỉ, thư vẫn đến được tay nhà văn Tô Hoài. Đó là vào những năm 80. Kể từ đó, hai người nối lại được liên lạc với nhau qua thư từ.

Cuộc gặp gỡ đầu tiên của bà Phượng với ông không thành vì bà về đột ngột, còn ông lúc đó lại đi công tác. Bà không thể nán lại Hà Nội lâu hơn để chờ ông.

Anh Phương Vũ kể, sau này, khi gặp lại, bà Phượng mới nói: “Lần đầu tiên đến Hà Nội, mợ ở mấy ngày mà sợ quá. Mợ đi ngoài đường toàn thấy người dân lấy nước cống ăn”. (Thực ra, ngày xưa hay mất nước nên người dân thường đào bể nước ở ngoài vỉa hè, đầu nguồn nước thì mới có nước- PV).

Rồi một thời gian sau, nhà văn Tô Hoài và bà Phượng chính thức gặp lại nhau sau hơn 40 năm xa cách. Khi đó, cả hai ông bà đã già, nhưng tình cảm vẫn còn nồng hậu. Bà nhiều lần muốn đón ông sang Pháp dưỡng già, nhưng ông đều từ chối vì tuổi đã cao.

Câu chuyện tình đã kết thúc có hậu khi những năm cuối đời, ông bà lại được gặp nhau sau bao năm xa cách và trắc trở. Họ như sống lại tình yêu thuở ban đầu. Ông bà đã cùng nhau đi du lịch Hạ Long, TP HCM.

Có đợt, nhà văn Tô Hoài và bà Phượng đã cùng nhau sống trong chùa một tháng trời ở Long Thành, Vũng Tàu. Tất nhiên, những chuyến đi này đều có sự hậu thuẫn của người con trai Phương Vũ.

Trân trọng tình cảm của bố và người tình xưa, anh Vũ đã tìm mọi cách giấu mẹ mình và bố trí cho bố gặp gỡ bà Phượng.

Có những chuyến đi dài ngày, cả bố và con đều nói dối đi công tác khiến bà Cúc sinh nghi hỏi: “Sao hai bố con hay đi công tác trùng nhau thế?”. Anh Vũ chống chế: “Bố đi việc bố, con đi việc con chứ”.

Anh Phương Vũ cho biết: “Tôi chưa từng thấy có mối tình nào sâu nặng như bố tôi và bà Phượng. Qua từng ấy thời gian, gần 50 năm trời, tâm trí hai người vẫn luôn nghĩ về nhau. Nhiều lúc hai bố con đang ăn cơm, ông chợt hỏi: Chẳng biết giờ này bà Phượng ra sao?”.

Phụ nữ mê cụ vì cụ duyên

Anh Phương Vũ, con trai nhà văn Tô Hoài như là người bạn tâm giao của bố. Có chuyện gì ông cũng tâm sự với con trai.

Anh tiết lộ, ông có nhiều cô mê lắm, trong nước có, ngoài nước có. Hồi ông sang Rumani, cô gái Rumani làm phiên dịch cho ông cũng mê ông như điếu đổ.

Sau đó, theo tiếng gọi của tình yêu, cô đã sang tận Việt Nam tìm ông và muốn lấy ông... Anh Phương Vũ thừa nhận: “Phụ nữ mê cụ vì cụ rất duyên, ngồi nói chuyện với bất kỳ ai cũng nhỏ nhẹ, dí dỏm. Đó là cái hấp dẫn đấy”.

LTS: Nhà văn Tô Hoài, tác giả của tập truyện 'gối đầu giường' với biết bao nhiêu thế hệ độc giả 'Dế mèn phiêu lưu ký' đã qua đời sáng nay, 6/7/2014 tại nhà riêng ở Hà Nội, hưởng thọ 95 tuổi.

 

Đường dây nóng: 0943 113 999

Soha
Báo lỗi cho Soha

*Vui lòng nhập đủ thông tin email hoặc số điện thoại