Bi kịch đau đớn của phim Việt

Nguyễn Hương |

Lần đầu tiên "Người biết tuốt" lên tiếng cũng là lần đầu những "thâm cung bí sử" của hậu trường phim Việt được đưa ra khỏi "vòng bí mật" của những người làm nghề.

"Tôi rành rẽ mọi diễn viên từ hàng ngôi sao đến "bình dân" của showbiz Việt. Tôi thân thiết với mọi đạo diễn và cũng không lạ mấy tay sản xuất. Thế nên chuyện về họ, tôi biết tuốt.

Hẳn chị nghĩ là tôi kiêu ngạo nhưng không phải thế. Có những người đi ngủ còn ôm tôi cơ mà. Đến hơi thở của họ ra sao, tôi còn nhớ mùi chứ đừng nói đến chuyện hàng ngày chứng kiến họ thế nào, từ làm nghề đến làm người"!

"Người biết tuốt" mở đầu câu chuyện về những "thâm cung bí sử" của hậu trường phim Việt với chúng tôi như thế.

Bải "Người biết tuốt" tiết lộ bí mật hậu trường phim Việt" nằm trong tuyến bài "GIẢ TƯỞNG" của Báo Trí Thức Trẻ/ Soha.vn, đăng mỗi tuần 1 bài. Tuy nhiên, nội dung và các thông tin được nhắc tới trong bài hoàn toàn có thật.

Ở đây, bằng 1 hình thức phỏng vấn khác lạ, chúng tôi cố gắng truyền tải 1 góc nhìn đặc biệt về nhân vật được nhắc tới trong bài viết.

Khôi hài chuyện diễn viên lộn lời thoại, nhầm nhân vật

- Vậy "Người biết tuốt" thử nói xem, ông biết những gì về hậu trường phim Việt?

Có hai vấn đề trong câu hỏi này. Thứ nhất, sao chị lại "làm già" tôi đi như thế. Tôi rất lịch sự gọi... chị thì cũng nên gọi tôi là... anh thôi. Tôi còn trẻ và rất... dẻo dai nữa. Không thì làm sao... lăn lóc ngoài phim trường được.

Thứ hai, câu hỏi của chị nghe có vẻ không mấy tin tưởng tôi. Và nói thực nó quá lan man để có câu trả lời chân thực và chính xác. Chị hỏi thẳng vấn đề đi. Tôi không ngán lia máy vào mọi góc cạnh của hậu trường phim Việt đâu.

Chiếc máy quay phim - Người biết tuốt hậu trường phim Việt (ảnh minh họa).
Chiếc máy quay phim - "Người biết tuốt" hậu trường phim Việt (ảnh minh họa).

- Wow! Có vẻ "người biết tuốt" rất thích lý sự. Vậy anh lia ống kính về diễn viên đi và thử lý giải xem, tại sao diễn viên bây giờ... diễn dở thế?

Ôi, tưởng chị hỏi cái gì. Chuyện đó thì đơn giản thôi.

Ngày xưa, diễn viên đều hết lòng với vai diễn. Tôi ví như NSND Lý Huỳnh, đóng 1 phim mất cả năm trời. Để nhận 1 vai diễn (ví dụ ông Hai lúa), ông ấy phải mò xuống Cần Thơ, Tiền Giang học làm nông dân 3 tháng.

3 tháng ấy, ông Lý Huỳnh chỉ ăn với tiếp xúc với người nông dân để học từng cử chỉ, điệu bộ của người nông dân. Từ dáng đi, từ cái vắt tay lên trán, từ điệu vê điếu thuốc lào đến cách cầm thừng, đánh trâu đi ruộng ra sao.

Thế nên, khi ông đóng người nông dân là ra chất nông dân, dù ông vốn là một võ sư. Và trước đó thì rất đình đám với các vai sỹ quan Ngụy quyền. Tại sao ông ấy có thể "thoát vai" như thế? Vì ông ấy tâm huyết với vai diễn.

Hồi ông Lê Cung Bắc làm phim "Người đẹp Tây Đô", diễn viên ai cũng hết lòng với phim. Về yếu tố khách quan, có thể do lúc đó chỉ có hãng TFS nên diễn viên không có nhiều chỗ làm như bây giờ, được đóng phim của TFS là một vinh dự.

