Câu chuyện tìm Đại sứ Du lịch mới của Việt Nam đang gây xôn xao dư luận trong mấy ngày gần đây. Trong khi hàng loạt khán giả ủng hộ cho Lý Nhã Kỳ tiếp tục nhiệm kỳ tiếp theo thì cô đột ngột gửi đơn xin rút khỏi vị trí đặc biệt này. Đây là một tình huống bất ngờ của Bộ Văn hóa Thể thao và Du lịch, bởi trong thời điểm này, Lý Nhã Kỳ là ứng viên được kỳ vọng hơn cả trong số 3 gương mặt đang được cân đo để bổ nhiệm trong năm tiếp theo.
Ngay sau khi thông tin Lý Nhã Kỳ viết đơn xin rút khỏi danh sách ứng cử viên, không ít các kiều nữ nổi tiếng có ý định ứng cử thay thế Lý Nhã Kỳ và kêu gọi sự ủng hộ của dư luận như Hoa hậu Đông Nam Á Diệu Hân và diễn viên Lan Phương.
Trong khi Việt Nam vẫn chưa tìm được Đại sứ Du lịch mới, khán giả lại được phen bất ngờ khi Bùi Tú Anh, một độc giả đã gửi một bài viết thể hiện mối nghi ngờ của mình về tấm bằng Đại học của Lý Nhã Kỳ mới được công bố cách đó không lâu. Bài viết đã chỉ rõ ra một số điểm đáng ngờ trong tấm bằng đại học của nữ diễn viên trẻ.
Nguyên văn của bài viết của độc giả Bùi Tú Anh như sau:
"Cách đây vài ngày trên một số báo của Việt Nam có đăng thông tin Cục Hợp tác Quốc tế - Bộ VHTTDL công bố hình ảnh về bằng đại học của cựu Đại sứ Du lịch VN Lý Nhã Kỳ. Với một chút tò mò, vì cũng từng tốt nghiệp tại Đức chưa lâu, tôi có thử tìm hiểu một số thông tin liên quan đến nội dung bằng Đại học này thì thấy có nhiều điểm rất bất thường:
1. Thứ nhất, trên bằng ghi rõ Alexander Wiegand Hochschule, DHBW Mosbach. Tuy nhiên như thông tin trước đây, không có cái gọi là Alexander Wiegand Hochschule (trường cao đẳng Alexander Wiegand). Wika Alexander Wiegand là một công ty sản xuất thiết bị đồng hồ đo áp lực. Công ty này có trường dạy nghề (Fachschule) và liên kết với một số trường đại học (Fachhochschule) để đào tạo dưới dạng vừa học vừa làm cho chính công ty.
Do đó, công ty Wika Alexander Wiegand không thể có chức năng cấp bằng đại học. Bằng phải do trường đại học, cao đẳng cấp. DHBW Mosbach như ghi trên bằng của Lý Nhã Kỳ là một chi nhánh của DHBW - Duale Hochschule Baden-Württemberg, một trường cao đẳng ở Đức.
Tuy nhiên trường DHBW mới chỉ chính thức thành lập vào ngày 1 tháng 3 năm 2009. Tiền thân của trường này trước kia là một trường dạy nghề (Berufsakademie) tên là Staatliche Berufsakademie Baden-Württemberg và kể từ 1/3/2009 mới được chính thức công nhận là Cao đẳng và tuyên bố thành lập. Nguồn có thể lấy từ wikipedia (http://en.wikipedia.org/wiki/Baden-Württemberg_Cooperative_State_University) hoặc trong trang web mục lịch sử của trường (http://www.dhbw.de/english/about-us/facts-figures.html). Trong khi đó tấm bằng của Lý Nhã Kỳ được ký vào ngày 12 tháng 2 năm 2004.
Kể cả trong trường hợp Lý Nhã Kỳ bị mất bằng, xin cấp lại bằng mới thì với tên trường DHBW thành lập năm 2009 như thấy trên bằng đã công bố, ngày ký quyết định cấp ghi trên bằng chắc chắn không thể là vào năm 2004 mà ít nhất phải sau ngày 1/3/2009 (ngày chính thức thành lập trường).
