Giải mã trào lưu 'nhảy việc' của giới trẻ - Kỳ cuối: Làm gì để tránh ngã đau?

Việt Khôi |

Nhảy việc thể hiện cả khía cạnh tích cực lẫn tiêu cực của thế hệ lao động trẻ hiện nay. Vậy nên câu hỏi đặt ra cho người trẻ không phải là có nên nhảy việc hay không, mà là nhảy thế nào để tránh những cú ngã đau.

Có những cú nhảy được chuẩn bị kỹ càng

Hiện có nhiều bạn trẻ nhảy việc một cách có mục đích và kế hoạch. Với họ, nhảy việc giúp họ khám phá ra những khả năng tiềm ẩn của bản thân, từ đó định hướng được con đường sự nghiệp của mình nhanh hơn.

Từ khi còn học tại Học viện Báo chí và Tuyên truyền, Trần Mẫn Linh (sinh năm 1998, sống tại phường Khương Mai, quận Thanh Xuân, Hà Nội) đã bắt đầu làm công việc tiếp thị nội dung (content marketing) để nâng cao kỹ năng viết. Trong 4 năm đại học, cô đã làm ở khoảng 10 công ty thuộc các lĩnh vực khác nhau: nội thất, giáo dục, sách, môi trường… “Mình nhảy việc để mình tìm hiểu sự khác biệt về nhu cầu của từng đối tượng khách hàng, từ đó biết tạo nội dung phù hợp để thu hút họ. Đây còn là bước đệm để mình bước chân vào nghề báo sau này. Vì khi viết báo, việc nắm bắt tâm lý và nhu cầu của độc giả cũng rất quan trọng”, Linh chia sẻ.

Giải mã trào lưu nhảy việc của giới trẻ - Kỳ cuối: Làm gì để tránh ngã đau? - Ảnh 1.

Trần Mẫn Linh trong một buổi thuyết trình tại Đại học Fulbright Việt Nam

Sau khi tốt nghiệp, Linh đầu quân cho một tòa soạn lớn như kế hoạch ban đầu. Nhưng không lâu sau, cô mới nhận ra mình không thực sự phù hợp với công việc này. Cô muốn được làm việc trong môi trường trẻ trung và năng động hơn, được đi xa để khám phá những vùng đất mới, gặp và nói chuyện với những người lạ nhiều hơn. Cuối cùng, Linh chấp nhận chia tay công việc được xem là đúng ngành, đúng nghề để đi theo tiếng gọi của con tim, đó là các dự án phát triển cộng đồng và phát triển bền vững. Giờ đây, cô đang có việc làm ổn định tại một tổ chức phi chính phủ chuyên triển khai các dự án phát triển bền vững của Đức cùng tấm bằng Thạc sĩ Chính sách công của Đại học Fulbright Việt Nam trong tay.

Cũng như Mẫn Linh, Bùi Việt (sinh năm 1994) coi nhảy việc là một phần không thể thiếu. Tốt nghiệp đại học năm 2013, Việt bắt đầu sự nghiệp trong ngành âm nhạc ở thể loại âm nhạc điện tử (EDM) với vai trò DJ. Việt còn kinh doanh thiết bị, phụ kiện cho DJ và tham gia tổ chức các sự kiện âm nhạc. “Hồi đó, mình nhảy liên tục giữa các quán bar. Chỉ tính những quán bar, club mình ký hợp đồng cũng phải hơn 10 chỗ rồi”, Việt chia sẻ. “Mỗi quán bar, club sẽ có một kiểu chơi nhạc khác nhau, một văn hóa giải trí khác nhau, vì vậy một DJ cần phải trải nghiệm thật nhiều để biết cách chọn nhạc, chơi nhạc, thậm chí là chọn trang phục phù hợp khi tới biểu diễn tại những môi trường khác nhau”.

Theo khảo sát của Anphabe - một công ty chuyên cung cấp số liệu, thống kê về thị trường tuyển dụng, việc làm tại Việt Nam, 52% gen Z đã thực tập hoặc đi làm ngay từ khi còn ngồi trên ghế nhà trường, trong đó 40% bắt đầu công việc trong hai năm đầu đại học. Dù còn đang đi học, có tới 91% gen Z tự tin là họ biết rõ mình thích hoặc không thích làm việc trong lĩnh vực nào.

Nhưng rồi COVID-19 ập đến, khiến mọi công việc của Việt gần như bị đóng băng. Đến khi không thể trụ lại nữa, Việt đành bỏ nghề DJ. Anh chọn công việc thiết kế đồ họa vì từng tốt nghiệp bằng giỏi tại Đại học Kiến trúc Hà Nội.

