Đêm 9/6 rạng sáng 10/6, Nga tiến hành một cuộc tấn công tên lửa vào Căn cứ Không quân Mirgorod ở Vùng Poltava, nơi đóng quân của Lữ đoàn Hàng không Chiến thuật số 40 với các máy bay chiến đấu MiG-29.
Theo thông cáo báo chí của Không quân Ukraine, Nga đã tấn công căn cứ Mirgorod bằng tên lửa đạn đạo Iskander-M và tên lửa hành trình Iskander-K cùng máy bay không người lái (UAV) Geran-2.
Tên lửa Iskander. Ảnh: Eurasian Times
Nga được cho là đã phóng tổng cộng 8 tên lửa đất đối đất và 35 UAV Geran-2 từ khu vực bờ biển phía Đông Biển Azov. Một số tên lửa và UAV nhắm vào các mục tiêu ở khu vực Odessa và Kharkiv.
Người đứng đầu Vùng Poltava Dmytro Lunin cho hay, cuộc tấn công đã làm hư hại cơ sở hạ tầng sân bay và một số thiết bị khác.
Theo Military Informant, các vệ tinh của NASA đã ghi lại 2 vụ nổ lớn vào lúc 3h39 sáng 10/6 tại căn cứ không quân Mirgorod. Căn cứ vào cách bố trí của cơ sở này cũng như tọa độ của các vụ nổ trên ảnh vệ tinh, có vẻ như các kho chứa nhiên liệu và đạn dược dưới lòng đất đã bị tấn công.
Nga sử dụng tên lửa Iskander khi cần tấn công các mục tiêu kiên cố và chắc chắn. Tên lửa Iskander-M có khả năng thay đổi quỹ đạo, đạt vận tốc siêu thanh ở giai đoạn cuối. Do đó, tên lửa này không thể bị đánh chặn, đồng thời có khả năng xuyên phá vá sức công phá lớn, khiến nó cực kỳ phù hợp để phá hủy các cơ sở lưu trữ dưới lòng đất.
Iskander-K là tên lửa hành trình có độ quan sát thấp (tàng hình) và khó bị đánh chặn. Tuy nhiên, tốc độ chậm hơn khiến nó phù hợp để tấn công các mục tiêu trên bề mặt.
Chiến dịch tấn công phủ đầu hàng không
Cuộc tấn công của Nga vào căn cứ Poltava là nhằm hạn chế khả năng máy bay chiến đấu MiG-29 của Không quân Ukraine (UAF) thực hiện các cuộc tấn công chống lại lực lượng Nga. Cuộc tấn công như vậy của Moscow được gọi là tấn công phủ đầu hàng không.
UAF sử dụng máy bay chiến đấu MiG-29 để tấn công các trạm radar phòng không của Nga bằng tên lửa HARM và có thể tấn công các trung tâm chỉ huy và kiểm soát của Moscow bằng bom lượn JDAM-ER.
Trước đây, UAF đã phối hợp thành công các cuộc tấn công của MiG-29 với tên lửa HARM và các cuộc tấn công của Su-24MR với tên lửa Storm Shadow.
Cuộc tấn công của Nga vào căn cứ Poltava là cuộc tấn công phủ đầu hàng không thứ ba. Trước đó, Moscow đã tấn công 2 căn cứ không quân khác của Ukraine có đặt máy bay Su-24MR, loại tiêm kích sử dụng để phóng tên lửa Storm Shadow mà Anh cung cấp cho Kiev.
Nga tấn công căn cứ không quân Kanatove
Đêm 4/6, Nga tấn công tên lửa vào căn cứ không quân Kanatove gần Kirovograd.
Bộ Quốc phòng Nga cho biết: “Lực lượng vũ trang Nga đã tiến hành một cuộc tấn công tầm xa bằng vũ khí có độ chính xác cao nhằm vào các mục tiêu của đối phương tại các sân bay quân sự. Mục tiêu của cuộc tấn công đã đạt được. Các sở chỉ huy, trạm radar, thiết bị hàng không Ukraine, cũng như kho đạn dược đã bị đánh trúng”.
