ĐD Lưu Trọng Ninh: Tôi không đánh giá cao Hoài Linh, Hà Hồ

Đạo diễn Lưu Trọng Ninh cho biết anh 'không đánh giá cao Hoài Linh lắm nhưng sự giàu có của anh ấy làm tôi giật mình', còn Hồ Ngọc Hà hát không hay dù cát-xê cao gấp 5 lần Anh Thơ.

Nổi tiếng với những cuộc tình, với nhiều cuộc hôn nhân có cả đổ vỡ lẫn hạnh phúc, với Lưu Trọng Ninh, điều tiếng và thị phi mà dư luận gắn cho anh về những người đàn bà đẹp không còn là điều xa lạ.

Ấy thế nhưng lần nào gặp anh, tôi cũng thấy Ninh một mình, cô đơn và cô độc trong chính ngôi nhà rộng lớn. Lưu Trọng Ninh cũng không còn trẻ.

Thời gian gần đây, sức khỏe của anh đang có vấn đề. Nhưng bất chấp cả bệnh tật, anh vẫn tự lái xe, một mình đi tour xuyên Việt vì bản tính “ngông” không thể thay đổi được.

Giới hạn của đàn bà là... vô hạn

Bộ phim Bến không chồng do anh làm đạo diễn ra đời cách đây mấy chục năm, nay dự định trở lại với phiên bản mới. Hình như, anh vẫn chưa nói hết những suy nghĩ về người phụ nữ?

Người tưởng như hiểu đàn bà lại thường là người ngu ngơ nhất. Tôi cũng từng nghĩ rằng, mình rất hiểu họ nhưng hóa ra lại không phải. Đàn ông giới hạn hữu hình còn đàn bà vô hình.

Lưu Trọng Ninh mà nói thế thì chắc là đúng?

Giới hạn của đàn bà là vô hạn, luôn luôn là như thế. Chính cái vô hạn mang lại sự hấp dẫn cho họ. Nó cũng kết nối được nhiều thước phim ở nhiều giai đoạn cuộc đời khác nhau.

 - Ảnh 1

Đạo diễn Lưu Trọng Ninh.

Trong bộ phim mới nhất anh thực hiện, anh đã thỏa mãn được bao nhiêu phần trăm cái tôi của mình?

Cái đáng buồn nhất của nghệ thuật hiện nay chính là sự thể hiện của cái tôi chưa được nhiều. Chúng đang bị chi phối và lấn át bởi cái ta. Bi kịch hơn, khi bản năng càng mạnh thì càng bị chi phối.

Tôi là một ví dụ điển hình. Đây này (anh vừa nói vừa đưa điện thoại cho PV xem tin nhắn), người ta vừa mới nhắn tin cho tôi: “Chủ tịch ban giám khảo nói rằng, phim hay quá nhưng không thể trao giải vì thành phố có ý kiến”.

Cánh Diều Vàng phải không ạ?

Ừ, và đây là người trong ban giám khảo.

Anh có buồn không?

Tôi cũng chẳng buồn, vì quá hiểu rõ điều đó. Tôi nhớ năm mình làm ban giám khảo liên hoan phim có sự tham gia của Mùi cỏ cháy và Hot boy nổi loạn. Hai dòng phim hoàn toàn khác nhau.

Với tôi, Mùi cỏ cháy hời hợt bên ngoài. Có thể có khá nhiều người xúc động bởi đề tài của phim. Nhưng với một người làm nghề như tôi, tôi thấy nó không được tốt. Người ta đã làm hỏng một cái đề tài quá hay.

Nhẽ ra, đó phải là một câu chuyện lặng lẽ, phải có chiều sâu chứ không phải ồn ào, cứ phải bắn nổ, lăng nhăng gào thét, không đúng với nó. Ở bờ sông Thạch Hãn, mỗi đêm, những người lính cứ mỗi lần bơi qua, lặn xuống rồi nhiều người không trở về.