2. Thứ hai, có một điểm rất đáng ngờ nữa là trên bằng có xác nhận Lý Nhã Kỳ đã đỗ kỳ thi ngày 12/02/2004. Như vậy, ngày thi và ngày ký quyết định cấp bằng trùng nhau. Thông thường, sau khi thi tốt nghiệp phải chờ một thời gian mới có kết quả.
Từ lúc có kết quả cho đến khi được cấp bằng chính thức cũng phải một thời gian nữa ít nhất là từ vài tháng cho tới một năm (trong thời gian chờ đợi, trường có thể cấp cho một giấy chứng nhận đã tốt nghiệp). Chuyện ngày thi tốt nghiệp và ngày cấp bằng trùng nhau là cực kỳ hy hữu, nếu như không muốn nói là không thể có.
3. Thứ ba, trình độ tốt nghiệp ghi trong bằng là Diplom-Kauffrau, nếu quy đổi ra hiện tại thì tương đương Thạc sĩ quản trị kinh doanh. Chương trình học Diplom ở Đức có chuẩn thời gian là 5 năm (thực tế thì lâu hơn, ai trong vòng đúng 5 năm tốt nghiệp là rất giỏi).
Vấn đề là Lý Nhã Kỳ kỳ sinh năm 1982, tại thời điểm tháng 2 năm 2004 cô Kỳ chưa tròn 22 tuổi. Ở Việt Nam mà chưa đầy 22 tuổi đã có bằng thạc sĩ thì có bất thường không? Xin nói thêm rằng ở Đức chương trình học phổ thổng để lên Đại học là 13 năm chứ không chỉ 12 năm như Việt Nam ta.
4. Theo tôi được biết thì cô Lý Nhã Kỳ sang Đức học từ khoảng năm 16-17 tuổi. Đến năm 21 tuổi có bằng Diplom, như vậy không lẽ cô Lý Nhã Kỳ vào học thẳng Cao đẳng ngay?
Với tất cả mọi du học sinh hoặc học sinh Việt Năm sang Đức tiếp tục học tập thì riêng thời gian học tiếng Đức để có thể nghe hiểu thầy cô giảng dạy thì cần ít nhất 2 năm học tiếng.
Ví dụ như hiện nay, một người tốt nghiệp tú tài ở Việt Nam muốn sang Đức học cao đẳng- đại học thì cần học hết học kỳ thú nhất tại đại học ở Việt Nam, sau đó lấy bằng B tiếng Đức (cần ít nhất 9 tháng học cấp tốc) rồi xin visa sang Đức, ôn thi tiếng Đức để thi vào trường dự bị CĐ-ĐH.
Nếu đậu vào trường này sẽ học thêm 1 năm dự bị để có đủ vốn tiếng Đức để nghe hiểu giảng viên dạy... Nhìn chung người Việt Nam sang Đức học (không phải ở Đức từ bé 3-4 tuổi) thì không thể vào cao đẳng-đại học trước tuổi 20.
Vậy làm thế nào mà cô Lý Nhã Kỳ có được bằng tốt nghiệp Diplom (tương đương thạc sĩ) trước khi tròn 22 tuổi ? Cô Lý Nhã Kỳ phải chăng là “thiên tài” ?
5. Trình độ Diplom ở Đức trước 2008 không thể được cấp bởi các trường dưới cấp đại học (Universität), rất ít trường cao đẳng có thể đào tạo Diplom, hơn nữa văn bằng bắt buộc phải ghi chú Diplom (FH) để phân biệt đại học và cao đẳng.
Khác với Việt Nam, trình độ cao đẳng và đại học ở Đức cách biệt ít nhất 2 năm học. Ví dụ có bằng Cử nhân cao đẳng muốn học lên Thạc sĩ đại học cần học 2 năm chuyển đổi, sau đó mới được bắt đầu học chương trình Thạc sĩ - chưa kể bằng Cử nhân phải loại giỏi. Thế nhưng trong bằng của cô Lý Nhã Kỳ ghi rõ là Diplom-Kauffrau, không hề có (FH)...
