Bài viết dưới đây sẽ chia sẻ về một vài cách thức ướp xác độc đáo thời cổ đại của những người phụ nữ quý tộc, có thân phận cao quý.
Bài 1: Xác ướp mỹ nhân quý tộc: Công nghệ ướp xác bậc thầy, thách thức thời gian
Các loại mô của xác ướp được bảo quản cẩn thận, có thể chứ đựng một kho tàng thông tin, chẳng hạn như những căn bệnh mà người được ướp xác từng mắc phải, chế độ dinh dưỡng, thông tin di truyền.
Đặc biệt, trong nhiều trường hợp, chúng còn tiết lộ manh mối về địa vị xã hội, nền văn hóa trong thời gian họ sinh sống. Nhắc đến xác ướp, tâm trí của chúng ta có thể nghĩ ngay đến Ai Cập, xứ sở của kim tự tháp.
Tuy nhiên, không riêng gì Ai Cập, nhiều nền văn hóa trên thế giới cũng có hình thành và phát triển các kỹ thuật, công nghệ ướp xác để ngăn chặn sự phân hủy trên di hài của người quá cố.
Đặc biệt, một số quốc gia còn cho rằng xác ướp được bảo quản tốt, có mối liên hệ giữa thân thể và linh hồn bất tử, và điều này cho thấy sự gắn kết khi họ bước sang thế giới bên kia.
Trong nhiều nền văn hóa, việc ướp xác cũng được cho là một dấu hiệu biểu tượng cho quyền lực và địa vị trong xã hội. Những công đoạn để ướp xác cho một thi hài thường mất rất nhiều thời gian, công sức và tiền bạc.
Điều này có nghĩa là quy trình tốn kém này không phải ai cũng có cơ hội được tiến hành. Việc được ướp xác phức tạp, xa hoa với độ khó cao, có thể cho những người khác hay hậu thế biết được rằng người đó được tôn kính và ngưỡng mộ.
Xác ướp pharaoh Tutankhamun và hình ảnh phục dựng. Ảnh: Internet
Ngoại trừ Pharaoh Tutankhamun được cho là xác ướp nổi tiếng nhất, các nhà nghiên cứu cũng tìm thấy những xác ướp nổi tiếng (đa phần là nữ) ở nhiều nơi trên thế giới, với độ hoàn hảo đáng kinh ngạc.
Họ được ướp xác bằng những công nghệ "bậc thầy", trở thành cầu nối văn hóa đặc biệt giữa quá khứ và hiện tại. Khi còn sống, họ là những người phụ nữ có vai trò quan trọng, địa vị xã hội cao, và ngay cả khi đã chết, tầm ảnh hưởng thậm chí còn hơn thế nữa.
1. Xác ướp mỹ nhân: Còn nguyên tóc, máu và da vẫn đàn hồi
Đây là xác ướp của một nữ quý tộc thời nhà Hán, qua đời vào khoảng thế kỷ thứ 2 TCN. Theo đó, vào năm 1972, các nhà khảo cổ vô cùng kinh ngạc khi phát hiện xác ướp được bảo tồn hoàn hảo, vẫn còn vẹn nguyên da và tóc dù đã qua đời hơn 2.000 năm ở tỉnh Hồ Nam, Trung Quốc.
Nữ quý tộc này được xác định là Tân Truy phu nhân. Bà qua đời khi mới 50 tuổi và là phu nhân của một vị quan thời nhà Hán.
Xác ướp của Tân Truy phu nhân được coi là một trong những xác ướp hoàn hảo nhất từng được tìm thấy trên thế giới. Ảnh: Dailymail
Ngôi mộ của Tân Truy phu nhân được một nhóm công nhân tìm thấy trong một sườn đồi thuộc tỉnh Hồ Nam (Trung Quốc) khi họ đang đào hầm trú ẩn. Trong ngôi mộ của nữ quý tộc xinh đẹp còn chứa nhiều cổ vật, đồ dùng làm đẹp, hộp đựng thức ăn yêu thích và đồ bồi táng có giá trị lớn.