Về yếu tố chủ quan, khi diễn viên được chọn tham gia một bộ phim truyền hình nhiều tập đầu tiên của Việt Nam thì họ có cảm xúc rất mạnh. Họ thích thú, họ nồng nhiệt.

Thậm chí, có những diễn viên chưa tới vai diễn của mình nhưng cũng xin đạo diễn cho đi theo đoàn. Theo lịch thì còn 1 tuần nữa mới tới phân cảnh của họ nhưng họ vẫn bảo "Chú ơi, cho con đi theo đoàn với, cho con nhìn mọi người đóng để lấy cảm xúc", và họ đi theo.

Các diễn viên ngày ấy, họ chờ tới ngày đóng phim để được kêu đi diễn. Còn sau này, xếp lịch quay cho diễn viên rất khó. Vì có quá nhiều hãng phim nên cũng có quá nhiều phim để diễn viên tham gia.

Phim họ làm nhanh tới độ không phải là mì ăn liền nữa mà là... ăn tươi nuốt sống.

Nhà sản xuất thì yêu cầu đạo diễn làm phim 1 tập trong 1 ngày hoặc nhiều nhất cũng chỉ ngày rưỡi phải xong. Còn diễn viên thì 1 ngày chạy bao nhiêu chỗ. Họ chạy chỗ này 1 lúc, đóng nháo nhào rồi chạy sang chỗ kia 1 lúc, cũng lại nháo nhào cho kịp show.

Thành ra có nhiều diễn viên đừng nói là tập trung, họ còn bị lẫn lộn giữa tâm lý nhân vật này với nhân vật kia. Thậm chí, có tình huống khôi hài là họ lộn lời thoại từ phim này sang phim khác.

- Thế anh biết tuốt có biết vì sao mà diễn viên bây giờ đến khổ cũng khoe không?

Chị đang nói tới mấy chuyện diễn viên uống nước thải, ngâm mình trong nước bẩn chứa đầy rác, bùn sình rồi chịu thương tích khi làm nghề phải không?

Ôi, chuyện nhỏ!

Ca sĩ Lý Hải gặp nạn lúc quay phim Lật mặt 2 tại Ninh Thuận.
Ca sĩ Lý Hải gặp nạn lúc quay phim "Lật mặt 2" tại Ninh Thuận.

Tôi từng chứng kiến cảnh diễn viên chết hụt lẫn chết thật vì nghề nghiệp kìa. Ông Lê Cung Bắc thời còn làm diễn viên bị chết hụt một lần, lúc ông đóng cảnh đu máy bay trực thăng.

Hay khi đóng chung với Nguyễn Chánh Tín bị đá một cú trúng mặt, mặt biến dạng liền. Một bên mặt cứ to dần lệch hẳn về một bên. Hay anh Nguyễn Mạnh Cường, nhân viên đạo cụ của đoàn làm phim chết đuối lúc đang quay ở hồ Đại Lải...

Ca sĩ Lý Hải lúc làm phim "Lật mặt" cũng bị ngã xe, rạn xương sườn. Ca sĩ Nguyễn Phi Hùng khi đóng phim "Thập tự hoa", quay ngày quay đêm bị đỏ mắt. Đạo diễn yêu cầu nhỏ mắt để diễn tiếp thì vô tình nhỏ nhầm thuốc hết hạn sử dụng, suýt bị mù...

Mà cũng chẳng phải là "khoe" đâu. Chỉ là công chúng cũng muốn hiểu hơn về nghề của họ, về các vai diễn nên họ kể vậy thôi.

Quyền lực nằm trong tay kẻ có tiền!

- Từ nãy giờ tôi cứ băn khoăn về cái nghề của anh. Có phải nghề của anh là bảo vệ... diễn viên không?

Ấy không. Nghề của tôi cao quý lắm. Chị nghĩ thế tội cho cái danh "người biết tuốt" của tôi.

Tôi cũng chả bảo vệ ai đâu. Diễn viên có sao thì tôi nói thế thôi. Cũng đầy anh chị diễn viên khi có tí tên tuổi thì diễn kiểu lắm. Từng điệu bộ đều rất kiểu cách, nhân vật nào cũng giống nhân vật nào...

Họ diễn không thật, diễn đúng chữ diễn ấy. Tôi nói vậy có khi nhiều anh chị em diễn viên phật lòng, nhưng sự thật nó thế thì tôi cũng chịu.