6. Về mặt hình thức, trên tấm bằng của Lý Nhã Kỳ có những lỗi ngữ pháp sơ đẳng mà bất kỳ một văn bản chính thức quan trọng nào cũng không thể phạm phải. Chẳng hạn, trên tấm bằng có ghi: “geboren” (sinh ngày). Phải là “geboren am” (sinh vào ngày), chứ không thể viết thiếu giới từ chỉ thời gian “am”.
Tấm bằng của Lý Nhã Kỳ dường như được in trên giấy A4 thông thường, với phần tên của người ký cấp bằng dường như đã bị làm nhòe đi một cách có chủ ý. Thông thường, một tấm bằng tốt nghiệp gốc phải tuân theo mẫu chuẩn và quy định cấp bằng của trường, của Bộ giáo dục các nước.
So sánh giữa hình ảnh một tấm bằng của trường DHBW tìm được trên Internet, có thể thấy ngay sự khác biệt đáng ngạc nhiên về nội dung và những đặc điểm hình thức của một tấm bằng thật so với tấm bằng của Lý Nhã Kỳ do Cục hợp tác, Bộ VHTTDL đưa ra công bố trong bài báo mới đây.
Chẳng hạn, trên tấm bằng “chuẩn” tìm thấy có thể thấy rõ các hoa văn in chìm trên giấy cứng – một đặc điểm thường thấy ở hầu hết các bằng cấp gốc (để tránh dễ bị giả mạo), chứ không phải in trên thứ giấy A4 bình thường như tấm bằng của Lý Nhã Kỳ.
Vì những lý do trên, tôi thực sự nghi ngờ rằng tấm bằng Đại học của Lý Nhã Kỳ có khả năng là bằng giả mạo. Kính mong quý báo đăng tải ý kiến của tôi để công luận gần xa được rõ, đồng thời lên tiếng cho các cơ quan chức năng có liên quan vào cuộc để kiểm chứng giúp tôi những nghi ngờ này.
Việc sử dụng bằng cấp giả mạo là một hành vi vi phạm pháp luật của cả Việt Nam và Đức. Cô Lý Nhã Kỳ đã đảm nhiệm vai trò Đại sứ Du lịch, đại diện cho Việt Nam quảng bá hình ảnh đất nước cho thế giới năm 2012 với rất nhiều ồn ảo, phản đối của dư luận. Bộ Văn hóa Du lịch vẫn tiếp tục đưa cô vào danh sách những người tham gia đề cử cho vị trí này năm 2013.
Dù cách đây mấy ngày cô có đơn xin rút khởi danh sách đề cử, song Bộ VHTTDL vẫn chưa chính thức khẳng định sự rút lui của cô mà vẫn coi cô là một ứng cử viên nhiều tiềm năng.
Đồng thời, Cục Hợp tác Quốc tế - Bộ VHTTDL năm 2011 đã lên tiếng xác nhận cô Lý Nhã Kỳ có bằng đại học của Đức, và mới đây đã công bố tấm bằng “đại học” của cô Lý Nhã Kỳ trên báo như để minh chứng việc cô có bằng đại học thật. Thiết nghĩ rất cần phải có các cơ quan chức năng vào cuộc chính thức để làm rõ có hay không việc cô Lý Nhã Kỳ đã sử dụng bằng cấp giả mạo.
Nếu quả thực là có thì đây là một điều rất đáng xấu hổ, đáng buồn đối với người Việt Nam, là một vết hoen trong hình ảnh Việt Nam trước thế giới".
Được biết ngay sau khi đọc được bài viết của độc giả, phóng viên đã có buổi nói chuyện với ông Trần Nhất Hoàng – Giám đốc Trung tâm Xúc tiến VHTTDL – Cục Hợp tác Quốc tế, người đọc và thẩm định hồ sơ xin ứng cử của Lý Nhã Kỳ. Ông Hoàng cho biết đây là thông tin mới và ông sẽ có câu trả lời sau. Riêng vấn đề bằng cấp của các Đại sứ Du lịch thì từ trước đến giờ ứng cử Đại sứ Du lịch không đòi hỏi bằng cấp. Riêng về phía Lý Nhã Kỳ, sau khi được hỏi về vấn đề này cô quyết định không lên tiếng để tránh những tranh cãi kéo dài giống như vụ lộ ảnh cưới của cô trước đây.