Một nhóm nhà khoa học người Mỹ tuyên bố đã giải mã thành công một bí ẩn được giới chuyên môn theo đuổi nhiều thập kỷ ở Biển Chết : đó là thảm "tuyết" kỳ lạ tích tụ trong khu vực và đang ngày một dày thêm dưới đáy biển.
Tuyết của Biển Chết… không hẳn là tuyết, mà chính là một lượng muối khổng lồ tích tụ năm này sang năm khác. Theo giáo sư Eckart Meiburg (Đại học California ở Santa Barbara – UCSB, Mỹ), một trong các tác giả, họ đã nắm bắt được hiện tượng gọi là "ngón tay muối", thứ chậm rãi tạo nên một thảm tuyết mặn dưới đáy biển.
"Tuyết muối" trên bờ biển Chết, thường tồn tại trong mùa đông. Dưới đáy Biển Chết cũng có loại tuyết này nhưng tồn tại lâu dài hơn - ảnh: SHUTTERSTOCK
"Ngón tay muối" được tạo ra bởi những xáo trộn gần như không thể phát hiện được ở các tầng nước phía trên. Lớp nước ấm phía trên của Biển Chết bị kích động nên đã nhẹ nhàng nhúng những "ngón tay" mảnh khảnh và mặn đắng của mình xuống tầng nước mát hơn bên dưới.
Tuy nhiên, ở nhiệt độ thấp hơn, nồng độ bão hòa của nước muối bị giảm xuống, đồng nghĩa với việc số nước trong "ngón tay muối" không thể ngậm tất cả muối mà nó từng sở hữu ở khu vực ấm hơn. Lượng muối này bị "nhả" ra, kết tủa và chìm xuống đáy.
Hiện thảm "tuyết" mặn đắng và ấm áp hơn tuyết bình thường của Biển Chết đang dày khoảng 4 mét và tăng độ dày lên khoảng 10 cm/năm.
Các dụng cụ nhúng xuống Biển Chết bám đầy "tuyết muối" - ảnh: Geological Survey of Israel
Khác với các vùng "tuyết muối" phủ gần bờ, vốn có xu hướng hình thành trong mùa đông và tan trong mùa hè, "tuyết muối" bí ẩn dưới đáy hồ sẽ tồn tại lâu dài. Nhóm nghiên cứu cũng không tìm thấy bất kỳ hồ nước mặn nào khác trên trái đất sở hữu kiểu trao đổi muối bất thường này.
Biển Chết giáp Bờ Tây Palestine, Israel và Jordan, là vùng biển mặn nhất thế giới với độ mặn gấp 10 lần mức trung bình của các đại dương khác trên trái đất. Ước tính Biển Chết có tuổi đời hàng ngàn năm. Kể từ năm 1960, các hệ thống thủy lợi xung quanh đã chuyển hướng dòng nước ngọt của Biển Chết làm nước bay hơi không được bổ sung, khiến nó ngày một tăng độ mặn.
(Theo Live Science)