Chỉ cần miêu tả hai bờ sông ấy thôi, một bên ồn ào và một bên lặng lẽ, lặng lẽ đến câm lặng bởi cái chết. Thế nhưng, vì sao người ta vẫn cứ muốn lội xuống dòng sông để sang phía bên bờ kia? Còn nếu sử dụng những bom mìn để mô tả, chúng xảo nhưng lại chưa đến tầm thì ngô nghê lắm.

“Chê” phim của một đồng nghiệp quen biết hẳn là rất khó cho anh?

Lần ấy, khi tôi không đồng ý bỏ phiếu cho phim này, ngay lập tức bị “cô lập” trước hội đồng bình chọn. Người ta nórằng: “Anh không đồng ý thì bỏ cuộc đi. Còn chúng tôi vẫn sẽ trao giải cho phim này, vì đã có quyết định rồi”.

Thế sau đó, anh có bỏ cuộc không?

Có một số phản đối Mùi cỏ cháy nên cuối cùng chúng tôi buộc phải đi đến một thỏa hiệp là trao giải đồng thời cho cả Hot boy nổi loạn nữa.

Đành phải vậy thôi chứ nếu giải Vàng chỉ dành riêng cho một bộ phim như vậy thì còn đáng buồn nữa. Hot boy nổi loạn là phim giải trí nhưng từ kịch bản đến cách dàn dựng đều hay hơn Mùi cỏ cháy.

Hình như anh đã rời Hãng phim Truyện Việt Nam từ lâu lắm rồi?

Mười tám năm nay, Hãng phim Truyện Việt Nam cắt lương của tôi nhưng tôi không nói câu gì, lẳng lặng coi như không có chuyện gì xảy ra vì mình không thể hòa đồng với họ được.

Tôi phải tìm đến môi trường khác, vừa để tồn tại, vừa để làm nghề và điều quan trọng nhất là tôi có thể góp một tiếng nói chung về lòng nhân ái, tình cảm con người bằng những tác phẩm điện ảnh.

Hãng phim truyện từng được xem là “thánh đường” của điện ảnh Việt Nam, việc anh đi hẳn là vì rất nhiều lý do?

Hai mươi năm nay, phim của Hãng phim Truyện Việt Nam không mấy người xem. Tôi lấy ví dụ như bộ phim mới nhất của họ là Sống cùng lịch sử. Câu hỏi đặt ra là ở đó đã vắng mặt những ai và có mặt những ai để khiến hãng phim truyện bi thảm như thế.

Tôi xác định, mình không cùng “chiến tuyến” thì nhất định không đứng chung được. Mình không dám chống thì ít nhất mình cũng không đứng chung.

Mới đây, người ta bảo tôi làm hồ sơ để xét tặng danh hiệu Nghệ sỹ Ưu tú, Nghệ sỹ Nhân dân, tôi không làm, đơn giản vì không thích.

 - Ảnh 2

Các nghệ sỹ được vinh danh trong một giải thưởng nghề nghiệp của hội Điện ảnh.

Hồ Ngọc Hà không biết hát nhưng cát-xê cao gấp 5 lần Anh Thơ?

Kể ra, anh cũng “lạ” đấy, vì có bao nhiêu người muốn thế mà không được? Thậm chí lúc không được họ sẽ phản ứng một cách gay gắt?

Tôi nói thật,... toàn bất tài hết. Những người tử tế người ta không như thế. Nhiều kẻ hèn kém, chỉ giỏi che đậy bằng những chức danh đạo diễn nọ, quay phim kia mà thôi.

Ngày xưa, vì sao tôi không làm phim họ đưa là vì tôi không được nói cái mình muốn nói. Họ đưa kịch bản, tôi trả lại vì kịch bản phản ánh những điều sai sự thật.

