Giải mã trào lưu 'nhảy việc' của giới trẻ - Kỳ 1: Chỉ để tăng trải nghiệm (?!)

Việt Thắng |

Hiện nay, chuyện những người trẻ dưới 30 tuổi “nhảy việc” đang trở nên phổ biến như một trào lưu. Nên nhìn nhận hiện tượng này như thế nào?

Vài tháng nhảy việc một lần

Trong 3 năm từ khi tốt nghiệp đại học, Trương Thành Nam (sinh năm 1998, sống ở phường Nhân Chính, quận Thanh Xuân, Hà Nội) đã làm việc ở 7 công ty khác nhau . Lâu nhất là 2 năm, nhanh nhất là vài tuần, tính trung bình mỗi công ty, Nam chỉ gắn bó được vài tháng. Nói về lý do nhảy việc nhiều lần, Nam thẳng thắn thừa nhận mình không phải người kiên trì, nên nếu gặp khó khăn với công việc hiện tại (ví dụ như nơi làm việc quá xa nơi ở, mức lương không đúng với mong đợi, không hoà nhập được với đồng nghiệp…) là cậu sẽ tìm cách “nhảy” ngay.

Giải mã trào lưu nhảy việc của giới trẻ - Kỳ 1: Chỉ để tăng trải nghiệm (?!) - Ảnh 1.

Tìm hiểu kỹ thông tin về nơi làm việc trước khi nộp hồ sơ là kỹ năng người trẻ cần phải có nếu muốn nhảy việc

Nam cho biết, một số công ty không cho Nam cơ hội được làm đúng chuyên môn , hoặc chỉ giao cho cậu những công việc mang tính chất thời vụ (chẳng hạn như viết những nội dung lặp đi lặp lại, không có tính sáng tạo…), chứ không có đường hướng phát triển sự nghiệp rõ ràng cho nhân viên. Có trường hợp công ty không bảo đảm đúng quyền lợi cho người làm, chẳng hạn như ép nhân viên làm thêm ngoài giờ mà không trả lương hoặc không đóng bảo hiểm xã hội cho những nhân viên mới vào làm như cậu… “Tuy vậy, nhảy việc giúp mình học được nhiều kỹ năng mềm, tạo dựng được nhiều mối quan hệ, tích luỹ được nhiều kinh nghiệm và kiến thức để tìm được công việc phù hợp hơn sau này. Mặc dù nhảy việc làm gián đoạn con đường sự nghiệp của mình, nhưng mình chấp nhận điều đó. Mình chưa tìm được người dẫn dắt sự nghiệp, nên phải tự vấp ngã để trưởng thành”, Nam tâm sự.

Theo khảo sát của Anphabe, một công ty chuyên cung cấp số liệu, thống kê về thị trường tuyển dụng việc làm tại Việt Nam, 62% các bạn trẻ gen Z (15 đến 25 tuổi) ở Việt Nam nhảy việc ngay trong năm làm việc đầu tiên, nhiều bạn thậm chí còn nhảy việc vài lần trong 1 năm ngay khi ra trường.

Bạn bè của Nam cũng không ít người nhảy việc. Nhiều người "nhảy" không quen, sập bẫy lừa. “Chẳng hạn như hồi trước, một người bạn bỗng dưng gọi điện xin vay mình 5 triệu đồng. Mình gặng hỏi mãi, cô ấy mới kể là vừa dính bẫy lừa đảo tuyển dụng. Cụ thể, bạn mình vừa đăng ký làm cho một công ty tài chính. Công ty này yêu cầu phải tải ứng dụng Telegram về, vào nhóm do họ lập ra rồi nạp tiền để hoàn thành các nhiệm vụ lấy tiền thưởng. Bạn mình nạp 5 triệu đồng để hoàn thành nhiệm vụ đầu tiên, nhưng mãi không thấy phần thưởng đâu nên mới biết là bị lừa”.

Giải mã trào lưu nhảy việc của giới trẻ - Kỳ 1: Chỉ để tăng trải nghiệm (?!) - Ảnh 3.