Nói thế cũng không có nghĩa là tôi trách diễn viên. Diễn viên thì ai chả muốn đóng được nhiều chừng nào tốt chừng ấy. Nhu cầu kiếm cơm thôi. Vấn đề là những nhà sản xuất, họ muốn làm phim cho lẹ.

Họ muốn quay tốc độ càng nhanh càng tốt để bớt chi phí. Họ quay với tốc độ mà chính tôi cũng chóng mặt. Có những đợt làm việc căng quá, tôi bệnh. Đến một cái máy là tôi còn đổ bệnh thì hỏi sức người chịu sao thấu.

Thế mà nhà sản xuất cứ ép đạo diễn, ép diễn viên. Thế nhưng, vì cần phim để làm, cần cơ hội để khẳng định tên tuổi, nhiều đạo diễn chấp nhận để nhà sản xuất o ép mình. Đạo diễn chịu được thì có lý gì diễn viên không chịu? Thế là nhiều diễn viên cũng buộc phải theo.

- A, anh lộ đuôi chuột rồi nhé! Té ra anh là cái máy... quay phim?

Đúng. Tôi là cái máy quay phim, thì sao!? Từ diễn viên, đạo diễn, mấy tay nhà sản xuất, tác giả kịch bản, ai cũng gọi tôi là "người biết tuốt". Thế nên chuyện tôi là ai có quan trọng gì. Tất cả thông tin tôi nói với chị đều là sự thật.

- Ok, anh không cần phải "xù lông" lên như thế đâu. Chúng ta trở lại câu chuyện hậu trường phim Việt đi. Tôi thì nghĩ rằng, làm sao người ta có thể xây dựng tên tuổi từ những bộ phim và vai diễn chộp giật?

Chị là hay làm tôi "tăng xông" lắm đấy nhé!

Quay lại câu hỏi của chị. Tôi nói để chị biết rằng, họ hiểu nhưng họ buộc phải làm. Vừa làm vừa chờ thời vận đến với mình.

May mắn gặp được nhà sản xuất nào tâm huyết với điện ảnh, họ muốn làm phim đàng hoàng tử tế thì cả đạo diễn, diễn viên có cơ hội thể hiện.

Thể hiện được được thì đem đi dự thi lấy vài giải cho xứng với nghề, tạo dựng tên tuổi. Rồi lại chạy đi làm phim chộp giật kiếm cơm!

- Nghe anh nói, tôi thấy thương đạo diễn, diễn viên bây giờ quá. Đúng là quyền lực luôn nằm trong tay kẻ có tiền!

Đương nhiên. Có nhiều phim, diễn viên còn chưa diễn, đạo diễn đã bảo... "xong"! Nói thực, tôi còn chưa biết mình quay được cái gì ở phân cảnh đó thì đã xong rồi. Vì đạo diễn không có thời gian. Hay nói đúng hơn, nhà sản xuất không cho họ thời gian.

Có điều này nghe thật mâu thuẫn nhưng không ít diễn viên rất thích làm phim với mấy ông đạo diễn khó tính. Tại sao? Vì họ được có hứng thú khi làm nghệ thuật và được làm nghề thực sự.

Diễn viên họ nói rằng: "Làm mấy phim mì ăn liền lượm tiền lẹ lắm nhưng thấy sao sao ấy”.

Vì mấy người khó tính là mấy người tôn trọng khán giả, tôn trọng chính hình ảnh, uy tín, tay nghề của mình. Họ có khó trong làm nghệ thuật thì họ mới không ẩu thả đáp ứng nhu cầu của mấy tay sản xuất.

Và bởi vì, mấy ông đạo diễn khó tính sẽ bắt diễn viên diễn đi diễn lại cho đến khi nào hài lòng mới thôi. Mỗi lần như thế, diễn viên phải vắt óc ra suy nghĩ, diễn làm sao cho hay nhất, tự nhiên nhất để toát lên tính cách, tâm lý nhân vật một cách đúng nhất, chứ không hời hợt được.

Tiếc rằng, những đạo diễn khó tính như thế trong showbiz Việt bây giờ không nhiều. Nếu có thể kể đến mấy ông đạo diễn dám hết mình với nghề, tôi có thể kể vanh vách những cái tên như Lê Cung Bắc, Đặng Nhật Minh, Tường Phương, Phương Nam, Đỗ Phú Hải...