Nhan sắc thuộc hàng mỹ nhân và khí chất cao quý của phu nhân Tân Truy sau khi được phục dựng. Ảnh: Internet
Điều khiến các nhà nghiên cứu bất ngờ là xác ướp gần như vẫn giữ được vẻ vẹn nguyên ban đầu với những đường nét gương mặt sắc nét như mắt, mũi, miệng, mái tóc và làn da mềm mịn.
Thậm chí, tĩnh mạch của xác ướp Tân Truy phu nhân còn đầy máu và gần như tất cả các mô mềm, cơ quan nội tạng của người phụ nữ quý tộc này vẫn còn nguyên vẹn. Da của xác ướp thậm chí vẫn còn đủ đàn hồi, mềm dẻo để các nhà nghiên cứu có thể cử động khớp chân, tay.
Xác ướp Tân Truy phu nhân hiện được bảo quản và trưng bày tại tại Bảo tàng tỉnh Hồ Nam, Trung Quốc. Ảnh: Hunan Provincial Museum
Theo các nhà nghiên cứu, Tân Truy phu nhân được coi là một trong những xác ướp được bảo tồn tốt nhất trên thế giới, đến nỗi các bác sĩ Trung Quốc còn có thể tiến hành khám nghiệm tử thi sau khi người phụ nữ này qua đời đã hơn 2.000 năm.
Theo các nhà nghiên cứu nhận định rằng dường như Tân Truy phu nhân có một cuộc sống vương giả, sung túc khi còn sống.
Tuy nhiên, kết quả khám nghiệm tử thi cho thấy, dù qua đời ở độ tuổi 50, nhưng các chuyên gia phát hiện bà gặp nhiều biến chứng về sức khỏe, bao gồm tiểu đường, tăng huyết áp, cholesterol cao, bệnh sán máng, bệnh tim nặng và nhiễm ký sinh trùng.
Mang nhiều căn bệnh nguy hiểm trong người, nhưng Tân Truy phu nhân vẫn duy trì lối sống xa hoa của bà cho tới tận khi sức khỏe sa sút nghiêm trọng.
Charles Higham, một chuyên gia tại ĐH Otago (New Zealand), nghiên cứu về xác ướp Tân Truy phu nhân, tin rằng: "Bà ấy có lẽ đã quá chén trong một bữa tiệc, sau đó đột ngột bị đau tim và ra đi".
Dù được chôn cất trong một ngôi mộ lớn có cả chồng và con trai, nhưng rõ ràng xác ướp của Tân Truy phu nhân được bảo quản tốt nhất.
Phương pháp ướp xác và bảo quản thi hài của Tân Truy phu nhân cũng rất đặc biệt.
Không loại bỏ nội tạng như những cách ướp xác thông thường, nhưng xác ướp của nữ quý tộc này vẫn vô cùng hoàn hảo.
Thi hài của Tân Truy phu nhân được ướp xác đặc biệt trong ngôi mộ xa hoa với nhiều đồ bồi táng quý giá. Ảnh: Getty Images
Theo đó, thi thể của bà được bọc 10 lớp vài lụa và đặt vào một trong bốn chiếc quan tài được lồng vào nhau, với bên ngoài được phủ lớp sơn mài.
Để giữ cho không khí, nước không thể xâm nhập vào cơ thể của vị phu nhân này, người ta đã bao bọc xung quanh hỗn hợp than củi và đất sét cao lanh (loại đất sét tinh khiết, mềm mịn và có màu trắng), dày tới hàng mét.
Tĩnh mạch của xác ướp thậm chí vẫn còn đầy máu. Ảnh: Lifeberrys
Bên cạnh đó, các nhà khảo cổ còn phát hiện thấy dấu vết của thủy ngân và hỗn hợp nhiều chất như chu sa, thạch tín,...
Những thứ kim loại độc chết người này được ngâm cùng nhau, tạo nên một dung dịch có màu đỏ đậm, được tin rằng có tác dụng diệt khuẩn, giúp bảo quản thi thể của Tân Truy phu nhân không bị phân hủy trong suốt hơn 2.000 năm qua.