Mới đây, lần kỷ niệm 1.000 năm Thăng Long, có vị lãnh đạo TP. Hà Nội đưa kịch bản bảo tôi làm phim. Tôi đọc xong, trả lại, dù kinh phí dự án này lên đến nhiều tỉ đồng. Tôi nói với vị lãnh đạo này rằng, kịch bản phim kiểu này đừng làm mà lãng phí tiền của của nhân dân.

Phim này sau đó được gác lại. Nhưng dự án này dừng thì lại mọc lên dự án khác. Sau đó, Hà Nội kỷ niệm 1.000 năm Thăng Long bằng bộ phim Thái sư Trần Thủ Độ với mức kinh phí khổng lồ (60 tỉ đồng).

Nhưng tôi biết với một bộ phim truyền hình, việc đầu tư như thế là quá lãng phí.

Sự lãng phí sau cùng đều không tránh được?

Nhưng ít ra, tôi làm phim của tư nhân, có mục đích tôn chỉ rõ ràng, thậm chí có cả bài toán kinh tế. Dù dưới cái mác tư nhân cũng không dễ dàng gì, đạo diễn sẽ bị khống chế rất nhiều nhưng ít ra mình không làm lãng phí tiền của Nhà nước hay cái kiểu làm xong thì phim nằm đắp chiếu.

Bộ phim anh đang ấp ủ hiện nay là gì?

Tôi đang ấp ủ một bộ phim về Kiều. Trên thế giới, với một tác phẩm văn học bất hủ hay, họ phải có vài bộ phim về nó. Nhưng, Việt Nam thì ngược lại.

Điều này chứng tỏ yếu kém của nền điện ảnh chúng ta. Tôi nói với nhiều người rằng, nếu tôi thất bại, gục ngã thì sẽ có người đi sau thành công hơn. Chứ làm sao chúng ta phải ngay lập tức chiều lòng tất cả.

Ví dụ Trương Nghệ Mưu nghĩ về Lưu Bị một kiểu, Trần Khải Ca nghĩ một kiểu, Lý An nghĩ một kiểu, thế thì mới thú vị. Kiều cũng vậy, nhưng khi tôi làm thì người ta không chấp nhận.

Người ta không chấp nhận vì quan điểm của anh khác với lối nghĩ thông thường?

Nghệ thuật cần phải như thế. Nhưng nếu sự sáng tạo đích thực bị cô lập thì cũng không có gì lạ. Ảo thành thật và thật thành ảo. Đến Lệ Rơi còn nổi tiếng cơ mà.

Diễn viên trẻ, 10 người thì 9 người đóng phim 1, 2 ngày đã đòi tiền. Họ không dám trả giá để đổi lấy thành công.

Anh có thông cảm với những tai tiếng của các nghệ sỹ trẻ hiện nay?

Đó là bi kịch của giới trẻ. Tôi biết nhiều diễn viên đã chọn cách nổi tiếng bằng việc cởi áo... chứ không phải bằng lao động nghệ thuật. Lỗi của họ một phần là do xã hội.

Nhưng thời nào cũng thế, nếu không đổ mồ hôi thì không thể có thành công. Hát như Anh Thơ, trầy da tróc vỏ nhưng cát-xê làm sao cao bằng Hồ Ngọc Hà.

Trong khi, Hà đâu có hát hay. Tôi là người đầu tiên đưa cô ấy vào phim, tôi biết. Nhưng đảm bảo cát-xê của Hà cao gấp 5 lần Anh Thơ.

 - Ảnh 3

Ca sĩ Hồ Ngọc Hà

Tôi cũng không đánh giá cao Hoài Linh lắm đâu. Nhưng sự giàu có của anh ấy làm tôi giật mình. Xét cho cùng, đó không phải là nghệ thuật. Kể cả những thứ nhăn nhăn nhó nhó như Bảo Quốc cũng không phải là nghệ thuật.

Đường dây nóng: 0943 113 999

Soha
Báo lỗi cho Soha

*Vui lòng nhập đủ thông tin email hoặc số điện thoại