Trung Quốc là một trong những quốc gia sử dụng tiền giấy sớm nhất. Tờ tiền giấy đầu tiên được ghi nhận xuất hiện vào năm Thiệu Hưng thứ 30 (năm 1160) dưới thời nhà Tống.
Thế nhưng, song song với những thuận lợi mà tiền giấy mang lại, cổ nhân cũng không khỏi đau đầu để nghĩ ra biện pháp phòng chống nạn làm tiền giả.
Trong số những kế sách chống tiền giả thời cổ đại, có những phương pháp vô cùng tiến bộ và vẫn hậu thế sử dụng tới bây giờ.
Nghệ thuật phòng chống tiền giả thời nhà Tống
Khi mới xuất hiện vào thời nhà Tống, tiền giấy có tên gọi là "hội tử". Loại tiền này có đặc điểm nhận dạng rất rõ ràng: Ở giữa in hàng chữ ngang lớn "Hành tại hội tử khố" (chỉ bộ phận quản lý lưu hành tiền), bên phải có ấn vuông khắc chữ "Đại nhất quán văn tỉnh", bên trái cũng có ấn vuông ghi "Đệ nhất bạch thập liệu".
Tiền giấy thời nhà Tống có những điểm khác biệt nổi bật với 3 yếu tố: Chất liệu giấy, hoa văn, ấn ký.
Một mẫu tiền giấy có niên đại từ thời nhà Tống. (Nguồn: Baidu).
Độc quyền về giấy in và bản in
Căn cứ theo ghi chép của "Tống sử", triều đại này chuyên sử dụng giấy xuyên chỉ để in tiền. Loại giấy này làm từ vỏ "chử" (tên một loại cây), có màu sắc trắng noãn, độ bền cao, thuộc vào hàng vật phẩm cao cấp.
Để đề phòng kẻ gian làm giả, triều đình không cho phép thường dân mua bán loại giấy in tiền ấy.
Ngoài độc quyền thu mua giấy xuyên chỉ, chính quyền phong kiến còn bảo mật nghiêm ngặt về kỹ thuật in tiền. Bản in tiền giấy thời nhà Tống được chế tạo từ đồng, có chạm khắc những hoa văn, ký hiệu riêng để khó ngụy tạo.
In màu xen kẽ
Ngày nay, một số mẫu tiền giấy của Trung Quốc có sử dụng cách in xen kẽ nhiều màu sắc để phòng chống làm giả. Nhưng kỹ thuật này kỳ thực đã được sử dụng từ thời nhà Tống với ba màu chủ đạo là đỏ, lam, đen.
Cuốn "Chử tệ phổ" miêu tả lại, tiền giấy của Tống triều có hình chữ nhật, bốn phía vẽ hoa văn, ở giữa là hình các nhân vật lịch sử hoặc ghi lại một số điều khoản luật lệ. Bấy giờ, tiền giấy có nhiều mệnh giá như 500 văn, 1 quán, 10 quán, 100 quán…
Kỹ thuật in chìm
Kỹ thuật in hoa văn chìm được nhà Tống kế thừa từ thời nhà Đường và áp dụng trong việc in tiền giấy. (Hình minh họa).
Quá trình in ấn tiền giấy thời Tống có áp dụng một kỹ thuật tên là Thủy Văn Chỉ. Thực chất, kỹ thuật này được sáng tạo từ thời nhà Đường để in nổi hoặc in chìm.
Cách in hình chìm cũng tương tự như loại dấu "watermark" mà chúng ta vẫn thường dùng ngày nay. Hình thức chống tiền giả này cho đến hiện nay vẫn được sử dụng rộng rãi.
Nhờ những kỹ thuật tân tiến so với thời bấy giờ, tiền giấy thời Tống không chỉ có giá trị mà còn được chế tạo rất tinh xảo, rất khó làm giả trong thời gian ngắn.
Kỹ thuật in tiền đỉnh cao thời nhà Minh: Phát hiện làm giả sẽ bị tử hình!
Đến thời nhà Minh, kỹ thuật chế tạo tiền giấy càng trở nên tinh vi và phức tạp. Vào tháng 3 năm Hồng Vũ thứ 8, Chu Nguyên Chương sau khi nghiên cứu chế độ tiền tệ thời nhà Nguyên đã hạ lệnh thành lập Bảo Sao Đề Cử Ti – cơ quan chuyên cai quản việc in tiền trên cả nước.
Mẫu tiền giấy có niên đại từ thời nhà Minh. (Ảnh: Nguồn Baidu).
Cầu kỳ ngay từ chất giấy
Giấy in tiền thời nhà Minh hết sức đặc biệt. Ngoài việc được làm từ nguyên liệu chính là vỏ cây dâu, tiền giấy triều đại này còn được chế tạo từ những trang công văn bỏ đi.
Hai thành phần này sẽ được nghiền thành dạng bột và trộn lẫn với nhau, tạo nên loại giấy in tiền có màu xám xanh. Chính bởi vỏ dâu rất dày và thô, nên loại giấy ấy vô cùng khó làm giả.
Điêu khắc siêu nhỏ
Quá trình làm tiền giấy của triều đại nhà Minh còn xuất hiện một kỹ thuật vô cùng tinh xảo, có tên là "Vi Điêu" (điêu khắc siêu nhỏ).
Những người thợ Vi Điêu đều tinh thông hội họa, thư pháp, điêu khắc… Họ sẽ chịu trách nhiệm tạo tác nên những hoa văn phong phú, đa dạng hoặc phác họa lại một số câu chuyện lịch sử lên bản mẫu để in tiền.
Do kỹ thuật này đòi hỏi người thực hiện phải có trình độ rất cao, nên việc làm giả vào thời bấy giờ gần như là bất khả thi.
Những con dấu đặc biệt
Mặt phải của tiền giấy thời nhà Minh sẽ được đóng chồng hai dấu quan ấn màu hồng. Mặt trái cũng có hai con dấu, một là dấu ấn của quan ấn, hai là mệnh giá tiền được in bằng mực dầu.
Những con dấu này đều được thiết kế các ký hiệu ngầm để chống làm giả. Hơn nữa, mực ấn còn được thêm vào thành phần đặc biệt.
Thông thường, các con dấu chỉ được dùng mực chu sa. Nhưng riêng dấu in tiền lại dùng mực có trộn thêm chì sunfua nên rất khó có thể giả mạo.
Xử tử kẻ làm giả
Trên mặt phải của tiền giấy thời Minh đều có in các điều luật, trong đó ghi rõ kẻ làm giả tiền của triều đình sẽ bị tử hình, mà người phát hiện và tố cáo sẽ được trọng thưởng.
Không khó để nhận ra rằng, các biện pháp phòng chống tiền giả thời nhà Minh phức tạp, tỉ mỉ và kín đáo hơn rất nhiều. So với những triều đại trước, đây được coi là vương triều sở hữu những tờ tiền giấy có kỹ thuật chế tạo tinh vi và tiến bộ hơn cả.