Cận cảnh khuôn mặt xinh đẹp của Tân Truy phu nhân khi còn trẻ. Ảnh: Internet
Chuyên gia Higham nhận định: "Người Hán cho rằng nếu muốn đi vào thể giới bên kia và trở nên "bất tử", thì cơ thể của bạn phải được bảo vệ. Đương nhiên, họ cũng biết về sự phân hủy và đó là lý do tại sao họ lại bảo quản xác ướp của Tân Truy tốt đến như vậy".
Trên thực tế, xác ướp Tân Truy phu nhân không phải là trường hợp duy nhất. Theo đó, hầu hết các quý tộc người Trung Quốc trong thời nhà Hán đều cố gắng bảo quản thi hài của họ sau khi chết, nhưng rất ít trường hợp thành công.
Thậm chí, một số còn được đặt yên nghỉ ở trong quan tài ngọc bích, nhưng sự thực thì không phải ai cũng có "may mắn" tách biệt hoàn toàn khỏi tác động của môi trường như xác ướp xinh đẹp Tân Truy.
2. Xác ướp "trinh nữ băng" 2.500 năm tuổi ở Siberia
Được tìm thấy trong lớp băng vĩnh cửu trên dãy núi Altai của Siberia, xác ướp cô trinh nữ cổ đại 2.500 năm tuổi dường như không bị quấy rầy và vẫn còn vẹn nguyên những hình xăm đầy tính thẩm mỹ và nghệ thuật trên cánh tay.
Xác ướp "trinh nữ băng" 2.500 tuổi, còn vẹn nguyên cả hình xăm nghệ thuật. Ảnh: Siberiantimes
Khi Natalie Polosmak, nhà khảo cổ học người Nga và các cộng sự tìm thấy xác ướp vào năm 1993, họ đã rất bất ngờ và đặt tên cho phát hiện này là "công chúa" Ukok hay "công chúa" Siberia.
Xác ướp "công chúa" Siberia được tìm thấy trong một khu vực chôn cất quy mô, cho thấy vị trí quan trọng và cao quý của cô trong nền văn hóa Pazyryk (ở phía đông nam Siberia khoảng hơn 2.000 năm trước).
Bên cạnh đó, khi tiến hành khai quật khu vực này, các nhà khảo cổ ngạc nhiên khi phát hiện thấy hài cốt của sáu 6 con ngựa bồi táng vẫn còn nguyên yên ngựa và dây cương. Đây thực sự là một sự hy sinh tốn kém của người Pazyryk lúc bấy giờ vì họ có lối sống du mục.
Hình xăm tuyệt đẹp trên da của xác ướp "công chúa" Siberia vẫn còn nguyên vẹn sau hơn 2.000 năm. Ảnh: The Siberian Times
Nhóm khai quật cũng tìm thấy thi hài của một thiếu niên và một người đàn ông bị bị chấn thương ở vùng đầu, có lẽ là bị giết để nhằm mục đích đi cùng người con gái cao quý trên sang thế giới bên kia.
Xác ướp của cô gái trẻ được một chiếc áo lụa có nguồn gốc từ Ấn Độ bao bọc xung quanh, ngoài ra còn có túi đồ trang điểm và một túi nhỏ chứa đầy thuốc phiện.
Mặc dù chưa tới 30 tuổi, nhưng những hình xăm lộng lẫy, uy lực như sư tử, con hươu có đôi sừng lớn, thậm chí là sinh vật thần thoại như con báo có cánh,... cho thấy quyền lực và thân phận cao quý của xác ướp.
Theo các nhà nghiên cứu, rất có thể cô từng là một lãnh tụ tinh thần của người Pazyryk du mục từ khoảng 2.500 năm trước.
Dựa trên kết quả chụp cộng hưởng từ (MRI) và phân tích pháp y cho thấy, có thể "công chúa" Syberia đã phải trải qua những tháng cuối của cuộc đời trong đau đớn vì bệnh tật phát tác.