Trương Thành Nam với công việc hiện tại của mình - sáng tạo nội dung cho một công ty truyền thông

Áp lực từ gia đình

Với Nguyễn Tùng Anh (sinh năm 1999, tên nhân vật đã được thay đổi), điều cậu cần nhất trong những năm đầu sự nghiệp là một người có thể dẫn dắt tới thành công. “Mình làm trong ngành thiết kế game. Ước mơ của mình sau này là trở thành một nhà thiết kế game có phong cách riêng, chuyên làm việc với dòng game MOBA (game chiến đấu trực tuyến có nhiều người tham gia, chẳng hạn như game Liên Quân Mobile). Vì vậy, mình rất muốn được học hỏi từ những người giỏi hơn”, Tùng Anh chia sẻ.

Tuy vậy, sau 4 lần “nhảy việc” ở 5 công ty sản xuất game khác nhau, Tùng Anh vẫn chưa gặp được người thầy của mình. Đa số công ty mà Tùng Anh từng làm chỉ tập trung sản xuất các loại game mang tính “mì ăn liền” vì lợi nhuận trước mắt, nên sẽ ưu tiên nguồn nhân lực ngắn hạn, chứ không coi trọng những người có tham vọng, muốn phát triển sự nghiệp lâu dài. Tùng Anh cho biết, những nơi như vậy không thể có một người thầy giỏi.

Và rồi những áp lực từ phía gia đình bắt đầu tới. Phụ huynh của Tùng Anh thường xuyên than phiền rằng cậu trưởng thành rồi mà vẫn lông bông, nay làm chỗ này mai làm chỗ nọ, thiếu trách nhiệm với gia đình và bản thân. Chưa kể tới áp lực đồng trang lứa khi bản thân Tùng Anh cũng thấy nhiều bạn bè đã sớm ổn định công việc, có người đã lập được gia đình, còn anh vẫn đang loay hoay tìm đường để đi, tìm người để học.

Giải mã trào lưu nhảy việc của giới trẻ - Kỳ 1: Chỉ để tăng trải nghiệm (?!) - Ảnh 4.

Nhảy việc còn được cho là có thể giúp người trẻ học được nhiều kỹ năng mềm, tạo dựng được nhiều mối quan hệ, tích luỹ được nhiều kinh nghiệm và kiến thức

Hiểu rằng chỉ có người học trò xứng đáng mới gặp được người thầy giỏi, Tùng Anh đã tự đăng ký học những khoá học thiết kế đồ hoạ để cải thiện năng lực. Cậu học và làm việc trung bình 8-12 tiếng/ngày. Gần như ngày nào cũng là một hành trình lặp đi lặp lại giữa 3 nơi: nhà, công ty và lớp học, nếu may mắn thì chỉ có tối chủ nhật là cậu được ra ngoài gặp bạn bè. Nhưng như vậy vẫn là chưa đủ để Tùng Anh khiến bố mẹ hài lòng.

“Bố mẹ muốn mình đi theo một con đường khác đã được trải thảm đỏ. Nhưng mình từ chối vì không cảm thấy hạnh phúc với con đường đó. Mình muốn tự do làm điều mình thích. Nhưng phải tự lo thì mới tự do được. Vậy nên chừng nào chưa tìm được người thầy trong nghề, mình sẽ tiếp tục “bơi” một mình…”, Tùng Anh chia sẻ.

Khảo sát xu hướng người đi làm khu vực châu Á -Thái Bình Dương của LinkedIn - nền tảng tuyển dụng việc làm hàng đầu thế giới cho thấy: Người lao động kỳ vọng nhiều nhất ở môi trường làm việc về yếu tố cân bằng công việc và cuộc sống, nhưng đây lại là điểm yếu nhất của các doanh nghiệp tại khu vực này. Cụ thể, họ cung cấp nhiều nhất yếu tố "công việc thách thức" cho nhân viên, gây ra tình trạng kiệt sức (burned out) nơi công sở và khiến nhiều người phải nhảy việc hơn.

Đường dây nóng: 0943 113 999

Soha
Báo lỗi cho Soha

*Vui lòng nhập đủ thông tin email hoặc số điện thoại