Sang ngành nghề mới, Việt vẫn giữ nguyên “chiến thuật” nhảy việc: làm ở nhiều công ty thuộc các lĩnh vực khác nhau như nhà hàng, du lịch, nội thất, y tế, âm nhạc… Việt cho rằng, người làm thiết kế cần phải trải qua nhiều môi trường làm việc khác nhau , trải nghiệm nhiều phong cách thiết kế khác nhau, tiếp xúc với nhiều đối tượng khách hàng khác nhau. “Đến giờ, mình vẫn không thấy hối hận về quyết định nhảy việc nào. Vì mỗi lần nhảy là một lần bản thân mình phát triển hơn ngày hôm qua”, Việt chia sẻ.

Cần nhảy đúng lúc, dừng đúng chỗ

Theo Tiến sĩ (TS) giáo dục Nguyễn Tùng Lâm, ở khía cạnh tích cực, nhảy việc thể hiện sự chủ động, tự lập của thế hệ lao động trẻ hiện nay. Họ tự đề xuất những yêu cầu về tính chất công việc, môi trường làm việc và mức lương mà họ cho là xứng đáng với năng lực, nếu nơi làm việc không thể đáp ứng thì họ sẽ không ngần ngại nhảy việc ngay. Điều đó cho thấy thế hệ trẻ hiện nay dám trải nghiệm, dám thay đổi để tìm công việc phù hợp với đam mê, năng lực của bản thân và biết cách bảo vệ quyền lợi của mình.

Giải mã trào lưu nhảy việc của giới trẻ - Kỳ cuối: Làm gì để tránh ngã đau? - Ảnh 3.

Một buổi biểu diễn của Bùi Việt khi anh còn là một DJ

“Theo tôi, nhiều khi người ta cần phải trải qua nhiều môi trường với nhiều thử thách khác nhau thì mới tìm ra được những khả năng tiềm ẩn của bản thân. Nếu chấp nhận ở lại một nơi không phù hợp, họ sẽ không thể khai phá được khả năng tiềm ẩn của mình,” TS Lâm nói.

Tuy vậy, vẫn còn đó những khía cạnh tiêu cực. Theo TS Lâm, nhiều bạn trẻ do không biết được sở trường của mình là gì, không xác định được mục tiêu sự nghiệp trong tương lai, cộng thêm sự nông nổi, non nớt của tuổi trẻ nên thường xuyên nhảy việc. Họ thích chạy theo những công việc đang trở thành xu hướng (giới trẻ hay gọi là chạy theo trend) để tìm kiếm những lợi ích nhất thời mà không có chính kiến của bản thân.

“Tôi khuyên các bạn trẻ nên gắn bó với những công việc giúp các bạn được thoải mái thể hiện bản thân và được người khác tôn trọng. Những công việc đó sẽ giúp các bạn tiến xa trong tương lai”, TS Lâm nói.

Theo TS giáo dục Nguyễn Thụy Anh, việc người trẻ mong muốn làm công việc đúng với chuyên môn là tốt, nhưng không nên vì vậy mà từ chối mọi thứ không phải chuyên môn hoặc trách nhiệm của mình. Vì ở bất cứ công ty hoặc cơ quan nào đều sẽ có những việc phát sinh ngoài ý muốn, vậy nên việc hy sinh một chút thời gian để cùng nhau giải quyết là điều nên làm. Sự giúp đỡ, tương trợ lẫn nhau sẽ làm mối quan hệ đồng nghiệp gắn bó, thân thiết hơn, tạo nền tảng quan trọng để xây dựng một công ty vững mạnh.

Bên cạnh đó, kỹ năng tìm việc làm cũng là điều người trẻ cần trau dồi, TS. Thụy Anh nói. Đầu tiên, người trẻ cần chọn những nền tảng môi giới uy tín để tìm việc làm như TopCV, VietnamWorks…, tránh những nền tảng, ứng dụng không có chức năng tuyển dụng. Bên cạnh đó, người trẻ cần phải tìm hiểu kỹ thông tin về công ty hoặc cơ quan mình định vào làm việc trước khi nộp hồ sơ, và hiểu rõ Luật Lao động để biết cách bảo vệ quyền lợi của mình.

“Trải nghiệm nhiều công việc, nhiều vị trí là điều cần thiết trong những năm đầu sự nghiệp, nhưng theo tôi, sau khi đã đến độ tuổi lập gia đình, các bạn trẻ cần phải có một công việc ổn định. Bởi nếu phạm sai lầm ở giai đoạn này, cái giá phải trả sẽ lớn hơn bởi những áp lực từ gia đình, con cái… Càng lớn tuổi, cơ hội để người ta làm lại từ đầu càng ít hơn”, TS Thụy Anh nhận định.

Đường dây nóng: 0943 113 999

Soha
Báo lỗi cho Soha

*Vui lòng nhập đủ thông tin email hoặc số điện thoại