Hình ảnh phục dựng khuôn mặt của "công chúa" Siberia. Ảnh: Siberian Times
Lý giải về nguyên nhân xác ướp "trinh nữ băng" hay "công chúa" Siberia còn nguyên vẹn và thậm chí bảo quản hoàn hảo ngay cả những hình xăm trên cơ thể, các nhà nghiên cứu cho biết, việc chôn cất trong lớp băng vĩnh cửu, cũng như quy trình ướp xác phức tạp, dụng công đã giúp bảo quản xác ướp.
Cụ thể, đầu tiên, xương ức, sụn sườn và các cơ quan nội tạng của "công chúa" được loại bỏ và sau đó những cư dân Pazyryk đã thực hiện công đoạn tiếp theo bằng cách nhồi cỏ vào khoang cơ thể và khâu lại bằng lông đuôi ngựa.
Các chuyên gia phát hiện có cả thuốc phiện trong ngôi mộ băng của "công chúa" Siberia. Ảnh: Internet
Các nhà nghiên cứu cũng phát hiện bằng chứng về thủy ngân trên cơ thể của xác ướp. Đây có thể là cách để bảo vệ xác ướp.
Ngoài ra, việc đặt xác ướp trong ngôi mộ băng vĩnh cửu cũng giúp ngăn cản sự xâm nhập của vi khuẩn, đồng thời giữ nguyên vẹn nhiều hình xăm trên da với màu sắc đa dạng và mang tính biểu cảm cao.
Những hình xăm tuyệt đẹp trên cơ thể xác ướp. Ảnh: Siberian Times
Dựa trên kết quả chụp cộng hưởng từ (MRI), các nhà nghiên cứu phát hiện dấu vết khối u ác tình trên cơ thể cho thấy xác ướp "công chúa" Siberia 2.500 năm tuổi mắc phải bệnh ung thư vú.
Cô đã sử dụng thuốc phiện từ cây gai dầu nhằm giảm đau khi căn bệnh ung thư vũ phát tác. Đây cũng là lý do tại sao người ta lại để một túi thuốc phiện trong ngôi mộ yên nghỉ của xác ướp này.
Dựa theo phương pháp ướp xác và cách bài trí trong ngôi mộ băng cho thấy "trinh nữ băng" có vị trí cao quý và được người dân tôn kính. Ảnh: Siberian Times
Ngoài ra, các nhà khoa học của Học viện Y khoa Nga ở Novosibirsk cũng phát hiện ra rằng xác ướp của "trinh nữ băng" Siberia đã bị viêm tủy xương từ khi còn nhỏ, có thể chịu thương tổn ở hông và vai phải do việc ngã ngựa.
Trong khoảng thời gian bệnh tình phát tác, cô gái trẻ sử dụng thuốc phiện để làm xoa dịu cơn đau.
Tuy nhiên, việc dùng phương thức đặc biệt như thuốc phiện để chống chọi với bệnh tật có thể tạo ra trạng thái tinh thần khác, khiến nhiều người Pazyryk tin rằng "công chúa" của họ là một pháp sư, có khả năng giao tiếp với các linh hồn.
Hơn nữa, việc được chôn cất trong ngôi mộ băng vĩnh cửu với phương thức ướp xác đặc biệt, cũng như nhiều đồ bồi táng giá trị, đủ để thấy vị trí cao quý của "công chúa" Siberia và những người dân sống lâu năm ở khu vực này tin rằng xác ướp của cô sở hữu sức mạnh siêu nhiên.
Theo các nhà khảo cổ, xác ướp "công chúa" Siberia là một trinh nữ tự nguyện lựa chọn cuộc sống độc thân.
Cô có gương mặt và thân hình gầy gò, hốc hác do phải chống chọi với căn bệnh ung thư vú quái ác, nhưng được người Pazyryk tôn kính và có vị trí cao trong xã hội cách đây hơn 2.000 năm.
Tham khảo nguồn: Discovermagazine
CÒN NỮA...