Từ đám cưới trên sông thành... đám cưới trên sân!

- Vậy những người có tiền cần cái gì và quan tâm tới cái gì?

Một thứ thôi, doanh thu. Làm thế nào để có doanh thu? Diễn viên hot, diễn dở cũng được. Kịch bản chỉ cần vui vui, không hay cũng chẳng sao. Và quan trọng là đạo diễn phải... ngoan và biết nghe lời!

Nếu ngày xưa, đạo diễn là người quyết định hoàn toàn trong việc chọn diễn viên thì bây giờ, quyết định đó nằm trong tay nhà sản xuất (80%).

Đạo diễn có muốn quay một cách lãng mạn, đậm chất điện ảnh... cũng phải được sự đồng ý của nhà sản xuất, không thì lấy ai bỏ tiền ra cho họ làm?

Có một chuyện khó tin nhưng có thật trong giới đạo diễn. Có một vị đạo diễn, tôi không tiện nói tên. Vị này muốn quay một đám cưới với 10 cái thuyền lững lờ đi trên sông. Chỉ mới hình dung ra cái cảnh quay ấy đã đủ khiến tôi thích mê.

Buổi casting diễn viên cho phim Lật mặt 2.
Buổi casting diễn viên cho phim "Lật mặt 2".

Tôi sẽ lia những góc từ phía trước, xéo hai bên, từ trên cao, rồi chạy ngược lại với đoàn thuyền cưới ấy... Tôi hình dung rất rõ về khung hình lãng mạn ấy và tin chắc là cái cảnh đám cưới trên sông đó sẽ tạo ấn tượng cho người xem thế nào.

Nhưng khi vị đạo diễn trình bày ý tưởng với nhà sản xuất thì tay sản xuất gạt phăng đi vì sợ tốn kém. Hắn ta bảo “thôi, đám cưới trên sân được rồi, bày đặt chi trên sông cho tốn kém”.

Đấy, khán giả làm sao biết được chuyện đó. Họ xem, họ thấy phim dở, quay xấu thì họ chê. Họ chê ai? Chê đạo diễn, đương nhiên. Mà họ nào có biết, đạo diễn tài năng đầy nhưng nhà sản xuất không chịu để họ thể hiện ý tưởng và tinh hoa thôi.

- Không lẽ bây giờ không có nhà sản xuất nào quan tâm tới làm nghệ thuật thực sự?

Cũng có một số nhà sản xuất quan tâm tới nghệ thuật nhưng con số đó không nhiều. Tôi từng chứng kiến có nhà sản xuất nhất khoát không chịu để ê-kíp làm việc khi thiếu ông đạo diễn, mà chỉ có mặt ông phó.

Lý do là đạo diễn cũng bận việc này việc kia, nhận thêm phim này phim kia nên đôi khi đến trễ.

Ở nước ngoài, khi quay 1 cảnh, người ta quay cả chục text để về lựa chọn. Khi dựng, đạo diễn cảm thấy ưng text nào nhất thì chọn text đó dựng. Còn ở mình, với cách làm chộp giật, lấy gì mà chọn?

- Xem chừng muốn xem một bộ phim hay khó quá!

Chẳng có đạo diễn nào muốn phim mình dở hết. Nhưng để có được phim hay phải hội tụ nhiều yếu tố. Kịch bản hay, diễn viên giỏi, nhiệt tình với phim và nhà sản xuất phải tạo điều kiện để họ làm.

Nói tới kịch bản, tôi cứ thấy sao sao ấy. Lời thoại phim bây giờ không sâu sắc. Thoại phim cách đây chừng 10 năm, 20 năm, câu nào chắc ý câu đó. Còn thoại bây giờ quá thừa từ. Hình như họ thoại là để cho khỏi phải suy nghĩ!?

Nhưng thôi. Nói ra nữa thì chắc mai cũng chưa xong. Tôi phải nghỉ tí đã, lại sắp quay cả đống phim mới kia. Mà chưa biết có phim nào hay không.

Khán giả cứ chờ vậy vì gặp thời thì thế nào cũng có phim hay để xem!

Đường dây nóng: 0943 113 999

Soha
Báo lỗi cho Soha

*Vui lòng nhập đủ thông tin email hoặc số điện thoại