Máy bay Su-24 của Ukraine. Ảnh: Eurasian Times
Phía Ukraine đưa tin: “Từ 1h đến 4h sáng 4/6/2023, các lực lượng Nga đã sử dụng 5 UAV Geran-2 từ vùng Bryansk, cũng nhưng phóng 6 tên lửa hành trình Kh-101/Kh-555 từ 6 máy bay chiến lược Tu-95MS từ khu vực Caspi”.
Ông Yuriy Ignat, Người phát ngôn Lực lượng Không quân Ukraine tuyên bố 2 tên lửa của Nga đã bắn trúng sân bay.
Các blogger quân sự Nga đưa tin, 2máy bay ném bom Su-24MR của UAF từng phóng tên lửa Storm Shadow (do Anh cung cấp) vào một tòa nhà hành chính đã bị phá hủy.
Cuộc tấn công vào căn cứ Starokostiantyniv ở Khmelnytsky
Ngày 29/5, Nga tấn công căn cứ không quân Starokostiantyniv ở vùng Khmelnytsky, nơi đặt các máy bay ném bom chiến đấu Su-24MR.
Theo các nguồn tin chính thức của Ukraine, 5 máy bay, một kho nhiên liệu và đạn dược đã ngừng hoạt động, đường băng bị hư hại nghiêm trọng. Sau cuộc tấn công vào Starokostiantyniv và Kanatove, các cuộc tấn công do Ukraine thực hiện với tên lửa Storm Shadow đã giảm đi rõ rệt.
Nga không tấn công các đường băng
Có một điều đáng chú ý là Nga không tấn công các đường băng tại các căn cứ không quân của Ukraine, ít nhất là không cố ý làm như vậy.
Thực tế, sau hầu hết các cuộc tấn công, các đường băng được đưa vào hoạt động trở lại trong thời gian ngắn hơn so với thời gian bên tấn công lập kế hoạch và thực hiện một cuộc tấn công vào đường băng. Điều đó là nhờ xi măng ninh đống cứng nhanh.
Mục đích của Nga
Lực lượng Ukraine đã cố gắng chọc thủng phòng tuyến thủ của Nga bằng các xe thăm dò bộ binh trong hơn một tuần qua.
Cho đến nay, Kiev vẫn chưa đạt được thành công. Tuy nhiên, với số lượng binh lính và hệ thống vũ khí tinh vi được phương Tây cung cấp, có khả năng cuối cùng Ukraine cũng sẽ chọc thủng điểm yếu trong hệ thống phòng thủ của Nga và thiết lập được một bàn đạp ổn định giữa các vị trí phòng thủ của Nga.
Nếu làm được như vậy, đó sẽ là thời điểm để Không quân Ukraine vào cuộc và không ngừng tấn công các tuyến liên lạc mặt đất (GLOC) của Nga bằng bom JDAM-ER cũng như tên lửa Storm Shadow và HARM. Mục đích là cô lập các lực lượng Nga khỏi các nguồn cung cấp và khiến họ rơi vào tình trạng hỗn loạn.
Các cuộc tấn công phủ đầu hàng không hiện tại của Nga nhằm mục đích hạn chế khả năng hỗ trợ phản công của UAF trong trường hợp Ukraine có thể đột phá.
Các chiến dịch phủ đầu hàng không hiện đại có hiệu quả nhất khi nó nhằm mục đích phá hủy các kho đạn dược và nhiên liệu. Nếu không có các kho đạn dược và nhiên liệu, khả năng tiến hành không kích sẽ bị hạn chế.
Với việc các lực lượng Ukraine đã bố trí gần chiến tuyến, các lực lượng Nga đã chuyển trọng tâm từ việc ngăn chặn các đường tiếp tế thông qua các cuộc tấn công sâu bên trong Ukraine sang chiến dịch phủ đầu hàng không nhằm làm suy yếu khả năng tấn công của UAF.
Tuy nhiên, để các cuộc tấn công phủ đầu hàng không thực sự hiệu quả, chúng phải được duy trì liên tục. Nga sẽ phải tấn công các căn cứ không quân của Ukraine gần như hàng ngày để đảm bảo UAF không thể tham chiến cùng với lực lượng mặt đất.